Chương 3. Đi tìm thực tính của Việt Nam

Chương 3
Đi tìm thực tính của Việt Nam

Với trọn lòng tôn kính và nhiệt hứng, với trọn lòng tin sắt đá vào sự phục hồi sinh lực của tinh thần Việt Nam, chúng tôi xin chính thức tuyên bố buổi Tổng Khai Giảng hôm nay, mở đầu niềm hy vọng liên tục trong niên học 1968-1969 tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Năm Tổng Khai Giảng đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh, chúng tôi đã nhấn mạnh ý thức về sứ mạng của Phân Khoa Phật Học. Năm Tổng Khai Giảng lần thứ hai, chúng tôi đã kêu gọi ý thức về trách nhiệm của Phân Khoa Xã Hội.

Hôm nay, mở đầu năm Tổng Khai Giảng 1968-1969, tôi xin trực tiếp đặt tất cả hoài bão vào Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, hoài bão ấy là ngưỡng vọng tới Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, như là cơ sở của ý thức sáng tạo, nơi thu hút và nuôi dưỡng con người sáng tạo, nơi tập trung tinh lực và năng lực trong việc đi tim thực tính của Việt Nam, cái gì đã làm Việt Nam trở thành Việt Nam, cái gì làm người Việt Nam vẫn đứng thẳng và đi tới sinh mệnh của quê hương, dù tất cả đổ vỡ, tất cả máu và nước mắt, tất cả tàn phá tan thương đang lay chuyển tận nền tảng của mấy ngàn năm nổ lực tinh thần, mà đôi lúc, kiêu hãnh và đau đớn, mình thường gọi là “mấy ngàn năm văn hiến”.

Thực tính mấy ngàn văn văn hiến ấy là gì? Thực tính của Việt Tính là gì? nói khác đi, căn nguyên của tinh thần Việt Nam là gì? nghĩa là cái gì đã làm con người Việt Nam phải đến tình thế lịch sử hiện nay? cái gì đã làm hai chữ Việt Nam có mặt và đang có mặt một cách đẫm máu trên mặt trái đất hiện nay? Và cái gì sẽ đưa Việt Nam đi đến trong tương lai – đi về tinh túy của quê hương hay đi về sự vong quốc, mất mọi gốc rễ, xa lìa nguồn gốc của đất mẹ? hiểu được cái gì ấy đã nuôi dưỡng tinh thần dân Việt từ mấy ngàn năm nay, hiểu được cái ấy là tìm ra được thực tính, thực chất, bản tính, bản chất của Việt Nam, sự hiện diện của Việt Nam trong văn hóa Đông Phương và sự đối diện của Việt Nam với văn hóa Tây Phương. Hậu quả của sự hiện diện ấy là hiện trạng của con người Việt Nam bây giờ, một hiện trạng thê thảm được thể hiện qua ý thức về sự đánh mất thực tính của Việt Nam đồng một nhịp với sự đánh mất thực tính của Đông phương, song hành với sự đánh mất thực tính của Tây phương trong sự khủng hoảng của nền văn minh Tây Phương hiện đại. Sự khủng hoảng này đã tìm được mảnh đất Việt Nam để phát hình một cách ngoạn mục bi đát qua trận chiến tranh Việt Nam vì Việt Nam là mãnh đất mà con người đã trải qua kinh nghiệm tang thương nhất về sự mâu thuẫn cao độ giữa sự hiện diện và sự đối diện, giữa sự đánh mất về tự tính và sự đánh mất về tha tính, giữa sự khủng hoảng của những giá trị Đông Phương và những giá trị Tây Phương.

Sự khủng hoảng ấy phát ra từ sự tàn phế suy liệt trong tinh thần Việt Nam, từ sự tiêu tán suy nhược của sinh lực Việt Nam: cơ thể Việt Nam đã mất sinh lực trong chính tự thân và chính sự mất sinh lực nội tại ấy đã là nơi đón rước con vi trùng nguy hiểm nhất ở thời hiện đại, đó là tinh thần hư vô (nihilisme) lan tràn khắp thế giới hiện nay. Chủ nghĩa hư vô là hậu quả của sự mất sinh khí trong tất cả mọi giá trị của nhân loại từ trước cho đến bây giờ và chính chủ nghĩa hư vô ấy đã đưa đến trận chiến tranh ác liệt ở Việt Nam từ mấy chục năm nay: và con người nhất là con người Việt Nam càng lúc lại càng không biết mình là ai, mình đang ở đâu, mình sẽ ra sao, vì tất cả mọi sự đã đảo lộn, tất cả mọi giá trị thiêng liêng đã đỗ ngã, và ý thức của Việt Nam, càng lúc càng rã rời phân tán, và con người mang là “con người Việt Nam”, bỗng một sớm thấy mình hóa thân thành một con vật sợ hãi, con thú bị săn đuổi, sợ hãi tất cả mọi sự, run rẫy khắp toàn thân vì biết rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào, không phải chỉ nơi trận địa mà ngay tại nhà mình, con thú sợ hãi ấy càng lúc càng sợ bâng quơ, càng lúc càng co rúm lại, vì sợ hãi làm cho người ta co rút lại, càng co rút lại thì mình càng nhỏ bé dần đến lúc nhỏ lại gần như một đồ vật, một gói, một trái banh tròn, của con người mà ai muốn đá đi đâu cũng được; tự chủ biến nghĩa đi và trở thành tự vệ, và sau cùng tự vệ biến nghĩa đi và trở thành tự động hay thụ động; con người biến thành con vật và con vật biến thành đồ vật rồi đồ vật biến thành cái máy, một thứ máy móc tự động.

Con người thì thảm thương như thế, nhưng còn sản phẩm tinh thần của con người? Sản phẩm tinh thần của con người trở nên một guồng máy được tổ chức một cách tinh vi tối tân; guồng máy to lớn ấy để ra những cái máy nhỏ, gọi là những con người máy; những đại học đường trở nên những lò đúc, mỗi năm cố gắng tạo ra thực nhiều những con người máy, mang tên là kỹ sư; bác sĩ, chuyên viên, ký giả, học giả v.v…. mỗi năm, từng lớp sinh viên ra đời; mang một nhãn hiệu đẹp đẽ, một chức tước cao trọng, để rồi không biết mình sống để làm gì trong một thế giới mà càng lúc con người càng vắng mặt. Càng lúc những đồ vật càng nhiều, và giá trị của đồ vật trở thành tiêu chuẩn để đánh giá con người. Con người lại trở nên một đồ vật giữa những đồ vật, văn hóa trở thành những trang điểm phấn son, làm đẹp một nét mặt khô chết.

Văn hóa trở thành một đồ vật, được gọi trừu tượng là đối tượng, một đối tượng khô chết được trao qua đổi lại một nơi, gọi là Văn Hóa.

Có phải chúng tôi đã bi quan khi mô tả hiện trạng trên? Tại sao chúng tôi chỉ nói đến văn khoa mà không mà không nói đến những phân khoa khác? Sở dĩ như thế là vì chúng tôi muốn suy nghĩ và đặt vấn đề từ khởi điểm: khi mà văn khoa đã đánh mất ý nghĩa về thực tính của văn hóa thì còn văn khoa nào có thể nuôi dưỡng thực tính văn hóa nữa? thực tính của khoa học, thực tính của xã hội, thực tính của tôn giáo ( Phật giáo hay Thiên Chúa giáo) phải được xây dựng trên thực tính của con người; thực tính của con người phải được xây dựng trên cái gì làm con người, tức là cái gì được gọi là Nhân Tính, Khoa học về Nhân Thể, gọi là Khoa học nhân văn. Khoa học về Nhân Tính được gọi là văn khoa vì văn khoa là ý thức về văn hóa như là sự hình thành của nhân tính qua những hình thức khác biệt đa dạng trong lịch sử nhân loại. Chính văn hóa là cái nuôi dưỡng nhân tính và cứu vớt nhân tính khỏi rơi vào thú tính hay vật thể tính. Trong quyển sách nhan đề ” Sứ mệnh của Đại Học đường” (Mission of the University) Tư tưởng gia Ortega Y Gasset, người mà Albert Camus cho là “Nhà văn Âu Châu vĩ đại nhất sau Nietzsche”, chủ trương sứ mạng của trường đại học phải là giảng dạy văn hóa và văn hóa không phải là khoa học và khoa học phải phụ thuộc và lệ thuộc vào văn hóa. Ortega Y Gasset cho rằng: ” Sự động dẫn nội tại của khoa học không phải là mối quan tâm có liên hệ với sinh lực hiện hữu của con người, chính văn hóa giữ vai trò sinh động ấy. Khoa học có tính cách lãnh đạm với những đòi hỏi cấp bách của đời sống chúng ta và chỉ đi theo những hướng đi tất yếu của chính nó. Vì thế càng lúc khoa học càng có tính cách chuyên môn một cách vô giới hạn. Nhưng văn hóa thì phụng sự cho đời sống chúng ta ở tại đây và bây giờ, (The interal conduct of science is not a vilal concern; that of cultures is. Science is indifferentto the exigencies of our life, and follows its own necessities. Accordingly, science grows constantly more diversifed and specialized without limit, and is never completed. But culture is subservient to our life here and now) (Cf. José Ortega Y Gasset, Mission of the University, pp 73-74).Nói về vai trò của văn hóa, Ortega Y Gasset viết: “Văn hóa là điều cứu vớt đời sống con người để mà không trở thành một thảm họa; văn hóa là điều tiếp lực cho con người sống một đời sống vượt lên trên bi kịch vô nghĩa hoặc vượt lên trên sự điểm nhục nội tâm của mình”. (Culture is what save human life from being a mere disaster, is it what enables man to live a life which is something about meaningless tragedy or inward disgrace) (op. cit, p 37), và tiếp theo lời nói ấy, Ortega Y Gasset trích dẫn một câu từ kinh Pháp Cú của Phật Giáo: “Hành vi của chúng ta đi theo tư tưởng của chúng ta như bánh xe bò đi theo vết chân bò” và Ortega Y Gasset cắt nghĩa: “Chúng ta là những ý tưởng của chúng ta” và Ortega Y Gasset định nghĩa: “Văn hóa là toàn bộ những ý tưởng có sinh khí, có sinh lực, của một thời đại” và sứ mệnh của trường đại học phải là đưa con người sống ngang tầm mức, nghĩa là ngang tầm mức với những ý tưởng thời đại mình. Sinh lực của văn hóa là đưa những ý tưởng của những thời đại khác đi đến ngang tầm mức với những ý tưởng của thời đại mình. Thế kỷ 20 này là thế kỷ mà văn minh đã tiến đến độ huy hoàng nhất, nhưng Ortega Y Gasset vẫn tuyên bố rằng: “Chúng ta đang sống vào một thời đại phi văn hóa ghê gớm nhất, dù bên ngoài vẫn tỏ ra hóm hỉnh tự phụ kiêu kỳ” (we are passing at present, despite certain appearances and prcsumptions, through an ageof terrific inculture) (op, cit, p74).

Chúng tôi đã trích dẫn dài dòng về những câu nói của Ortega Y Gasset là muốn nhấn mạnh lời tố cáo trên của bộ óc lớn lao ở thế kỷ này, sự tố cáo về tính cách phi văn hóa của nền văn minh ở thế kỷ 20. Tính cách phi văn hóa ấy đã lan tràn khắp thế giới, lan tràn khắp mọi sinh hoạt trí thức của con người hiện đại, khiến cho con người trở nên máy móc tự động, khiến những trường đại học trở nên lò đúc người máy; khiến cho con người đánh mất thực tính và khiến cho văn hóa Việt Nam trở thành một sự hỗn tạp mất gốc hoặc trở thành một thứ “Tổng Hợp” thiếu sinh khí hoặc trở thành một đối tượng sẵn sàng cho chủ nghĩa ái quốc hẹp hòi cô lập. Vì phi văn hóa cho nên con người đánh mất nhân tính và khi đánh mất nhân tính thì chân lý cũng không còn và lúc chân lý lùi mất đi thì sự tự do cũng vô nghĩa. Đó là điều đã khiến cho đại học đường trở thành một vận động trường, nơi đó ngời ta tranh đua nhau để đạt cho sự được thỏa mãn về tự ái cá nhân, hoặc đại học đường trở thành một thì trường, nơi đó người ta lập bè chia phái để thanh toán nhau hoặc mưu cầu danh lợi.

Hãy trả đại học đường về vị trí tô kính của nó.

Hãy để cho đại học đường làm nơi mà mỗi con người được tự do thể hiện lý tưởng văn hóa của con người trong hướng đi của nhân tính trở về chân lý.

Đi từ ý thức về hiện trạng phi văn hóa cảu thời hiện đại, ý thức về hậu quả của phi văn hóa trong đời sống đại học hiện nay, chúng tôi mong rằng phân khoa văn học và khoa học nhân văn sẽ là nơi hình thành ý thức mạnh mẽ nhất về việc đặt lại văn hóa như là cơ sở của ý thức sáng tạo, trong việc đi tìm lại thực tính của Việt Nam trong thực tính của con người. Chỉ từ ý thức về thực tính ấy mà thực tính của xã hội và thực tính của tôn giáo mới được minh định dứt khoát trong những phân khoa như phân khoa xã hội và phân khoa Phật Học. Chẳng những thế, ngay đến những nền khoa học hiện nay, chỉ khi nào thực tính của khoa học đã được xác định thì những nền khoa học ấy mới không còn đánh mất sự tiếp thông với đời sống hiện thực của con người. Và chính khoa học thì không thể nào nói lên được thực tính của khoa học. Chỉ có văn hóa mới xác định lên thực tính của khoa học, vì chỉ có văn hóa mới làm con người khoa học trở thành con người.

Qua những ý nghĩ chân thành trên, chúng tôi xin trân trọng tuyên bố buổi Tổng Khai Giảng năm nay và xin đặt hết tất cả hoài bão vào thế hệ trẻ tuổi hôm nay, vì chúng tôi ý thức rằng tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, hơn ai hết chính là những con người đã chịu đựng tất cả hậu quả phi văn hóa của chiến tranh Việt Nam, và chính sự chịu đựng kiên trì ấy là sức mạnh phi thường nhất của ý thức con người chứng minh rằng không có gì tàn phá nỗi con người, không có gì giết được con người, khi mà con người vẫn còn đủ sự chịu đựng, đủ sự kiên nhẫn để đứng thẳng và đi tới, mặc dù chung quanh mình là sự thù hận tàn bạo và sự thất vọng đen tối.

Đứng thẳng và đi tới có được không điều đó chính là điều do chính thế hệ tuổi trẻ hôm nay quyết định.

Thế hệ chúng tôi đã nói xong tiếng nói của chúng tôi, chúng tôi mong đời rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ không nói mà chỉ im lặng để đi tới những bước đi cần thiết để trở về quê hương mà chúng ta đã đánh mất trên 25 năm nay.

Xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị và trân trọng kính chào.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận