NHA TU THƯ VÀ SƯU KHẢO
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
In lần thứ hai 1970
TRƯỚC SỰ NÔ LỆ CỦA CON NGƯỜI
CON ĐƯỜNG THỬ THÁCH CỦA VĂN HOÁ VIỆT NAM
TT THÍCH MINH CHÂU
- Tựa
- PHẦN MỞ ĐẦU: Bản thệ trong cuộc phục hồi ý nghĩa cho đời sống con người
- Chương 1. Hãy nhìn thẳng vào chính mình
- Chương 2. Những khát vọng vĩnh cửu của con người
- Chương 3. Đi tìm thực tính của Việt Nam
- Chương 4. Vượt ra ngoài biểu tượng và ngôn ngữ
- Chương 5. Hoà bình với sự sụp đổ của ngôn ngữ
- Chương 6. Ngay giữa lòng thế gian đau khổ
- Chương 7. Hãy chiến thắng tự thân
- Chương 8. Sống vẫn là điều linh thiêng
- Chương 9. Nền tảng của mọi khoa học và triết học nhân loại
- Chương 10. Nền tảng của mọi phương pháp giáo dục
- Chương 11. Nền tảng của sự trùng phùng giữa văn hoá Đông phương và Tây phương
Chương 6
Ngay giữa lòng thế gian đau khổ
Cách nay hai mươi lăm thế kỷ, mảnh đất miền trung ấn đã được vinh dự lớn lao in vết chân của một con Người vĩ đại, lịch sử nhân loại được hân hạnh kính cẩn ghi bằng nét son hiện diện của một siêu nhân đã có lần đi qua trên cõi đất loại người; Thái tử Thích Ca Tất Đạt Đa.Ngài sinh vào khoảng thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch, đồng thời với Khổng Tử ở Trung hoa, Socrate ở Hy Lạp; con vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da. Theo nhiều kinh Luật, trước khi và trong khi giáng sinh Thái tử đã có nhiều điềm lạ như Hoàng Hậu mộng thấy voi trắng sáu ngà, Thái tử sinh từ hông trái của mẫu hoàng trong vườn Lâm Tỳ Ni có chư thiên chào mừng, khi giáng sinh đã bước bảy bước tuyên đọc bài kệ:
Ngã sanh thai phần tậnThị tối mạt hậu thânNgã dĩ đắc giải thoátĐương phục độ chúng sanh.
Từ đấy cho đến khi lớn khôn, Thái tử sống trong cảnh phú quý vương giả, kết hôn năm 19 tuổi, sinh một con là La Hầu La. Sau 4 lần dạo chơi ra bốn cữa thành, Thái tử bắt đầu đau khổ vì chạm mặt với cảnh lầm than khổ não của nhân thé, và trực nhận lẽ vô thường của sinh tử, Ngài bỏ nhà ra đi tìm phương giải thoát cho chúng sinh. Ngài theo học đạo nhiều đạo sĩ, trải qua sáu năm khổ hạnh, nhưng không có vị thầy nào, phương pháp khổ hạnh ép xác nào đem lại cho Ngài chân lý diệt khổ. Từ đó Ngài bỏ mọi thầy học, bỏ khổ hạnh ngồi tư duy 49 ngày dưới cội cây ( sau này cây ấy được mang tên là cây Bồ đề có nghĩa là “Trí giác”vì dưới cây ấy đức Phật đã đạt được Giác Ngộ) và đến hôm cuối cùng khi nhìn sao mai mọc, Ngài thành Đạo sau khi chiến thắng tất cả Ma Quân, tương trưng cho những tầng lớp vô minh của tâm thức từ vô thỉ. Ngày huy hoàng ấy, cái ngày đầy ân sủng nhất trong chuỗi Thời Gian không tên không tuổi, ngày đã trở thành bất tử vì được chọn làm ngày kỷ niệm Bồ Tát, là hôm nay đây.
Ở đây chúng xin tạm gác qua mọi bàn cãi về sự đáng tin hay không đáng tin những truyền thuyết về tính cách phi phàm trong sự giáng sinh cảu Thái Tử. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là tính cách tượng trưng của mọi chi tiết trong cuộc đời Đức Phật lịch sử của chúng ta.
Trước hết tất cả những ngày kỷ niệm của Thái tử từ khi sơ sinh cho đến lúc nhập Niết Bàn đều là ngày mồng tám trăng tròn điều ấy chứng tỏ sự khác biệt giữa hiện hữu của một bồ tát với hiện hữu của chúng sinh. Như một người đã định trước lộ trình của mình, nơi đi và chốn đến, Bậc Bồ tát định đoạt ngày giờ nơi chốn mình nhập diệt. Chúng sinh vì nghiệp báo mà ra đời, sinh ra để gặt hái kết quả mình đã gieo nhân; Bồ Tát trái lại, ra đời vì một ý nguyện độ sinh cứu thế. Bồ Tát là nguyên nhân chứ không phải là kết quả. Trong kinh pháp hoa phật dạy: tất cả các Đức phật đều vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời; đại sự nhân duyên ấy, chính là mở bày cho chúng sinh tri kiến của phật chỉ cho chúng sinh tri kiến của Phật, làm cho chúng sinh hiểu tri kiến Phật, khiến chúng sinh chứng nhập tri kiến của phật (Chư phật thế tôn, dục linh chúng sinh khai Phật, tri kiến sứ đắc thanh tịnh cố, xuất hiện ư thể; dục thị chúng sinh ngộ phật chi tri kiến cố;xuất hiện ư thể, dục linh chúng sinh nhập phật tri kiến đạo cố, xuất hiện ư thể- pháp hoa kinh; (phương tiện phẩm). Như thế thân phật tức cũng là pháp thân, tượng trưng của tâm linh thuần khiết. Đã là trượng trưng của tâm linh, của chân lý bất diệt, tất nhiên mọi cách thể sinh hoạt của Ngài đều mang ý nghĩa tương trưng và chứng ta không thể đem thế tục trí để biện biệt về chúng, cũng không nên chỉ phê phán căn cứ trên ngôn từ.
Nhưng chân lý đã là vô thủy vô chung không theo những định luật của sinh diệt như thành,trụ, hoại, không thì tại sao Đức phật vốn là tượng trưng chân như pháp tánh, chân lý vĩnh cửu, nay lại có giáng sinh, tu hành, thành đạo, nhập niết bàn? Sự thành đạo của Ngài mang ý nghĩa nào đối với chúng ta; và xét trên phương diện nhân bản, sự thành đạo có những giá trị như thế nào? đây chính là những điểm chúng tôi mong được cùng quý vị suy ngẫm trong vài phút nói chuyện hôm nay.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tính cách nhân bản trong sự thị hiện của Đức Phật. Đức Phật Thích Ca có ra đời, có nhập diệt chính là vì nhân loại có khổ đau. Trong kinh Pháp Hoa phẩm “Như Lai thọ lượng” Phật lấy ví dụ một vị lương y vì đàn con ngộ độc nên chế sẵn món thuốc giải độc cho các con uống. Nhưng những người con mãi mê vui chơi không chịu uống, độc dược ngày một ngấm sâu vào cơ thể, người cha lương y bèn dùng phương tiện bỏ nhà ra đi phương xa rồi cho người về báo tin là mình đã chết. Đàn con khi ấy thương tiếc cha mới bắt đầu nhớ lời cha dặn và uống thuốc, nhờ đấy khỏi được bệnh. Đức Phật cũng thế, vốn là đấng Vô Thỉ, vô chung thọ mạng vô cùng, thường trụ bất diệt, là đấng toàn trí vượt trên sự tu học, nhưng vì chúng sinh mà thị hiện ra đời; thị hiện sáu năm khổ hạnh, thị hiện thành đạo, thị hiện nhập diệt. Vì sao? vì nếu chúng sinh thấy Như Lai thường còn chẳng mất thì dễ sanh lòng buông lung nhàm trễ, không sanh tâm tưởng nghĩ Đức Phật khó gặp. Do đó mà Như Lai đã dùng phương tiện nói rằng:” Các Tỳ Kheo nên biết, chư Phật ra đời khó có thể gặp được” (Pháp Hoa Kinh, Như Lai thọ lượng phẩm). Lại nữa pháp thân Phật to lớn bao trùm cả pháp giới; mà nay nhập thể trong một thân bé nhỏ,hữu hạn chịu những ràng buộc hữu vi: sinh,già,bệnh, chết của con người cũng chỉ vì một ý hướng nhân bản nêu trên.
Thị hiện ra đời vì người, cho người Đức Phật Thích Ca còn tu đạo thành đạo như một con người (as a human being) hoàn toàn với trí huệ của một con người. Điều ấy phải chẳng nói lên tính cách tối tôn tối thượng của địa vị con người và Trí tuệ trong Phật giáo. Chỉ có con người mới có thể trở thành một Đức Phật. Đức Thế Tôn suốt bốn chín ngày tĩnh tọa dưới cội bồ đề, đã không nhận một mạc khải nào từ bất cứ một vị thần linh hay đấng thiêng liêng nào, Ngài cũng không tuyên bố mình là nhập thể của một đáng linh thiêng nào để mong chuốc lấy sự tín phục của loài người.
Trong khía cạnh này, sự thành đạo của Ngài mang một tính cách tích cực ở chỗ Ngài thành đạo hoàn toàn do nỗ lực của trí tuệ phá trừ vô minh tà kiến. Trong một khía cạnh khác, sự thành đạo lại mang tính chất chúng ta tạm gọi là tiêu cực ở chỗ sự thành đạo không phải là nắm lấy, vươn đến một đối tượng nào mà trái lại đây là môt sự trở về hay đúng hơn một sự hiển lộ của gương sáng sau khi bụi mờ của vô minh đã tiêu tan. Cùng một con người ấy nhưng mê là chúng sinh, ngộ là Phật. Ấy là ý nghĩa vì sao Đức Phật đã thành thật ngay trong địa vị làm người. Thành đạo như con người Đức Phật hơn nữa còn thành đạo ngay giữa lòng thế gian đau khổ vô minh. Điều ấy cho chúng ta thấy rằng Chân lý Niết bàn là đóa hoa nở trong lòng sinh tử khổ đau chứ không phải từ một cõi nào xa xôi nào rớt xuống. Lìa chúng sinh sẽ không có Phật cũng như ở ngoài bùn dơ không có hoa sen. Vì có chúng sinh vô minh khổ não nên có Phật ra đời đời đem lại trí giác diệt trừ khổ não vô minh. Do đó mà Phật Pháp chú trọng con đường diệt khổ thực tế cho con người hơn là đề cập những vấn đề siêu hình viễn vông xa vời sự sống.
khi nói rằng Đức Phật đã thành Phật như một con người, nghĩa là dưới hình thức một con người, chúng tôi còn muốn nhấn mạnh thêm rằng Ngài thành Phật với một trái tim rất người nghĩa là thông cảm khổ đau của loài người và nhân đó dấy khởi lòng từ bi, ra đời độ sinh thuyết pháp. Như vậy, Đức Phật đã xuất thế bằng Trí tuệ và nhập thế bằng Từ bi.
Sau đây chúng tôi xin thuật lại theo Kinh Mahâvagga (đại phẩm) giai đoạn cảm động này sau khi Đức Thế Tôn đắc đạo dưới cội Bồ Đề. Ngài đã tĩnh tọa 21 ngày; dùng Phật nhãn quán sát thấy chúng sinh trong lục đạo nghèo nàn vô trí lăn lóc trong sinh tử, do tham ái che lấp ngày một vướng sâu vào đường tà kiến. Phật vì những chúng sinh này sinh lòng đại bi muốn tế độ. Nhưng Ngài nghĩ: Cái Trí Tuệ ta đã đạt được thật vô cùng vi diệu, làm sao truyền dạy cho chúng sinh kia với tâm trí chậm lụt, đã bị mờ mắt vì tham ái ngu si chấp trước? Những hạng như thế làm sao độ được? Lại nữa nếu nói ra Phật trí sâu xa khó lường sẽ làm cho những kẻ kiêu mạn không tin hiểu sinh lòng phỉ báng mà chịu quả báo. Nghĩ vậy Đức Thế Tôn đã lưỡng lự không muốn chuyển pháp luân. Nhưng Ngài lại nhớ đến các đức phật quá khứ từng dùng phương tiện diễn nói ba thừa, Thế Tôn liền theo lời cầu thĩnh của chúng Phạm vương và Đế Thích, rời đạo tràng đi đến thành Ba La Nại để chuyển Pháp Luân, mở bày phương tiện cho thính chúng. Những người được độ đầu tiên là năm anh em ông Kiều Trần Như, những người trước kia đã đồng tu khổ hạnh với Ngài. Khi trông thấy Đức phật từ xa, năm người bảo nhau:” Kìa là Cồ Đàm đang đến, ông ta đã bỏ đời sống khổ hạnh, trở về với sự sung túc. Chúng ta không nên chào ông ấy và không nên đứng dậy, cũng không nên đỡ lấy bát và y của ông ấy”họ báo nhau như thế rồi ngồi yên chờ đợi. Nhưng khi Đức Phật đến gần, đức tướng uy nghiêm, từ bi tỏ rạng của Ngài khiến cho không ai bảo ai, năm người đều đứng lên kính cẩn chào đấng Đại Giác, kẻ đỡ y, người nâng bát khất thực và trải tọa cụ cho Ngài ngồi. Đoạn họ gọi tên đức Thế Tôn và dùng danh từ (âvusovâdena) để xưng hô Ngài. Đức Phật bảo:” Này các thầy chớ gọi Như Lai bằng tên và dùng từ ngữ “âvusovâdena” để chỉ Đức Như Lai. Như Lai là đấng toàn thiện, là bậc đã giác ngộ. Hỡi các Thầy hãy lóng nghe: có hai tuyệt lộ mà người tìm chân lý không nên theo. Hai tuyệt lộ ấy là những gì? Ấy là con đường buông lung theo dục lạc thấp hèn bất tịnh, không phù hợp với mục đích, và con đường khổ hạnh ép xác, không sáng suốt, không phù hợp với mục đích. Không theo hai đường ấy, người tìm chân lý giữ theo Trung đạo, con đường đưa đến tuệ giác, đến tri kiến, đến sự tỉnh thức, đến Niết Bàn. Hỡi các Thầy, con đường chuẩn bị cho tuệ giác, cho tri kiến, con đường đưa đến tỉnh thức, Niết Bàn ấy là gì? Ấy chính là con đường cao cả của Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ; Chánh tinh tấn, Chánh nghiệp, Chánh Mạng, Chánh niệm, Chánh định.
“Lại nữa, hỡi các Thầy, đây là chân lý cao cả về sự khổ: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ; chết là khổ, tụ hội với những gì trái ý là khổ; xa lìa với những sự vừa ý là khổ, mong cầu mà không đạt được là khổ-tóm lại ngũ uẩn trói buộc là khổ.Và hỡi các Thầy, đây là chân lý cao cả về nguyên nhân của khổ; tham trước dục lạc (dục ái), tham trước tái sinh, trở thành (hữu ái), tham trước hư vô, hủy diệt (diệt ái).Hỡi các thầy, đây là chân lý cao cả về sự diệt khổ: chấm dứt hoàn toàn sự khát khao tham trước ấy, buông xả nó, giải thoát khỏi nó, không tìm khoái lạc trong nó.Đây là chân lý cho cả về con đường đưa đến sự diệt khổ: ấy là bát chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy…
Trong khi nghe Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên ấy, đại đức Kondanna phát sinh tri kiến trong sạch thuần tịnh rằng “cái thuộc bản chất của sinh cũng thuộc bản chất của diệt”. Ông cùng những người còn lại quy y theo Phật và trở thành những vị đệ tử đầu tiên trong đoàn thể tăng chúng.
Từ đấy ròng rã suốt 49 năm, Đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ từ bắc chí nam thuyết pháp hơn năm trăm hội, tùy căn cơ người mà giáo hóa tất cả, không phân biệt giai cấp, làm lợi lạc cho vô số từ bậc thượng trí đến kẻ hạ ngu, chẳng khác nào cơn mưa lớn thấm nhuần khắp cả cỏ rau lẫn đại thọ.
Qua 49 năm thuyết pháp của Đức Thế Tôn từ sau khi thành đạo đến lúc nhập Niết Bàn, chúng ta đã thấy rõ sự thành đạo của Ngài không mang ý nghĩa một sự chấp dứt, một kết thúc mà là một sự bắt đầu, một khởi điểm vô cùng linh động: bắt đầu độ sinh cứu thế. Đấy không phải là một sự tọa hưởng thụ động mà trái lại là một sự khởi hành huy hoàng trên đường thực hành Bồ Tát đạo sau khi đã lột xác, đã phá vỡ vô minh tà kiến về ngã chấp và pháp chấp.
Sự thành đạo của Thế Tôn trước hết là một sự tự thực hiện bản thân để chứng nhập chân lý ” Ngã không, pháp không” trước khi đi vào giữa lòng ngũ trược ác thế cứu độ đám quần sanh cang cường vô trí. Ngày kỷ niệm thành đạo của Ngài hôm nay phải chăng là một thông điệp nhắc nhở chúng ta đến sự thực chứng bản thân như một nhiệm vụ trên hết và trước hết? Và thế giới hôm nay vì đâu mà đảo điên loạc lạc phải chăng chính bởi con người bất thành nhân?
Đức Thế Tôn đã thành đạo vì chúng sinh, cho chúng sinh. Phật giáo sống vì con người không phải con người sống vì Phật Giáo. (Budhism is meant for man, not man for Budhism). Đức Phật không thành đạo để được tọa thị trên tòa sen cho chúng sinh thờ lạy suy tôn làm thần tượng. Chúng ta chỉ thờ lạy những gì đã chết, chỉ tạc tượng những gì đã chết. Chính Đức Phật đã dạy trong kinh Kim Cương:
Nhược dĩ sắc kiến ngãDĩ âm thanh cầu ngãThị nhơn hành tà đạoBất năng kiến Như Lai.
Kinh pháp hoa có lấy dụ một thương nhân mang món báu lớn đi qua đường hiểm (tê trì trọng bảo quá hiểm lộ), chính là hoàn cảnh chúng ta hôm nay, mang kho tàng pháp bảo vô giá đi vào một giai đoạn cam go của thời mạt thế. Đức Phật đã cứu chúng ta, bây giờ đến lượt chúng ta hãy cứu lấy đức phật. Làm sao làm sống lại Chân Lý? Làm sao cho niềm tin tôn giáo thôi còn là một món trang hoàng cho đời sống trí thức hay tệ hơn cho sinh hoạt cảm tình của con người, mà trái lại, phải trở thành nhịp thở của tim, thành máu lưu thông trong huyết quản, thành chính sự sống? làm sao cho sống lại nụ cười hai ngàn năm trăm năm trước của đức Từ Phụ, nụ cười của Từ, Bi, Hỉ, Xả, để xóa tan vết hằn trên mặt thế giới đau thương? Việt Nam rách nát của chúng ta và cả nhân loại hiện nay, đang héo mòn trông đợi nụ cười ấy, nụ cười cảu Thế Tôn ngày Thành Đạo.