Phra Bodhinandamuni ghi lại
Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh
Nguyên Giác dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt
(Nguyên Giác ghi chú: Đối với những người từng học Thiền Tông Việt Nam, khi đọc bản Anh văn về các lời dạy của nhà sư Thái Lan Ajaan Dune Atulo — còn được gọi tôn kính là Luang Pu, tức Trưởng Lão Hòa Thượng hay Sư Ông, trong tương đương tiếng Việt — sẽ giựt mình vì thấy rất là quen thuộc. Đây là văn phong của Huệ Năng, của Tuệ Trung Thượng Sỹ được viết trong phiên bản Thái Lan. Thí dụ, lời dạy về vô niệm của ngài Luang Pu, “Bất kể ngươi suy nghĩ nhiều như thế nào, ngươi sẽ không biết. Chỉ khi ngươi ngưng suy nghĩ, ngươi mới biết. Nhưng dù vậy, ngươi phải nương dựa vào suy nghĩ để biết.” Hay là lời ngài dạy ngắn gọn, “Người ta bây giờ đau khổ bởi vì niệm.” [People these days suffer because of thoughts.] Hay về Tánh Không: Luang Pu nói rằng khi đọc hết kinh điển (Tạng Nam Truyền), ngài suy nghĩ tìm chỗ tối hậu, điểm tận cùng chân lý Đức Phật dạy, đó là lời của Xá Lợi Phất rằng “An trú của tâm tôi là Tánh Không.” [My mind’s dwelling place is emptiness.] Độc giả có thể đọc bản tiếng Anh ở đây: https://www.accesstoinsight.org/lib/thai/dune/giftsheleft.html.)
Ajaan Dune Atulo (1888-1983) sinh ngày 4 tháng 10, 1888 tại làng Praasaat, huyện Muang, tỉnh Surin. Năm 22 tuổi ngài xuất gia ở tỉnh lỵ. Sáu năm sau, thất vọng với nếp sống của một tăng sĩ thất học, ngài rời đi để học ở Ubon Ratchathani, nơi ngài kết bạn với Ajaan Singh Khantiyagamo và tái xuất gia vào tông phái Dharmayut. Không lâu sau đó, ngài và Ajaan Singh gặp Ajaan Mun, người vừa trở về vùng Đông Bắc Thái Lan sau nhiều năm lang thang. Được ấn tượng với những lời dạy và pháp thực hành của Ajaan Mun, cả hai tu sĩ đều từ bỏ việc học và bắt đầu cuộc sống thiền định lang thang dưới sự hướng dẫn của ngài Ajaan Mun. Vì vậy họ là hai đệ tử đầu tiên của Ajaan Mun. Sau khi lang thang 19 năm qua rừng núi Thái Lan và Campuchia, Ajaan Dune nhận được lệnh từ cấp trên giáo hội của mình để đứng đầu một tu viện kết hợp học tập và thực hành ở Surin. Do đó, ngài đảm nhận chức vụ trụ trì của chùa Wat Burapha, ở giữa thị trấn từ năm 1934. Ngài ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1983. Và sau đây là những lời dạy của ngài, với cách xưng hô tôn kính là Luang Pu.)
Lời Giới Thiệu
Nhiều người đã tìm hỏi những bài pháp thoại của Luang Pu vì mong muốn được đọc hoặc lắng nghe chúng, và tôi [Phra Bodhinandamuni] phải thành thật thú nhận rằng các bài pháp thoại của Luang Pu cực kỳ hiếm. Điều này là do ngài chưa bao giờ thuyết pháp chính thức hay diễn thuyết dài dòng. Ngài chỉ đơn giản dạy thiền, khuyến tấn đệ tử, trả lời các câu hỏi, hay thảo luận về Giáo pháp với các vị trưởng lão khác. Ngài sẽ nói một cách ngắn gọn, cẩn trọng và chỉ thẳng. Thêm nữa, ngài không bao giờ thuyết pháp trong các buổi lễ chính thức.
Vì vậy, để đáp lại mong muốn và quan tâm của nhiều người đối với Giáo pháp của Luang Pu, tôi đã biên soạn cuốn sách này gồm những lời dạy ngắn gọn của ngài – những sự thật thuần khiết ở cấp độ cao nhất, các bài học và lời khuyên mà ngài trao cho học trò, những câu trả lời cho các câu hỏi và những đoạn trích từ lời Phật dạy trong kinh điển mà ngài luôn ưa thích dẫn ra. Vì tôi đã sống với ngài quá lâu, cho đến những ngày cuối đời của ngài, tôi đã kết tập những đoạn này theo trí nhớ hoặc từ các ghi chú trong nhật ký của mình. Tôi cũng ghi lại các sự kiện, nơi chốn và những người liên hệ, để giúp các đoạn văn dễ hiểu và lôi cuốn hơn trong khi đọc.
Điều đáng ghi nhận – và thật tuyệt vời – rằng cho dù Luang Pu thường không nói, hoặc nói rất ít, ngài vẫn rất nhanh nhẹn và sắc bén trong cách diễn đạt, không bao giờ bỏ lỡ chủ điểm. Lời nói của ngài ngắn nhưng đầy ý nghĩa, từng câu đều mang một thông điệp trọn vẹn. Như dường ngài thôi miên người nghe, buộc họ phải suy ngẫm thật lâu về lời nói của ngài với sự nhận biết sâu thẳm nhất.
Người đọc – ghi nhận rằng một số đoạn văn nơi đây chứa đựng những lời dạy bình thường, một số tức cười và một số là sự thật thuần túy ở mức tối hậu – có thể thắc mắc tại sao chúng không được sắp xếp theo thứ tự tăng dần, từ dễ đến khó, hoặc từ thấp đến cao. Lý do tôi không sắp xếp chúng theo thứ tự như vậy là vì mỗi đoạn đều hoàn chỉnh trên một trang và tôi muốn thay đổi không khí. Nếu điều này không phù hợp, không thích nghi, hoặc có sai sót ở bất kỳ khía cạnh nào, tôi xin tất cả những bậc trí giả sẽ từ bi tha thứ cho tôi, một tác giả có rất ít trí thông minh.
Phra Khru Nandapaññabharana
(hiện nay là: Phra Bodhinandamuni)
Ngày 1 tháng 7, 1985
1. CHÀO MỪNG CHÁNH PHÁP
Vào ngày 18 tháng 12, 1979, Nhà Vua và Hoàng Hậu đã tới thăm riêng Luang Pu. Sau khi hỏi thăm về sức khỏe và sự an lạc của ngài, và tham dự vào một cuộc Pháp đàm, Nhà Vua nêu ra một câu hỏi, “Trong việc từ bỏ các phiền não, các phiền não nào nên được từ bỏ trước?”
Luang Pu trả lời, “Tất cả các phiền não cùng khởi lên trong tâm. Hãy tập trung ngay vào tâm. Phiền não nào khởi dậy trước, đó là cái phải buông bỏ trước tiên.”
2. KHÔNG ĐỐI KHÁNG
Cứ mỗi lần, sau khi Quốc Vương đến thăm Luang Pu và đã hoàn tất xong mục đích của chuyến viếng thăm, khi rời đi, Nhà Vua nói để chúc lành, “Chúng con thỉnh cầu ngài hãy duy trì thân ngũ uẩn của mình để sống hơn một trăm năm, để cho công chúng một đối tượng để tôn kính. Ngài có thể ưng thuận yêu cầu của chúng con không?” Mặc dù đây chỉ đơn giản là một hình thức lịch sự và là cách nhà vua ban phước lành cho Luang Pu, nhưng Luang Pu không dám chấp nhận, vì ngài không thể chống lại bản chất của các pháp giả hợp. Vì thế ngài trả lời, “Tôi sợ rằng tôi không thể chấp nhận [lời thỉnh cầu] được. Tất cả đều phải tùy thuộc vào các pháp giả hợp đi theo trật tự riêng của chúng.”
3. VỀ TỨ THÁNH ĐẾ
Một nhà sư cao cấp của truyền thống thiền định đã đến đảnh lễ ngài Luang Pu vào ngày đầu tiên của mùa An cư năm 1956. Sau khi ban cho ông chỉ dẫn và một số lời dạy về các vấn đề sâu xa, Luang Pu đã tóm tắt bốn chân lý cao quý như sau:
“Tâm hướng ngoại là cội nguồn của khổ đau.
Kết quả của tâm hướng ngoại là đau khổ.
Tâm nhìn thấy tâm chính là con đường đạo.
Kết quả của tâm nhìn thấy tâm là đoạn tận khổ đau.”
4. Ở TRÊN & VƯỢT QUA LỜI NÓI
Một cư sĩ học giả nói chuyện với ngài Luang Pu rằng, “Con tin chắc rằng trong thời đại ngày nay của chúng ta không chỉ có một vài tu sĩ đã thực hành đến mức đạt được đạo, quả và niết bàn. Tại sao quý Thầy không công khai những gì quý thầy biết, để những người quan tâm đến tu học sẽ biết được mức độ Pháp mà quý Thầy đã đạt được, như một cách khích lệ và hy vọng để mọi người sẽ tăng tốc tu đến mức tối đa khả năng?”
Luang Pu trả lời, “Những người đã thức tỉnh không nói về những gì họ đã thức tỉnh, bởi vì nó vượt trên và vượt qua mọi ngôn từ.”
5. CẢNH CÁO CÁC TU SĨ LƯỜI BIẾNG
“Một nhà sư sống buông thả chỉ đơn giản đếm số giới luật [đã thọ] như đọc thấy trong sách, tự hào rằng tu sĩ này có tất cả 227 giới. Nhưng về con số mà tu sĩ này thực sự có ý định giữ gìn, thì có bao nhiêu?”
6. THỰC NHƯNG KHÔNG THỰC
Điều bình thường là khi những người tu thiền định bắt đầu có kết quả, họ có thể nghi ngờ về những gì họ đã kinh nghiệm – thí dụ, như khi họ nhìn thấy những hình ảnh trái ngược nhau, hoặc bắt đầu nhìn thấy các bộ phận của cơ thể mình. Nhiều người đến Luang Pu, nhờ ngài trả lời những nghi ngờ của họ hoặc cho lời khuyên về cách tiếp tục thực hành. Và rất nhiều người sẽ nói rằng khi thiền định, họ nhìn thấy địa ngục, cõi trời hay các lâu đài cõi trời, hoặc hình ảnh Đức Phật trong cơ thể của họ. Họ sẽ hỏi, “Những gì con nhìn thấy có phải là thật không?”
Ngài Luang Pu sẽ trả lời, “Hình ảnh bạn nhìn thấy là có thật, nhưng cái bạn thấy trong hình ảnh đó thì không thật.”
7. BUÔNG BỎ NHỮNG CÁI ĐƯỢC THẤY
Sau đó, người hỏi có thể hỏi, “Ngài nói rằng tất cả những hình ảnh này đều ở bên ngoài, và con không thể có lợi ích nào với chúng; và nếu con cứ mãi kẹt trong các hình ảnh đó thì con sẽ không tiến bộ gì thêm. Có phải vì con ở quá lâu với những hình ảnh này đến nỗi con không thể tránh khỏi chúng? Mỗi lần con ngồi thiền, ngay khi tâm tập trung lại, nó lại trở lại như thế. Xin ngài cho con lời khuyên để buông bỏ hiệu quả các hình ảnh đó?
Luang Pu trả lời, “Ồ, một vài hình ảnh trong số này có thể là vui và lôi cuốn, con biết đấy, nhưng nếu con cứ ở với chúng thì chỉ là phí thời gian. Một phương pháp thực sự đơn giản để buông bỏ chúng là đừng nhìn vào những gì con thấy, nhưng là nhìn vào cái đang chủ động thấy. Lúc đó, những hình ảnh con không muốn thấy sẽ tự biến mất.”
8. NGOẠI TRẦN
Vào ngày 10 tháng 12, 1981, Luang Pu dự lễ kỷ niệm hàng năm tại chùa Wat Dharmamongkon trên đường Sukhumvit ở Bangkok. Nhiều phụ nữ đã thọ giới tạm, xuất gia ngắn hạn từ một trường sư phạm gần đó đến để thảo luận về kết quả thực hành vipassana của họ, nói với ngài rằng khi tâm họ bình lặng thì sẽ nhìn thấy một hình ảnh Đức Phật trong tâm. Vài người trong đó nói rằng họ nhìn thấy cõi trời đang chờ đợi họ trên cõi trời. Một vài người nhìn thấy Bảo tháp Culamani [một tháp xá lợi của Đức Phật được lưu giữ trên cõi trời]. Tất cả họ đều có vẻ rất tự hào về thành công của họ trong việc thực hành vipassana của họ.
Luang Pu nói, “Tất cả những thứ xuất hiện để quý vị nhìn thấy vẫn còn là thứ ở ngoài. Quý vị không thể lấy đó như một nơi nương tựa thực được.”
9. HÃY NGỪNG SUY NGHĨ ĐỂ BIẾT
Vào tháng 3, 1964, nhiều nhà sư học giả và thiền định – nhóm đầu tiên của “Những người truyền bá Chánh pháp” – tới thăm để tỏ lòng tôn kính Luang Pu và xin những lời dạy và lời khuyên mà họ có thể sử dụng trong công việc truyền bá Phật pháp. Luang Pu đã dạy họ Giáo pháp ở bậc tối thượng, để họ vừa dạy người khác và vừa tự thực hành nhằm đạt đến bậc chân lý đó. Khi kết luận, ngài ban cho họ lời dạy trí tuệ để họ nhận về và suy ngẫm:
“Bất kể bạn suy nghĩ nhiều tới cỡ nào, bạn cũng sẽ không biết.
Chỉ khi bạn ngừng suy nghĩ, bạn mới biết.
Dù vậy, bạn vẫn phải dựa vào suy nghĩ để biết.”
10. THĂNG TIẾN HOẶC HỦY DIỆT
Vào dịp đó, Luang Pu đã đưa ra lời khuyên cho các nhà sư truyền bá Giáo pháp, có lúc nói rằng, “Khi quý vị đi ra ngoài để truyền bá, tuyên thuyết lời dạy của Đức Phật, điều đó có thể dẫn đến sự phát triển của Phật giáo hoặc tới sự hủy diệt của chính tôn giáo này. Tôi nói điều này là vì nhân sự trong đoàn truyền giáo là yếu tố quyết định. Nếu, khi quý vị đi, quý vị cư xử thích nghi, giữ trong tâm sự kiện rằng quý vị là người có thiền định, với phong thái ứng xử phù hợp với những gì chính đáng của một tu sĩ có thiền định, thì người dân gặp quý vị nếu chưa có đức tin tất sẽ sinh khởi lòng tin. Đối với người dân đã có đức tin, cách sống của quý vị sẽ làm tăng thêm đức tin của họ. Nhưng đối với những người truyền giáo hành xử trái chiều, nó sẽ phá hủy lòng tin của những người có lòng tin và sẽ đẩy những người chưa có lòng tin ra xa hơn nữa. Vì vậy, tôi yêu cầu quý vị phải hoàn thiện cả về kiến thức và hành vi. Đừng lơ là hay tự mãn. Bất cứ quý vị dạy người khác điều gì, chính quý vị cũng nên là gương mẫu cho họ.”
11. Ở BẬC TỐI THƯỢNG, SẼ KHÔNG CÒN THAM
Trước mùa an cư năm 1953, Luang Phaw Thaw, một người bà con của Luang Pu, người đã xuất gia vào cuối đời, đã trở về sau nhiều năm lang thang cùng Ajaan Thate và Ajaan Saam ở tỉnh Phang-nga để tỏ lòng tôn kính Luang Pu và để học thêm về thực hành thiền. Ngài nói chuyện với Luang Pu bằng những lời quen thuộc, “Bây giờ ngài đã xây xong một hội trường truyền giới và hội trường rộng lớn, xinh đẹp này, hẳn nhiên ngài đã làm được một đại công đức.”
Luang Pu trả lời, “Những gì tôi xây dựng là vì lợi ích chung, lợi ích cho thế gian, lợi ích cho tu viện và cho Phật giáo, thế thôi. Về chuyện gặt hái công đức, tôi muốn gì với công đức như thế này?”
12. DẠY MỘT BÀI HỌC
Sáu năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, di sản chiến tranh vẫn còn là sự nghèo đói và khó khăn do thiếu lương thực và vật dụng ảnh hưởng đến mọi nhà. Đặc biệt là thiếu vải trầm trọng. Nếu một nhà sư hay sa di có được một bộ y hoàn chỉnh thì là may mắn rồi.
Tôi là một trong số đông các sa di tập sống cùng Luang Pu. Một ngày, Sa-di Phrom, một người cháu khác của Luang Pu, nhìn thấy Sa-di Chumpon mặc một bộ y mới, rất đẹp nên hỏi, “Bạn kiếm được bộ y đó ở đâu?” Sa-di Chumpon đáp, “Khi tới phiên tôi chăm sóc Luang Pu, ngài thấy y của tôi rách nên đã cho tôi một y mới.”
Khi đến lượt Sa-di Phrom xoa bóp chân cho Luang Pu, anh này mặc một chiếc y rách với ý nghĩ rằng mình cũng sẽ được tặng một chiếc y mới. Khi hoàn thành nhiệm vụ và chuẩn bị rời đi, Luang Pu nhìn thấy vết rách bộ y và cảm thấy thương xót cho cháu mình. Vì vậy, ngài đứng dậy, mở tủ và đưa cho cháu trai một thứ gì đó và nói, “Đây. Khâu nó lại đi. Đừng đi loanh quanh với một bộ y rách thê thảm như thế.” Thất vọng, Sa-di Phrom nhanh chóng nhận lấy cây kim và sợi chỉ từ tay Luang Pu.
13. TẠI SAO NGƯỜI TA ĐAU KHỔ?
Một hôm, một phụ nữ trung niên đến đảnh lễ Luang Pu. Cô tự mô tả hoàn cảnh đời sống của mình, cho biết địa vị xã hội của cô rất tốt và cô chưa bao giờ thiếu bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, cô rất buồn vì đứa con trai không vâng lời, vô trật tự và bị ảnh hưởng bởi mọi trò giải trí xấu xa. Cậu đang phung phí tài sản của cha mẹ mình cũng như lòng thương yêu của họ, vượt quá sức chịu đựng của họ. Cô tới xin Luang Pu lời khuyên hay một cách nào để cô bớt khổ, cũng như giúp đưa con trai của cô từ bỏ đường xấu.
Luang Pu đã cho cô một số lời khuyên về các vấn đề này, và dạy cô cách làm dịu tâm trí và cách buông bỏ. Sau khi cô rời đi, Luang Pu nhận xét, “Người ta bây giờ đau khổ vì các niệm khởi.”
14. LỜI CẢM HỨNG
Luang Pu tiếp tục bài Pháp thoại, “Vật chất đã có sẵn trên thế giới một cách hoàn hảo. Những người thiếu trí tuệ và khả năng không thể sở hữu chúng và vì vậy họ gặp khó khăn trong việc tự nuôi sống bản thân. Những người có trí tuệ và khả năng có thể sở hữu số lượng lớn của cải thế gian, làm cho đời sống của họ thuận lợi và thoải mái trong mọi hoàn cảnh. Về phần các bậc thánh, họ cố gắng hành xử để đạt được sự giải thoát khỏi tất cả những vật chất đó, bước vào chỗ họ không sở hữu gì hết, bởi vì —-”Trong thế giới vật chất, quý vị có những thứ mà quý vị có. Trong lĩnh vực của Chánh pháp, bạn có những thứ mà bạn không có.” (In the area of the Dhamma, you have something you don’t have)
15. THÊM LỜI CẢM HỨNG
“Khi bạn có thể tách rời tâm ra khỏi sự dính líu của nó với mọi thứ, tâm sẽ không còn bị buộc vào buồn khổ nữa. Cho dù là cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, hay cái được chạm xúc dù tốt hay xấu đều tùy thuộc vào việc tâm vẽ vời chúng theo cách nào đó. Khi tâm thiếu tỉnh thức, nó hiểu sai các thứ. Khi nó hiểu sai các thứ, nó bị mê hoặc dưới sự ảnh hưởng của tất cả những thứ ràng buộc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những tác hại xấu và trừng phạt mà chúng ta phải gánh chịu về mặt thể chất là những thứ mà người khác có thể giúp bạn thoát được, ít nhất là phần nào. Nhưng các tác hại xấu trong tâm, mà tâm bị trói buộc bởi vọng tưởng và tham ái, là những thứ mà chúng ta phải học cách tự giải thoát chính mình.
“Các bậc thánh đã tự giải thoát họ khỏi những ảnh hưởng xấu của cả hai loại, đó là lý do tại sao đau khổ và căng thẳng không thể đánh bại các bậc thánh.”
16. VẪN CÒN THÊM LỜI CẢM HỨNG
“Khi một người cạo râu, tóc và đắp bộ y màu son lên, đó là biểu tượng vị này là tu sĩ. Nhưng điều đó chỉ bên ngoài. Chỉ khi nào vị đó đã cạo sạch những rối loạn tâm niệm— tất cả những mối bận tâm thấp kém — ra khỏi trái tim của vị này, mới có thể được gọi là một vị sư trong nội tâm.
“Khi một cái đầu đã được cạo trọc, những loài côn trùng nhỏ bé như chấy rận không thể trú ngụ ở đó. Tương tự như vậy, khi tâm đã thoát khỏi những bận tâm của nó và thoát khỏi sự tạo tác, đau khổ không còn chỗ cư trú nữa. Khi điều này trở thành trạng thái bình thường của bạn, bạn có thể được gọi là một tu sĩ chân chính.”
17. NIỆM BUDDHO THẾ NÀO
Luang Pu được mời giảng dạy tại Bangkok vào ngày 31 tháng 3, 1978. Trong một buổi Pháp đàm, một số cư sĩ bày tỏ sự nghi ngờ của họ về cách niệm “buddho” là như thế nào. Luang Pu đã từ bi trả lời,
“Khi bạn thiền tập, đừng hướng tâm ra ngoài. Đừng bám vào bất cứ kiến thức nào. Bất cứ kiến thức nào bạn học từ sách vở hay thầy dạy, đừng mang nó vào để làm phức tạp các thứ. Hãy cắt bỏ tất cả những gì đã có trong tâm, và khi bạn hành thiền, chỉ cần nhận biết tất cả những gì đang diễn ra trong tâm. Khi tâm tĩnh lặng, bạn sẽ tự biết như thế. Nhưng bạn phải tiếp tục thiền tập thật nhiều. Khi thời điểm tới để các thứ diễn biến, chúng sẽ tự diễn biến. Bất cứ cái gì bạn biết, hãy để nó tới từ chính tâm của bạn.
“Kiến thức đến từ một tâm tĩnh lặng là vô cùng vi tế và thâm sâu. Vì vậy, hãy để kiến thức của bạn xuất phát từ một tâm vắng lặng và bất động.
“Hãy để tâm khởi lên là nơi chú tâm duy nhất. Đừng hướng tâm ra ngoài. Hãy để tâm nhìn ngay vào tâm. Hãy để tâm thiền định trên chính nó. Hãy để tâm cứ liên tục lặp lại buddho, buddho. Và rồi buddho chân thực sẽ xuất hiện trong tâm. Bạn sẽ tự biết buddho là gì. Chỉ có vậy thôi. Không có gì nhiều đâu…” (chép lại từ một băng ghi âm)
18. DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI MUỐN TỐT LÀNH
Đầu tháng 9, 1983, Hội các bà nội trợ của Bộ Nội Vụ, do bà Juap Jirarote chỉ huy, đã tới vùng Đông Bắc để làm một số công tác từ thiện. Một buổi tối, họ nhân cơ hội ghé qua và tỏ lòng tôn kính tới Luang Pu lúc 6 giờ 20 chiều.
Sau khi tỏ lòng kính trọng và hỏi thăm sức khỏe của ngài, họ nhận được một số bùa hộ mệnh từ ngài. Tuy nhiên, thấy ngài không được khỏe, họ nhanh chóng rời đi. Nhưng có một phụ nữ đã ở lại và nhân cơ hội đặc biệt này để hỏi Luang Pu, “Con cũng muốn một thứ gì tốt lành [ám chỉ một tấm bùa hộ mệnh] từ Luang Pu.”
Luang Pu trả lời, “Con phải thiền tập, mới có được điều gì tốt lành. Khi con thiền, tâm con sẽ bình yên. Lời nói và việc làm của con sẽ bình yên. Lời nói và việc làm của con sẽ tốt lành. Khi con sống trong thiện pháp như thế, con sẽ hạnh phúc.”
Người phụ nữ trả lời, “Con bận rất nhiều việc và không có thời gian để thiền tập. Con bận đủ thứ việc làm cho chính phủ, con lấy đâu ra thời gian để thiền tập?”
Luang Pu giải thích, “Nếu con có thời gian để thở, [là] con có thời gian để thiền.”
19. CÒN SÂN, NHƯNG KHÔNG NHẶT SÂN LÊN
Năm 1979, Luang Pu đến Chantaburi để nghỉ ngơi và tới thăm Trưởng lão Ajaan Somchai. Dịp đó, một hòa thượng cao cấp từ Bangkok – ngài Phra Dharmavaralankan của chùa Wat Buppharam, người chỉ huy giáo hội miền Nam Thái Lan – cũng có mặt ở đó, đang tập thiền khi về già, chỉ trẻ hơn Luang Pu một tuổi. Khi biết Luang Pu là một nhà sư chuyên thiền định, nhà sư cao cấp quan tâm và nói chuyện một buổi dài với Luang Pu về kết quả của thiền định. Vị chức sắc cao cấp nói đến trách nhiệm của mình và nói rằng bản thân đã lãng phí phần lớn cuộc đời vào việc học và điều hành giáo hội cho tới khi về già. Vị chức sắc thảo luận những điểm khác nhau của hành thiền với Luang Pu, cuối cùng hỏi ngài, “Ngài vẫn còn sân giận chút nào không?”
Luang Pu trả lời ngay, “Tôi còn, nhưng tôi không nhặt nó lên.”
20. NHẬN BIẾT KỊP THỜI
Khi Luang Pu đang được điều trị tại Bệnh viện Chulalongkorn ở Bangkok, rất nhiều người đã tới để tỏ lòng kính trọng và lắng nghe lời dạy của ngài. Ông Bamrungsak Kongsuk nằm trong số những người quan tâm đến hành thiền. Ông là học trò của Ajaan Sanawng ở Wat Sanghadana ở tỉnh Nonthaburi, một trong những trung tâm thiền nghiêm ngặt của thời đại chúng ta. Ông nêu lên chủ đề thực hành Chánh pháp bằng câu hỏi, “Luang Pu, làm thế nào để cắt đứt sân hận?”
Luang Pu trả lời, “Không có ai cắt đứt được. Chỉ có nhận biết nó kịp thời. Khi bạn nhận biết nó kịp thời, nó sẽ tự biến mất.”
21. TINH TẤN, KHÔNG LƯỜI BIẾNG
Nhiều tu sĩ và sa di đến chăm sóc Luang Pu vào đêm khuya ở Bệnh viện Chulalongkorn đã bối rối và ngạc nhiên khi họ nhận thấy rằng vào một số đêm, sau 1 giờ sáng, họ có thể nghe Luang Pu giảng pháp trong khoảng mười phút và sau đó tụng kinh ban phước cho người nghe, như thể có rất nhiều người nghe ngay trước mặt ngài. Lúc đầu, không ai dám hỏi ngài về việc này, nhưng sau nhiều lần sự việc xảy ra, họ không kìm được nghi ngờ nên mới hỏi. Luang Pu nói với họ, “Những nghi ngờ và thắc mắc này không phải là con đường để thực hành Chánh pháp.”
22. TIẾT KIỆM VỚI LỜI NÓI CỦA MÌNH
Một nhóm đông người thực hành Chánh pháp từ tỉnh Buriram – đứng đầu là Trung úy Cảnh sát Bunchai Sukhontamat, công tố viên của tỉnh – đã tới để tỏ lòng kính trọng Luang Pu, để nghe Pháp và hỏi về cách thăng tiến trong việc thực hành của họ. Hầu hết họ đã thực hành với tất cả các nhà sư nổi tiếng, những người đã giải thích cách thực hành theo nhiều cách khác nhau mà không phải lúc nào cũng tương ưng với nhau, và điều này khiến họ càng thêm nghi ngờ hơn. Vì vậy, họ xin lời khuyên của Luang Pu về cách thực hành đúng và dễ nhất, vì họ gặp khó khăn trong việc tìm thời gian để thực hành. Nếu họ có thể học được một cách thực sự dễ dàng thì nó sẽ đặc biệt phù hợp với họ. Luang Pu đã trả lời, “Hãy quan sát tâm ngay nơi tâm.”
23. ĐƠN GIẢN NHƯNG KHÓ LÀM
Nhóm Duangporn Tharichat từ Đài Phát Thanh Không Quân 01 ở Bang Syy, do Akhom Thannithate đứng đầu, đã tới vùng đông bắc để cúng dường và bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà sư ở các tu viện khác nhau. Khi dừng lại để tỏ lòng kính trọng với Luang Pu, họ đã dâng phẩm vật cúng dường và nhận những vật lưu niệm nhỏ. Sau đó, một số trong nhóm đi chợ mua sắm, một số tìm nơi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, có một nhóm khoảng bốn hoặc năm người ở lại và xin Luang Pu chỉ cho họ một phương pháp đơn giản để thoát khỏi căng thẳng và trầm cảm về tinh thần, vốn xảy ra thường trực với họ. Họ hỏi phương pháp nào sẽ cho kết quả nhanh nhất? Luang Pu trả lời, “Đừng hướng tâm con ra ngoài.”
24. QUĂNG BỎ NÓ ĐI
Một nữ giáo sư, sau khi nghe Luang Pu thuyết pháp về việc thực hành Pháp, đã hỏi ngài về cách thích hợp để “chịu đựng đau khổ” [thành ngữ Thái có nghĩa là trong thời kỳ để tang]. Cô nói tiếp, “Ngày nay, mọi người không chịu đựng đau khổ theo cách đúng đắn hoặc theo khuôn mẫu chung, mặc dù Vua Rama VI đã thiết lập một tiêu chuẩn tốt trong thời trị vì của vua. Khi một người thân trong gia đình trực hệ hay một vị trưởng thượng trong gia tộc từ trần, nghi lễ thương khóc để tang là 7 ngày, 50 ngày, hay 100 ngày. Nhưng bây giờ, người ta không theo khuôn mẫu nào cả. Vậy con muốn hỏi ngài, “Cách nào là đúng để chịu đựng đau khổ?”
Luang Pu trả lời, “Đau khổ là điều để được hiểu rõ. Khi cô hiểu nó, cô buông bỏ nó đi. Tại sao cô lại muốn đeo nó?”
25. MỘT SỰ THẬT TƯƠNG ƯNG VỚI SỰ THẬT
Một phụ nữ Trung Hoa, sau khi đảnh lễ Luang Pu, đã hỏi ngài, “Con phải dọn nhà tới quận Prakhonchai ở tỉnh Buriram để mở một tiệm gần thân nhân của con ở đó. Vấn đề là, thân nhân của con đã khuyên con là nên bán thứ này, thứ kia và thứ khác trong cửa tiệm, theo ý họ là những món hàng sẽ bán chạy, nhưng con không thể quyết định nên bán thứ gì tốt. Vì vậy, con đến để xin lời khuyên của ngài về những gì tốt cho con để bán.”
Luang Pu trả lời, “Bán gì cũng được, miễn có người mua.”
26. ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ MỤC ĐÍCH CỦA NGÀI
Vào ngày 8 tháng 5, 1979, một nhóm gồm mười sĩ quan quân đội trở lên đã đến tỏ lòng tôn kính với Luang Pu khá muộn vào buổi tối trước khi lên đường đến Bangkok. Có 2 vị trong nhóm có cấp bậc Trung tướng. Sau khi nói chuyện với Luang Pu một lúc, các sĩ quan lấy những chiếc bùa hộ mệnh đang đeo quanh cổ ra và đặt vào một cái khay để Luang Pu ban phước bằng sức định của ngài. Ngài đã làm như họ muốn, và sau đó trả lại bùa hộ mệnh cho họ. Một vị tướng hỏi ngài, “Con nghe nói ngài đã làm nhiều bộ bùa hộ mệnh. Bộ nào trong đó nổi tiếng?”
Luang Pu trả lời, “Không cái nào trong đó nổi tiếng cả.”
27. NHỮNG THẾ GIỚI CÁCH BIỆT
Một nhóm ba hay bốn thanh niên từ một tỉnh xa đến gặp Luang Pu khi ngài đang ngồi trên hàng hiên của hội trường. Bạn có thể biết từ hành vi của họ – theo cách họ ngồi và nói chuyện thoải mái – rằng có lẽ họ đã quen với một nhà sư lừa đảo ở đâu đó. Trên hết, họ dường như tin rằng Luang Pu quan tâm đến bùa chú, vì họ kể cho ngài nghe về tất cả các nhà sư [Thái Lan] mật tông vĩ đại đã ban cho họ những lá bùa có sức mạnh huyền thuật phi thường. Cuối cùng, họ rút các lá bùa của họ ra để trưng bày cho nhau ngay trước mặt ngài. Một bùa trong đó làm từ nanh heo rừng, một bùa khác làm từ răng nanh cọp, một bùa khác làm từ sừng tê giác. Mỗi người trong số họ đều nói rằng bùa của họ có sức mạnh huyền bí phi thường, nên một người trong nhóm đã hỏi Luang Pu, “Thưa ngài Luang Pu. Cái nào trong các bùa này phi thường hơn và tốt hơn những cái khác?”
Luang Pu lộ vẻ đặc biệt thích thú và mỉm cười nói, “Không có cái nào tốt đâu, không có cái nào phi thường cả. Chúng đều làm từ những con thú bình thường.”
28. CHỈ MỘT ĐIỂM DUY NHẤT
Luang Pu một lần nói, “Trong mùa An cư năm 1952, tôi đã phát nguyện đọc toàn bộ Kinh điển để xem điểm tận cùng của lời Đức Phật dạy nằm ở đâu – để xem điểm cuối của các thánh đế, điểm cuối của đau khổ, nằm ở đâu – để xem Đức Phật đã tóm tắt lại như thế nào. Tôi đọc đến cuối Kinh điển, suy ngẫm suốt con đường đạo, nhưng không có đoạn nào tiếp xúc đủ sâu trong tâm mà tôi có thể nói chắc chắn rằng, ‘Đây là sự chấm dứt khổ đau. Đây là tận cùng của đạo và quả, hay còn gọi là niết bàn.’ Chỉ
trừ một đoạn, khi Tôn giả Sariputta vừa xuất khỏi diệt tận định, Đức Phật hỏi tôn giả, ‘Sariputta, da của ông đặc biệt sáng ra, vẻ ngoài của ông đặc biệt trong trẻo. Chỗ trú của tâm ông là gì?’
“Sariputta trả lời, ‘Nơi an trú của tâm con là tánh Không.’
“Đó là điểm duy nhất chạm vào tâm của tôi.”
29. HỌC GÌ VÀ ĐỪNG HỌC GÌ
Tỳ kheo Ajaan Suchin Sucinno đã nhận bằng luật từ Đại học Dharmasaat từ lâu và rất coi trọng việc thực hành Pháp. Vị này là học trò của Luang Pu Lui trong nhiều năm và sau khi nghe danh tiếng của Luang Pu Dune, nên đã đến tu tập với ngài. Cuối cùng luật gia này đã thọ giới tỳ kheo. Sau khi ở với Luang Pu một thời gian, vị này xin ra đi để có thể đi lang thang tìm kiếm sự cô tịch.
Luang Pu khuyên vị này, “Trong lĩnh vực Luật tạng, ông nên nghiên cứu kinh điển cho đến khi ông hiểu chính xác từng giới luật đến mức ông có thể áp dụng chúng vào thực hành mà không mắc lỗi. Về Pháp, nếu ông đọc nhiều, ông sẽ suy đoán đủ thứ, do vậy ông không cần phải đọc nó chút gì. Chỉ duy chú tâm vào thực hành, và thế là đủ.”
30. QUAN SÁT CÁI GÌ
Luang Taa Naen xuất gia sau tuổi trung niên. Không biết chữ và không nói được một chữ trong ngôn ngữ tiếng Miền Trung Thái Lan, điểm mạnh của sư là có thiện chí, dễ bảo và siêng năng trong nhiệm vụ, đến mức bạn không thể chê trách sư này được. Khi thấy các tu sĩ khác xin ra đi để lang thang hoặc tới học tập với các tu sĩ khác, sư mới quyết định rằng sư cũng muốn đi. Vì vậy, sư đã đến xin phép rời đi và Luang Pu đã đồng ý. Nhưng sau đó sư lại cảm thấy lo lắng, “Con không biết đọc, con không biết ngôn ngữ của họ. Làm sao con có thể thực hành với họ được?”
Luang Pu khuyên sư, “Việc thực hành không phải là vấn đề về chữ hay là lời nói. Khi ông biết ông không biết, chính là một điểm khởi đầu tốt. Cách thực hành là thế này: Trong lĩnh vực Luật tạng, hãy xem gương của họ, tấm gương của vị thầy nơi đó. Đừng đi chệch khỏi bất cứ điều gì vị thầy đó làm. Trong lĩnh vực của Pháp, hãy quan sát ngay vào tâm của ông. Hãy thực hành ngay nơi tâm. Khi ông hiểu được tâm của chính ông, tâm đó, trong và thuộc về tâm, tự nó sẽ làm ông hiểu mọi thứ khác.”
31. VẤN ĐỀ & TRÁCH NHIỆM
Một trong những vấn đề trong việc điều hành Tăng đoàn, ngoài việc phải giải quyết tất cả các vấn đề lớn nhỏ khác nảy sinh, đó là thiếu các tu sĩ sẽ làm trụ trì. Đôi khi chúng ta nghe tin các nhà sư cạnh tranh để trở thành trụ trì của một tu viện, nhưng các học trò của Luang Pu đã phải bị chiêu dụ hoặc bị ép buộc phải nhận chức vụ trụ trì ở các tu viện khác. Hàng năm không có ngoại lệ, các nhóm cư sĩ đều đến Luang Pu, thỉnh cầu ngài gửi một trong những đệ tử của ngài đến làm trụ trì tại tu viện của họ. Nếu Luang Pu thấy một nhà sư cụ thể nào đó nên đi, ngài sẽ khuyên người đó đi, nhưng phần lớn nhà sư đó sẽ không muốn đi. Lý do đưa ra thường là, “Con không biết làm công việc xây dựng, con không biết cách huấn luyện các nhà sư khác, con không biết thuyết pháp, tôi không giỏi quan hệ công chúng hay tiếp khách. Đó là lý do tại sao con không muốn đi.”
Luang Pu sẽ trả lời, “Những chuyện đó không thực sự cần thiết. Trách nhiệm duy nhất của con là tuân theo các nhiệm vụ hàng ngày của mình: đi khất thực, ăn cơm, ngồi thiền, đi thiền hành, dọn sạch sẽ khuôn viên tu viện, nghiêm chỉnh tuân theo các giới luật. Thế là đủ rồi. Còn việc xây dựng thì tùy vào các cư sĩ ủng hộ. Xây dựng [kiến trúc] hay không là tùy họ.”
32. CÀNG NGHÈO, CÀNG HẠNH PHÚC
Cho đến cuối đời, Luang Pu tắm nước ấm hàng ngày vào lúc 5 giờ chiều, với sự giúp đỡ của một nhà sư hoặc sa di. Sau khi đã khô người và cảm thấy sảng khoái, ngài thường nói vài lời Pháp mà ngài chợt nghĩ vào lúc đó. Chẳng hạn, có lần ngài nói, “Chúng ta, các nhà sư, nếu chúng ta thiết lập trong mình cảm giác hài lòng với địa vị nhà sư của mình, chúng ta sẽ không tìm thấy gì ngoài hạnh phúc và bình an. Nhưng nếu chúng ta có địa vị nhà sư nhưng lại khao khát bất kỳ địa vị nào khác , chúng ta sẽ luôn chìm đắm trong đau khổ. Khi các người có thể ngừng khao khát, ngừng tìm kiếm, đó là trạng thái thực sự của một nhà sư. Khi các ngươi thực sự là một nhà sư, thì càng nghèo, càng có nhiều hạnh phúc. “
33. CÀNG ÍT, CÀNG TỐT
“Cho dù ngươi đã đọc hết Kinh điển và có thể nhớ được rất nhiều giáo lý; ngay cả khi ngươi có thể giải thích chúng trong những cách sâu sắc, được nhiều người kính trọng; ngay cả khi ngươi xây được nhiều tu viện, hay có thể giải thích được về vô thường, về khổ và về vô ngã một cách chi tiết nhất – nếu ngươi vẫn không tinh tấn, ngươi vẫn chưa nếm được pháp vị chút nào đâu, vì mọi thứ khác đều là bên ngoài. Mục đích chúng phục vụ đều là bên ngoài: như một lợi ích cho xã hội, một lợi ích cho người khác, một lợi ích cho hậu thế, hoặc một biểu tượng của tôn giáo. Điều duy nhất phục vụ mục đích chơn thực của chính ngươi là giải thoát khỏi đau khổ. Và ngươi sẽ có thể đạt được sự giải thoát khỏi đau khổ khi biết tới một tâm.” (only when you know the one mind)
34. KHÔNG NGHĨ ĐẾN ĐIỀU ĐÓ
Tại một trong những thiền viện chi nhánh của Luang Pu, có một nhóm năm hoặc sáu nhà sư muốn đặc biệt nghiêm khắc trong việc thực hành, nên họ đã phát nguyện không nói chuyện trong suốt mùa An cư. Nói cách khác, miệng họ không nói lời nào, chỉ trừ việc tụng kinh hàng ngày và tụng luật Patimokkha hai tuần một lần. Sau khi mùa an cư kết thúc, họ đến để đảnh lễ Luang Pu và nói với ngài về sự thực hành nghiêm ngặt của họ: Ngoài những nhiệm vụ khác, họ tịnh khẩu trong suốt mùa an cư.
Luang Pu mỉm cười nói, “Điều đó khá tốt. Khi không nói thì không có lỗi gì trong lời nói. Nhưng khi ông nói rằng ông đã ngừng nói thì điều đó đơn giản là không thể được. Chỉ có những bậc thánh mới bước vào đến sự tịch diệt vi tế, nơi thọ và tưởng đã ngưng, là mới có thể ngừng nói. Ngoài họ ra, mọi người đều nói suốt ngày đêm. Và đặc biệt là những người thề không nói: Họ nói nhiều hơn bất cứ ai khác, chỉ đơn giản là họ không tạo ra âm thanh mà người khác có thể nghe thấy.”
35. ĐỪNG NHẮM SAI HƯỚNG
Ngoài trí tuệ xuất phát từ trái tim, Luang Pu còn trích dẫn những đoạn văn mà ngài đã đọc trong Kinh điển. Bất kỳ đoạn văn nào mà ngài thấy quan trọng, như một bài học ngắn gọn và trực tiếp trong việc thực hành, ngài sẽ đọc lại cho chúng tôi. Chẳng hạn, một trong những lời dạy của Đức Phật mà ngài thích trích dẫn là, “Các sư, đời sống phạm hạnh này không được thực hành để lừa gạt quần chúng, cũng không để được tôn kính, cũng không vì kiếm lợi, cúng dường và nổi tiếng; cũng không nhằm đánh bại các tông phái khác. Đời sống thánh thiện này được sống nhằm thu thúc, buông bỏ, ly tham và đoạn tận khổ đau.”
Luang Pu sau đó sẽ nói thêm, “Những người xuất gia và những người thực hành phải nhắm theo hướng này. Bất kỳ hướng nào khác ngoài hướng này đều sai lầm.”
36. TRONG LỜI PHẬT NÓI
Luang Pu đã từng nói, “Con người, khi họ là người đời thường, đều có tự hào và ý kiến riêng. Chừng nào họ còn có tự hào, họ khó có thể nhìn thấy sự tương hợp với nhau. Khi các điểm nhìn của họ không tương ưng với nhau, họ cứ tiếp tục cãi nhau và tranh chấp. Còn đối với một bậc thánh đã đạt đến Pháp, không có gì có thể lôi kéo vị này vào cuộc tranh cãi với bất kỳ ai khác. Bất kể người khác nhìn mọi chuyện thế nào, vị này đều buông bỏ như là chuyện của người khác. Như một trong những câu nói của Đức Phật, “Này các Tỷ-kheo, điều gì các bậc trí giả ở thế gian nói là có hiện hữu, ta cũng nói là có hiện hữu. Và bất cứ điều gì các bậc trí giả ở thế gian nói là không hiện hữu, ta cũng nói rằng nó không hiện hữu. Ta không tranh cãi với thế gian; nhưng thế giới tranh cãi với ta.”
37. NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ LỖI TRONG CÁCH NÓI
Vào ngày 21 tháng 2, 1983, khi Luang Pu lâm bệnh nặng và đang nằm tại Bệnh viện Chulalongkorn ở Bangkok, Luang Pu Saam Akiñcano đã đến thăm ngài tại phòng bệnh. Lúc đó, Luang Pu đang nghỉ ngơi. Luang Pu Saam ngồi xuống gần ngài và giơ tay tỏ lòng tôn kính. Luang Pu đáp lại bằng cách giơ tay chào kính trọng. Rồi hai người ngồi đó, hoàn toàn bất động, một lúc lâu. Cuối cùng, sau một thời gian rất dài, Luang Pu Saam lại giơ tay kính cẩn một lần nữa và nói, “Tôi sẽ rời đi ngay bây giờ.”
“Được,” Luang Pu trả lời.
Trong suốt hai tiếng đồng hồ, đó là những lời duy nhất tôi nghe họ nói. Sau khi Luang Pu Saam rời đi, tôi không khỏi hỏi Luang Pu, “Luang Pu Saam đến và ngồi đây đã lâu. Tại sao ngài không nói gì với ngài Luang Pu Saam?”
Luang Pu đáp, “Việc làm đã xong rồi, không cần phải nói thêm gì nữa.”
38. KHAM NHẪN HOÀN HẢO
Trong suốt nhiều năm sống gần Luang Pu, tôi chưa bao giờ thấy ngài hành động theo cách nào cho thấy ngài bị phiền lòng bởi bất cứ điều gì đến mức ngài không thể chịu đựng được, và tôi chưa bao giờ nghe ngài phàn nàn về bất kỳ khó khăn nào cả. Ví dụ, khi là vị sư trưởng tại một buổi lễ, ngài không bao giờ làm ầm ĩ hay đòi hỏi các vị chủ thay đổi mọi thứ cho vừa ý ngài. Bất cứ khi nào ngài được mời đến bất cứ nơi nào, nơi ngài phải ngồi lâu hoặc nơi thời tiết nóng và ẩm, ngài không bao giờ phàn nàn. Khi ngài bệnh và thấy đau đớn, hay khi thức ăn của ngài đến trễ, dù đói đến thế nào, ngài cũng không bao giờ càu nhàu. Nếu thức ăn nhạt nhẽo và vô vị, ngài không bao giờ đòi thêm bất cứ thứ gì để thêm món ăn ngon hơn. Mặt khác, nếu ngài thấy bất kỳ vị sư trưởng lão nào khác làm ầm lên để được người khác đối xử đặc biệt, ngài sẽ nhận định, “Ngay cả điều nhỏ nhặt này, bạn cũng không thể chịu đựng được? Nếu bạn không thể chịu đựng được điều này, làm sao bạn có thể chiến thắng phiền não và tham ái?”
39. KHÔNG GÂY RỐI QUA LỜI NÓI
Luang Pu thanh tịnh trong lời nói của ngài, vì ngài chỉ nói những điều có mục đích. Ngài không bao giờ gây ra bất kỳ rắc rối nào cho ngài hay cho người khác qua lời nói của ngài. Ngay cả khi có ai gài bẫy ngài để họ có thể nghe ngài chỉ trích người khác, ngài sẽ không dính bẫy đó.
Nhiều lần người ta đến nói với ngài rằng, “Luang Pu, tại sao một số vị thuyết pháp nổi tiếng trên toàn quốc của chúng ta lại ưa tấn công người khác, hay lên án xã hội hay chỉ trích các vị sư cao cấp khác? Ngay cả khi ngài chi tiền cho con, con cũng không thể tôn kính các vị sư như thế.”
Lúc đó, Luang Pu trả lời, “Đó là trình độ kiến thức và hiểu biết của họ. Họ nói những lời dễ dàng phù hợp với trình độ kiến thức của họ. Không ai trả tiền cho quý vị để tôn kính họ. Nếu quý vị không muốn tôn kính họ, thì chỉ đừng tôn kính họ. Họ có lẽ sẽ không bận tâm đâu.”
40. CÁC VỊ SƯ LÀM HẠI GIỚI PHI NHÂN
Nói chung, Luang Pu ưa thích khuyến khích các nhà sư và sa di đặc biệt quan tâm đến pháp tu lang thang trong rừng để thiền định và thực hành khổ hạnh. Một lần, khi nhiều đệ tử của Ngài – cả các sư cấp cao và sơ cơ – đến dự một buổi họp, ngài khuyến khích họ tìm nơi ẩn dật ở nơi hoang dã, sống trên núi hoặc trong hang động nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hành. Bằng cách đó, họ có thể tự giải thoát ra khỏi các trạng thái tâm thấp kém. Một vị sư nói một cách thiếu suy nghĩ, “Thưa ngài, con không dám tới những nơi đó. Con sợ rằng giới phi nhân sẽ làm hại con.” (LND: để dễ hiểu, chữ “spirits” có thể dịch kiểu dân gian là hồn ma. Trong mạch văn, có nói về những người đã chết.)
Luang Pu trả lời ngay, “Ở đâu mà đã từng có chuyện giới phi nhân nào làm hại các nhà sư? Chỉ có các nhà sư mới làm hại các hồn ma – và các sư đã sản xuất rất nhiều những chuyện đó. Hãy suy nghĩ về điều đó. Gần như tất cả những thứ vật chất mà cư sĩ mang đến cúng dường là nhằm mục đích hồi hướng công đức cho hương linh của tổ tiên và thân nhân quá cố của họ: cha mẹ, ông bà, anh chị em của họ. Và các nhà sư chúng ta có cư xử trong một cách thích nghi hay không? Chúng ta có những phẩm chất tinh thần nào để sẽ gửi công đức tới các tinh linh đó? Hãy cẩn thận, đừng để các tinh linh đó trở thành nạn nhân của các sư.”
41. CŨNG TỐT ĐẸP, NHƯNG…
Hiện nay có rất nhiều thiền sinh biểu lộ hào hứng với những vị thầy mới hay với các trung tâm thiền mới. Cũng giống như những người mê xổ số hào hứng về các nhà sư tiên đoán về các con số sẽ xổ ra, hay những người say mê về các bùa hộ mệnh hào hứng về các nhà sư tạo ra những tấm bùa có sức mạnh, cũng giống như vậy, những người say mê thiền vipassana cũng hào hứng với các vị thầy vipassana. Rất nhiều người trong số này, khi gắn bó với một vị thầy cụ thể, sẽ ca ngợi các vị thầy đó với người khác và cố gắng thuyết phục họ chia sẻ ý kiến của họ và sự tôn kính cho vị thầy đó. Và đặc biệt là hiện nay, có những giảng sư nổi tiếng thu âm các bài pháp thoại của họ và bán chúng khắp cả nước. Một phụ nữ từng mang nhiều băng ghi âm các bài pháp thoại của một giảng sư nổi tiếng cho Luang Pu nghe, nhưng ngài không nghe. Một lý do là ngài chưa bao giờ có một đài hay máy nghe băng nào kể từ ngày ra đời. Hoặc giả sử nếu ngài có một cái, ngài cũng không biết cách bật máy lên. Sau đó, có người mang một máy nghe băng tới và bật lên nhiều băng pháp thoại cho Luang Pu nghe. Sau đó, cô hỏi ngài suy nghĩ gì. Ngài nói, “Cũng tốt đẹp. Vị này có cách diễn đạt hay và ngôn từ phong phú, nhưng tôi không tìm thấy nội dung nào trong đó. Mỗi lần cô nghe, cô nên có thể cảm nhận được hương vị của sự học, sự thực hành và sự thành tựu. Đó là khi có chất trong nội dung.”
42. NHIỀU NGƯỜI TẬP THIỀN HOANG MANG
Hiện nay, nhiều người quan tâm đến thiền tập đang vô cùng bối rối và nghi ngờ về cách tu tập đúng đắn. Điều này đặc biệt đúng với những người mới bắt đầu quan tâm, bởi vì các thiền sư thường đưa ra những lời dạy trái ngược nhau về cách thực hành. Điều tệ hơn, là thay vì giải thích mọi việc một cách công bằng và khách quan, các vị thầy này dường như miễn cưỡng nhìn nhận rằng các vị thầy hay các phương pháp thực hành khác cũng có thể là đúng. Có nhiều vị thầy lại bày tỏ thái độ coi thường các phương pháp khác.
Bởi vì nhiều người có kiểu ngờ vực này thường đến xin lời khuyên của Luang Pu, nên tôi thường nghe ngài giải thích mọi việc theo cách này, “Khi bắt đầu thực hành thiền, bạn có thể bắt đầu bằng bất kỳ phương pháp nào, bởi vì tất cả chúng đều dẫn đến kết quả như nhau. Lý do có rất nhiều phương pháp là vì mỗi người có những khuynh hướng khác nhau. Đó là lý do tại sao phải có những hình ảnh khác nhau để chú tâm vào, hay là các chữ cần lặp lại lặp lại —như chữ “buddho” hay chữ “arahang” — như là phương tiện cho tâm trụ vào một điểm và bình lặng ở bước đầu tiên. Khi tâm đã tập trung và tĩnh lặng được, các chữ để dùng hành thiền sẽ tự nó rơi mất, và đó là nơi tất cả các phương pháp sẽ vào cùng một con đường, với cùng một hương vị. Nói cách khác, nó có trí tuệ nhận biết là trạng thái siêu vượt của nó, và có giải thoát là bản tánh của nó.”
43. KHI AN TRÚ TÂM, PHẢI Ở PHÍA TRÊN
Mọi người đến đảnh lễ Luang Pu đều nói cùng một điều: Mặc dù ngài đã gần 100 tuổi nhưng nước da của ngài vẫn sáng và sức khỏe vẫn mạnh. Ngay cả những người trong chúng tôi sống gần ngài cũng hiếm khi thấy mặt ngài tối sầm lại, hay trông như kiệt sức hay nhăn nhó vì mất vui hay đau đớn. Trạng thái bình thường của ngài là trầm lặng và vui vẻ trong mọi thời. Ngài ít bệnh và luôn vui vẻ, không bao giờ hào hứng vì các sự kiện hay bị ảnh hưởng bởi lời khen hay chê.
Có một lần, giữa một buổi tụ họp của các thiền sư cao niên đang thảo luận về trạng thái tâm bình thường của những người sống phía trên khổ đau, Luang Pu nói, “Không lo lắng, không dính mắc: Đó là nơi an trú tâm của các hành giả.”
44. TÌM THẦY MỚI
Những người thực hành Pháp hiện nay có hai loại. Loại đầu là những người, khi học các nguyên tắc thực hành hoặc nhận lời dạy từ một vị thầy và bước vào con đường, có ý định cố gắng đi theo con đường đó với khả năng tối đa của họ. Loại thứ nhì là những người – mặc dù họ đã nhận được lời dạy tốt từ vị thầy và đã học những nguyên tắc thực hành đúng đắn – nhưng ý định lại không chân thành. Nỗ lực của họ là lơ là. Đồng thời, họ ưa thích ra ngoài để tìm các thầy khác ở các thiền viện khác. Bất cứ nơi nào họ nghe nói có một trung tâm tốt, họ sẽ tới đó. Những thiền giả loại này thì rất nhiều.
Luang Pu từng khuyên học trò của mình rằng, “Khi quý vị tới nhiều trung tâm và học với nhiều vị thầy, việc thực hành của quý vị sẽ không có kết quả, vì khi quý vị đến nhiều trung tâm, như dường rằng quý vị khởi đầu trở lại một lần nữa, và rồi một lần nữa. Quý vị không đạt được bất kỳ nguyên tắc chắc chắn nào trong tu tập của mình. Đôi khi quý vị thấy bất định và hoang mang. Tâm quý vị không vững vàng. Sự thực hành của quý vị suy thoái và không tiến bộ.”
45. NẮM GIỮ LẤY <=> DẸP QUA MỘT BÊN
Người học và người thực hành Pháp có hai loại. Loại thứ nhất là những người chơn thực học và hành để tìm giải thoát khỏi đau khổ. Loại thứ nhì là những người học và hành để khoe về thành tích của mình và dành cả ngày để tranh luận, tin rằng việc thuộc lòng nhiều văn bản hay có thể trích dẫn nhiều vị thầy là một dấu hiệu của tầm quan trọng của họ. Nhiều lần, khi những người thuộc loại thứ hai này đến gặp Luang Pu, thay vì hỏi lời khuyên của ngài về cách thực hành, họ lại phun ra kiến thức và ý tưởng của họ cho ngài nghe với nhiều chi tiết. Tuy nhiên, ngài vẫn cứ luôn ngồi và lắng nghe họ. Thực tế, khi họ nói đủ thứ xong, ngài mới thêm một nhận xét, “Những người bị ám ảnh bởi kinh điển và các vị thầy sẽ không thể thoát khỏi đau khổ. Dù vậy, những người muốn thoát khổ phải nương dựa vào kinh điển và các vị thầy.”
46. KHI TÂM CHỐNG LẠI SỰ TĨNH LẶNG
Trong việc tập định, không thể nào mọi người được kết quả với tốc độ như nhau. Vài người có kết quả nhanh, những người khác kết quả chậm. Thậm chí có những người dường như chưa bao giờ cảm nhận được hương vị của tĩnh lặng. Dù vậy, họ không nên nản lòng. Riêng việc nỗ lực trong tự thân đã là một công đức lớn và kỹ năng cao, nhiều hơn so với việc bố thí hay trì giới. Một số đông đệ tử của Luang Pu hỏi ngài, “Con đã ra sức tập định trong một thời gian dài, nhưng tâm con chưa bao giờ tĩnh lặng. Nó cứ lang thang ra ngoài. Có cách nào khác mà con có thể thực hành được không? “
Đôi khi Luang Pu đưa ra phương pháp khác, “Khi tâm không tĩnh lặng, ít nhất con có thể bảo đảm rằng tâm không đi lang thang xa. Hãy dùng chánh niệm để chỉ chú tâm vào thân. Hãy nhìn để xem thân là vô thường, căng thẳng và vô ngã. Hãy phát triển nhận biết rằng thân bất tịnh, và không có thực chất nào trong thân cả. Khi tâm nhìn thấy rõ ràng theo cách này, tâm sẽ sinh khởi một cảm giác của mất vui, không say đắm và xa lìa tham ái. Điều này cũng có thể cắt đứt các uẩn bám chấp.”
47. NỀN TẢNG CHÂN THỰC CỦA PHÁP
Có một điều mà người hành thiền sinh ưa nói đến, đó là “Bạn thấy gì khi ngồi thiền? Những hì hiện ra khi bạn thiền?” Hoặc họ than phiền rằng họ đã ngồi thiền rất lâu mà vẫn không thấy gì hiện ra cho họ thấy. Hoặc họ nói về việc nhìn thấy thứ này hay thứ kia hoài. Điều này khiến một số người hiểu lầm, cho rằng khi thiền, bạn sẽ thấy những gì bạn muốn thấy.
Luang Pu cảnh giác những người này rằng loại khát vọng này hoàn toàn sai lầm, vì mục đích của thiền là đi vào nền tảng chơn thực của Pháp. “Nền tảng chơn thực của Pháp là tâm, do vậy hãy tập trung vào quan sát tâm. Hãy làm thế để quý vị hiểu được tâm quý vị một cách sâu sắc. Khi quý vị hiểu được tâm mình một cách sâu sắc, quý vị đã có được nền tảng của Pháp ngay tại đó.”
48. LỜI CẢNH GIÁC ĐỪNG LƯỜI BIẾNG
Để tránh bất kỳ sự lười biếng hoặc thiếu chú tâm nào trong hành vi của các nhà sư và sa di, Luang Pu đã chọn một cách khiển trách họ một cách sâu sắc, “Người tại gia phải làm việc vất vả trong đời sống với nhiều khó khăn để có được của cải vật chất, thực phẩm và tiền bạc cần thiết để nuôi sống gia đình, con cháu. Dù mệt mỏi hay kiệt sức đến đâu, họ cũng phải nỗ lực. Đồng thời, họ muốn tạo công đức nên họ hy sinh một số tài sản để cúng dường, làm công đức. Họ dậy sớm, nấu thức ăn ngon để đặt vào bát khất thực của chúng ta. Trước khi họ đưa thức ăn vào bát của chúng ta, họ nâng cao quá đầu họ và nói lời ước nguyện. Khi hoàn tất đưa thức ăn vào bát, họ lùi lại, ngồi xổm xuống và chắp hai tay cung kính một lần nữa. Họ làm như vậy vì họ muốn công đức trong việc hỗ trợ chúng ta tu hành. Và công đức nào trong sự tu hành của chúng ta mà chúng ta có thể trao tặng cho họ? Quý vị đã tự cư xử theo cách mà quý vị xứng đáng được nhận và ăn thức ăn của họ chưa?”
49. ĐÔI KHI NGÀI CỨNG RẮN
Ajaan Samret đã xuất gia từ khi còn ấu niên cho đến khi sư này gần 60 tuổi. Vị này trước đó là một thiền sư, nghiêm khắc trong tu tập, có danh tiếng tốt và được nhiều người kính trọng. Nhưng sư này đã không đi trọn con đường. Tâm của vị sư này suy giảm vì sư yêu thương con gái của một trong những thí chủ. Vì thế vị này xin rời Luang Pu để cởi y và kết hôn.
Mọi người đều bị sốc trước tin này và không tin điều đó có thể là sự thật bởi vì nhìn vào sự tu hành của sư này, họ đã cho rằng nhà sư này sẽ sống đời tu hành cho đến cuối đời. Nếu tin này là thật thì đó sẽ là một cú đánh mạnh vào cộng đồng những người hành thiền. Vì lý do này, các trưởng lão và học trò của sư này đã cố gắng bằng mọi cách có thể để khiếnvị này đổi ý và không cởi y. Đặc biệt, Luang Pu đã gọi vị này tới và cố gắng thuyết phục vị này đổi ý, nhưng vô ích. Cuối cùng, Ajaan Samret nói với ngài, “Con không thể ở lại được. Mỗi lần con ngồi thiền, con thấy khuôn mặt của nàng lơ lửng trước mặt con.”
Luang Pu đáp lại bằng một giọng lớn, “Đó là bởi vì con không thiền định về bản tâm của con. Con đang thiền định về phía sau của cô ta, nên tất nhiên con cứ nhìn thấy mãi phía sau của cô ta. Bước ra khỏi đây đi. Hãy tự do đi bất cứ nơi nào con muốn.”
50. KHÔNG CHỆCH HƯỚNG
Tôi đã sống với Luang Pu hơn ba mươi năm, làm thị giả chăm sóc mọi việc của ngài cho đến cuối đời ngài, và tôi quan sát thấy rằng sự tu hành của ngài phù hợp với Chánh pháp và Luật tạng, phù hợp với con đường độc đạo để thoát khỏi đau khổ. Ngài không bao giờ phân tâm vào các phép thuật, bùa thiêng hoặc bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào khác, dù chỉ một chút xíu. Khi người ta xin ngài ban phước cho họ bằng cách thổi vào đầu họ, ngài sẽ hỏi, “Tại sao tôi phải thổi vào đầu quý vị?” Khi người ta xin ngài đánh dấu điềm lành trên xe hơi của họ, ngài nói, “Tại sao lại đánh dấu điềm lành?” Khi người ta xin ngài chọn ngày lành hay tháng tốt cho hoạt động của họ, ngài nói, “Tất cả các ngày đều tốt.” Hoặc nếu ngài nhai trầu và người ta hỏi xin phần bã đã nhai, ngài nói, “Sao quý vị lại muốn thứ đó? Nó dơ quá.”
51. CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ MỘT CHUYỂN ĐỘNG
Có những lúc tôi cảm thấy không thoải mái, sợ rằng mình có thể đã làm sai khi đứng về phía những người đã thuyết phục Luang Pu làm những việc mà ngài không thích làm. Lần đầu tiên là khi Ngài dự lễ khai trương Bảo tàng Phra Ajaan Mun ở Wat Pa Sutthaavaat ở Sakon Nakhorn. Có rất nhiều thiền sư và rất nhiều cư sĩ đến gặp các vị thầy để tỏ lòng tôn kính và xin điều gì đó. Nhiều người xin Luang Pu thổi vào đầu họ [để lấy hên]. Khi tôi thấy ngài chỉ ngồi yên mà không trả lời, tôi đã thỉnh cầu ngài, “Ngài hãy làm cho xong việc đi.” Thế là ngài thổi vào đầu họ. Sau một thời gian, khi không thể thoát ra được, ngài sẽ đánh dấu những điềm lành trên xe hơi của họ. Khi ngài cảm thấy mệt mỏi với những thỉnh cầu của họ về bùa hộ mệnh, ngài đã cho phép họ làm các bùa hộ mệnh mang tên ngài. Khi cảm thấy thương hại họ, ngài sẽ thắp ngọn nến “chiến thắng” trong các nghi lễ tụng kinh của họ và tham gia vào các nghi lễ dâng bùa hộ mệnh của họ.
Nhưng sau đó tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi Luang Pu nói, “Tôi làm những việc như thế này chỉ đơn giản là một chuyển động vật chất bên ngoài để tương ưng với các quy ước xã hội. Nó không phải là một chuyển động của tâm mà có thể dẫn đến các trạng thái trở thành, các cấp độ của hiện hữu, hoặc đối với con đường, quả vị và Niết-bàn theo bất kỳ cách nào.”
52. NẮM LẤY CƠ HỘI
“Tất cả 84,000 phần của Giáo pháp chỉ là những chiến lược để dẫn mọi người quay lại và nhìn vào tâm. Lời dạy của Đức Phật rất nhiều, vì phiền não của con người thì nhiều. Tuy nhiên, con đường chấm dứt đau khổ chỉ có một: Niết Bàn. Cơ hội này chúng ta phải thực hành Chánh Pháp một cách đúng đắn là điều rất hiếm hoi. Nếu chúng ta để nó trôi qua, chúng ta sẽ không có cơ hội đạt được giải thoát trong kiếp này và chúng ta sẽ phải lạc lối trong những tà kiến trong một thời gian rất dài trước khi chúng ta có thể gặp lại Chánh Pháp này lần nữa. Do vậy, bây giờ chúng ta đã gặp được lời dạy của Đức Phật, chúng ta nên khẩn cấp tu tập để được giải thoát. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt này. Khi các sự thật cao quý bị lãng quên, bóng tối sẽ tràn ngập chúng sinh với cả khối đau khổ trong một thời gian dài tương lai.”
53. GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC
Không phải chỉ một lần Luang Pu dạy Pháp bằng cách so sánh. Có lần ngài đã nói, “Sự nhận biết bên ngoài là sự nhận thức về những giả định. Nó không thể soi sáng tâm về Niết bàn. Quý vị phải dựa vào sự nhận biết rõ ràng về con đường cao quý nếu quý vị muốn vào Niết bàn. Kiến thức của các nhà khoa học, như Einstein, là có nhiều thông tin và rất có năng lực làm nhiều chuyện. Nó có thể chẻ ra hạt nguyên tử nhỏ nhất và nhập vào chiều không gian thứ 4. Nhưng Einstein không có ý niệm gì về Niết bàn, đó là lý do tại sao ông không thể nhập vào Niết bàn, “Chỉ có tâm đã giác ngộ trong con đường cao quý mới có thể đưa đến sự Tỉnh thức thực sự, sự Tỉnh thức đầy đủ, sự Tỉnh thức viên mãn. Chỉ có như thế mới có thể đưa đến sự giải thoát khỏi đau khổ, tới Niết bàn.”
54. LÀM THẾ NÀO ĐOẠN TẬN KHỔ ĐAU
Năm 1977, nhiều sự kiện không mong muốn đã xảy ra với các quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Thai Lan – mất của cải, mất địa vị, bị chỉ trích và đau khổ. Và dĩ nhiên, nỗi đau và buồn lan rộng, ảnh hưởng đến vợ con của họ nữa. Do vậy, một ngày nọ, một số người vợ của họ đến đảnh lễ Luang Pu và kể cho ngài nghe về nỗi đau khổ của họ để ngài có thể khuyên họ cách vượt qua nó. Ngài nói với quý bà, “Người ta không nên cảm thấy buồn hay nhớ nhung những thứ bên ngoài thân mình đã trôi qua và biến mất, vì những thứ đó đã hoàn tất chức năng của chúng một cách chính xác trong cách hoàn hảo nhất.”
55. SỰ THẬT LUÔN LUÔN NHƯ NHAU
Nhiều học giả sẽ nhận xét rằng những lời dạy của Luang Pu rất giống với những lời dạy của Thiền Tông hay Kinh Pháp Bảo Đàn [của Huệ Năng]. Tôi đã hỏi ngài về điều này nhiều lần và cuối cùng ngài trả lời một cách khách quan, “Tất cả những chân lý của Pháp đều đã có mặt trên thế gian. Khi Đức Phật giác ngộ những chân lý đó, Đức Phật đã mang chúng ra để giảng dạy cho chúng sinh trên thế gian. Bây giờ, bởi vì những chúng sinh đó có những khuynh hướng khác nhau – thô thiển hay tinh tế – Đức Phật đã dùng rất nhiều ngôn từ: tất cả có 84.000 phần của Chánh Pháp. Khi người trí tìm cách chọn những chữ thích hợp nhất để giải thích sự thật cho những người hướng tới sự thật, họ phải sử dụng các phương pháp của sự thật rằng, về sự quán chiếu [tự tâm], là chính xác nhất và viên mãn nhất mà không bận tâm về ngôn từ hay cứ dính mãi vào các chữ trong các văn bản trong cách tận cùng ít nhất.”
56. TINH LỌC
Nhà sư Ajaan Bate của Tu viện trong rừng Khoke Mawn Forest Monastery đến nói chuyện với Luang Pu về thực hành thiền định, nói rằng, “Con đã thực hành thiền định trong một thời gian dài, đến mức con có thể nhập định (appana samadhi) trong thời gian dài. Khi con xuất định, có có những lúc con cảm thấy một cảm giác hỷ lạc thoải mái rất lâu sau đó. Đôi khi có cảm giác về ánh sáng rực rỡ, và tôi hoàn toàn có thể hiểu rõ về thân. Con nên làm gì tiếp theo nữa?”
Luang Pu trả lời, “Hãy dùng sức định đó để khảo sát tâm. Rồi hãy buông bỏ tất cả các mối trong tâm để không còn gì trong tâm cả.”
57. RỖNG KHÔNG
Một thời gian sau, nhà sư Ajaan Bate, cùng với hai vị sư khác và đông đảo cư sĩ đến đảnh lễ Luang Pu. Sau khi Luang Pu khuyên những người mới đến về cách thực hành, sư Ajaan Bate hỏi thêm Luang Pu về lời khuyên mà sư đã nhận được trong chuyến viếng thăm lần trước. “Buông bỏ tất cả các đối tượng là điều con có thể làm chỉ trong giây lát. Nhưng con không thể ở trạng thái đó trong thời gian dài được.”
Luang Pu nói, “Ngay cả khi con có thể buông bỏ tất cả các đối tượng trong một khoảnh khắc, nếu con không thực sự quan sát tâm, hoặc chánh niệm của con không hoàn toàn bao trùm, có thể con chỉ đơn giản là buông bỏ một đối tượng thô thiển để chuyển sang một đối tượng vi tế hơn. Do vậy, con phải ngừng tất cả mọi suy nghĩ tư lường, và hãy để tâm trí an trú trong rỗng không.”
58. KHÔNG TẤT CẢ RÕ RÀNG
Có người nói, “Con đã đọc đoạn văn trong tiểu sử của ngài, trong đó nói rằng, trong khi ngài đang lang thang, ngài đã hiểu rõ về vấn đề tâm tạo ra phiền não và phiền não tạo ra tâm. Điều đó có nghĩa là gì?”
Luang Pu trả lời, “‘Tâm tạo ra phiền não là nói rằng, tâm dẫn tới ý nghĩ, lời nói và hành động để làm cho cảnh bên ngoài xuất hiện, làm cho chúng thành thiện, làm cho chúng thành bất thiện, dẫn tới kết quả của nghiệp, rồi bám vào những thứ đó, nghĩ rằng, ‘Đó là tôi, đó là tự ngã của tôi, đó là cái của tôi. Kia là cái của họ.’
“Phiền não tạo ra tâm, là nói về những sự việc bên ngoài ập tới, cưỡng ép tâm đi theo sức mạnh của chúng, khiến nó bám chặt vào ý tưởng cho rằng nó có một tự ngã, giả định những chuyện mà các thứ này cứ kéo lệch ra khỏi sự thật.”
59. KIẾN THỨC TỪ HỌC <=> KIẾN THỨC TỪ HÀNH
Có người nói, “Những lời dạy về giới, định, tuệ và giải thoát mà con đã thuộc lòng từ sách vở và từ lời dạy của nhiều vị sư khác nhau: Chúng có phù hợp với sự hiểu biết về bản chất như ngài Luang Pu dạy không?”
Luang Pu trả lời, “Giới có nghĩa là sự bình thường của một tâm không có lỗi lầm, tâm đã được trang bị vũ khí chống lại bất cứ điều ác nào. Định là kết quả đến từ việc giữ giới đó, tức là, một tâm vững chắc, tĩnh lặng như sức mạnh đưa tới bước tiếp theo. Tuệ – “cái biết” – chính là một tâm trống rỗng, nhẹ nhàng và thoải mái, nhìn mọi thứ một cách rõ ràng, thấu suốt, xem chúng như chúng là. Giải Thoát là một tâm đi vào tánh Không từ cái rỗng không đó. Nói cách khác, nó buông bỏ sự thoải mái, rời khỏi trạng thái nơi nó không là gì và không có gì, không còn chút suy nghĩ tư lường chút nào cả.”
60. CHIẾN LƯỢC RỜI BỎ DÍNH MẮC
Có người nói, “Khi con đưa tâm vào trạng thái tĩnh lặng, con cố gắng giữ nó vững chắc trong sự tĩnh lặng đó. Nhưng khi nó gặp một đối tượng hay mối bận tâm nào đó, nó lại có xu hướng mất nền tảng mà con đã cố gắng duy trì.”
Luang Pu trả lời, “Nếu đúng như vậy thì điều đó cho thấy rằng sức định của bạn không đủ kiên cường. Nếu những mối bận tâm này đặc biệt mạnh mẽ – và đặc biệt, nếu chúng liên quan đến những điểm yếu của bạn – thì bạn phải giải quyết chúng bằng cách sử dụng phương pháp quán chiếu. Hãy bắt đầu bằng cách quán hiện tượng tự nhiên thô sơ nhất – tức là, thân – phân tích nó đến từng chi tiết. Khi con đã quán nó đến mức hoàn toàn rõ ràng, hãy chuyển sang quán các hiện tượng trong tâm – bất cứ thứ gì, theo từng cặp, mà con đã từng phân tích, thí dụ như đen và trắng, hay tối và sáng.”
61. VỀ ĂN
Một nhóm tu sĩ đến đảnh lễ Luang Pu trước mùa an cư và một trong số họ nói, “Con đã thiền định một thời gian dài và đạt được chút bình an, nhưng con gặp vấn đề về việc ăn thịt. Ngay cả chỉ nhìn vào thịt, con thấy thương cho con vật đã phải hy sinh mạng sống chỉ để con ăn thịt nó. Như dường là con thực sự thiếu lòng từ bi. Khi con bắt đầu lo ngại về điều này, con thấy khó thấy tâm được bình an.”
Luang Pu nói, “Khi một tu sĩ thọ dụng bốn món vật dụng cần thiết, vị ấy nên quán chiếu chúng trước tiên. Nếu khi quán xét, vị ấy thấy rằng ăn thịt là một hình thức áp bức và thể hiện sự thiếu từ bi đối với loài thú, vị ấy nên kiêng thịt, và thay vào đó hãy ăn đồ chay.”
62. NÓI THÊM VỀ ĂN
Khoảng ba hoặc bốn tháng sau, cũng nhóm tu sĩ đó đã đến đảnh lễ Luang Pu sau mùa an cư và nói với ngài rằng, “Chúng con ăn chay suốt mùa mưa, nhưng rất khó khăn. Những cư sĩ nơi chúng con đang ở trong làng Khoke Klaang, quận Praasaat, không biết gì về thức ăn chay. Chúng con khó tìm được thức ăn nào, và điều đó gây rắc rối cho những cư sĩ hỗ trợ. Một vài nhà sư thấy sức khỏe suy kém, và một vài người trong chúng con không thể trải qua cho hết mùa an cư. Chúng con đã không thể nỗ lực nhiều trong việc thiền định như lẽ ra phải có.”
Luang Pu nói, “Khi một nhà sư thọ dụng bốn vật dụng cần thiết, vị ấy nên quán chúng trước. Nếu khi quán, vị ấy thấy rằng thức ăn trước mặt vị ấy – dù là rau, thịt, cá hay cơm – đều thanh tịnh trong ba cách, mà vị này không nhìn thấy, nghe thấy hoặc nghi ngờ rằng một con vật bị giết để cung cấp thức ăn cụ thể cho vị này, và vị này cũng có được thức ăn này một cách có đạo đức, rằng người tại gia dân cúng dường vì đức tin, thì vị đó nên ăn thức ăn đó. Đó cũng là cách mà các vị thầy của chúng ta đã thực hành.”
63. VẪN NÓI THÊM VỀ ĂN
Vào ngày thứ hai của tuần trăng khuyết trong tháng thứ ba của năm 1979, Luang Pu đang ở tại Tu viện Prakhonchai Forest Monastery. Sau 8 giờ tối, một nhóm tu sĩ đi lang thang, dựng lều gần khu dân cư, cũng đến tu viện nghỉ đêm ở đó. Sau khi đảnh lễ Luang Pu, họ nói về điều mà họ cảm thấy là đặc điểm nổi bật trong việc thực hành của họ, “Những người ăn thịt đang ủng hộ việc giết hại thú vật. Những người chỉ ăn rau cho thấy mức độ từ bi cao độ. Bằng chứng là khi chuyển sang chỉ ăn rau, tâm sẽ trở nên an bình và mát mẻ hơn.”
Luang Pu trả lời, “Điều đó rất tốt. Việc quý vị có thể ăn chay là rất tốt, và tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình. Đối với những người vẫn ăn thịt, nếu thịt đó thanh tịnh theo ba cách – trong đó họ chưa từng thấy, nghe hoặc nghi ngờ rằng con vật đó bị giết để cung cấp thức ăn cụ thể cho họ – và họ có được nó một cách thanh tịnh, thì việc ăn thịt đó không hề trái với Chánh Pháp và Giới Luật. Nhưng khi quý vị nói rằng tâm trở nên an bình và mát mẻ, thì đó là kết quả của sức mạnh đến từ ý định về thực hành đúng theo Chánh Pháp và Giới Luật. Nó không dính gì đến thức ăn mới hay cũ trong bụng quý vị cả.”
64. KINH DOANH & THỰC HÀNH PHÁP
Một nhóm thương gia nói, “Chúng con có nhiệm vụ của mình là thương gia, nghĩa là đôi khi chúng con phải phóng đại sự việc hoặc thu lợi nhuận quá mức, nhưng chúng con cực kỳ quan tâm đến thiề định và đã bắt đầu thực hành. Tuy nhiên, một số người đã nói với chúng con rằng , rằng với sinh kế của mình, chúng con không thể hành thiền. Ngài nói gì về điều này, thưa Luang Pu? Vì họ nói rằng bán để kiếm lời là một tội lỗi.”
Luang Pu nói, “Để sống còn, mỗi người cần có một nghề, và mỗi nghề đều có những tiêu chuẩn riêng về điều nào là đúng và phù hợp. Khi quý vị tuân theo những tiêu chuẩn đó một cách đúng đắn, điều đó được coi là trung tính — không có công đức, cũng không có tội. Về việc thực hành Pháp, đó là điều quý vị nên làm, vì chỉ những người thực hành Pháp mới phù hợp để làm việc trong mọi hoàn cảnh.”
65. KỶ NIỆM CHÔN VÙI
Một lần nọ, khi Luang Pu đang lưu trú tại Tu Viện Yothaaprasit Forest Monastery, nhiều vị sư và sa di đã đến để tỏ lòng kính trọng. Sau khi họ lắng nghe những lời dạy của ngài, Luang Taa Ploi – người đã xuất gia khi cao niên nhưng rất tự chế trong việc thực hành – nói với Luang Pu, “Con đã xuất gia khá lâu rồi, nhưng con chưa thể hãy cắt đứt sự dính mắc vào quá khứ. Dù con có giữ tâm vững chắc vào hiện tại đến đâu, con vẫn thấy chánh niệm sơ thất và tcon cứ trượt lùi. Ngài có thể chỉ cho con một phương pháp khác để ngưng tình hình này không?”
Luang Pu đáp, “Đừng để tâm chạy theo những mối bận tâm bên ngoài. Nếu chánh niệm của con rơi mất, thì ngay khi con nhận biết được nó, hãy lập tức kéo nó lại. Đừng để nó đi tìm những mối bận tâm dù là tốt hay xấu, dù là vui sướng hay đau đớn. Đừng rơi theo chúng, nhưng cũng đừng dùng cường lực để cắt đứt chúng.”
66. THEO KIỂU RIÊNG CỦA NGÀI
Vào khoảng năm 1977, Luang Pu được mời đến dự một buổi lễ tại chùa Wat Dharmamongkon trên đường Sukhumvit ở Bangkok. Trong buổi lễ, ngài được mời “ngồi trong bảo vệ” như một phần của nghi lễ làm phép các hình ảnh Phật và bùa hộ mệnh. Sau khi buổi lễ kết thúc, ngài ra ngoài nghỉ ngơi trong một túp lều nhỏ, nơi ngài nói chuyện với rất đông các học tăng đang học tại Bangkok vào thời điểm đó. Một trong các nhà sư nhận xét rằng vị này chưa bao giờ thấy Luang Pu tham gia một buổi lễ như thế này trước đây và thắc mắc liệu đây có phải là lần đầu tiên của ngài hay không. Sau đó, vị này hỏi thế nào là “ngồi trong bảo vệ.”
Luang Pu trả lời, “Tôi không biết các vị sư khác làm gì khi họ ngồi ‘trong bảo vệ’ hay ngồi ‘ban phước’. Còn tôi, tôi chỉ đơn giản ngồi trong định theo kiểu xưa nay của tôi thôi.”
67. “CON MUỐN HỌC GIỎI…”
Một cô gái trẻ từng thưa với Luang Pu, “Con nghe ông nội Sorasak Kawngsuk nói rằng bất cứ ai muốn thông minh và học giỏi trước tiên phải tập ngồi thiền để tâm trí tập trung vào tĩnh lặng. Con muốn được thông minh và học giỏi trong lĩnh vực con học, cho nên con đã cố gắng ngồi thiền và đưa tâm mình vào chỗ tĩnh lặng, nhưng nó chưa bao giờ tĩnh lặng được. Đôi khi con còn bồn chồn hơn trước. Khi tâm con không tĩnh lặng được như vậy, làm sao con có thể xuất sắc trong ngành nghiên cứu của con?”
Luang Pu trả lời, “Chỉ cần tập trung vào việc nhận biết cái gì con đang học, và trong tự nó sẽ giúp con học giỏi trong ngành nghiên cứu của con. Khi tâm không tĩnh lặng, hãy để tâm biết rằng tâm không đang tĩnh lặng. Đó là vì con muốn quá nhiều để nó tĩnh lặng, nên nó không tĩnh lặng. Chỉ cần con hành thiền một cách bình tĩnh, và ngày đó sẽ tới, nó sẽ tĩnh lặng theo đúng con mong muốn.”
68. MỤC ĐÍCH CỦA [DU TĂNG] LANG THANG
Một số nhà sư và sa di, sau mùa an cư, thích đi lang thang theo nhóm đến nhiều nơi khác nhau. Mỗi người trong số họ chuẩn bị những vật dụng cần thiết và một bộ đầy đủ các phụ kiện dhutanga (hạnh đầu đà). Nhưng nhiều người trong số họ lại đi chệch khỏi mục đích lang thang để ẩn cư. Thí dụ, một số người trong số họ mang các phụ kiện dhutanga trên xe buýt có máy lạnh. Một số đi thăm các bạn cũ tại các văn phòng công ty.
Vì vậy, Luang Pu đã từng nói giữa một buổi tụ họp của các nhà sư thiền tập rằng, “Tự biến mình thành một du tăng có vẻ ngoài đẹp đẽ là không chính đáng chút nào. Nó đi ngược lại mục đích của hạnh du tăng lang thang. Từng người trong quý vị nên suy ngẫm nhiều về điểm này. Mục đích của đi lang thang trong thiền chỉ có một điều: để luyện tâm và trau giồi tâm để tâm xa lìa phiền não. Đi lang thang trong thiền chỉ là chuyện của thân, mà không mang theo tâm, thì không có gì tuyệt vời cả. “
69. ĐỂ DỪNG LẠI, BẠN PHẢI BIẾT CÁCH
Một thiền giả từng nói với Luang Pu, “Theo những gì ngài đã dạy, con đã cố gắng ngừng suy nghĩ (giữ tâm vô niệm), nhưng con chưa bao giờ thành công. Tệ hơn nữa là, con đâm ra thất vọng và đầu óc dường như choáng váng. Dù vậy, con tin rằng những gì ngài dạy không sai, vì vậy con muốn xin vài lời khuyên về những gì cần làm kế tiếp.”
Luang Pu trả lời, “Như thế cho thấy rằng con đã hiểu chệch hướng. Con được dạy là hãy ngừng suy nghĩ, nhưng tất cả những gì con làm là nghĩ về việc ngừng suy nghĩ, vậy thì làm sao việc ngừng lại thực sự có thể xảy ra được? Hãy buông bỏ tất cả những vô minh của con về chuyện ngừng suy nghĩ. Hãy buông bỏ các niệm của con về việc ngừng suy nghĩ, và đó sẽ là kết thúc vấn đề.”
70. KẾT QUẢ TƯƠNG TỰ NHƯNG KHÔNG GIỐNG NHAU
Vào ngày thứ nhì của tuần trăng khuyết của tháng mười một, ngày sinh nhật của Luang Pu, rơi vào ngày thứ hai sau khi kết thúc mùa an cư hàng năm. Vì vậy, các đệ tử của Ngài – cả các nhà sư học giả và các nhà sư hành thiền – ưa thích đi thăm để tỏ lòng tôn kính ngài vào ngày hôm đó, để xin lời khuyên của ngài về việc thực hành hay để báo cáo kết quả thực hành của họ từ mùa an cư vừa qua. Đây là một truyền thống mà họ tuân theo trong khi ngài còn tại thế.
Một lần, sau khi đưa ra lời khuyên chi tiết về cách thực hành, Luang Pu kết thúc bằng những lời sau đây, “Học Pháp bằng cách đọc và nghe sẽ đưa đến nhận biết và khái niệm. Học Pháp bằng cách thực hành nó sẽ mang lại kết quả ở mức độ thực sự của Pháp trong tâm.”
71. CHỈ CÓ MỘT NƠI
Nhà sư Phra Maha Thaweesuk là học trò đầu tiên của Luang Pu vượt qua cấp độ thứ chín và cuối cùng của các kỳ thi bằng tiếng Pali. Vì vậy, nhân danh Luang Pu, Chùa Wat Burapha đã thực hiện một buổi lễ mừng thành tựu của vị sư này. Sau khi nhà sư Phra Maha Thaweesuk bày tỏ lòng kính trọng với Luang Pu, Luang Pu đã đưa ra một lời khuyên ngắn gọn:
“Có thể đậu được kỳ thi cấp chín, chứng tỏ rằng sư học rất siêng năng, đủ thông minh và là một chuyên gia về Kinh điển, vì điều này được coi là đã hoàn thành việc học. Nhưng chỉ quan tâm đến việc học thì không thể mang lại giải thoát khỏi đau khổ. Sư cũng phải quan tâm đến việc thực hành để luyện tâm. Tất cả 84.000 phần của Giáo pháp xuất phát từ tâm của Đức Phật. Mọi thứ đều xuất phát từ tâm. Bất cứ điều gì sư muốn biết, sư có thể tìm kiếm nó trong tâm.”
72. THẾ GIỚI <=> PHÁP
Vào ngày 12 tháng 3, 1979, Luang Pu đến Tu viện Sri Kaew Cave Monastery trên núi Phu Phaan, tỉnh Sakon Nakorn, trong hơn mười ngày cô tịch và nghỉ ngơi. Vào buổi tối ngày cuối cùng, trước khi rời đi, sư Ajaan Suwat cùng với các tu sĩ và sa di khác trong tu viện đã đến để tỏ lòng thành kính. Luang Pu nhận xét, “Nghỉ ngơi ở đây thật thoải mái. Không khí trong lành, thiền định dễ dàng. Nó khiến tôi nhớ lại ngày xưa khi còn lang thang.”
Sau đó, Ngài thuyết pháp, trong đó có đoạn văn sau: “Những gì có thể biết được đều thuộc về thế gian. Còn những gì không có cái gì có thể biết được, đó là Pháp. Thế giới luôn có những thứ đi theo từng cặp [nhị nguyên], nhưng Pháp là một [bất nhị], nơi tất cả đều xuyên suốt.”
73. BẠN CÓ NÊN HỎI KHÔNG?
Nhiều người quan tâm đến việc thực hành, dù tại gia hay xuất gia, không chỉ có ý định thực hành mà còn thích tìm kiếm các vị thầy có kỹ năng đưa ra lời khuyên. Có lần một nhóm thiền tăng từ miền Trung Thái Lan đến dành nhiều ngày để nghe Pháp của Luang Pu và nghe lời khuyên của ngài về thiền. Một trong các nhà sư nói với Luang Pu về cảm xúc của mình, “Con đã tìm kiếm nhiều vị thầy, và mặc dù tất cả họ đều dạy tốt, nhưng nhìn chung họ chỉ dạy về Luật tạng, hoặc dạy về hạnh du tăng lang thang và khổ hạnh, hoặc nếu không thì dạy về an lạc và sự tĩnh lặng do tập định. Còn ngài, ngài dạy con đường thẳng đến đỉnh cao: vô ngã, tánh không, niết bàn. Xin tha lỗi cho con khi hỏi câu này, khi ngài dạy về Niết bàn, ngài đã thành tựu chưa? “
Luang Pu trả lời, “Không có gì để sẽ thành tựu, và không có gì mà sẽ không thành tựu.”
74. MỤC ĐÍCH CỦA THỰC HÀNH
Sư Ajaan Bate, một thân nhân gần của Luang Pu, sống tại Tu viện Khoke Mawn Monastery. Mặc dù mới xuất gia vào cuối đời nhưng rất mực nghiêm túc trong hành thiền và tu khổ hạnh. Luang Pu từng khen ngợi sư này, nói rằng việc thực hành của sư này đã đạt được kết quả tốt. Khi Ajaan Bate lâm bệnh nặng và cận kề cái chết, vị này nói rằng muốn gặp Luang Pu lần cuối để từ biệt trước khi chết. Tôi đã thông báo cho Luang Pu, người đã đến gặp vị sư kia. Khi ngài đến, Ajaan Bate đứng dậy, lạy chào ngài rồi nằm xuống chiếu như trước, không nói một lời. Nhưng nụ cười và vẻ mặt hạnh phúc của hiện ra rất dễ nhận thấy.
Luang Pu nói với vị sư bằng một giọng vừa rõ ràng vừa nhẹ nhàng, “Tất cả những thực hành mà con thực hành tới giờ đều đặc biệt nhằm mục đích sử dụng vào lúc này. Khi tới lúc phải chết, hãy biến tâm thành một [khối], rồi ngừng tập trung và buông bỏ mọi thứ.”
75. HY VỌNG CHỜ TỚI KẾT QUẢ XA VỜI
Khi cư sĩ đến thăm Luang Pu, ngài thường không hỏi họ về bất cứ điều gì xa xôi. Ngài thường hỏi, “Con có bao giờ thiền chưa?” Một vài người sẽ trả lời rằng họ có thiền tập, những người khác thì không.
Một phụ nữ, thuộc nhóm thứ hai, thẳng thắn hơn những người còn lại. Cô nói, “Theo con thấy, không có lý do nào chúng con phải tốn công sức thiền định cả. Mỗi năm con nghe bài pháp Mahachaad [một bài thi tụng dài về kiếp áp chót của Đức Phật, với tư cách là Hoàng tử Vessantara] ít nhất 13 lần ở nhiều ngôi chùa khác nhau. Các nhà sư ở đó nói rằng nghe câu chuyện Mahachaad là bảo đảm rằng con sẽ tái sinh vào thời của Đức Phật Di Lặc (Sri Ariya Metteya), nơi con sẽ gặp toàn niềm vui và sự thoải mái. Vậy tại sao con phải làm mọi việc trở nên khó khăn cho chính mình bằng cách thiền định?”
Luang Pu nói, “Những điều tuyệt vời ở ngay trước mặt con, mà con không tỏ ra quan tâm. Thay vào đó, con đặt hy vọng vào những điều xa vời mà đó chỉ là tin đồn. Đây là dấu hiệu của một người tuyệt vọng. Khi con đường, quả vị và Niết-bàn của giáo pháp của Đức Phật Thích Ca vẫn còn ở với chúng ta, hoàn toàn viên mãn, nhưng con lại chần chừ và không quan tâm đến chúng, thì khi giáo pháp của Đức Phật Di Lặc đến, con sẽ còn lơ đãng hơn nữa.”
76. KHÔNG CÓ GÌ HƠN ĐÓ
Đôi khi, khi Luang Pu nhận thấy rằng những người đến thực hành với ngài vẫn chưa hết lòng, vẫn đeo đuổi niềm vui và sự hưởng thụ các thứ thuần túy trần gian đến mức họ không sẵn sàng để buông chúng đi, để sẽ và thực hành Pháp, ngài sẽ dạy cho họ cách suy nghĩ để thấy rõ bản chất sự việc:
“Tôi yêu cầu tất cả quý vị hãy khảo sát về hạnh phúc, để thấy chính xác đâu là điểm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời quý vị. Khi thực sự nhìn vào nó, quý vị sẽ thấy rằng nó chỉ có thế thôi – không hơn bất cứ điều gì khác mà quý vị từng trải qua. Tại sao nó không hơn thế? Bởi vì thế giới này không có gì hơn thế. Đó là tất cả những gì nó có thể cống hiến – hết lần này đến lần khác, không có gì nhiều hơn thế cả. Chỉ có sinh, lão, bệnh, tử, lặp đi lặp lại. Sẽ phải có một thứ hạnh phúc phi thường hơn thế, tuyệt vời hơn thế, an toàn hơn thế. Đó là tại sao các bậc thánh hy sinh hạnh phúc hữu hạn để tìm thứ hạnh phúc đến từ việc tĩnh lặng thân, tĩnh lặng tâm, tĩnh lặng phiền não. Đó là niềm hạnh phúc an toàn, không gì có thể so sánh được.”
77. SẼ DỄ DÀNG NẾU BẠN KHÔNG DÍNH MẮC GÌ
Chùa Wat Burapha, nơi Luang Pu trải qua mỗi kỳ an cư trong hơn 50 năm, nằm ở trung tâm thị trấn Surin, ngay trước Văn phòng Tỉnh và cạnh tòa án tỉnh. Vì lý do này, tiếng ồn của xe hơi và xe tải liên tục làm xáo trộn sự yên bình và tĩnh lặng của tu viện. Đặc biệt là trong Hội chợ voi hàng năm hoặc bất kỳ ngày lễ nào, sẽ có tiếng ồn và ánh sáng rực rỡ suốt bảy hoặc mười lăm ngày một lần. Các nhà sư và sa di mà tâm vẫn còn thiếu kiên định sẽ đặc biệt khó chịu vì điều này.
Bất cứ khi nào họ đề cập đến chuyện này với Luang Pu, họ luôn nhận được câu trả lời tương tự, “Tại sao bạn lại mất thì giờ bận tâm đến những thứ đó? Bản chất của ánh sáng là sáng. Bản chất của tiếng ồn là ồn ào. Đó là chức năng của chúng. Nếu bạn không tập trung vào việc lắng nghe thì sẽ là hết chuyện. Hãy hành động theo cách không đối nghịch với môi trường xung quanh bạn, vì đó chính là cách các thứ là như thế. Hãy đơn giản chỉ cần đạt được sự hiểu biết thực sự với chúng bằng cách sử dụng kỹ năng trí tuệ quán chiếu sâu sắc, chỉ thế thôi.”
78. ĐÔI KHI LỜI NGÀI NÓI LÀM TÔI KINH NGẠC
Một trong những điểm yếu của tôi là tôi thích nói chuyện với Luang Pu một cách nửa đùa nửa thiệt. Bởi vì do ngài không bao giờ cảm thấy khó chịu, và luôn luôn dễ tiếp cận với các sư và sa di sống gần với ngài. Có lần tôi hỏi ngài, “Trong kinh nói rằng hàng chục tỷ vị chư thiên đã đến để nghe Đức Phật. Liệu có đủ không gian để chứa tất cả họ không? Giọng nói của Đức Phật có đủ lớn để tất cả chư thiên đều nghe được không?”
Khi nghe câu trả lời của Luang Pu, tôi sửng sốt và ngạc nhiên, vì tôi chưa bao giờ đọc điều gì như vậy trong kinh điển và chưa bao giờ nghe ai nói như vậy trước đây. Hơn nữa, tôi chỉ nghe ngài nói điều này khi ngài đang bệnh nặng và cận kề cái chết. Ngài nói, “Sẽ không có vấn đề gì ngay cả khi chư thiên tập hợp hàng triệu tỷ vị thiên, vì không gian của một nguyên tử có thể đủ chỗ cho 8 vị thiên.”
79. NGAY CẢ LOẠI CÂU HỎI NÀY
Vấn đề không thể giải quyết được mà mọi người – dù là trẻ em hay người lớn, thông minh hay ngu ngốc – tranh luận một cách vô ích và không bao giờ đi đến đồng thuận, đó là: Cái nào có trước, con gà hay quả trứng? Phần lớn, người ta chỉ tranh luận về chuyện này như giỡn và không bao giờ có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào. Tuy nhiên, vẫn có những người mang câu hỏi này tới Luang Pu, nghĩ rằng có lẽ ngài sẽ không trả lời câu hỏi kiểu này. Nhưng cuối cùng tôi nghe ngài đưa ra một câu trả lời không giống ai khi một ngày sư Phra Berm đến xoa bóp bàn chân ngài và hỏi ngài, “Luang Pu, con gà hay quả trứng, cái nào có trước?”
Luang Pu trả lời, “Chúng đến cùng lúc.”
80. MỘT LỜI KHIỂN TRÁCH
Có những lúc Luang Pu dường như khó chịu với những người mà hầu như không chịu tu thiền chút nào, nhưng đã hỏi ngài cách thúc đẩy sao cho họ có thể thấy kết quả ngay lập tức.
Ngài khiển trách họ, “Chúng ta tu tập vì mục đích kiềm chế, vì mục đích từ bỏ, vì mục đích ly tham, vì mục đích chấm dứt đau khổ, chứ không phải vì để nhìn thấy thiên đình nơi cõi trời. Chúng ta cũng không đặt mục tiêu là nhìn thấy niết bàn. Chỉ cần tiếp tục thực hành lặng lẽ mà không muốn nhìn thấy bất cứ gì cả. Tận cùng, Niết bàn là cái gì đó trống rỗng, không có hình dạng. Không có nền tảng nào [cho Niết bàn] và không có gì có thể so sánh được [với Niết bàn]. Chỉ khi quý vị kiên trì thực hành, quý vị sẽ tự mình biết được.”
81. BUÔNG MỘT ĐIỀU ĐỂ DÍNH VÀO ĐIỀU KHÁC
Một trong những đệ tử cư sĩ của Luang Pu đã đến để tỏ lòng kính trọng và tự hào báo cáo về những kết quả mà anh này đạt được từ việc thực hành, nói rằng, “Con thực sự vui mừng được gặp thầy hôm nay vì con đã thực hành theo lời dạy của thầy và đã Từng bước đạt được kết quả. Khi con bắt đầu hành thiền, con buông bỏ mọi nhận thức về bên ngoài, và tâm ngừng được hỗn loạn. Nó tập hợp lại, tĩnh lặng và rơi vào định. Mọi bận tâm khác biến mất, chỉ còn lại hạnh phúc, cựckỳ hạnh phúc, mát mẻ và sảng khoái. Con có thể ở trạng thái đó bao lâu tùy ý con muốn.”
Luang Pu mỉm cười và nói, “Thật tốt khi con đạt được kết quả. Nói về hạnh phúc trong định, nó thực sự là hạnh phúc. Không gì khác có thể so sánh được. Nhưng nếu con mắc kẹt ở mức độ đó, thì đó là tất cả những gì con có được. Nó không làm khởi lên trí tuệ về con đường bậc thánh để có thể cắt đứt hữu và sinh, ái dục và dính mắc. Do vậy, bước tiếp theo là buông bỏ cái hạnh phúc đó và quán chiếu năm uẩn để thấy chúng một cách rõ ràng.”
82. MỘT SỰ SO SÁNH
“Tâm của một vị thánh đã đạt đến siêu việt, dù tâm này có thể sống trong thế gian, bị bao quanh bởi bất cứ thứ gì xung quanh, không thể bị thế gian lôi kéo làm xáo trộn hay trộn lẫn với những thứ đó chút nào. Nói cách khác, chuyện đời [được, mấy, có vị trí xã hội, mất vị trí xã hội, được khen, bị chê, vui sướng, và đau đớn] không thể lấn át được tâm này, không thể kéo nó trở lại mức độ của tâm của một kẻ tầm thường. Tâm này không thể bị mang xuống dưới sức mạnh của phiền não hay tham ái nữa.
“Nó giống như nước cốt dừa, một khi bạn vắt nó ra khỏi cùi dừa và đun sôi trên lửa lớn cho đến khi dầu tách ra, thì không thể biến nó trở lại thành nước cốt dừa được nữa. Dù bạn có trộn dầu với các nước cốt dừa khác, bạn không thể biến dầu trở lại thành nước cốt dừa được.”
83. MỘT SỰ SO SÁNH KHÁC
“Đường đạo, quả vị và Niết-bàn là có tính cá nhân: Bạn có thể thực sự thấy chúng cho chính bạn. Người tu tập đến trình độ đó sẽ tự mình nhìn thấy chúng, sẽ tự mình hiểu rõ chúng, sẽ hoàn toàn chấm dứt mọi nghi ngờ về lời dạy của Đức Phật. Nếu bạn chưa đạt đến mức độ đó, tất cả những gì bạn có thể làm là tiếp tục đoán. Cho dù người khác có giải thích chúng cho bạn một cách sâu sắc cỡ nào, kiến thức của bạn về chúng sẽ chỉ là phỏng đoán. Dù phỏng đoán là gì thì cũng là không chắc chắn.
“Cũng giống như rùa và cá. Rùa sống ở hai thế giới: thế giới trên cạn và thế giới dưới nước. Còn cá, nó chỉ sống ở một thế giới duy nhất là nước. Nếu nó lên cạn, nó sẽ chết.
“Một hôm, khi một con rùa xuống nước, nó kể cho một đàn cá rằng chuyện ở trên mặt đất thật vui biết bao: Ánh sáng và màu sắc rất đẹp, và cũng không có khó khăn gì khi ở trong nước.
“Con cá tò mò và muốn biết trên mặt đất thế nào nên chúng hỏi rùa, ‘Trên đất liền có sâu lắm không?’
“Rùa trả lời, ‘Nó có gì sâu? Đó là đất liền.’
“Con cá, ‘Trên đất liền có nhiều sóng không?’
“Con rùa, ‘Cái gì mà gợn sóng đâu? Đó là đất liền.’
“Con cá, ‘Có bùn lầy lội không?’
“Con rùa, ‘Có gì mà lầy lội ở đây? Đó là đất liền.’
“Hãy để ý những câu hỏi của cá, chúng chỉ lấy kinh nghiệm của chúng về nước để hỏi rùa, rùa không thể làm gì khác ngoài việc nói không.
“Tâm của người tầm thường đoán mò về đường đạo, quả vị và Niết-bàn thì không khác gì con cá.”
84. NHỮNG THỨ Ở NGOÀI VÀ TRONG
Tối ngày 2 tháng 4, 1981, sau khi Luang Pu trở về từ một buổi lễ trong cung điện và đang nghỉ ngơi tại tu viện hoàng gia Thái Lan ở Wat Bovorn, một nhà sư cao cấp cũng là một thiền giả đã đến thăm và trò chuyện với ngài về Giáo Pháp. Câu hỏi đầu tiên của vị sư cao cấp là, “Người ta nói rằng một người từng là dạ xoa trong kiếp trước, khi trở lại kiếp người, có thể nghiên cứu các công thức huyền thuật và rất mạnh mẽ trong bất kỳ cách nào người này sử dụng chúng. Điều đó đúng như thế nào?”
Luang Pu ngồi thẳng dậy và trả lời, “Tôi chưa bao giờ quan tâm đến những thứ như vậy. Nhưng sư đã bao giờ thiền đến điểm này chưa: hasituppapada, chuyển động của tâm khi tâm tự mỉm cười, mà không có ý định nào để mỉm cười? Nó chỉ xảy ra trong tâm của một vị thánh. Nó không xảy ra ở người bình thường, bởi vì nó vượt lên trên các duyên tạo tác – [tâm] tự do trong và của chính nó.”
85. KHÔNG NGAY CẢ NĂM GIỚI
Các vị sư cao cấp thường có rất nhiều đệ tử, cả tại gia lẫn xuất gia. Và trong số những học trò đó có cả người tốt lẫn người xấu. Đặc biệt là trong các nhà sư: Có nhiều vị sư tốt, với một vài nhà sư không tốt xen vào. Một trong các nhà sư thân cận với Luang Pu lộ ra kiểu thoải mái cầm nhầm mà không được phép. Người ta báo cáo chuyện này với Luang Pu, nhưng ngài có khuynh hướng không nói gì về điều đó.
Một lần, khi ngài cần một vật gì đó mà vị sư kia đã lấy đi, ngài đã nhờ một vị sư khác đi hỏi, nhưng vị sư đầu tiên nói là không lấy nó. Nhà sư thứ nhì quay lại, nói với Luang Pu về chuyện nhà sư thứ nhất nói không cầm gì. Luang Pu không than phiền, mà chỉ đơn giản nói thế này, “Một số nhà sư quá chú tâm giữ 227 giới mà đã quên giữ năm giới.” (LND: nhà sư Thái Lan phải giữ 227 giới, nhưng cư sĩ chỉ giữ năm giới.)
86. KHÔNG BAO GIỜ DAO ĐỘNG
Lúc đó là sau 10 giờ tối, tôi thấy Luang Pu đang ngồi nghỉ ngơi, nên tôi đến báo với ngài, “Luang Pu, Ajaan Khao đã viên tịch.”
Thay vì hỏi khi nào và bằng cách nào, Luang Pu nói, “À, vâng. Sư Ajaan Khao cuối cùng cũng đã xong việc với gánh nặng vận chuyển các hành của sư đi các nơi. Tôi đã đến thăm sư bốn năm trước và thấy tất cả những khó khăn mà các hành cơ thể của sư gây ra cho sư. Sư đã nhờ người khác chăm sóc sư hoài thôi. Còn tôi, tôi không có nghiệp xấu nào về thân. Nhưng đối với nghiệp xấu liên quan đến thân, ngay cả các bậc thánh – bất kể mức độ thành đạt nào của họ – vẫn phải kham nhẫn với những thứ này cho đến khi cuối cùng họ được giải thoát khỏi chúng và không còn liên hệ đến chúng nữa.Trạng thái bình thường của tâm là nó phải sống với những thứ như thế.Nhưng đối với tâm đã được rèn luyện thuần thục, khi những thứ này khởi lên, thì có thể buông bỏ chúng ngay, và duy trì sự bình yên, không lo lắng, không dính mắc, thoát khỏi gánh nặng phải can dự đến chúng. Chỉ có vậy thôi.”
87. PHÁP BẢO VỆ CÁCH NÀO
Trận hỏa hoạn lớn ở Surin gây ra nhiều đau khổ: tài sản bị tàn phá nặng nề và cảm giác mất mát to lớn. Thậm chí, vài người còn mất trí. Mọi người đổ xô đến gặp Luang Pu và than khóc những điều lành họ đã làm trong quá khứ, nói rằng, “Chúng con đã làm công đức ở chùa và thực hành Pháp từ thời ông bà chúng con. Tại sao các công đức đó không giúp chúng con? Tại sao Pháp không bảo vệ chúng con? Ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn nhà cửa của chúng con.” Nhiều người trong số họ đã ngừng đến tu viện để làm công đức vì thấy Giáo pháp không giúp bảo vệ nhà cửa của họ khỏi bị thiêu rụi.
Luang Pu nói, “Pháp không giúp ích gì cho con người theo cách đó cả. Ngọn lửa chỉ hành động phù hợp với chức năng của nó. Điều này có nghĩa là sự hủy diệt, mất mát, tan rã, chia ly luôn ở bên chúng ta trên thế giới này. Với những người thực hành Pháp, những người có Pháp trong tâm, khi gặp những nạn này, họ hiểu cách an trú tâm sao cho tâm không đau khổ. Đó là cách Pháp giúp ích. Chứ không phải chuyện rằng nó giúp ngăn chặn lão hóa hay cái chết, hay nạn đói, hay hỏa hoạn. Hoàn toàn không phải vậy.”
88. CHỈ THỰC HÀNH MỚI CÓ THỂ XÓA BỎ NGHI NGỜ
Khi người ta hỏi Luang Pu về chết và tái sinh, hay về những kiếp trước và những kiếp tương lai, ngài không bao giờ quan tâm trả lời. Hoặc nếu vài người tranh cãi rằng họ không tin có cõi trời hay địa ngục thực sự tồn tại, ngài không bao giờ cố gắng lý luận với họ hoặc đưa ra bằng chứng để bác bỏ lý luận của họ. Thay vào đó, ngài cho họ lời khuyên này, “Những người thực hành Pháp không cần phải suy nghĩ gì về đời quá khứ hay tương lai, hay về cõi trời hay địa ngục. Tất cả những gì họ phải làm là kiên định và quyết tâm thực hành một cách đúng đắn phù hợp với các nguyên tắc giới, định và tuệ. Nếu thật sự có 16 tầng trời như trong kinh nói thì người tu giỏi chắc chắn sẽ lên được những tầng trời đó. Hoặc nếu không có cõi trời và niết bàn, thì người tu giỏi cũng không thiếu lợi ích ở đây và bây giờ. Họ chắc chắn sẽ hạnh phúc, như những con người ở cấp độ cao.
“Nghe người khác nói, tra cứu trong kinh điển, không thể giải quyết được nghi ngờ của quý vị. Phải nỗ lực thực hành để phát khởi trí tuệ minh sát rõ ràng. Khi đó, nghi ngờ sẽ hoàn toàn tự nó giải quyết.”
89. ĐÓ LÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ HỌ MUỐN?
Mặc dù mọi người đến từng nhóm để nghe ý kiến của Luang Pu về tái sinh, rằng người này hay người kia có thể nhớ được nhiều kiếp trước, nhìn thấy họ đã là ai trong quá khứ, hoặc mẹ hoặc họ hàng của họ trong các kiếp trước là ai, nhưng Luang Pu nói,
“Tôi chưa bao giờ quan tâm đến loại kiến thức này. Ngay cả chỉ cần đắc ngưỡng định cũng có thể làm khởi lên nó. Mọi thứ đều xuất phát từ tâm trí. Bất cứ điều gì bạn muốn biết hoặc nhìn thấy, tâm sẽ cho bạn kiến thức hoặc cái thấy đó – và một cách nhanh chóng như thế. Nếu bạn hài lòng chỉ với mức độ kiến thức đó, thì kết quả tốt là bạn sẽ sợ tái sinh vào cảnh giới thấp kém. Như thế, bạn sẽ quyết tâm làm việc thiện, bố thí, trì giới, và không làm hại nhau. Bạn sẽ có thể mỉm cười, tin tưởng vào kết quả công đức của mình. Nhưng đối với việc đoạn tận phiền não để hủy diệt vô minh, tham ái và chấp thủ để đạt đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ, thì đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.”
90. KHÔNG CÓ TRUYỆN THẦN KỲ
Trong suốt thời gian dài tôi sống gần Luang Pu, không bao giờ có bất kỳ câu chuyện ngụ ngôn hay giải trí nào trong lời dạy của ngài – không có chuyện bản sanh jataka hay câu chuyện nào của hiện tại. Tất cả những lời dạy của ngài đều là những chân lý cao quý, thuần khiết và đơn giản, ở mức độ tối thượng hoặc khách quan. Hoặc nếu không thì đó là một vài lời nhận xét được lựa chọn cẩn thận, như thể ngài hà tiện cả lời nói. Ngay cả khi ngài chỉ dẫn về các nghi lễ tôn giáo hay về cách cúng dường hay về đạo đức căn bản, ngài đã giảng dạy một cách rất khách quan. Phần lớn, ngài nói, “Các nghi lễ và hoạt động tạo công đức có thể được coi là những phương tiện thiện xảo, nhưng từ điểm nhìn của một thiền gia, chúng chỉ đưa đến một số ít kỹ năng, chỉ vậy thôi.”
91. KỲ LẠ
Sau lễ khai trương Bảo tàng Phra Ajaan Mun, Luang Pu đã đi xa hơn để thăm trưởng lão Ajaan Funn tại Động Khaam Cave. Vào thời đó, các xe lớn không thể đi xa hơn chân đồi nơi có hang động, nghĩa là Luang Pu phải leo một quãng đường dài lên đồi. Việc này khiến ngài thấy vô cùng mệt mỏi, phải dừng lại nhiều lần để lấy lại hơi thở. Tôi cảm thấy vô cùng đau lòng vì một phần đã đưa ngài vào gian nan như thế. Cuối cùng, khi chúng tôi đến hội trường trên đỉnh đồi và trưởng lão Ajaan Funn đã đảnh lễ ngài, thì trưởng lão Ajaan Thate cũng tình cờ tới.
Nhìn thấy ba vị đại trưởng lão này tình cờ gặp nhau và nghe họ trò chuyện thân mật trong bầu không khí an bình và tươi cười như vậy, cảm giác đau đớn trong tôi hoàn toàn biến mất và thay vào đó là cảm giác hỷ lạc. Trưởng lão Ajaan Funn bày tỏ sự ngưỡng mộ với Luang Pu, “Sức khỏe của ngài rất khỏe. Ngay cả ở tuổi của ngài, ngài vẫn có thể leo lên tận ngọn đồi.”
Luang Pu trả lời, “Tôi không thực sự mạnh đến thế. Tôi đã xem xét vấn đề và thấy rằng tôi không có nghiệp xấu nào đối với cơ thể. Khi tôi không thể sử dụng thân này nữa, tôi sẽ chỉ bỏ nó đi, thế thôi.”
92. KỲ LẠ HƠN NỮA
Tôi chắc rằng bạn có thể hình dung đám đông cư sĩ xung quanh đã vui mừng thế nào khi có mặt trong cuộc hội ngộ tình cờ này của 3 nhà sư vĩ đại. Loại cơ hội này không dễ tìm. Do vậy, 2 nhiếp ảnh gia đến từ Surin bắt đầu chụp càng nhiều ảnh càng tốt. Khi chúng tôi trở lại xe buýt để về nhà, các nhiếp ảnh gia thấy mọi người đều khao khát những bức ảnh nên họ nói sẽ in các tấm ảnh thành ấn bản khổ 12 inches và sẽ bán, tiền thu được sẽ giúp đỡ Tu viện Jawm Phra Forest Monastery. Tôi tự nghĩ rằng chuyện không đẹp chút nào khi thấy nêu giá trên các hình ảnh của một nhà sư với mục đích bán ra, nhưng hầu hết mọi người trên xe buýt đều đặt mua.
Khi các nhiếp ảnh gia tráng phim ra, họ thấy rằng, trong hơn 20 bức ảnh mà họ đã tận lực để chụp, tất cả đều hoàn toàn trống trơn, giống như bầu trời không một gợn mây. Thế là chấm dứt hy vọng của mọi người về những bức ảnh, và hóa ra, đó là cuộc gặp cuối cùng giữa 3 nhà sư vĩ đại đó.
93. SỰ THẬT NHƯ NGÀI ĐÃ THẤY
Khi người ta hỏi Luang Pu rằng ngài đã từng đọc bất kỳ câu chuyện nào trong rất nhiều câu chuyện về cuộc đời của Ajaan Mun, ngài sẽ trả lời, “Một số ít.” Câu hỏi tiếp theo sẽ là “Ngài nghĩ gì về tất cả những sức mạnh tâm linh và các sự kiện phép lạ mà truyện kể lại?” Luang Pu sẽ trả lời, “Hồi còn sống với Ajaan Mun, tôi chưa bao giờ nghe ngài nhắc đến bất cứ thứ gì như thế.”
Thông thường, khi Luang Pu nói về Ajaan Mun, ngài chỉ nói về pháp tu khổ hạnh của ngài kia, nói rằng, “Trong các thế hệ nhà sư về sau, tôi chưa bao giờ thấy một người nào tuân thủ các thực hành này một cách nghiêm ngặt như Ajaan Mun. Ngài chỉ mặc y bằng vải vụn do chính ngài khâu và nhuộm, Ngài không bao giờ mặc y do người khác làm sẵn. Suốt đời Ngài ở trong rừng, chỉ ăn vật thực do khất thực nhận được, và chỉ bước ra khỏi cửa để khất thực. Ngay cả khi bệnh nặng, ngài cũng ngồi dậy và ôm bát trong lòng để người khác cúng dường vào. Ngài không bao giờ nhận các khoản cúng dường đặc biệt đến từ việc an cư và cũng không nhận Kathina (lễ cúng y cuối hạ). Ngài không bao giờ dính tới chuyện xây chùa, và không bao giờ cố gắng thuyết phục người khác làm như vậy.”
94. TRẢ LỜI CÂU HỎI BẰNG CÂU HỎI
Bởi vì tôi đã quen thuộc với cách nói chuyện của Luang Pu trong thời gian dài, khi tôi hỏi ngài một câu hỏi, ngài thường trả lời bằng cách đưa trở lại một câu hỏi – cách của ngài khiến tôi phải tự nghĩ ra câu trả lời. Ví dụ, khi tôi hỏi, “Tâm của các vị A-la-hán trong sáng và chói sáng. Họ có thể đoán chính xác kết quả số ra trong kỳ quay xổ số sắp tới không?” thì ngài trả lời, “Các vị A-la-hán có muốn biết những chuyện như vậy không?”
Khi tôi hỏi, “Các vị A-la-hán có mơ trong giấc ngủ như người thường không?” ngài đã trả lời, “Không phải các giấc mơ là chuyện của hành uẩn sao?”
Khi tôi hỏi, “Có bao giờ những người đời thường vẫn còn dầy đặc phiền não mà vẫn có thể dạy người khác trở thành A-la-hán không?” ngài đã trả lời, “Không phải đã có nhiều bác sĩ, mặc dù bản thân họ bị bệnh, nhưng vẫn có thể chữa khỏi bệnh cho người khác phải không?”
95. THÓI QUEN CỦA LUANG PU
Về Thân: Thể lực ngài khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đường nét cân đối, sạch sẽ, ít bệnh. Ngài thích tắm bằng nước ấm mỗi ngày một lần.
Về Khẩu: Ngài có giọng nói trầm nhưng nói dịu dàng. Ngài ít nói, chỉ nói sự thật, nói trực tiếp, không có mưu đồ gì trong lời nói. Nói cách khác, ngài không bao giờ nói bóng gió, không bao giờ nịnh bợ vuốt ve, không bao giờ nói mỉa mai, không bao giờ nói chuyện nhảm, không bao giờ nài nỉ xin gì, không bao giờ xin lỗi ai, không bao giờ kể về những giấc mơ của ngài. Ngài không bao giờ kể chuyện tiền thân Đức Phật hay những câu chuyện dị thường huyền bí.
Về Tâm: Có một sự thật đối với ngài – một khi ngài đã quyết tâm làm điều gì đó, ngài sẽ làm việc đó cho đến khi thành công. Ngài luôn là người nhân hậu và từ bi, trầm lặng, điềm tĩnh và chịu đựng. Ngài không bao giờ nổi giận hay tỏ ra bực dọc hay thiếu kiên nhẫn. ANgài không bao giờ buồn phiền về những thứ đã mất và không bao giờ lười biếng lơ là. Hoàn toàn chánh niệm, tỉnh giác, lúc nào ngài cũng vui vẻ. Ngài dường như không bao giờ đau khổ, và ngài không bị lay chuyển trước các sự kiện. Không có trạng thái tâm bất thiện nào hiển lộ nơi ngài.
Ngài luôn luôn dạy chúng tôi, “Hãy cố gắng hiểu rõ các sự kiện như là các sự kiện: rằng chúng sinh khởi, thay đổi rồi tan biến. Đừng đau khổ hay buồn phiền vì chúng.”
96. ĐAU NẶNG NHƯNG KHÔNG NẶNG NỀ VỚI ĐAU
Luang Pu bị bệnh nặng tại bệnh viện Chulalongkorn. Vào đêm của ngày thứ 17 nằm viện, ngài rất mệt mỏi, tới mức các bác sĩ phải cho ngài một ống thở oxy. Đêm khuya hôm đó, quá nửa đêm, một vị sư nổi tiếng cùng với đông đảo tín đồ đến đảnh lễ. Thấy đây là một dịp đặc biệt, tôi để họ vào phòng của Luang Pu. Luang Pu nằm nghiêng bên phải với đôi mắt nhắm nghiền trong suốt chuyến viếng thăm. Khi nhà sư và các đệ tử đã lạy ngài, nhà sư cúi xuống và nói thẳng vào tai ngài, “Luang Pu, ngài còn cảm thấy đau không?”
Luang Pu trả lời, “Cảm thọ và thân thể vẫn tồn tại theo bản chất của chúng, nhưng tôi không tham dự vào cảm thọ đó chút nào.”
97. MỘT ĐƯỜNG TẮT AN TOÀN
Vào ngày 20 tháng 1 năm 1973, ngay trước khi Luang Pu rời Bệnh viện Chulalongkorn, các học trò của ngài đã quyết định cúng dường Tăng đoàn để hồi hướng công đức cho các thế hệ quá khứ đã xây bệnh viện và họ đã qua đời.
Khi buổi lễ kết thúc, một số bác sĩ và y tá đã đến để tỏ lòng thành kính với Luang Pu và bày tỏ niềm vui mừng vì ngài đã khỏi bệnh. Họ nói một cách thân thiện, “Sức khỏe của ngài vẫn tốt và mạnh mẽ. Sắc mặt ngài sáng, như thể ngài không hề bị bệnh gì cả. Đây có lẽ là thành quả do ngài có sức định cao. Chúng con không có nhiều thời gian rảnh để tập định. Có phương pháp nào đơn giản và nhanh chóng không?”
Luang Pu đáp, “Bất cứ khi nào quý vị có thời gian, hãy dùng thời gian đó để thực hành. Luyện tâm, khảo sát tâm, là phương pháp nhanh nhất, trực tiếp nhất trong tất cả các phương pháp.”
98. MỌI THỨ ĐẾN TỪ HÀNH ĐỘNG
Trong suốt đời ngài, Luang Pu không bao giờ chấp nhận ý tưởng về chuyện những giờ hên, hay ngày may mắn. Ngay cả khi người ta hỏi đơn giản rằng, “Ngày nào tốt để xuất gia?” hoặc “để cởi y ra đời?” hoặc “Ngày nào may mắn hay ngày xui xẻo?” ngài không bao giờ đồng ý với chuyện đó. Ngài thường nói, “Mọi ngày đều tốt.” Nếu người ta yêu cầu ngài xác định thời điểm tốt lành, Ngài sẽ bảo họ tự tìm hiểu, nếu không ngài sẽ nói, “Bất cứ lúc nào thuận tiện sẽ là thời điểm tốt.”
Ngài kết luận bằng cách nói, “Mọi thứ đều xuất phát từ hành vi của chúng ta. Thời điểm tốt, thời điểm xấu, thời điểm may mắn, thời điểm không may mắn, công đức, tội lỗi: Tất cả những điều này đều đến từ hành vi của con người.”
99. KHÔNG TRÌNH DIỄN
Luang Pu chưa bao giờ làm bất cứ điều gì để phô trương hay gây sự chú ý về mình. Ví dụ, nếu người ta muốn chụp ảnh ngài, thì thời điểm của họ phải phù hợp. Như trường hợp, nếu ngài đã mặc đầy đủ y phục nhà sư để nghe thuyết giới luật Patimokkha hoặc để làm lễ xuất gia cho một người, hay để tham dự một nghi lễ nào đó, thì nếu bạn xin chụp ảnh ngài vào một thời điểm như thế, điều đó sẽ xảy ra dễ dàng. Nhưng nếu ngài đang ngồi không chính thức và bạn xin ngài đứng dậy, mặc áo cà sa để tạo dáng chụp ảnh, bạn sẽ khó thuyết phục ngài tuân theo.
Một lần nọ, một phụ nữ từ Bangkok mang đến cho Luang Pu một cái mền mịn để đắp trong mùa lạnh. Mấy tháng sau, giữa mùa nóng nực, tình cờ cô lại đến đảnh lễ. Cô xin ngài lấy cái mền ra và tạo dáng để cô chụp ảnh vì cô đã quên chụp ảnh khi cúng dường mền. Luang Pu từ chối làm như vậy, nói nhẹ nhàng, “Không thật sự cần phải làm thế.” Ngay cả khi cô hỏi ngài lần thứ hai, lần thứ ba, ngài vẫn nói, “Không cần thiết đâu.”
Khi cô rời đi, tôi cảm thấy không thoải mái, nên tôi đến gặp Luang Pu và hỏi ngài, “Ngài có thấy cô kia thất vọng đến mức nào không?”
Luang Pu mỉm cười và nói, “Tôi biết. Và lý do cô thất vọng là vì cô có một tấm lòng bất như ý.”
100. KẾT THÚC CỦA SỰ TÁI SINH
Có lần một thiền sư thâm niên đến thảo luận nhiều chủ đề cao thâm về Pháp với Luang Pu và kết thúc bằng một câu hỏi, “Một số thiền sư cao cấp cư xử tốt và gây được sự kính trọng lớn lao. Ngay cả các nhà sư khác cũng đồng ý rằng họ đã vững vàng trong lời dạy của Đức Phật. Nhưng sau đó có chuyện gì đó xảy ra. Hoặc là họ cởi y về đời, hoặc hành vi của họ bắt đầu lạc hướng, làm sai cả Chánh Pháp và Giới Luật. Vậy người ta phải đạt đến trình độ nào của Pháp để cắt đứt luân hồi một cách chắc chắn, để không còn tái sinh nữa?”
Luang Pu nói, “Tuân thủ nghiêm ngặt theo Luật tạng và tuân theo các pháp tu khổ hạnh là một hình thức ứng xử đáng ngưỡng mộ và cực kỳ truyền cảm hứng. Nhưng nếu bạn chưa phát triển tâm đến mức độ cao của tâm và có trí tuệ sáng suốt cao, nó luôn có thể thoái lui, vì nó chưa đạt đến siêu việt. Thực ra, các vị A-la-hán không cần biết nhiều, họ chỉ cần phát triển tâm để hiểu rõ năm uẩn và thâm nhập vào luật duyên khởi. Đó là khi họ có thể ngừng tạo tác, ngừng tìm kiếm, dừng mọi chuyển động của tâm. Ngay nơi đó là nơi mọi thứ kết thúc. Tất cả những gì còn lại là sự thuần khiết, trong sạch, sáng chói – cái rỗng không vĩ đại, cái rỗng không vô cùng.”
101. MỘT SỰ SO SÁNH
“Mong muốn được biết và thấy để chấm dứt nghi ngờ của mình là điều bạn tìm thấy ở tất cả những người bậc cao. Tất cả khoa học, tất cả ngành học, đều được thiết lập để mọi người đặt câu hỏi và muốn biết. Đó là khi họ sẽ nỗ lực học và hành để đạt được mục tiêu của ngành học đó. Nhưng trong lĩnh vực giáo lý của Đức Phật, bạn phải học và hành một cách quân bình. Và nỗ lực của bạn phải mãnh liệt để bạn có thể tự mình đạt đến bậc cao nhất trong Pháp. Đó là lúc riêng tự bạn sẽ kết thúc những nghi ngờ của bạn.
“Giống như một người ở nông thôn chưa bao giờ thấy Bangkok. Khi người ta nói với người này rằng, ngoài việc được phát triển về những mặt khác, Bangkok còn có ‘Bức tường ngọc’ [tên bức tường pháo đài quanh Đại Cung Điện] và một tòa nhà khổng lồ. ‘Núi Vàng’ [tên của tháp Phật ở Wat Sraket], người này quyết định đi đến Bangkok với mong muốn rằng mình sẽ có thể lấy được một số đồ trang sức trên tường và một ít vàng từ ngọn núi. Cuối cùng khi người này đến được Bangkok và có người chỉ cho anh ta, ‘Đó là Bức tường Ngọc; đó là Núi Vàng’, như thế là dấu chấm hết ngay lập tức cho mọi thắc mắc và mong đợi của anh ta.
“Đường đạo, quả vị và Niết-bàn đều như vậy.”
102. CÁCH AN TRÚ AN TOÀN NHẤT
Tôi nhớ rằng vào năm 1976, hai thiền sư từ vùng phía bắc vùng Đông Bắc đã đến đảnh lễ Luang Pu. Cách họ thảo luận về thực hành với ngài rất thú vị và đầy cảm hứng. Họ mô tả những giới hạnh và thành tựu của các vị trưởng lão khác nhau mà họ đã từng sống và tu hành cùng trong một thời gian dài, nói rằng có vị trưởng lão có định là nơi an trú thường trực của tâm; rằng vị trưởng lão này an trú trong thái độ của Phạm thiên, đó là lý do tại sao rất nhiều người kính trọng vị này; rằng vị trưởng lão này sống trong tâm vô lượng của Phạm Thiên, đó là lý do tại sao không có giới hạn về số lượng học trò mà vị này có và tại sao vị này luôn được an toàn trước những nguy hiểm.
Luang Pu nói, “Bất kể một nhà sư đã đạt đến cấp độ nào, theo tôi, vị ấy đều được chào đón để an trú ở đó. Còn tôi, tôi an trú với cái biết.”
103. TIẾP THEO
Khi hai vị sư đó nghe Luang Pu nói rằng ngài an trú với cái biết, họ im lặng một lúc rồi xin ngài giải thích thế nào là an trú với cái biết.
Luang Pu giải thích, “Biết là trạng thái bình thường của tâm, trống rỗng, trong sáng, thanh tịnh, ngừng tạo tác, ngừng tìm kiếm, ngừng mọi chuyển động của tâm — không có gì, không dính mắc vào bất cứ thứ gì cả.”
104. ĐOẠN TẬN CĂNG THẲNG
Luang Pu trong sáng trong lời nói vì ngài thích nói về sự thật chân chính. Ngài chỉ nói về những mục đích cao nhất của giáo lý Đức Phật, ngài chỉ đề cập đến những lời dạy của Đức Phật chỉ đưa đến sự chấm dứt đau khổ và căng thẳng. Bạn có thể biết điều này từ lời dạy của Đức Phật mà ngài thường trích dẫn nhất.
Đức Phật dạy, “Này các Tỷ-kheo, ở đó không có chiều không gian, nơi không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có chiều không gian vô biên, không có chiều không gian vô hạn của thức, không có chiều không gian của không, cũng không có chiều không gian của tưởng mà cũng không phi tưởng; không đời này, không đời sau, không mặt trời, không mặt trăng. Và ở đó, Ta nói, là không đến, không đi, không ở, không diệt mà cũng không sinh: không dựng lập, không chuyển biến, không có gì hỗ trợ…. Đây, chỉ thế này thôi, là sự đoạn tận của căng thẳng.”
105. CƠN BỆNH CUỐI CÙNG
Khi Luang Pu trở về từ bệnh viện hồi đầu năm 1983, điều đó không có nghĩa là ngài đã khỏi bệnh hoàn toàn, chỉ đơn giản là ngài phải vận dụng một sức chịu đựng cực độ để sống sót thêm 8 tháng nữa, tới buổi lễ lập công đức đặc biệt đã được lên kế hoạch cho sinh nhật lần thứ 96 của ngài. Khi ngày tổ chức buổi lễ đến gần, các bệnh chứng của ngài bắt đầu trở nên thất thường: Thỉnh thoảng ngài rất mệt mỏi, khó chịu và lên cơn sốt. Tôi hỏi ngài rằng có nên đưa ngài trở lại Bệnh viện Chulalongkorn không, nhưng ngài nói, “Không cần đâu.” Rồi ngài nói thêm, “Ta cấm sư đưa ta đi, vì dù ta có đi, ta cũng sẽ không bình phục được.”
Tôi đáp, “Lần trước bệnh của ngài nặng hơn thế này mà ngài vẫn hồi phục. Lần này không nặng chút nào, chắc chắn ngài sẽ hồi phục.”
Luang Pu nói, “Đó là lần cuối cùng. Đây không phải là lần cuối cùng.”
106. ĐẾN BÊN CỬA TỬ
Vào ngày 29 tháng 10, 1983, tình trạng của Luang Pu không khá hơn chút nào sau 1 giờ chiều, nhưng nước da của ngài sáng sủa bất thường. Những tín đồ của ngài – cư sĩ, các nhà sư trong thị trấn và các sư trong rừng –đến dự lễ kỷ niệm với số lượng đông người.
Vào lúc 3 giờ chiều, một nhóm đông các vị sư trong rừng đến đảnh lễ Luang Pu, ngài đã ngồi dậy và nói Pháp với họ. Nói bằng một giọng rõ ràng, ngài khuyên họ trên toàn bộ con đường tu tập như thể ngài đang giải quyết mọi nghi ngờ và thắc mắc của họ, tóm tắt tất cả những hướng dẫn thiền mà ngài đã từng dạy.
Tối hôm đó, gần 10 giờ tối, Luang Pu bảo chúng tôi đưa ngài ra khỏi túp lều trên xe lăn. Ngài dịu dàng nhìn quanh toàn bộ khu vực tu viện, không ai nhận ra rằng đó sẽ là lần cuối ngài nhìn ngắm mọi thứ bên ngoài.
107. MỘT LẦN GHI NHỚ CUỐI CÙNG VỀ PHÁP
Sau 10 giờ tối, Luang Pu bảo chúng tôi đưa ngài về phòng. Ngài nằm ngửa, được đỡ bởi một chiếc gối lớn. Ngài yêu cầu tám hoặc chín nhà sư trong phòng tụng Bảy Bài Chúc Phúc (Seven Blessing Chants) cho ngài nghe. Rồi ngài bảo họ tụng Kinh Sati-sambojjhanga (Thất Giác Chi) ba lần và Kinh Duyên Sinh (Dependent Co-arising) ba lần. Sau đó ngài yêu cầu chúng tôi tụng bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipatthana), nhưng không ai trong chúng tôi thuộc lòng. Thế là ngài nói, “Mở sách tụng kinh ra và tụng kinh từ cuốn sách đó,” nhưng xung quanh không có cuốn sách tụng kinh nào cả. May mắn thay, Ajaan Phuunsak, người trước đó đã chăm sóc Luang Pu suốt thời gian qua, đã mang theo bản sao cuốn Kinh Tụng Hoàng Gia, nên sư đã nhặt nó lên và tìm kiếm trong sách để tìm đúng trang, lật đi lật lại cho đến khi Luang Pu nói, “Đưa đây.” Sau đó, ngài mở cuốn sách sang đúng trang mà không hề nhìn vào nó và nói, “Hãy tụng từ đây.” Điều này làm mọi nhà sư trong phòng ngạc nhiên, vì Luang Pu đã mở cuốn sách ngay đến bài Kinh Đại Niệm Xứ, ở trang 172. Bài kinh rất dài và chúng tôi phải mất hơn hai giờ mới tụng xong. Ngài lặng lẽ lắng nghe suốt thời kinh.
108. LỜI CUỐI CÙNG
Vài khoảnh khắc sau khi chúng tôi tụng xong bài Kinh Đại Niệm Xứ, Luang Pu bắt đầu nói về Niết Bàn hoàn toàn của Đức Phật, từ đầu đến cuối. Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn nhận xét kết luận của ngài:
“Đức Phật đã không đạt được Niết-bàn trong bất kỳ chứng đắc về định nào của Ngài. Khi Ngài rời tứ thiền, các uẩn trong tâm (mental aggregates) của Ngài đều ngừng ngay lập tức, không còn gì còn sót lại. Nói cách khác, Đức Phật để cho thọ uẩn (feeling aggregate) của Ngài chấm dứt trong trạng thái tỉnh thức của tâm, chuỗi tâm thức bình thường của con người, hoàn toàn với chánh niệm và tỉnh giác, không có trạng thái tâm nào khác tới làm tâm bị che kín hay làm lầm lẫn chút nào. Đó là tâm trọn vẹn trong trạng thái của nó. Quý vị có thể gọi đó là tánh không vĩ đại (great emptiness), hay cái vũ trụ nguyên thủy (original cosmos), hay Niết bàn, tùy thích. Đó là trạng thái mà tôi đã luyện tập trước giờ để đạt được.”
Đó là những lời cuối cùng của Luang Pu.
109. MỘT KHOẢNH KHẮC HOANG DÃ TRONG THÀNH PHỐ
Hãy quay ngược thời gian một chút về một số sự kiện cách đây gần 100 năm. Nhóm bốn du tăng và sa di của Luang Pu đã tách khỏi nhóm của trưởng lão Ajaan Mun và đang lang thang qua huyện Thaa Khantho ở tỉnh Kalasin. Khi băng qua khu rừng rậm, họ gặp đủ loại nguy hiểm và khó khăn: đủ loại thú rừng và đặc biệt là bệnh sốt rét. Cuối cùng, một vị sư không thể chống chọi với bệnh tật đã chết một cách thương tâm ngay trước mặt các vị sư đồng hành. Bi thảm hơn nữa, khi Luang Pu tách khỏi nhóm cùng với một chú tiểu nhỏ để vào một khu rừng hoang vu khác gần làng Kut Kawm, bệnh sốt rét đã ập đến và cướp đi sinh mạng của chú tiểu ngay trước mắt ngài. Luang Pu nhìn và không thể làm gì khác hơn, đơn giản vì ngài thiếu thuốc chữa bệnh.
Bây giờ hãy quay trở lại với những sự kiện xảy ra ngay sau 4 giờ sáng ngày 30 tháng 10, 1983. Tình trạng hoang vu đó đã quay trở lại trong khoảnh khắc trong phòng của Luang Pu, vì mặc dù ngài bị bệnh nặng nhưng không có một y tá nào, không một giọt dung dịch muối “saline solution” ở bất cứ nơi nào xung quanh. Chỉ đơn giản có những đệ tử xuất gia của Luang Pu vây quanh ngài, như thể đang bảo vệ sự tự do hoàn toàn của ngài để đặt thi thể của ngài vào một cái chết không để lại dấu vết – hoàn toàn thanh tịnh, lặng lẽ và bình an.
110. NGAY CẢ THỜI ĐIỂM CŨNG THÍCH NGHI
Đức Phật đã tìm kiếm chân lý trong sáu năm, và khi Ngài đạt giác ngộ, là khi bình minh sắp đến, tức là sau 4 giờ sáng. Sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã giảng dạy thêm 45 năm nữa, sử dụng khoảng thời gian sau 4:00 giờ sáng mỗi ngày để truyền bá nhận thức của ngài xem nên dạy ai vào ngày kế tiếp. Khi đến thời điểm nhập Niết Bàn hoàn toàn, Đức Phật đã chọn cùng thời điểm đó trong ngày.
Một loạt những sắp xếp đã khởi lên vào ngày 4 tháng 10, 1888 tại Làng Praasaat, tỉnh Surin, lớn lên và phát triển theo từng giai đoạn, khiến cuộc đời của ngài Luang Pu trở nên đáng ngưỡng mộ và đúng đắn. Ngài vẫn khoác chiếc y màu son cho đến cuối đời, tu hành một cách mẫu mực, thực sự là “mảnh ruộng công đức vô song cho thế gian.” Ngài đã làm việc một cách hoàn hảo vì lợi ích thực sự của chính ngài và vì lợi ích thực cho người khác cho đến ngày 30 tháng 10, 1983. Đó là khi Luang Pu buông bỏ thân xác vào lúc 4:13 giờ sáng – chỉ như thế.
Điều đáng kinh ngạc là các đệ tử của Ngài – cư sĩ và xuất gia, các sư trong thành thị và các sư trong rừng – đã tập trung lại để làm công đức nhân dịp bắt đầu năm thứ 96 của Luang Pu, hoàn thành chu kỳ mười-hai-năm thứ tám (eighth twelve-year cycle) của Ngài, như thể đang chuẩn bị đầy đủ cho sự kiện này.
111. KHÔNG CÓ NGHIỆP XẤU VỀ THÂN
Chỉ đến lúc đó tôi mới hiểu Luang Pu muốn nói gì khi ngài nói rằng ngài không có nghiệp xấu về thân. Vì dù đã thọ 96 tuổi nhưng cơ thể của ngài vẫn mạnh, sinh động, sạch và bình an. Luôn luôn chánh niệm và tỉnh giác, ngài không hề bị lão suy hay lãng trí chút nào.
Khi đến lúc phải từ trần, ông chết một cách lặng lẽ, không có dấu hiệu đau đớn hay khó khăn. Ngài không gây rắc rối về tinh thần hay thể chất cho những người đang chăm sóc ngài: không lãng phí bác sĩ, không lãng phí thuốc men, không lãng phí thời gian của bất kỳ ai.
Giữa sự tĩnh lặng gần bình minh, không có tiếng ồn ào của người và xe cộ – ngay cả lá trên cây cũng tĩnh lặng, không khí mát mẻ, có cơn mưa phùn nhẹ rơi như tuyết – Luang Pu, một thành viên của Tăng đoàn bậc thánh, thanh tịnh, rời bỏ thân ngài, để lại cho chúng ta chỉ còn lại những giới hạnh của ngài để chúng ta ghi nhớ và mong nhớ không bao giờ dứt.