Ngã và Ngã sở

Hơn nửa đời người, hay cả cuộc đời, nếm đủ đắng cay buồn tủi, niềm vui thì khiêm tốn, nỗi buồn quá mênh mông. Chòng chành theo con thuyền thân phận, lúc tàn khoảnh khắc theo cổ máy thời gian, nhìn lại trong rêu phong tĩnh lặng, trên khuôn mặt nhiều nếp chập chùng của ưu phiền, mới hiểu rằng “Ta có đại hoạn do ta có thân. Nếu ta không thân sao có đại hoạn”. Cái gì thuộc tôi và thân tôi – ngã và ngã sở, một vòng luẩn quẩn khổ đau của một kiếp người, làm sao hết khổ?!

Buổi trưa hè nắng đổ, đi làm về, thấy con mình đang chơi với đứa trẻ hàng xóm ngoài nắng. Hầm hầm đến quất con mình một roi, bảo nó vô nhà. Nóng giận bởi nó là con mình. Tình yêu thế nhân chỉ đóng khung trong một gia đình, tầm nhìn chỉ chừng trong “lũy tre làng”. Biết mình và yêu cái gì của mình. Người theo đạo Phật chỉ yêu ông Phật chứ không thể yêu ông Chúa. Người theo đạo Hồi không chấp nhận Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự để cứu giúp loài người chuộc tội. Tín đồ đạo Hồi khi chết tin có thánh Allah và Đấng tiên tri Muhammad là được yên nghỉ. Một Phật tử sau trải nghiệm cận tử, sống lại kể rằng thấy đức Phật A-di-đà đến đón. Chưa nghe ai kể thấy mình đi lên cửa ngọc trai, được thánh Peter rước vào theo văn hóa Cơ-đốc giáo. Giả thuyết, nếu các tín đồ này khi chết mà đi nhầm chỗ chắc sẽ có một cuộc giằng xé trong tâm nơi thiên giới. Khí oxy được thực vật tạo ra thông qua quá trình quang hợp, kết cục sẽ làm nhiễm độc toàn bộ bầu khí quyển và giết sạch thực vật cần thán khí nếu không có sự tiến hóa của các động vật tiêu thụ khí oxy và trả thán khí lại cho thực vật. Một vòng tuần hoàn, Phật giáo tin thuyết luân hồi, chết sẽ đầu thai, chết sẽ tái sanh theo nghiệp thiện, bất thiện. Thế nhưng trong thần học Cơ-đốc giáo, ai tin luân hồi đầu thai sẽ bị kết án là dị giáo. Người Phật tử theo Phật giáo Bắc phương tại Việt Nam, đến chùa tụng kinh học Phật đều mặc áo tràng lam, nhưng đối với người Phật tử Phật giáo Nam tông lại mặc y trắng khi tham thiền học đạo. Màu trắng đối với người này là tang tóc, đối với người kia là tinh khiết thanh tịnh. Ngã và ngã sở – kẻ khuyết tật trong căn, luôn tạo lằn ranh ta và người, của mình và của họ. Nước sông không phạm nước giếng. Thế giới đảo điên, con người hỗn loạn khổ đau. Chiến tranh triền miên.

Tôi viết tùy bút theo tự ngã, không hệ thống không bố cục. Tôi nói tiếp. Tự ngã là cái tôi, tôi nói, tôi thấy, tôi nghe, tôi ngửi, tôi nếm… “Cái tôi”, tự ngã, lúc chào đời nó đã đi theo, gọi là “câu sanh ngã chấp” (俱生我執: sahaja-ātmagrāha). Một thứ tự ngã như di truyền bẩm sinh, do tập khí huân tập (impregnations, 熏習: vāsanā) từ quá khứ xa xưa, vừa hiện hữu chúng đã đóng một lớp phù sa màu mỡ trên tàng thức (a-lại-da, 阿賴耶: ālaya) của mỗi cá thể. Khi đứa trẻ bắt đầu nhận thức đây là đồ chơi của mình, đây là mẹ, đây là bố, từ đó lớn khôn, ngã sở định hình là gia đình mình, nhà mình, xe cộ vườn tược, quê hương, tổ quốc mình… Cái gì thuộc về ta, thân ta, của ta đều gọi ngã sở. Nội hàm của ngã, ngã sở, chồng chất thêm một thứ ngã chấp bám dính gọi là “ngã chấp phân biệt” (construction, phân biệt 分別: vikalpita). Loại ngã chấp phân biệt này do ý thức cấu trúc xử lý tiếp thu thông tin từ giáo dục thầy tổ, học đường, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, chính trị, các loại chủ nghĩa[1] v.v. Từ đây, học để trưởng thành, đôi khi học thành thánh, thành thần, nhưng có khi học xong người không ra người, ngợm không ra ngợm.

Bàn đến ngã và ngã sở, mạn đàm không thể cùng tận biên tế của nó, chỉ trà dư tửu hậu một vài vấn đề nhức nhối nhất. Thảo luận đến tôn giáo của chúng ta, không có tôn giáo nào là của mình, của người, không có ngã và ngã sở ở đây. Khi đức Phật giáo hóa, không áp đặt ai để trở thành đệ tử của Ngài mà chỉ muốn tất cả trở thành đệ tử của điều thiện.

Nói về chuyện đạo Hồi (Islam). Người Hồi giáo coi kinh Qur’an và giáo thuyết Sunnah là quy tắc đạo đức chuẩn mực. Và theo tôi hiểu cụm từ “Allahu Akbar” mà người Hồi thường dùng chính là lời ca ngợi đức thánh Allah, và không phải nói cho vui cửa miệng mà nó có ý nghĩa tùy theo ngữ cảnh; như khoảnh khắc chào đón một đứa bé ra đời, mọi người đọc “Allahu Akbar”, có thể biểu lộ niềm hân hoan vui mừng. Người Hồi tránh nói từ này ở nhà vệ sinh, bãi rác…, cũng không sử dụng câu nói này để pha trò với người khác, vì cho rằng nếu làm vậy là xúc phạm đến Đấng chí tôn của mình. Từ ngữ này rất được các phần tử Hồi giáo cực đoan ưa thích, khi bước vào những cuộc tàn sát đẫm máu: xả súng hay dùng dao đâm ai, họ hét lớn “Allahu Akbar” (Thánh Allah vĩ đại). Lúc này trong tâm của họ nghĩ rằng, họ đang thực hiện theo lời của đức thánh Allah và coi đó là một cái chết vĩ đại.[2] Như vậy cũng một thuật ngữ, qua cấu trúc xử lý của “ngã chấp phân biệt” mà thiện ác sai khác, nơi này Chúa ban phúc lành, nơi kia Thượng đế trừng phạt.

Chuyện Thiên chúa giáo phương xa. Phía đông nam Nigeria, vùng Calabar, nơi đây về đêm hàng trăm nhà truyền đạo xuống đường rao giảng và nhân danh Chúa (au nom de Dieu) giáng một lời nguyền đến một số trẻ em, buộc tội chúng là phù thủy (des enfants d’être des sorciers)… Miệng cứ cầm loa oang oang: “Ôi Cha toàn năng! Tôi cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su Ky-tô! Xin cho sự vinh hiển của đức Chúa trời được thể hiện trong đời sống của tôi! Xin cho sự vinh hiển của đức Chúa trời được thể hiện trong đời sống của con cái chúng ta! (Oh Père tout puissant! Je prie au nom de Jésus Christ! Que la gloire de Dieu se manifeste dans ma vie! Que la gloire de Dieu se manifeste dans la vie de nos enfants!).[3] Họ tự xưng là các nhà tiên tri Phúc âm (des prophètes évangélistes), gán cho các em bị linh hồn ma quỷ ám, rồi thao túng từ nỗi sợ hãi của người dân, kiếm tiền bằng các buổi trừ tà. Các em này không được đến lớp, bị gia đình ném ra đường, bị bỏ đói, ngược đãi, bóc lột và đôi khi còn bị tra tấn… Tất cả sống sót trong nỗi khốn cùng nhất, họ sống nhờ trộm cắp, nhặt rác…, các em gái làm điếm… Những đứa trai, cư dân thành phố Nigeria gọi là “Skolombo Boys”, Skolo có nghĩa là “để có được”.[4] Nơi nghèo nàn, lạc hậu không phải cái tội. Tội lỗi là ở những người nhân danh tôn giáo mang tư tưởng tà đạo, mê tín, kiến chấp, kiến thủ, cố ý, vô tình, tất cả đều là quyến thuộc của ngã và ngã sở tạo ra.

Chuyện đời nói đến cái tự ngã là kiếp phù sinh đáng sợ, cát bụi mệt mỏi, buồn, phi lý, bi đát. Nhìn lại quá khứ, trong Phật giáo cũng có những trường hợp mượn hình ảnh đức Thế Tôn để tham chiến, bị các học giả phương Tây nhìn nhận đã đi ngược với tinh thần “bất hại”, “bất bạo động” của đạo Phật. Năm 1930, một cựu tu sĩ cũng là một lãnh đạo quần chúng tên Saya San (1876-1931) người Miến, phát động phong trào khởi nghĩa chống quân Anh; ông đã đưa ra một bản tuyên ngôn theo M. Collis (Trials in Burma, 206): “Nhân danh đức Thế Tôn và uy tín vang lừng của giáo hội, tôi, Thupannaka Galon Raja, khai chiến với quân Anh tà giáo, những kẻ đã biến chúng ta thành nô lệ.” Hoặc năm 900 sau Tây lịch, bạo chúa Tây Tạng tên Langdarma ngược đãi Phật giáo, một nhà sư đã ám sát bạo chúa đó.[5] Cũng như thiền sư Harada Daiun Sōgaku ủng hộ quân phiệt Nhật Bản đánh với lực lượng Đồng minh trong Đệ nhị thế chiến, ông nói, “Tham gia chiến tranh là biểu hiện cao nhất của trí tuệ giác ngộ.”[6]

Những sự kiện lịch sử trong Phật giáo, nhiều học giả đã luận bàn phê phán đến chỗ khúc chiết. Tôi không nhận định gì thêm nữa, chỉ tóm tắt lại theo ý riêng: Tôn giáo không bao giờ dạy con người làm sai, sai đúng chỉ có tự ngã gây ra mà thôi.

Tóm lại, ngã và ngã sở cũng từ tâm tư ích kỷ, chỉ biết yêu thương bản thân và những gì thuộc về mình, để tiêu diệt điều đó đức Phật dạy rất đơn giản trong kinh Kim cang, muốn phá bỏ tự ngã, cầu Bồ-tát đạo đầu tiên phải bố thí.[7] Càng nghèo càng bố thí, nửa tô cơm, nửa lon gạo đều phải biết chia sẻ. Chưa phải dừng ở đó, đức Phật dạy tiếp, khi hành bố thí không được dính mắc (an trụ, pratiṣṭhitena) vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.[8] Sắc (色,rūpa) tạm hiểu ở đây là vật thí. Chúng ta cho tô cơm, ký gạo, thùng mì…, giá trị vật thí không là bao, tâm của chúng ta không dính mắc nhiều, dễ buông bỏ. Vật chất có giá trị càng lớn chúng ta khó cho, khó buông bỏ. Tu tập từng bước, dần dần tình yêu thương sẽ lớn mạnh, rồi một ngày khi thấy nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình thì lúc đó các quốc gia, các sắc tộc, văn hóa dị thù đều có thể ngồi với nhau chung một nhà.

Tôi rất ngưỡng mộ Trung tâm Masaka Kids Afrikana, họ đang trải lòng yêu thương của Chúa Giê-su Ky-tô (Jesus Christ) đến các em bé nghèo ở vùng đất Uganda, được cơm ăn áo mặc, được đến trường học chữ…[9] Tôi vô cùng thán phục: Sam Ituama, ông đã chiến đấu không ngừng suốt hai mươi năm chống lại chủ nghĩa mù mờ và thiếu hiểu biết nơi quê hương Nigeria, giúp các em “Skolombo” thoát cảnh bi thương.[10] Tôi chắp tay cảm ơn nhà sư Thái Lan Phra Subin Paneeto, sáng tạo ra mô hình tài chính, giúp những người nghèo làm việc tốt, không rượu chè, cờ bạc, có thể đến sư vay tiền trang trải cho nhu cầu cuộc sống. Sư nói: “Bất kỳ điều gì ta làm vì cộng đồng và cho người khác nhằm mang lại hạnh phúc bền lâu là đi theo lời dạy của đức Phật.[11]

Việt Nam, Long sơn thân cận thiện xứ – Phật lịch 2565.
Bhikkhu Cittacakkhu
Ảnh minh họa: pixabay.com


[1] Cf. 成唯識論 1, T31n1585, p. 2a09-23.

[2] Cf. ankhangreal.vn/blog/allahu-akbar-la-gi.

[3] Nigeria: Skolombo, le calvaire des enfants sorciers | Reportage | ARTE.

[4] premiumtimesng.com/investigationspecial-reports.

[5] Edward Conze, Buddhism – Its Essence and Development, New York, p. 66; en.wikipedia.org/wiki/Saya San.

[6] Brian Daizen Victoria, Zen at war, 2006, p. 14.

[7] Cf. Vajracchedikā, 新譯梵文佛典金剛般若波羅密經, 民國 84, p. 63.

[8] Ibid., p. 49.

[9] masakakidsafricana.com.

[10] crarn.net/about-us/leadership/sam-itauma.

[11] bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/06/160608/changing the rules thai monk.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận