“Hợp đồng” tu tập

Đức Phật giảng Pháp không nhằm thoả mãn sự khao khát kiến thức của chúng ta, mà chủ yếu là giúp chúng ta hiểu & ứng dụng các kiến thức đó để tạo ra những thay đổi cần thiết trong thân-tâm của mỗi người.

Về phương pháp, cách dạy và học này tương đương với ngoài đời; nhưng mục tiêu giáo dục thì hoàn toàn khác. Nếu sau khi học xong một đoạn kinh, hay một bản kinh nào đó mà chúng ta (1) không nhận ra giá trị thực dụng của nó, đồng thời vì không nhận ra cho nên chúng ta (2) không thể ứng dụng để tạo ra những thay đổi cụ thể trong thân-tâm, thì có thể xem như chúng ta chưa học gì cả.

Bài Pháp về “vô thường”, chẳng hạn. Sau khi phân tích ý nghĩa của định cú “chư hành vô thường” (all the compounded things are impermanent), chúng ta có được một số kiến thức, hoặc ý tưởng, hoặc khái niệm:

– Tất cả những gì được hợp tạo bởi nhân-duyên đều không bền vững, thường hằng, mà luôn luôn biến đổi—Phật học gọi là pháp hữu vi. Khi nhân-duyên hội tụ thì người đời gọi là “sinh”; khi nhân-duyên tan rã thì gọi là “diệt”, “chết”.

– Sự biến đổi này xảy ra trong từng sát-na, bởi vì bất cứ cái gì tồn tại được qua 2 sát-na thì có thể tồn tại mãi mãi.

– Niết-bàn, giác ngộ thì thường hằng vì chúng không “sinh ra”—không được tạo thành bởi nhân duyên—, và vì thế cũng không “biến diệt”—không có sự tan rã của nhân-duyên.

Trên đây là 3 loại kiến thức, 3 ý tưởng, 3 khái niệm đại cương, sinh khởi trong dòng tâm của chúng ta khi chúng ta học về “vô thường”. Sau khi chúng ta học xong thì cả 3 khái niệm này đều nằm yên trong “kho chứa” của tâm. Khi nào có nhân-duyên, có người nhắc đến Phật Pháp chẳng hạn, thì chúng hiện hành, và chúng ta gọi là “mình nhớ”. Khi không có nhân-duyên thì chúng lại nằm trong “kho”, và chúng ta gọi là “mình quên”.

Chúng ta có một cái bình cổ, đẹp và quý, chẳng hạn. Thường ngày, mỗi khi nhìn thấy cái bình, các ý tưởng về đồ cổ, hội hoạ, điêu khắc, thư pháp, giá cả thị trường, v.v., lại sinh khởi trong tâm chúng ta. Nhưng trong đó chẳng có ý tưởng nào trong 3 ý tưởng về vô thường nói trên sinh khởi cả. Cho đến một hôm, chúng ta lỡ tay làm vỡ cái bình. Tất nhiên là không thể nào diễn tả được trạng thái hốt hoảng, tiếc nuối của chúng ta vào lúc đó. Nhưng may thay, chúng ta sực nhớ tới bài Pháp vô thường, và chúng ta tự an ủi mình, đại loại bằng những ý nghĩ “Phật đã dạy là vô thường rồi; cái gì mà chẳng vô thường, cái gì mà chẳng nay còn mai mất, sớm nở tối tàn, v.v.” Thật sự thì chúng ta cũng có giảm đi phần nào sự xót xa vì tiếc nuối. Hơn nữa, cũng nhờ nguyên lý vô thường, cho nên chỉ vài ngày sau là chúng ta quên mất. Rồi cuộc sống lại diễn ra “bình thường”, như chưa hề có gì xảy ra.

Chúng ta gọi việc học và ứng dụng như trên là “học Pháp”. Thật ra, nếu chỉ để được như thế, chúng ta không cần phải tiếp cận Phật Pháp, vì đó chỉ là một trong vô số những “hiểu biết thông thường” (common sense). Đức Phật dạy Pháp không phải để giúp chúng ta giải quyết các vấn đề gặp phải trong các hoàn cảnh sống và làm việc hàng ngày, mà để giúp chúng ta thay đổi những cái nhìn sai lầm của mình về các hoàn cảnh sống và làm việc này.

Không phải chờ đến khi cái bình vỡ, mà chúng ta phải học và hành như thế nào để có thể nhìn thấy vô thường của cái bình khi đang còn nguyên vẹn. Không chỉ biết rằng Socrate, Platon, Lão tử, Khổng tử, v.v., đều đã chết, mà chúng ta phải nhìn thấy mình “như-một-triết-gia” rồi cũng phải chết. Không chỉ biết rằng Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư hãn, Alexandre Đại Đế, Napoléon, v.v., đều đã chết, mà chúng ta phải nhìn thấy mình “như-một-nhà-chinh-phục-vĩ-đại” rồi cũng phải chết. Không chỉ biết rằng Lý Bạch, Đỗ Phủ, Goethe, Tagore, Nguyễn Du, v.v., đều đã chết, mà phải nhìn thấy mình “như-một-đại-thi-hào” rồi cũng phải chết. Tất cả những gì chúng ta nhận biết, dù quá khứ, hiện tại, hay vị lai, đều cần phải được nhìn thấy như thế.

Ở đây, có thể nêu lên một câu hỏi: “Chúng ta cần phải nhìn thấy như thế để làm gì?” Bởi vì chúng ta đã cam kết—cam kết đầu tư cả cuộc đời mình cho chỉ 1 dự án: THÀNH TỰU GIÁC NGỘ – GIẢI THOÁT – THANH TỊNH. Trên bình diện của nền kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta phải nhìn thấy chỉ có chư Phật, chư A-la-hán, chư Đại Bồ-tát là những nhà đầu tư thành công duy nhất trong thế giới loài người. Trong lúc tất cả các nhà đầu tư khác, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, với đầy đủ mọi thành tựu, thành công, thành đạt của họ, cuối cùng đều phải kết thúc trong sự hủy diệt không tránh được, thì chỉ có các thành quả “giác ngộ & giải thoát” là có thể thoát ra khỏi vòng quay của thành-trụ-hoại-không, của sinh-trụ-dị-diệt, để thường trụ vĩnh viễn trong không gian và thời gian. Một người học Phật phải nhìn thấy điều này mới hy vọng nhìn thấy được tại sao những gì mình chọn làm nơi nương tựa, làm mục tiếu tối hậu của cuộc đời mình, được gọi là Tam Bảo (Three Jewels). Thế thì, chúng ta hãy can đảm, hãy có dũng khí trở thành, không phải là những người “ăn theo” dự án, mà phải là những người “chủ đầu tư” thực thụ, quyết tâm thực hiện trọn vẹn “hợp đồng” cho dù phải trải qua vô lượng kiếp. Dù ở bất cứ không gian, thời gian nào, dù đang lâm vào nghịch cảnh hay thuận cảnh, chúng ta không được quên câu đầu tiên của bản “hợp đồng” mà chúng ta đã ký kết:

NAM MÔ TẬN HƯ KHÔNG, BIẾN PHÁP GIỚI, QUÁ-HIỆN-VỊ-LAI CHƯ PHẬT, TÔN-PHÁP, HIỀN-THÁNH-TĂNG THƯỜNG TRÚ TAM BẢO!

Đạo Sinh

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận