Phạm trọng tội Ba-la-di và ý nghĩa sám hối (Kỳ 1)

TÂM NHÃN: “Phạm trọng tội Ba-la-di và ý nghĩa sám hối”

Trong dòng chảy tâm thức của nhân loại từ xa xưa và cho đến nay luôn chia thành hai hướng, một hướng chảy theo dòng chảy Luân hồi (Saṃsāra), là số chúng sinh tâm tư cấu bẩn phiền não, ngụp lặn trong bùn lầy ố trược. Hướng khác lưu chảy về Niết-bàn (Nirvāṇa), đây chỉ cho lớp người vượt thoát sinh tử, điều chỉnh ngã thức, chế ngự cảm xúc vị kỷ thô lậu.

Hướng chảy đầu tiên kiến trúc thành một xã hội thế tục, số đông nhận phận theo một thứ định mệnh dẫn dắt khôn lường bởi lòng ước muốn của tham, sân, si. Đôi khi chính lòng ham muốn thiếu kiểm soát đã tạo ra giông bão bất ngờ, hất tung cả số phận. Hoặc nói cách khác, một xã hội thế tục hấp dẫn với vỏ bọc bên ngoài diễm tuyệt, thật sự bên trong khổ đau, cạm bẫy, bất an… luôn rình rập con người. Dòng chảy thứ hai xây dựng một xã hội thu nhỏ, núp bóng trong rừng sâu, ẩn xa sau cổng viện, những con người mang chí nguyện theo đuổi đời sống tâm linh, giữ trọn lối sống nghèo khó và khiết tịnh. Nhưng trên con đường tìm đạo, với số ít tự mình giải thoát, vài cá nhân ưu việt, còn lại là những tâm hồn yếu đuối, bị chế ngự bởi thứ tội lỗi di truyền nguyên thủy, không thể diệt trừ bằng nổ lực tinh cần, dễ sa ngã trên con đường đạo. Để giúp họ trụ vững trên lộ trình tiến tu, những giới điều nghiêm khắc được quy chế. Tuy nhiên, giữ giới và phạm giới là lẽ thường tình đối với những người ngã thức còn non nớt, bản lĩnh nội tại suy nhược, và đối với kẻ té ngã không đủ khả năng đứng dậy thì sự trợ lực của người khác là cần thiết, tức đức Thích Tôn phương tiện khai phóng một con đường, khi phạm tội cho họ sám hối, cho họ cơ hội làm lại cuộc đời.

Mới đây có một vị thầy hỏi chúng tôi, phạm bốn tội ba-la-di có thể sám hối được không? Vì thầy này đọc một bài viết trên mạng điện toán, nội dung gợi mở phạm bốn tội ba-la-di có thể sám hối được. Tôi xem qua bài viết, nhận thấy tác giả luận chứng rất tỉ mỉ nhưng có chỗ chưa rõ hoặc hiểu nhầm. Chúng tôi xin phép nương ý chính của tác giả, trình bày lại cho sáng tỏ vấn đề. Thật sự giáo pháp nhà Phật u huyền, không ai tự đắc chính mình thấu hiểu tận tường. Kiến thức và tu chứng là hai phạm trù, người viết chưa hẳn là người giữ giới nghiêm mật, viết để cùng nhau học hỏi, viết để cùng nhau tu chỉnh lại mình.

I

1. Tội ba-la-di:

Tổng số điều khoản mà Phật quy chế cho chúng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni thọ trì trong các bộ luật ghi chép không giống nhau. Luật Tứ phần ghi, giới của tỳ-kheo là 250 giới, tỳ-kheo-ni 348 giới. Luật Ngũ phần: tỳ-kheo 251, tỳ-kheo-ni (theo Ngũ phần tỳ-kheo-ni giới bổn, T22n1423) 373, theo Quảng luật (T22n1421) 370. Luật Pāli: tỳ-kheo 227 giới, tỳ-kheo-ni 311 giới v.v… Trong đó nhóm tội ba-la-di là tội nặng nhất.

Về ngữ nghĩa từ “bà-la-di” (波羅夷, Skt. Pārājikā) phần lớn nhận định là nguồn gốc không rõ ràng. Định nghĩa theo luật Pāli, Vin. iii, 28: “Như người bị chặt đầu, không thể sống bằng cách ráp nối lại với thân.” Luật Tứ phần định nghĩa như luật Pāli. Căn bản Hữu bộ: Ba-la-thị-ca (波羅市迦), là tội cực trọng, là cái ác ghê gớm, cần phải hiềm hận… Nếu bí-sô vừa phạm liền chẳng phải sa-môn, chẳng phải con Thích-ca, mất tánh bí-sô, trái với tánh của Niết-bàn…, bị kẻ khác thắng, không thể cứu vớt được, như cây đa-la bị chặt ngọn không thể sống lại được, không thể phát triển.[1]

Hầu như luật bộ phái định nghĩa dài hay ngắn, ít hay nhiều đều giải thích gần giống nhau. Nhưng ý nghĩa dễ hiểu nhất của từ ba-la-di là cụm từ mà Nghĩa Tịnh dịch trong luật Căn bản: “Bị kẻ khác thắng (bị tha sở thắng 被他所勝)”, tức bị phiền não đánh bại, nghĩa này chúng ta thấy khá phổ biến trong các dịch phẩm của Huyền Trang như Bồ-tát giới bổn,[2] Tập dị môn túc luận[3] v.v… Ông dịch là “Tha thắng xứ 他勝處”, “Tha thắng tội 他勝罪”. Vậy tội ba-la-di của tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni gồm những tội gì?

Về tỳ-kheo có 4 tội ba-la-di: 1. Học xứ bất tịnh hạnh (không được dâm dục); 2. Học xứ không cho mà lấy; 3. Học xứ đoạn nhân mạng; 4. Học xứ vọng ngữ nói mình đắc pháp thượng nhân.

Tỳ-kheo-ni có 8: Bốn học xứ đầu giống giới tỳ-kheo; học xứ thứ 5: xúc chạm thân nam; học xứ thứ 6: tám việc;[4] học xứ thứ 7: che giấu trọng tội; học xứ thứ 8: tùy thuận theo tỳ-kheo đã bị Tăng cử tội.

2. Hình thức phạm tội:

Trước khi chúng ta luận bàn đến chuyện phạm tội ba-la-di có thể sám hối được hay không, nghĩa là hiểu theo kiểu dân gian là được tha bổng, khoan hồng, hay giảm án… thì phải tìm hiểu yếu tố pháp lý, tình tiết vụ án, xem người phạm tội và mức độ “gây án” như thế nào.

(a). Tội đầu tiên, phạm hạnh bất tịnh:

Câu chuyện thứ nhất, tỳ-kheo Sudinna sau khi xuất gia, mẹ ruột muốn có cháu nối dõi tông đường, bèn ép ông về nhà hành hạnh bất tịnh với người vợ cũ. Lúc này Phật chưa chế giới. Sau đó Phật chế: Tỳ-kheo nào hành pháp dâm dục sẽ phạm ba-la-di.

Câu chuyện thứ hai là tỳ-kheo Bạt-xà Tử (theo luật Pāli nói là số đông các tỳ-kheo người Vajji ở Vesālī).[5] Tỳ-kheo này chán đời sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ làm việc bất tịnh. Từ việc này, Phật chế: Tỳ-kheo nào không kham nổi đời sống tỳ-kheo (dubbalyaṃ anāvikatvā), không xả giới mà hành pháp dâm dục, phạm ba-la-di.

Sau khi Phật chế giới như vậy, có tỳ-kheo sống trong rừng, tự nghĩ là Phật cấm hành dâm với người nữ chứ không cấm với súc vật nên đã hành dâm với con vượn cái. Từ nguyên nhân này khiến Phật mới quy chế thêm, cấm quan hệ với người và cả súc sinh. Giới này đến đây đã thành định chế.

Nhưng con người yếu đuối vẫn là kẻ chiến bại trước phiền não và dục vọng, ngoại trừ bậc Thánh trí ra khỏi càn khôn. Câu chuyện cuối cùng một thời xa xưa đã làm kinh động trong cộng đồng Tăng lữ, gây ra sự tranh biện giữa các bộ phái, cũng liên quan đến vấn đề sám hối tội ba-la-di, và từ đây khiến cho các học giả Phật giáo Việt Nam gần đây nhầm lẫn là ba-la-di được sám hối toàn diện. Đó là sự kiện tỳ-kheo Nandi. Thầy này nổi tiếng tu tập thiền định, đi, đứng, nằm, ngồi đều trong trạng thái thiền. Luật kể, một hôm Nandi ngồi thiền trong rừng An-hoàn (andhavana), vì năng lực thiền định của thế tục không thể chiến thắng lửa dục, vừa xả thiền, bị thiên thần ma hóa làm cô gái đẹp dẫn dụ ông đến xác một con ngựa cái chết trong rừng, rồi cô ấy ẩn vào thân con ngựa, lúc này bị lửa dục thiêu đốt Nandi liền hành dâm nơi xác con ngựa.[6] Phật biết Nandi hối hận ăn năn và có tâm tha thiết không muốn bỏ đạo, Ngài mới dạy Tăng yết-ma trao pháp ba-la-di cho học pháp hành của sa-di (dữ học sa-di hành pháp 與學沙彌行法T23n1435_p0003a21║).[7] Đây là một hình thức khai mở cho phép sám hối. Chúng tôi sẽ bàn tiếp ở mục sau.

Luật Tăng-kỳ chép, giới ba-la-di đầu tiên được Phật chế tại thành Vaiśāli, sau giờ cơm trưa, vào ngày 12 nửa tháng thứ năm, mùa đông, sau 5 năm Phật thành đạo.[8]

(b) Tội thứ hai, không cho mà lấy:

Tỳ-kheo Dhaniya tìm cây để làm thất, tự ý chặt một số cây quý của nhà vua trồng, những loại cây này triều đình lưu trữ để tu sửa thành (devagahadārūni nagarapaṭisaṅkhārikāni). Ông là người đầu tiên quy phạm khiến Phật chế giới: tỳ-kheo nào lấy vật không cho, trị giá 5 tiền, hay trên 5 tiền sẽ phạm ba-la-di.[9]

(c) Tội thứ ba, đoạn nhân mạng:

Do các tỳ-kheo tu quán bất tịnh, khởi niệm nhờm tởm thân thể, bèn nhờ tỳ-kheo khác giết mình. Đức Phật mới chế giới, tỳ-kheo không được tự sát, hoặc chính mình giết người khác, hay sai bảo người giết… đều phạm tội ba-la-di.

(d). Tội thứ tư, vọng ngữ nói mình đắc pháp thượng nhân:

Nguyên nhân một thuở nọ, gặp năm mất mùa đói kém, khất thực khó khăn, một số tỳ-kheo bàn nhau tự bịa đặt khen ngợi lẫn nhau cho cư sĩ nghe, nói rằng tỳ-kheo này chứng đắc pháp, tỳ-kheo kia chứng đắc pháp, là đắc pháp của bậc thượng nhân, chỉ cho thiền, giải thoát, chánh định, chánh thọ, tri kiến… (Pāli, Vin. i. 91: uttaramanusadhammo nāma jhānaṃ vimokkho samādhi samāpatti ñāṇadassanaṃ…), mục đích để Phật tử cúng dường. Từ lý do này khiến đức Phật chế giới, tỳ-kheo nào thật không sở tri mà tự xưng tôi chứng đắc pháp thượng nhân… kẻ ấy phạm ba-la-di.

(Còn tiếp)

Mùa an cư Phật lịch 2566.
Cittacakkhu

Ảnh minh hoạ: theo pinterest.com


[1] Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da 1, T23, no. 1442, p. 630c6.

[2] 菩薩戒本1, T24, no. 1501, p. 1110b12.

[3] 阿毘達磨集異門足論 1, T26, no. 1536, p. 370a24.

[4] Tứ phần 22, p. 716a24: Tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô biết người nam có tâm nhiễm ô, bằng lòng để cho (1) nắm tay, (2) nắm áo, (3) vào chỗ vắng, (4) cùng đứng, (5) cùng nói, (6) cùng đi, (7) thân dựa nhau, (8) hẹn nhau, là phạm ba-la-di.

[5] Vin. iii. 23, sambahulā vesālikā vajjiputtakā bhikkhū.

[6] Cf. Thập tụng 1, T23n1435, p. 2c29; Tứ phần 34, T22n1428, p. 809a8; Ngũ phần 28, T22n2421, tr. 182c10; Tăng-kì 26, T22n1425, p. 441a28.

[7] Thập tụng 1, p. 3b01, 56, p. 418b29, 57, p. 425b15.

[8] 摩訶僧祇律 2, p. 238a22.

[9] Tứ phần 1, p. 573b15; Ngũ phần 1, p. 6a7 v.v…

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận