Một tư tưởng gia bùng nổ cho công cuộc “Truyền Thừa”

MỘT TƯ TƯỞNG GIA BÙNG NỔ CHO CÔNG CUỘC “TRUYỀN THỪA”

Có người hỏi tôi, tư tưởng của thầy Tuệ Sỹ là gì? Thật sự tôi không dám nói như Dante Alighieri (1265–1321) nhận định về Aristotle: “Il maestro di color che sanno.” (Người thầy của những người hiểu biết). Nhưng tôi nghĩ, không ai có thể trở thành nhà tư tưởng lớn nếu không thừa nhận, với tư cách một nhà tư tưởng, nghĩa vụ trước hết của anh ta là đi theo trí tuệ của mình dẫn lối.

Sau khi ra tù, thầy về chùa, bắt tay biên soạn ngay: Thắng Man giảng luận, Huyền thoại Duy-ma-cật, và Yết-ma yếu chỉ.

Trước sự đi xuống của cộng đồng Tăng lữ, chùa to Phật lớn mang tính dọa nạt, nội bộ mục ruỗng… “Yết-ma yếu chỉ” ra đời như “lời hịch” kêu gọi Tăng-già củng cố mọi hình thức sinh hoạt, từ tổ chức giới đàn, tuyển chọn giới tử, tư cách Hòa thượng, trách nhiệm giáo dục vân vân và vân vân. Đó là cẩm nang kiện toàn nếp sống sa-môn, từ Thượng tọa cho đến hạ tọa, hay nói rõ hơn một tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni mà không biết phận sự: phải bố-tát, an cư, tự tứ, giữ giới, độ đệ tử cần hội đủ trình độ thế nào v.v… thì coi như Chánh pháp suy tàn.

Tiếp nữa, thầy biên soạn Thắng Man giảng luận và Huyền thoại Duy-ma-cật cấp thiết như vậy có mục đích gì? Thầy dạy rằng, tư tưởng Bồ-tát là tư tưởng dành cho hạnh nguyện cư sĩ tại gia là chính. Thầy nói thêm, trong lịch sử có giai đoạn Phật giáo đối diện kiếp nạn, Chánh pháp được truyền dạy không từ tỳ-kheo Thanh văn, mà cần phải giao lại cho Bồ-tát cư sĩ hành đạo. Như năm 1193, Đại học Phật giáo Nālandā, bị quân đội của Bakhtiyar Khilji, Thổ-nhĩ-kỳ (Turk), tấn công thiêu hủy, hàng ngàn Tăng đồ bị đốt sống, chặt đầu… Kho sách khổng lồ trong thư viện bị đốt, phải mất ba tháng mới cháy hết… Khi ấy, Tăng sĩ khó tìm, vai trò người cữ sĩ học đạo và dấn thân cứu đời là cần thiết.

Thầy Tuệ Sỹ và tác giả bài viết. Nguồn: Tâm Nhãn

Tư tưởng của thầy đều gửi gắm trong những đầu sách thầy làm. Người ta cầm trên tay những tác phẩm có tên tuổi thầy, cảm thấy có chút an ủi với hiện trạng xã hội hiện nay. Một xã hội sốt sắng sai lầm nhiều hơn sốt sắng với chân lý. Phật tử càng “biết rõ” tu sĩ, càng đánh mất niềm tin tôn giáo, người này bất mãn, người kia chán nản, bắt đầu tạo ra hiện tượng như hiện tượng truyền âm thanh theo thuyết dao động chuỗi, với ngôn ngữ miệt thị, biếm nhẻ, và hai từ “mạt pháp”.

Tôi nghĩ, tư tưởng trong công cuộc “truyền đăng tục diệm” của thầy, sẽ bùng nổ trong giai đoạn kế tiếp, có lẽ chậm chạp, đôi khi trải qua nhiều thời đại – Thanh văn hay Bồ-tát tiếp nối. Ưu thế của chân lý, dù bị dập tắt một lần, hay nhiều lần thì nó vẫn bừng sáng khi có kẻ phát hiện.

Ngày 2 tháng Chạp, Quý mão.
Tâm Nhãn.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận