TĂNG DUỆ
Tuệ Sỹ dịch Việt
TRUNG LUẬN có năm trăm bài kệ, là tác phẩm của Long Thọ (Nāgārjuna). Lấy chữ Trung mà nêu Danh, là để soi tỏ cái Thật, lấy chữ Luận mà gọi tên, là để suốt cùng ngôn ngữ. Cái Thật mà không được nêu danh thì không thể tỏ ngộ, do đó gá vào Trung để mô tả. Ngôn ngữ mà không được giải thích thì không thể suốt cùng, do đó mượn Luận để hiển bày [1]. Khi cái thật đã được mô tả, ngôn ngữ đã được hiển bày, thì sự thực hành của Bồ tát, và sự quán chiếu nơi đạo tràng bấy giờ được buông lửng[2] một cách rỡ ràng vậy.
Vả, phiền não mê hoặc sanh ra từ kiến chấp điên đảo, cả ba cõi vì thế mà phải nổi chìm; sự chứng ngộ thiên không [3] khởi lên từ trí tuệ yểm ly[4] , bậc cảnh giới [5] do đây mà thành lạc nẻo. Vì thế biết rằng, sự giác ngộ tuyệt đối là do ở sự quán chiếu bao la; mà trí tuệ nhỏ nhoi bị buộc ràng bởi tâm hạn hẹp[6] . Quán chiếu mà không bao la, thì không đủ để san bằng hữu và vô, thống nhất đạo và tục. Cái biết mà không suốt cùng, thì chưa thể bước vào Trung đạo, xóa tuyệt nhị biên[7] . Nẻo đạo tục nếu không được san bằng, lối nhị biên chưa được xóa tuyệt, thì đấy là nỗi ưu tư của Bồ tát vậy.
Vì lẽ đó, Đại sỹ Long Thọ phân chiết bằng Trung đạo, khiến cho hạng hiểu lầm ý thú[8] trông theo ngón trỏ đạo Huyền[9] mà một phen chuyển hướng; bao quát bằng tức hóa[10] , khiến cho khách xu hướng huyền môn[11] , quên hỏi han, trong phút giây thấu triệt[12] . Vời vợi thay[13] , thật có thể nói, dọn đường thẳng vào thiên không[14] , rợp cửa huyền trong vũ trụ;[15] quạt gió huệ qua cành khô[16] , tuôn cam lồ lên cây úa[17] ấy vậy.
Kìa kiến trúc trăm tầng được dựng, thì nhà cỏ nhà tranh bên cạnh đáng kể là quê mùa; khi thấy sự hoằng vĩ bao la của luận này, thì biết rõ sự chứng ngộ thiên không càng thấp hèn quá lắm.
May thay Châu quận[18] của phương vực này bỗng đâu lại được Linh thứu dời sang đó trấn giữ; tâm tình biên địa hiểm hóc nhờ thế mà được thấm tràn dư âm của nắng rỡ. Rồi đây về sau, bậc hiền triết mỗi khi đàm đạo mới có thể luận đến lẽ thật vậy.
Nghe nói ở các nước bên Thiên Trúc, những người dấn thân vào sự học không ai không thưởng thức luận này, và coi nó là cẩm nang trọng yếu[19] . Những người thấm bút mực để đưa ra giải thích quả không phải là ít. Bản giải thích được công bố ở đây vốn là của vị Phạm chí người Thiên Trúc, tên gọi là Tân-già-La (Piígala), đời Tần dịch là Thanh Mục. Ông tuy là người có tin và hiểu chánh pháp sâu xa[20] , nhưng văn từ không được trau chuốt và chính xác, trong đó lại có nhiều sai lầm, thiếu sót và trùng lập. Pháp sư (La Thập) mới cắt xén để bổ sung, khiến cho lý phù hợp với kinh được thấu suốt. Văn hoặc có thừa hay thiếu, chưa phải là hoàn hảo toàn vẹn vậy.
Bách luận[21] nhắm đối trị ngoại giáo để dẹp bỏ lẽ tà; tác phẩm này nhắm chỉnh lý nội giáo để khái thông sự bế tắc.
Đại trí thích luận[22] thì uyên bác; Thập nhị môn luận[23] thì cô đọng. Nghiệm xét cả bốn tác phẩm này, quả thật như mặt trời soi tận cõi lòng, không cái gì mà không soi suốt rạng ngời.
Tôi thưởng thức vị ngọt ấy đến đổi tay không rời sách, quên luôn cả sự quê vụng của mình, bèn gởi gắm cõi lòng tỏ ngộ vào một bài tựa; đồng thời tóm tắt phẩm một lên đầu mỗi phẩm. Ấy thế nhưng nào dám giải thích, mà chỉ là bày tỏ nỗi vui mừng với những ai cùng chung chí hướng vậy thôi.
中論 [Taisho No. 1564]
釋僧叡序
T30n1564_p0001a06║中論有五百偈。龍樹菩薩之所造也以中為
T30n1564_p0001a07║名者。照其實也。以論為稱者。盡其言也。
T30n1564_p0001a08║實非名不悟。故寄中以宣之。言非釋不
T30n1564_p0001a09║盡。故假論以明之。其實既宣。其言既明。於
T30n1564_p0001a10║菩薩之行道場之照。朗然懸解矣。夫滯惑生
T30n1564_p0001a11║於倒見。三界以之而淪溺。偏悟起於厭智。
T30n1564_p0001a12║耿介以之而致乖。故知大覺在乎曠照。小
T30n1564_p0001a13║智纏乎隘心。照之不曠。則不足以夷有
T30n1564_p0001a14║無一道俗。知之不盡。則未可以涉中途
T30n1564_p0001a15║泯二際。道俗之不夷。二際之不泯。菩薩之
T30n1564_p0001a16║憂也。是以龍樹大士。析之以中道。使惑趣
T30n1564_p0001a17║之徒望玄指而一變。括之以即化。令玄悟
T30n1564_p0001a18║之賓喪諮詢於朝徹。蕩蕩焉。真可謂坦夷
T30n1564_p0001a19║路於沖階。敝玄門於宇內。扇慧風於陳枚。
T30n1564_p0001a20║流甘露於枯悴者矣。夫百樑之搆興。則鄙
T30n1564_p0001a21║茅茨之仄陋。睹斯論之宏曠。則知偏悟之
T30n1564_p0001a22║鄙倍。幸哉此區之赤縣。忽得移靈鷲以作
T30n1564_p0001a23║鎮。險陂之邊情。乃蒙流光之餘惠。而今而
T30n1564_p0001a24║後。談道之賢始可與論實矣。云天竺諸國。
T30n1564_p0001a25║敢預學者之流。無不翫味斯論以為喉
T30n1564_p0001a26║衿。其染翰申釋者。甚亦不少。今所出者。
T30n1564_p0001a27║是天竺梵志名賓伽羅。秦言青目之所釋
T30n1564_p0001a28║也。其人雖信解深法。而辭不雅中。其中乖
T30n1564_p0001a29║闕煩重者。法師皆裁而裨之。於經通之理
T30n1564_p0001b01║盡矣。文或左右未盡善也。百論治外以閑
T30n1564_p0001b02║邪。斯文袪內以流滯。大智釋論之淵博。十
T30n1564_p0001b03║二門觀之精詣。尋斯四者。真若日月入懷
T30n1564_p0001b04║無不朗然鑒徹矣。予翫之味之不能釋
T30n1564_p0001b05║手。遂復忘其鄙拙。託悟懷於一序。并目品
T30n1564_p0001b06║義題之於首。豈期能釋耶。蓋是欣自同之
T30n1564_p0001b07║懷耳
[1] Danh 名và thật 實 là mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa ngôn ngữ và thực tại; đây là đề tài quan trọng chung cho các hệ tư tưởng của Trung quốc; nhất là Lão Trang, hệ tư tưởng mà Tăng Duệ chịu ảnh hưởng rất nhiều trước khi biết đến đạo Phật. Trong phần mở đầu của bài tựa này, Tăng Duệ giải quyết những mâu thuẫn tranh luận giữa các hệ tư tưởng Trung quốc về vấn đề Danh – Thật bằng thuyết Nhị đế của Trung luận như được trình bày ở Chương 24 “Quán Tứ Thánh đế.”
[2] Huyền giải 懸解 , từ của Trang Tử, chỉ trạng thái vượt lên tất cả sống và chết, buồn và vui. Trang Tử “Dưỡng Sinh Chủ”: “Thích lai phu tử thời dã, thích khứ phu tử thuận dã. An thời nhi xử thuận, ai lạc bất năng nhập dã. Cổ giả vị thị đế chi huyền giải.” 適來夫子時也適去夫子顺也安時而處顺哀樂不 能入也古者謂是帝之懸解.
Giải thích của Cát tạng (T42n1824_p0002c02), có hai ý nghĩa: (a) Sự tu nhân của Bồ tát đã thành tựu và sự quán chiếu tại Đạo tràng đã được hiển lộ, bấy giờ hoàn toàn vượt ngoài những nỗi buồn vui sống chết; giống như nỗi buồn và nỗi vui không len vào được tâm tư. (b) có trói buộc gọi là huyền (treo) không có trói buộc gọi là giải (cởi). Có trói buộc chỉ cho bị trói buộc vào các thiên chấp đoạn và thường; các kiến chấp khi đã vắng bặt được gọi là giải.
[3] Thiên ngộ 偏悟, sự chứng ngộ thiên lệch hay phiến diện, chỉ cho hàng Nhị thừa chứng ngộ sanh không mà chưa tỏ ngộ được pháp không.
[4] Yểm trí 厭智, trí tuệ do nhàm chán sanh tử với nỗ lực gấp rút để đi vào Niết-bàn vĩnh viễn tịch diệt.
[5] Cạnh giới 耿介, giữ tiết tháo không bị lung lay. Sở từ, “Cửu biện”; “Độc cạnh giới nhị bất tùy hề, nguyện mộ tiên thánh chi dị giáo” 獨耿介而不隨兮願慕先聖之異教. Cát Tạng (T42n1824_p0003a21): Cạnh giới ở đây có nghĩa là chí tiết 志節; giữ chặt khư sở tri và tự cho là đã rốt ráo, không chuyển hướng tiểu tâm về Đại thừa.
[6] Ải tâm 隘心, tâm hạn hẹp như quan ải hiểm yếu. Cát Tạng (T42n1824_p0003b13), dẫn Kinh Thư: “Nhất nhơn thủ ải, vạn phu mạc tiến” 書云。一人守隘萬夫莫進.
[7] Nhị tế 二際; Cát Tạng dẫn Niết bàn: “Sanh tử chi thật tế, cập dữ Niết bàn thật tế.” 生死之實際及與涅槃實際.
[8] Hoặc thú chi đồ 惑趣之徒, Cát Tạng (ibid.): hoặc nghĩa là mê hoặc; thú nghĩa là hướng thú. Đây chỉ hàng Tiểu thừa hiểu sai lầm về ý thú sâu xa của Phật.
[9] Huyền chỉ 玄指, nói theo thí dụ “ngón tay chỉ mặt trăng.”
[10] Tức hóa 即化. Cát Tạng dẫn chứng Tăng Triệu: “Đạo viễn hồ tai, xúc sự tức chân. Thánh viễn hồ tai, thể chi tức thần.” 道遠乎哉。觸事即真。聖遠乎哉。體之即神 Lại dẫn thêm Tựa Thập nhị môn luận: “Ngộ đại giác ư mộng cảnh, tức bách hoá dĩ an quy.” 悟大覺於夢境即百化以安 Ở đây, như vậy, tức hóa chỉ cho ý nghĩa tất cả các pháp vốn vô sanh.
[11] Huyền ngộ chi tân 玄悟之賓. Từ ngữ này thường chỉ cho các nhà Huyền học Trung quốc chủ yếu là Lão Trang. Ở đây, mượn nó để bao gồm các nhà siêu hình học Ấn độ.
[12] Triêu triệt 朝徹, nghĩa đen, thấu triệt chỉ nội trong một buổi mai; ở đây chỉ sự đốn ngộ. Từ ngữ này lấy từ Trang tử, thiên Đại tông sư: “Dĩ sanh ngoại hỷ nhi hậu năng triêu triệt. Triêu triệt nhi hậu năng kiến độc“. 以生 矣而後朝徹 後能見獨. Cát Tạng dẫn Quách Tượng để giải thích: “Khiển sanh tử, vong nội ngoại, hoát nhiên vô trệ, kiến cơ nhi tác, cố vân triêu triệt dã.” 遺死生亡內外豁然無滯見機而作。故云朝徹也. Sau đó lại giải thích thêm: “Bất sùng triêu nhi triệt lý” 不崇朝而徹理, chẳng đầy một buổi mai mà đã thấu triệt lý.
[13] Đảng đảng 蕩蕩, Cát Tạng dẫn KinhThư: “Vương đạo đảng đảng, vô thiên vô đảng.” 王道蕩蕩無偏無儻.
[14] Xung giai 沖階, Xung tức xung hư; Lão tử: “Đạo xung nhi dụng chi” 道沖而用之. Giai chỉ giai đoạn, ở đây chỉ Bồ tát địa. Bồ tát địa dược thành tựu do quán Không, do đó gọi là xung giai.
[15] Huyền môn 玄門, mượn từ của Lão Tử: “Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.” 玄之又玄。眾妙之門.
[16] Trần mai 陳枚, cành cây trơ trụi không lá. Ở đây chỉ hàng phàm phu chưa có một chút Thánh trí.
[17] Khô tụy 枯椊, cây úa, chỉ Nhị thừa với trí tuệ yểm ly sanh tử, thủ chứng tịch diệt.
[18] Xích huyện 赤縣, thường nói là “Thần châu xích huyện” 神洲赤縣 chỉ toàn bộ lãnh thổ Trung quốc.
[19] Hầu khâm 喉衿; Cát Tạng, đây chỉ cho tông chỉ trọng yếu: hầu (cổ họng) chỉ sự trọng yếu bên trong; khâm (vạt áo)… chỉ sự trọng yếu bên ngoài.
[20] Thâm pháp深法; chỉ cho pháp của Đại thừa.
[21] Bách luận 深法, Đề-bà Bồ tát (Àrya-Deva) tạo, Bà-tẩu Khai sỹ (Vasu[bandhu?]-Bodhisattva) giải thích’ Hán dịch, Cưu-ma-la-thập; Đại 30, No 1596.
[22] Chỉ Đại trí độ luận, Long Thọ Bồ tát tạo, Cưu-ma-la-thập dịch; Đại 25, No 1509.
[23] Thập nhị môn luận 十二門論, Long Thọ Bồ tát tạo; Cưu-ma-la-thập dịch; Đại 30 No 1568.