ĐỜI SỐNG NGƯỜI XUẤT GIA

“Kinh sách nói Đức Đạo Sư có dạy: Các Thầy Tỷ-Kheo ăn, mặc, ở, ba điều thường đừng đầy đủ.

Sự sinh hoạt về vật chất của người xuất gia là lạt thọ dụng đậm trí tuệ, bớt ăn mặc thêm từ bi. Đạm bạc thọ dụng thì tất nhiên hướng gần trí giác. Không phải người xuất gia tự khổ sở mình, không phải tiêu hao thân thể. Sự sinh hoạt đạm bạc như vậy cốt để tránh bớt những phiền phức vô lý, có hại. Người ta phàn nàn đời sống đạm bạc ấy có hại cho sức khỏe. Vẫn có như thế. Nhưng hại sức khỏe mà chắc chắn tăng nghị lực.

Sự sinh hoạt đạm bạc tước bớt những ham muốn say mê về hưởng thọ, mà tăng thêm những dẻo dai cương nghị về lợi tha. Xưa nay và đời đạo, những sự nghiệp vĩ đại nhất phần nhiều là ở bộ áo tầm thường và bữa ăn không thành bữa. Một điều nữa, sự sinh hoạt đơn giản ấy giúp người xuất gia gần sát với quần chúng lao khổ, cảm thông nỗi cơ hàn của họ. Điều ấy là động lực chính của lòng thương hành động vậy.

Sinh hoạt đậm đà chỉ đậm thêm dục vọng. Thọ dụng đạm bạc thì đậm màu giác tha.

Đó là sự sinh hoạt về vật chất, còn về tinh thần thì sự sinh hoạt của người xuất gia là khô phân biệt ướt quán trí, trừ huyễn giác tăng nhận thật.

Do vô minh huân đào nên trí tưởng tượng của chúng ta đối với cảnh vật không khi nào sống với sự nhận thật, mặc dù chúng ta có biết sự thật ấy qua sự học, sự suy nghĩ. Vì trí tưởng không nhận thật một cách thói quen ấy, làm cho ta cảm thấy (một cách tự nhiên) sự vật là chắc thật, và có một giá trị tuyệt đối cho đời sống. Chính sự cảm thấy (một cách tập quán) ấy phát động lên tất cả điều ác, nhất là làm cho ta luôn luôn hướng về tự kỷ, phản bội lợi ích chung.

Người xuất gia, vì vậy trong sự sinh hoạt tinh thần, cốt luyện cho trí tưởng nhận xét đúng sự thật của sự vật. Tập cho sự nhận xét ấy trở thành thói quen ngần nào là tiến tới trên đường chánh giác từng ấy…

Tóm lại, đời sống thanh tịnh của người xuất gia là đời sống tan hòa cá nhân tới đoàn thể, như sữa với nước. Sự sống ấy tạo thành một cái gì trong người xuất gia như một động cơ mạnh, thúc mạnh người xuất gia vào công việc giác tha. Và sống như vậy, mục đích người xuất gia chỉ cần điều ấy mà thôi…”.

Trích Viên Âm Nguyệt San, số 87, 26-12-1949.
{Xem toàn bộ tạp chí Viên Âm, số 87 tại đây}

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận