-
BÀI VIẾT VỀ THẦY TUỆ SỸ
- [TƯ LIỆU] Phạm Công Thiện cảm nghĩ về thầy Tuệ Sỹ tại buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật – Hoa Kỳ
- Tuệ Sỹ, Tù đày và Quê nhà
- ĐỖ THÁI NHIÊN: “Tuệ Sỹ: Người tòng quyền”
- Tuệ Sỹ, Thái Độ của Nhà Sư Nhập Thế
- Đinh Trường Chinh: Pháp danh của Bố tôi
- Tôi viết về Thầy Tuệ Sỹ…
- Tuệ Hạnh: Ân tình Pháp Hội
- Nhân đọc “TỔNG QUAN VỀ NGHIỆP” của HT. Tuệ Sỹ
- Đặng Tiến: ÂM TRẦM TUỆ SỸ
- Rằm Trung Thu… Lại nhớ vài dịp trung thu bên Ôn Tuệ Sỹ
- THEO DẤU LẶNG NGHE ĐIỆP KHÚC DƯƠNG CẦM CỦA THẦY TUỆ SỸ (Huỳnh Kim Quang)
- Đọc thơ Tuệ Sỹ
- Vài kỷ niệm nhỏ với thầy Tuệ Sỹ
- Đặng Trần Quý: “Viếng Thị Ngạn Am”
- Tâm Nhãn: DỤ NGÔN CỦA THẦY
- Chùm ảnh: HT. Tuệ Sỹ viếng & thọ tang cố HT. Minh Châu
- Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn
-
"KỶ YẾU TRI ÂN HT. THÍCH TUỆ SỸ"
- Lời ngỏ
- Thích Nguyên Tạng: Ôn Tuệ Sỹ – Bậc Thạch Trụ Thiền Gia
- GIÁO DỤC VẪN LÀ NIỀM TIN SAU CÙNG CÒN SÓT LẠI
- Thầy Tuệ Sỹ và ngôn ngữ
- Trần Bảo Toàn: “CHIẾN BINH TUỆ SỸ”
- HT. Thích Thái Hoà: Nhân duyên tôi biết thầy Tuệ Sỹ (bài đầy đủ)
- Thích Minh Tâm: TỐI TRỜI, CÒN ĐÓ MỘT VÌ SAO
- THÍCH TỪ LỰC: BIẾT ƠN ÔN, VỚI TẤM LÒNG KÍNH CẨN
- HUỲNH KIM QUANG: Từ Việc Dịch Đại Tạng Kinh Tiếng Việt Tới Phục Hưng Văn Hóa Dân Tộc
- THẦY TUỆ SỸ: NHƯ MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG
- Thích Tuệ Sỹ, khuôn mặt tiêu biểu của văn hóa Việt Nam
- Nguyên Túc Nguyễn Sung: Thư gửi Thầy
- "HƯ KHÔNG HỮU TẬN - NGÃ NGUYỆN VÔ CÙNG"
- ĐIỆN THƯ PHÂN ƯU
Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lõm sâu, vẫn đôi mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quỳ trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.
Ai nghe tin Ôn thị tịch cũng xúc động, cũng phải bái lễ, thọ tang. Thấy thầy Như Minh từ Los cũng bay về, gương mặt buồn rầu như đang khóc tang. Tuệ Sỹ thuộc hàng hậu học, cũng tôn kính Ôn là bậc trưởng thượng có gì lạ đâu. Chẳng có gì đặc biệt. Nhưng nếu có ai để ý, từ sau năm 1973, Chú rời Vạn Hạnh (bấy giờ dọn về đường Trương Minh Giảng), chỉ trụ ở Già Lam, trên lầu, chia phòng với chú Dũng[1], thì mới có thể hiểu được ý nghĩa của tấm hình này.
Bấy giờ Vạn Hạnh còn là Viện Cao đẳng Phật học, đặt trụ sở tại chùa Pháp Hội[2]. Bên dưới là giảng đường, bên trên thư viện. Có những buổi trưa trời nắng gắt, kéo hai cái bàn lại để làm chỗ nghỉ trưa. Các sách vở trên kệ đều là của Ôn mang từ Ấn Độ về, những sách nghiên cứu trong thời gian làm luận án tiến sĩ, một số ngày nay không còn kiếm đâu ra. Nhưng nếu sau này lên đường Nguyễn Kiệm, sách đã đóng bụi nằm ngổn ngang trong một phòng nhỏ, bên kia phòng Ôn, không ai dòm ngó đến, ngoại trừ Ôn thỉnh thoảng còn qua tìm một hai quyển để tham cứu, mà thôi.
Ở Pháp Hội, chỉ lưa thưa một vài người đến tìm sách, thấy một vị Tăng trẻ, ốm nhom, mắt sáng rỡ, thường ngồi ở góc phòng cố định, viết lách chi đó, viết rồi vụt qua một bên, thỉnh thoảng gió xuyên cửa sổ thổi bay một vài trang giấy vào góc phòng bên kia, cũng không thèm lượm lại, cười sang sảng rồi đi ra. Chốc lát trở vào, lại ngồi viết nữa. Ngày nào cũng vậy. Tò mò lượm xem, đọc thấy mấy chữ Jean-Paul Sartre, Albert Camus… gì đó, lấy làm lạ, chú này mà cũng đam mê chủ nghĩa hiện sinh à, cũng đọc chữ Pháp à. Thế là sắp xếp mấy tờ giấy học trò lại, lọc cọn đánh máy, bàn máy Remington lịch kịch, mỗi lần đánh sai lại phải dùng thuốc bôi, thổi thổi cho mau khô rồi đánh lại chữ đúng, quả là cỗ lỗ sĩ so với word processing ngày nay, tha hồ mà thêm chỗ này sửa chỗ kia, bốc cả đoạn đem sang chỗ khác. Nhưng mà rồi cũng xong, sau cả tuần vất vả. Không cám ơn thì chớ, còn hất hàm hỏi:
– Cái gì đây?
– Bài của chú!
– Bài gì?
– Bài chú viết hôm rày. Chú mang qua thầy Đức Nhuận xem có đăng trên tạp chí Vạn Hạnh[3] được không.
Nhăn mặt bỏ đi. Ít ngày sau hứng thú chi đó, lại nhát gừng hỏi:
– Bài hôm trước đâu?
– Bài gì?
Thế là cười hỉ hả, vác xấp giấy đi ra. Tháng sau thấy bài đăng, tên Tuệ Sỹ đàng hoàng. Tức cười khi thấy nhiều người viết là Tuệ Sĩ, trật lất; Tuệ Sỹ y cà lết, mới thật là Tuệ Sỹ. Bất kể là ngày nay cần thống nhất ngôn từ, nhưng đã hạ bút là Đạo Sanh, thì phải là Đạo Sanh, không được đổi thành Đạo Sinh! Bởi vì trong ngôn ngữ học, văn hóa học, sau này, biết đâu sau này, “bất tri tam bách dư niên hậu…”, có ai tìm kiếm người viết bài đó, thì phải biết y là người sanh ở miền Nam, nói rặt tiếng bầy chả bầy chẹt của miền Nam, trật âm trật giọng, nhưng nội dung thì không sai, thì đủ để đi vào lịch sử văn học rồi, không thèm cãi vã thêm phiền phức.
Rồi một loạt bài viết về Thế Thân, Long Thọ, xuất hiện; rồi dịch Mười tông phái Phật giáo[4] thế là đủ uy tín để Ôn hoan hỷ đặc cách mời thỉnh giảng ngay tại Giảng đường chùa Pháp Hội. Ngồi trên ghế cao, chân thõng hỏng đất cả tấc, bàn nhỏ với tách nước trà, tha hồ sảng khoái thao thao. Không một bằng cấp trong tay, dù chỉ trung học đệ nhất cấp, mà hiên ngang như thế, quả Ôn là bậc có mắt tinh đời, bất cần thông tục, ân cần khuyến khích hiền tài. Sau đó ít lâu, Ôn Già Lam lại bảo phải thọ Đại giới; thời Mạt pháp “Sa-di thuyết pháp Sa-môn thính” như kinh Pháp Hoa cho phép là chuyện ‘bất khả tư nghì’, quý thầy ở đó, hạ lạp 5-10 năm, đâu thể ngồi dưới này lắng nghe chú tiểu thượng tòa triết lý?
Vạn Hạnh là viện đại học đầu tiên trong lịch sử của văn hóa của Phật giáo Việt Nam, cần phải làm sao cho xứng đáng với danh vị đó. Cho nên, Ôn ngày đêm lao tâm lao lực, ban ngày thì phải tả xông hữu dột, soạn bài giảng, tiếp khách, để mắt qua công việc văn phòng, giao dịch với những cơ quan quốc tế để duy trì cho Vạn Hạnh được phát triển và trường tồn. Trăm chuyện ngàn chuyện, một mình gánh vác, có ai biết không? Tối về, Ôn âm thầm dịch thuật. Ngày xưa, theo tiểu sử của Đại sư La-thập (344-413), có đến 500 người phụ tá dịch kinh, và triều đình vua chúa quan lại sĩ phu ủng hộ[5]. Đến thời Đại sư Huyền Tráng (602-664), cũng có cả một ê-kíp rậm ràng.[6] Thánh Đức Thái tử (Shotoku Daishi, 574-622) vừa là Hoàng Thái tử (Crown Prince) vừa là Nhiếp Chánh vương (Regent) cho người cô là Nữ hoàng Thôi Cổ (Suiki, trị vì 592-628) trong thời gian 30 năm (592-622), trong khi viết luận giải cho 3 bộ kinh lớn[7], có biết bao nhiêu là trợ bút?
Ngày nay, một mình Ôn thui thủi trong căn phòng đơn sơ đầy ắp sách vở, âm thầm dịch thuật, ngày này sang ngày khác. Hình ảnh Ôn thường thì chỉ mặc một áo vạt hò màu trắng, đôi khi có thêm một y vàng đắp ngang qua vai, thật dung dị, thật thoải mái, nhưng cũng thật nghiêm trang, thật học giả. Nhìn hình Ôn ngồi trước bàn, áo vạt trắng y vàng trệch vai, cặm cụi viết dịch, thật là cảm khái. Ước gì có hạnh duyên làm thị giả chấp bút cho Ôn, ngạo cuồng ôm mộng sánh ngang cùng Tăng Triệu (378-414) chấp bút cho La-thập. Nhưng tiền khiên nghiệp chướng, bao nhiêu là ràng buộc, trong giới luật, trong phong hóa ngoài đời, khiến không bao giờ tôi có thể thân cận để ước mơ chấp bút được trở thành là sự thật.
Điều tôi ước mong duy nhất bây giờ là làm sao tập thành tất cả những tấm thẻ của Ôn, ghi những thuật ngữ mà khi dịch từ Pali sang Việt, Ôn ghi lại, rất nhiều, đựng mấy hộc. Một lần, có ai đó, lên tiếng chỉ trích Ôn còn dở, còn phải tra dò một đống từ điển lóp ngóp trên bàn. Quả thật quê lậu ngu dốt mà làm tài khôn. Trong thế giới học thuật, không ai có thể tự hào tài giỏi hơn ai cả. Ôn rất cẩn mật, nghiêm túc, tra cứu mọi sách vở Đông Tây từng câu từng chữ để khi dịch sang Việt ngữ không sai ý không lệch nghĩa, đó mới chính là học giả chân thật. Cổ đức nói: “Làm y sĩ mà sai lầm thì chết một người, làm chánh trị mà sai lầm thì chết một chế độ, làm văn hóa mà sai lầm thì chết nhiều thế hệ”. Cho nên cần phải thận trọng, không được viết bậy, luận càn.
Làm văn hóa, Ôn làm, suốt trọn cuộc đời, để cống hiến cho Việt Nam toàn bộ căn bản văn học Phật giáo: bốn bộ A-hàm, mà trong kỳ in lần đầu, dày cộm, giấy vàng nghè, chữ in lem nhem. Mỗi khi thiết lập một từ mới, Ôn liền ghi vào một tấm thẻ nhỏ. Một lần tôi về thăm, thấy Ôn lôi ra cho xem mấy hộc tủ đầy ắp những thẻ như thế, nếu tập thành được cũng sẽ là một bộ từ điển Phật học Ba-lị – Việt, Việt – Ba-lị 5-7 ngàn trang. Nhưng Ôn đi rồi, ai có nguyện vọng đền trả công ơn của Ôn đây. Người nào cũng khoa bảng, cũng có sự nghiệp riêng tư rồi, ai thèm làm phụ hộ công trình người khác, dầu đó là ân sư? Bản thân thì đã “thất thập cổ lai hy” rồi, đâu còn trí lực đâu mà múa bút nữa.
Khi Viện Cao đẳng Phật học thánh lập, 1964, Thượng tọa [cố Đại lão Hòa thượng] Thích Trí Thủ (1909-1984) làm Giám đốc, trong khi chờ đợi Thượng tọa Thích Minh Châu vừa đậu bằng tiến sĩ Phật học tại Viện Đại học Nalanda, thu xếp xong mọi việc, để về đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng. Bấy giờ có 3 người du học Ấn độ: Ôn, Đại đức Huyền Vi[8] và Đại đức Pháp Nhẫn. Nơi đó, mặc áo màu lam hay nâu đều bị xem là cư sĩ. Cho nên các vị phải đắp y vàng theo Nguyên thủy. Trước khi chuẩn bị về Việt Nam, ba vị bàn nhau là có nên mặc lại áo nâu không. Ôn nói, mình đắp y này quen rồi, thôi cứ vậy đi. Ông đắp y vàng nhưng vẫn ăn chay. Gương mặt Ôn đôn hậu, đôi mắt sáng rỡ, hiền từ, bao dung, nụ cười mỉm thật an nhiên, đôi mày dài rủ xuống hai bên; nếu phải mô tả Đức Di-lặc, vị Phật của tương lai, thì không hình ảnh nào diễn đạt hoàn mãn hơn được. Ôn lại đắp y vàng, y của Đức Phật, y của truyền thống, một truyền thống căn bản mà cả hai hệ Nam Bắc đều chấp thủ.
Lại nghe một câu chuyện thú vị. Sau khi an trí chỗ ở xong, cả ba kéo nhau đi thăm viếng vị giáo sư hướng dẫn luận án. Đến nơi, nhìn qua cửa sổ, thấy giáo sư ngồi bên trong mặc áo bà ba trắng rất nghiêm túc. Đi qua hàng giậu, một liếp vườn nhỏ, bước lên bực, gõ cửa chờ một chút, cửa mở, giáo sư đứng trước khung cửa miệng cười tươi, vui vẻ bắt tay từng người một, nói nhiều lời chào hỏi, nhưng mà ông chỉ quấn chiếc sà-rông trắng tinh, còn thì mình trần trùng trục, da nâu sậm màu. Cả ba ngỡ ngàng, về lại chỗ ở, thầm thì bàn nhau, không biết tại sao mà ông giáo sư lại khinh bạc bọn chúng mình đến thế, ở trần tiếp khách! Rất lâu về sau, mới khám phá ra phong tục người Ấn, ở trần trùng trục là cách tiếp khách trân trọng nhất, kính quý nhất, để cho thấy, không có giấu diếm gì, chân thật tột độ[9]. Có những ngộ nhận như thế, nhiều vô số kể trong cuộc đời đầy phiền não này, nỗi buồn của Chú có đáng chi đâu?
Các nước Phật giáo Nam tông đều có bộ Nikayas Pali phiên dịch đầy đủ sang ngôn ngữa địa phương, không những chỉ ở Miến-điện hay Thái-lan, mà cả Cam-bốt, và Lào, những xứ thường bị cho là lạc hậu hơn bốn nghìn năm văn hiến của mình, cũng có. Việt Nam, ai cũng hãnh diện là có trên hai ngàn năm lich sử Phật giáo thế mà một bộ Đại tạng bằng Việt ngữ, hoặc chữ Nôm, lại không; lèo quèo chỉ có một số các quyển kinh lớn in đi in lại, còn phải tìm đọc bản Hán. Đó là một thiếu sót, một thiệt thòi quá lớn. Hơn 30 năm về trước ngay cả hai bộ Kanjur và Tanjur của Phật giáo Tây Tạng cũng đã được dịch hoàn chỉnh sang Anh ngữ rồi; chỉ in có 100 bản để tàng lưu tại các thư viện quốc gia những nước văn minh tiên tiến và các đại hoc nổi danh về nghiên cứu Phật học.
Bộ Đại tạng Ba-li là bộ duy nhất được dịch sang Việt ngữ. Công đức của Ôn chỉ trong lãnh vực này cũng đã sánh ngang với những bậc cao đức ngày xưa, Chân Đế, Khương Tăng Hội, Cư-ma La-thập, Huyền Tráng…; các bậc long tượng vĩ đại này chỉ dịch một phần của Đại tạng Bắc tông, còn Ôn đã độc thân độc mã dịch toàn bộ Đại tạng Nam tông, ai công đức hơn ai?
Ôn có những viễn kiến sâu xa, những kế hoạch thực tiễn, như đặc cách gửi người sang du học Đài Loan (HT.Tịnh Hạnh,[10] cố HT.Đức Niệm,[11] cố Pháp sư Minh Lễ,…), đi Nhật (HT.Bảo Lạc,[12] HT.Như Điển[13]…), đi Thái (HT.Giác Hoàng[14]…), và còn nhiều nữa. Gửi đi Úc, có ni Tuệ Hạnh, về ngành Thư viện, với mục đích là sau này về làm Thư viện trưởng cho Đại học Vạn Hạnh. Đáng tiếc thay, vì cuồng ngông, vì hiện sinh, vì chán thế, vì hoàn cảnh, tôi có phụ ơn nghĩa của Ôn. Mùa xuân năm 2000, cùng với một số Tăng sinh trẻ quây quần bên Ôn hàn huyên, Ôn vẫn còn ân cần bảo về đóng góp cho Viện. Tôi thưa: “Xưa Ôn cho con học ngành Thư viện, nay con chỉ về xin lãnh lo cho Thư viện thôi”. Ôn gật đầu. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Thế mà ngay cả lời trình thưa đó cũng không thực hành được. Nay Ôn ra đi rồi, còn ai để tôi báo ơn? Mà Ôn đâu cần ai báo ơn. Chỉ cần lếu láo tiếp tục một vài bài viết đó đây, những bài chẳng ai thèm đọc, chẳng thèm phổ biến, chỉ là để thỏa mãn cái đầu óc nhiều sinh hoạt trí thức của riêng mình mà thôi, lại cũng chưa học đòi được người xưa, biết ‘thao quang hỗn tích’.
Khi hay tin chị Trí Hải tử nạn trên đường chẩn tế, tôi đã ngồi lặng người. Không biết bây giờ, trên bàn viết, tác phẩm nào đang được Chị dịch dang dở, đang đợi chờ người không còn bao giờ trở về nữa, để hoàn thành, đây? Chị đã dịch trên 70 tác phẩm giá trị, đóng góp không nhỏ cho gia tài văn học Phật giáo Việt Nam. Bây giờ Chị nằm xuống, ai tiếp nối công trình của Chị? Vài ngày sau, lại nghe Chú than một câu thảm thiết: “Nghiệp dĩ gì nặng thế? Cả em[15] lẫn chị đều phải lãnh chịu kết cuộc thảm khốc?
Dịch thuật được như thế, đào tạo được nhiều Ni chúng có tài như thế, làm được nhiều công cuộc cứu trợ chẩn tế như thế, tất cả đều do nhờ ân đức bảo bọc của Ôn. Vì là người nữ, không thể trú xứ ngay tại Vạn Hạnh, Ôn đặc cách dành cho Chị một am viên nhỏ, sát nách với Vạn Hạnh, để Chị được tự do làm việc, để có thể qua lại Vạn Hạnh dễ dàng, để chăm sóc cho Thư viện[16] với hàng ngàn sách vở phát triển từ số lượng nhỏ của Ôn. Ngay cả khi dọn về đường Nguyễn Kiệm, Ôn cũng dành Thiền viện Tuệ Uyển cho Chị, ở ngay sau lưng viện nghiên cứu. Sáng nào Chị cũng đích thân làm một bình cà – phê sữa tươi, sai ngườ mang đến đặt trước của phòng Ôn, âm thầm cảm nhận ân đức của Ôn, mà bắt nguồn từ đó, bao nhiêu công trình dịch thuật độ Ni chẩn tế của Chị mới được hình thành.
Trên đường danh lợi, tôi không thành công được gì để Ôn nở mày nở mặt, nhưng tin rằng Ôn rất hoan hỷ vì biết rằng sự chọn lựa cho tôi du học không phải bằng thừa. Ôn đã cho tôi một cơ hội bằng vàng, đọc được các sách Anh, Pháp về Phật học, để đừng bị lừa gạt bởi những kẻ xum xoe chữ nghĩa. Chỉ biết học đòi theo người xưa: “Ngũ lậu thân thành chướng cấu đa, vi nhi vi nữ khổ bôn ba”, thế nhưng cũng nhờ đó mà bỗng nhiên “kim triêu phong thức trần trung huyễn, hàm tiếu liên bang thổ bích hà”[17] vậy là thoáng chốc tự tại vô ngại, báo đền công đức mà Ôn hơn 40 năm trước đã ân cần trao cho rồi!
Từ trong lò Vạn Hạnh, nghiễm nhiên đã có nhiều, rất nhiều, vị đã thành danh thành tài, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Hòa thượng, Sư bà. Giáo sư các trường đại học Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Đài Loan, tiến sĩ, thạc sĩ. Tất cả đã đi qua, chú Sỹ, chú Chiến, chứ Cừ, chú Dũng…, bây giờ cũng đều là Hòa thượng cả. Duy chỉ có công trình của Ôn, một bộ Đại tạng Ba-li bằng tiếng Việt, là còn để đời, để lại cho hậu thế những lời dạy ngàn vàng của Đức Thế Tôn, Đấng Từ Phụ.
Chú còn được dâng ba nén hương đảnh lễ Giác linh Ôn, tôi chỉ có thể dâng ba nén hương lòng, tưởng niệm những ngày buồn vui trên lầu thư viện Pháp Hội, bùi ngùi cho thế sự vô thường có sanh có tử; chặng giữa con đường sanh tử này, Ôn để lại cho thế hệ ngàn đời sau một gia tài Pháp bảo, những thế hệ tiếp nối nhiều tương lai, một bộ văn học đồ sộ mà pháp từ tử tôn ai cũng được hưởng phần, không ai cần tranh giành, không ai dám đấu tranh giành. Cũng không ai tranh giành được.
Hình ảnh Chú y áo chỉnh tề thắp ba nén hương lễ bái Giác linh Ôn là một thông điệp tuyệt vời, riêng với tôi, là một niềm an ủi lớn, hình ảnh thật tôn nghiêm. Giác linh Ôn vừa chứng mnh cho tâm hồn Chú đã mở hoát ra, để cùng cười và nghêu ngao trong Du hí tam muội: Bạch phát thương nhan, chính thị Duy-ma cảnh giới[18], bởi vì, ‘nơi cõi đó có một mùa xuân vĩnh cửu, kết tụ thành bụi phấn hoa liễu’.
Chi thương liễu miên suy hựu thiếu
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo?
(Thơ Tô Đông Pha)
Tuệ Hạnh khấp viết
Việt Đạo Am,
Ngày Rằm tháng 10, Nhâm Thìn
Trích kỷ yếu: Thành kính tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012)
Hình HT Thích Tuệ Sỹ viếng tang Trưởng lão HT Thích Minh Châu
[1] Nay là Hòa thượng trụ trì tu viện Quảng Hương Già Lam.
[2] Bên kia đường Việt Nam Quốc Tự khi xưa.
[3] Khi ấy TT.Thích Đức Nhuận của Thiền viện Thanh Minh xuất bản tạp chí Vạn Hạnh trước, nên sau đó Viện Đại học đặt tên cho tạp chí của Viện là Tư Tưởng, Thư ký tòa soạn: Tuệ Sỹ.
[4] Nguyên tác: Takakusu Junjiro (Cao Nam Thuận Thứ Lang). The Essential of Buddhist Philosophy. Asia Publishing House, 1956. Tuệ Sỹ dịch: Mười tông phái Phật giáo. Vạn Hạnh xb, 1968. Tái bản nhiều lần.
[5] 500 Tăng sĩ thâm sâu Phật pháp, được chính Cưu-ma La-thập đích thân chọn lựa, đứng đầu là Đạo Sanh của nhóm Tứ kiệt, ngồi trong đại sảnh đường, thường khi có cả hoàng đế Diêu Hưng ngự đến tham dự, chú tâm lắng nghe La-thập đọc bản Phạn văn, để tạm chuyển ngữ sang chữ Hán, ghi chép, thảo luận từng chữ từng câu, lắng nghe, góp ý, bàn cãi sôi nổi, mới cuối cùng quyết định dùng câu gì chữ gì để vừa đúng văn thể Trung Hoa vừa không đánh mất chân nghĩa của nguyên bản.
[6] Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện, Taishō q.50, mục số 2053, q.6 cho biết rằng vào năm Trinh Quán 19 (tức 645 stl), khi đại sư Huyền Tráng dịch kinh ở Hoằng Phước tự, có 12 vị Chứng nghĩa, 9 vị Chuyết văn, 1 vị Tự học (字學大德), 1 vị Chứng Phạn ngữ Phạn văn (證梵語梵文大德) phụ tá.
[7] Thắng Man kinh Nghĩa Sớ, Pháp Hoa kinh Nghĩa Sớ, Duy-ma kinh Nghĩa Sớ làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo tại Nhật Bổn.
[8] Cố HT.Huyền Vi sáng lập Giáo hội Linh Sơn toàn cầu, nay do HT.Tịnh Hạnh truyền thừa.
[9] Chuyện do HT.Thích Pháp Nhẫn, trụ trì chùa Liên Hoa, Dallas, kể lại.
[10] Tông trưởng Giáo hội Linh Sơn Quốc tế, Đài Loan.
[11] Sáng lập Phật học viện Quốc tế, Los Angeles.
[12] Trú trì, Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc.
[13] Trú trì, Chùa Viên Giác, Đức.
[14] Giáo phụ, Tu viện Linh Sơn, Paris, Pháp.
[15] Tức Tôn nữ Phùng Thăng.
[16] Ni sư TN.Trí Hải làm Thư viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh từ 1966 đến 1975.
[17] (五陋身成障垢多、爲兒爲女苦奔波、今朝方識 塵中幻、含笑蓮邦吐碧荷, xấu xí thân hình tội chướng đa, làm thân người nữ khổ bôn ba, sáng nay mới biết trong trần huyễn, cười mỉm Liên Bang nở sen hoa)”. Liên Tu Khởi Tín Lục (蓮修起信錄, 卍Tục tạng kinh bộ 62, mục số 1204, quyển 3).
[18] Kinh Duy Ma Cật.