M.78 Thực hành Bố thí
Tu hành pháp môn bố thí như thế nào? Nếu thấy ai đó đến cầu xin thì theo sức mà bố thí những của cải mình có. Cho đi tất cả những gì mình có không một chút bủn xỉn và khiến cho người kia vui vẻ. Nếu thấy người bị khủng hoảng, áp bức, thì dùng phương tiện thiện xảo để giúp họ thoát khỏi sự sợ hãi. Nếu có ai đến cầu học Pháp, thì tùy chỗ hiểu của mình mà nói cho họ.
Nên thực hành ba loại bố thí theo cách này, không nên vì tham cầu danh tiếng, không cầu lợi dưỡng, cung kính, không tham cầu quả báo thế gian. Duy chỉ nghĩ đến những lợi ích, an lạc của mình và người, và hồi hướng đến vô thượng chánh đẳng bồ-đề.
Treatise on the Awakening of Faith in the Mahāyāna/ Dasheng qixinlun (dịch Anh by Śikṣānanda), Taishō vol.32 text 1667 p.590a26-b3, dịch Anh T.T.S. and D.S.
M.79 Các loại bố thí
Này thiện nam, có ba loại bố thí: Một là bố thí pháp; hai là bố thí vô uý (cho điều không sợ hãi, không tai họa, an ninh); ba là bố thí tài vật. Bố thí pháp là chỉ dạy cho người khác thọ giới… Nếu Bồ-tát thấy có chúng sanh bị tai họa vua quan, hay các loài sư tử, cọp, sói, hay các nạn nước, lửa… liền ra sức cứu nguy ngay. Đây gọi là vô uý thí (bố thí an ninh)… Có bốn hệ lụy trong bố thí: (1) tâm keo kiết. (2) thông tu bố thí. (3) khinh chê vật nhỏ mọn. (4) cầu phước báo thế gian…
Này thiện nam, thí chủ có ba hạng: thượng, trung và hạ. Bậc hạ là người không tin nghiệp quả, thường tham lam, keo kiết. Người này sợ tài vật có thể bị cạn kiệt, và sanh ý tưởng sân hận khi thấy có người đến xin. Bậc trung là người tin có nghiệp quả, nhưng đối với tài vật vẫn sanh tâm tham tiếc. Người này sợ tài vật có thể bị cạn kiệt, nhưng dù vậy vẫn quyết định bố thí khi thấy có người đến xin. Bậc thượng là người tin sâu nghiệp quả, đối với tài vật không tham trước keo kiết; quán sát các tài vật với ý tưởng vô thường, và khi thấy có người đến xin, nếu có của để cho, thì hoan hỷ. Nếu không có gì để cho thì người này sanh tâm buồn rầu, và thậm chí đem tài sản quý báu nhất ra bố thí…
Này thiện nam, người trí thực hành bố thí là vì lợi ích cho mình và người, vì biết rằng tất cả tài sản, vật báu là vô thường. Người này bố thí vì muốn chúng sanh khởi tâm hoan hỷ. Người này bố thí vì thương yêu mọi người; vì muốn trừ lòng keo kiệt; không cầu phước báo đời sau.408 Người này bố thí vì muốn trang nghiêm đạo bồ-đề.
Upāsika-ṣīla-sūtra, Taisho vol. 24 text 1488, ch.19, pp. 1054c02-08, 1054c14-16, 1055b3-6, Trans. T.T.S. and D.S.
Ảnh bìa minh họa: Kunj Parekh // www.lionsroar.com
_____________
(408) Phước báu không phải là ‘phần thưởng’, mà là kết quả tự nhiên. Người bố thí cao nhất thì không quan tâm đến bất kỳ ‘sự đền ơn’ nào của việc bố thí, nhưng cũng không làm để cầu phước báu.