Chương 3: Tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ nhìn từ góc độ độc giả.
Trong phần này, bài tiểu luận tìm hiểu tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ từ góc độ độc giả theo hướng: phân loại các loại hình độc giả; và phân tích đặc điểm tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ ở các nhóm độc giả này.
3.1. Phân loại các loại hình độc giả và thống kê các bài viết về thơ văn Tuệ Sỹ.
Nhìn chung, dựa trên tiêu chí tiểu sử, các nhóm độc giả thơ văn Tuệ Sỹ có thể phân chia thành ba loại hình chính: Giới tu sĩ Phật giáo; Giới học giả trí thức, văn nghệ sĩ; và Giới Phật Tử Cư Sĩ. Dưới đây là bảng phân loại các nhóm độc giả theo ba loại hình trên cùng với thống kê các bài viết của họ trong các tuyển tập về Tuệ Sỹ mà bài tiểu luận tiến hành nghiên cứu.
Bảng phân loại các loại hình độc giả và thống kê các bài viết về thơ văn Tuệ Sỹ
Loại hình độc giả |
Tác giả |
Bài viết |
Tuyển tập |
Tu sĩ Phật giáo |
Thích Nguyên Siêu |
1. Giới Thiệu Tổng Quát Công Trình Dịch Thuật Kinh, Luật, Luận, Triết Học, Thi Ca Của Hòa Thượng Tuệ Sỹ. |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher) – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I) – Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
2. Hòa Thượng Tuệ Sỹ, Trí Siêu – Những Thiên Tài Lỗi Lạc |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher) |
||
3. Quảy Gánh Ra Đi |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
4. Bếp Lửa Đêm Thâu |
|||
5. Tuệ Sỹ, Thơ và Tư tưởng Triết học |
|||
6. Tuệ Sỹ – Thái Độ của Nhà sư Nhập thế |
|||
7. Tuệ Sỹ, Thơ và Con Đường Trung Đạo |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập II) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
8. Thơ Người Tù Thế Kỉ |
|||
9. Nỗi Đau Giữa Lòng Quê Hương. |
|||
10. Tuổi Trẻ và Tâm Tình của Một Người Thầy |
|||
11. Người Tù Trong Ký Ức Thi Nhân |
|||
12. Chứng Nhân của Chặng Đường Lịch Sử Hiện Đại 1975 – Chế Độ Cộng Sản Việt Nam. |
|||
13. Cội Thông Già Trên Núi Tuyết |
|||
14. Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng. |
– Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III). |
||
15. “Tuệ Sỹ Đạo Sư” và Các Phương Trời Viễn Mộng |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập I) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
Thích Phước An |
1. Thơ Tuệ Sỹ Hay Là Tiếng Gọi Của Những Đêm Dài Heo Hút |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher) – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I) – Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
|
2. Cụ Quách Tấn, cụ Đào Duy Anh và Thầy Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I). |
||
Thích Hạnh Viên |
1. Hậu Từ Của Người Sưu Tuyển |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ Văn Tuyển (Tập III) (Nxb Hồng Đức). |
|
2. Nối Gót Thiên Lý Độc Hành |
– Thiên lý độc hành (Nxb Văn Học Press liên kết Culture Art Education Exchange Resoure, 2020) – Thiên lý độc hành (Nxb Đà Nẵng, 2021) |
||
Thích Đăng Châu (Nhạc sĩ: Hoàng Quốc Bảo) |
1. Đêm Sâu Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III). |
|
Thích Nữ Tuệ Hạnh |
1. Ân tình Pháp Hội |
– Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập II). |
|
Thích Nữ Huệ Trân |
1. Riêng một cõi thơm (Hạnh Chi) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III). |
|
2. Bước nhảy của chim hồng (Diệu Trân) |
– Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III). – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
Học giả, trí thức, văn nghệ sĩ |
Bùi Giáng (nhà thơ, dịch giả,…) |
– Tuệ Sỹ Một Nguồn Thơ Việt Phi Phàm |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
– Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập I) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
Phạm Công Thiện (triết gia, nhà thơ,…) |
1. Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập II) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập II). |
|
2. Buổi Chiều Nắng Hạ Đọc Thơ Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập II) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập II). |
||
Viên Linh (nhà thơ,…) |
1. Tuổi Trẻ Vạn Hạnh: Tuệ Sỹ 2. Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi 3. Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
|
4. Vài nét về Thượng Tọa Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập IV). |
||
Nam Dao (nhà văn) |
1. Bức Chân Dung Thích Tuệ Sỹ Hay Trang Sử Sống Của Việt Nam Thời Nay |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
|
Dominique de Miscault (Họa sĩ, dịch giả người Pháp) |
1. Thay Lời Tựa “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” (Hạnh Viên dịch Việt) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập IV). |
|
2. Thiên lý độc hành (dịch sang Pháp ngữ) |
– Thiên lý độc hành (NXB: Văn Học Press liên kết Culture Art Education Exchange Resoure, 12/2020) – Thiên lý độc hành (Nxb Đà Nẵng, 2021) |
||
Nguyễn Phước Nguyên |
1. Thiên lý độc hành (dịch sang Anh ngữ) |
– Thiên lý độc hành (NXB: Văn Học Press liên kết Culture Art Education Exchange Resoure, 12/2020) – Thiên lý độc hành (Nxb Đà Nẵng, 2021) |
|
Bùi Chí Trung |
1. Thiên lý độc hành (dịch sang Nhật ngữ và Hán Nôm) |
||
Nguyễn Minh Cần (giáo sư, nhà trí thức,…) |
1. Đọc Thơ Tù Của Thầy Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III). |
|
Đỗ Hồng Ngọc (Bác sĩ, Phật tử cư sĩ,…) |
1. Cuối Năm Đi Thăm Thầy Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
|
Hoài Khanh (nhà thơ) |
1. Tương Tư Đất (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập IV). |
|
Đinh Cường (họa sĩ) |
1. Chiều Tà Ngồi Ở Starbucks Coffee Một Mình Nhớ Thầy Tuệ Sỹ (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I). |
|
Huy Tưởng (nhà thơ) |
1. Bất Ngờ Gặp Lại (Thơ) Tuệ Sỹ (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
|
Vĩnh Hảo (nhà văn) |
1. Đọc Thơ Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I). – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập I) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
|
Nguyễn Mộng Giác (nhà văn) |
1. Đọc Lại Thơ Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I). |
|
Tâm Nhiên (thi sĩ, du sỹ) |
1. Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập II). – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
|
2. Tuệ Sỹ Bi Tráng Một Hồn Thơ |
– Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III) – Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
Đặng Tiến (nhà phê bình văn học) |
1. Âm Trầm Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III) |
|
Nguyễn Mạnh Trinh (nhà thơ, nhà phê bình) |
1. Tuệ Sỹ Viễn Mộng Mấy Phương Trời |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập IV) |
|
Lương Dinh (Pháp: giáo sư, dịch giả) |
1. Vài Cảm Nghĩ về Tĩnh Thất trong Giấc Mơ Trường Sơn của Thiền sư Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập IV) – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
|
2. Hermitage and Meditation (dịch) |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
Lê Mộng Nguyên (Pháp: Giáo sư, dịch giả) |
1. Voyage Dans Mon Univers Tranquille-Poème Vietnamiende Thiền sư Tuệ Sỹ (dịch) |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
|
2. Tri Thức Và Hành Động Trong Thơ Tĩnh Thất Của Thiền Sư Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập I) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III) |
||
Giới Phật Tử Cư Sĩ |
Đạo Sinh |
1. Piano Sonata 14 (dịch sang Tiếng Anh) |
|
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn |
2. Những Phương Trời Viễn Mộng (Khung Trời Tuệ Sỹ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I, II, III, IV). |
|
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang |
1. Đọc Thơ Chữ Hán Của Thầy Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III) – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập II) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
|
2. Theo Dấu Lặng Nghe Điệp Khúc Dương Cầm Của Thầy Tuệ Sỹ. |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III) – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ |
1. Thiên Nhãn (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III) |
|
2. Mắt Biếc Trong Thơ Tuệ Sỹ |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I) – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập I) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
3. Dịch Thiên Lý Độc Hành, Thơ Của Thầy Tuệ Sỹ Ra Tiếng Anh |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
||
4. Tuệ Sỹ – Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng – The Most Venerable Thich Tue Sy An Essence of Vietnamese Buddhism A Master of the Fourfold Sangha |
– Tuệ Sỹ – Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng – The Most Venerable Thich Tue Sy An Essence of Vietnamese Buddhism A Master of the Fourfold Sangha (Nxb Lotus Media – C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher , 2019) |
||
Nguyên Giác Phan Tấn Hải |
1. Tuệ Sỹ – Phạm Công Thiện (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher).
|
|
2. ‘Tuệ Sỹ Đạo Sư’ và Các Phương Trời Viễn Mộng |
– Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập I) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
||
Nguyên Toàn Trần Việt Long |
1. Thầy Tuệ Sỹ với Bùi Giáng với bài thơ tứ tuyệt… |
– Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I) |
Việc phân chia độc giả thơ văn Tuệ Sỹ thành các nhóm theo tiêu chí tiểu sử như trên chỉ mang tính tương đối, bởi họ không chỉ có một tư cách đơn nhất. Có những tác giả vừa là tu sĩ Phật giáo vừa là học giả tri thức về Phật học hay nhiều lĩnh vực khác, lại có những tác giả vừa là học giả tri thức, văn nghệ sĩ đồng thời cũng là một Phật Tử Cư Sĩ thuần thành. Việc tiến hành phân chia độc giả thành các nhóm theo tiêu chí tiểu sử nhằm mục đích phục vụ cho việc nghiên cứu về tầm đón nhận và cộng đồng tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ ở phần sau của bài tiểu luận.
Bên cạnh ba nhóm loại hình độc giả được phân chia như trên theo tiêu chí tiểu sử, chúng ta có thể phân loại độc giả thơ Tuệ Sỹ thành hai nhóm theo phạm vi khu vực sống là độc giả hải ngoại và độc giả trong nước. Việc phân chia độc giả thành hai bộ phận trong nước và hải ngoại cũng cho thấy được một số vấn đề trong tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ.
Trong hơn 30 tác giả được thống kê và phân loại ở các tuyển tập về Tuệ Sỹ mà người viết tiến hành nghiên cứu thì số tác giả trong nước chỉ chiếm khoảng 1/6 tức chỉ trên dưới 5 tác giả có bài viết hoặc dịch về thơ văn Tuệ Sỹ ở trong nước và toàn bộ những tác giả đó đều thuộc thế hệ được đào tạo và trưởng thành ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 như thi sĩ Bùi Giáng, Thầy Hạnh Viên, Thầy Thích Phước An, du sỹ Tâm Nhiên. Viêc số lượng độc giả phê bình quá ít ở trong nước cho thấy rằng tình hình nghiên cứu thơ văn Tuệ Sỹ ở trong nước còn rất hạn chế. Nguyên nhân của sự hạn chế đó chủ yếu đến từ việc Tuệ Sỹ không phải là tác giả được phép phổ biến nhiều ở Việt Nam sau năm 1975 mà qua phần lịch sử tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ ở trên chúng ta đã thấy được phần nào. Chỉ trong khoảng thời gian trên dưới mười năm trở lại đây những sáng tác của Tuệ Sỹ mới được xuất bản, tuy nhiên nó cũng chỉ có một số cộng đồng độc giả nhất định mà đa phần là những độc giả có ít nhiều liên hệ hoặc quan tâm đến đời sống Phật giáo và Văn học miền Nam trước năm 1975. Bên cạnh đó việc thiếu vắng nhóm độc giả phê bình thuộc thế hệ sau 1975 cũng nói lên những hạn chế trong việc tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ theo hướng nghiên cứu chuyên sâu ở Việt Nam.
Trái ngược với số lượng ít ỏi tác giả và tác phẩm trong nước là đông đảo những bài viết phê bình nghiên cứu, dịch thuật của các tác giả hải ngoại về thơ văn Tuệ Sỹ. Điều đó cho thấy sự chênh lệch đáng kể trong tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ ở khu vực hải ngoại và trong nước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch đó là do ở Việt Nam Tuệ Sỹ bị hạn chế trong việc tiếp nhận, còn tại môi trường hải ngoại Tuệ Sỹ và tác phẩm của Thầy được tiếp nhận rất rộng rãi mà không hề có ngăn trở nào. Môi trường hải ngoại cũng là một môi trường thuận lợi cho việc xuất bản và phổ biến các sáng tác của Tuệ Sỹ và những tuyển tập viết về con người và tác phẩm Thầy. Một nguyên nhân nữa dẫn tới việc Tuệ Sỹ được tiếp nhận đông đảo ở hải ngoại là phần lớn các tác giả viết về Tuệ Sỹ đều thuộc thế hệ trưởng thành ở miền Nam Việt Nam trước 1975, do biến cố lịch sử tháng 04/1975 họ buộc phải vượt biên và sống lưu vong ở nước ngoài. Và đa phần trong số đó đều ít nhiều đã biết đến tên tuổi và các sáng tác của Thầy từ trước. Đối với họ nhu cầu đọc Tuệ Sỹ rất lớn, nhất là sau khi Thầy bị bắt (1984) và bị tuyên án tử hình (1988).
Bên cạnh đó, ở khu vực hải ngoại có một bộ phận độc giả thuộc thế hệ được sinh ra và trưởng thành sau 1975 ở nước ngoài đã rất tích cực trong việc phổ biến, xuất bản, tái bản các tác phẩm của Tuệ Sỹ, mặc dù không có những tiếp xúc trực tiếp với Tuệ Sỹ và thơ văn Tuệ Sỹ giai đoạn trước năm 1975 như thế hệ cha anh, nhưng bộ phận độc giả này đã ý thức rất rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ gìn và phổ biến những sáng tác của Thầy cũng như của các tác giả viết về Tuệ Sỹ. Do vậy, trong thời gian năm năm gần đây, số lượng các tác phẩm của Tuệ Sỹ và những tuyển tập về Thầy liên tục được tái bản và xuất bản ở hải ngoại như Thiên lý độc hành (Tuệ Sỹ, Nxb Văn Học Press liên kết Culture Art Education Exchange Resoure, 12/ 2020); Giấc mơ Trường Sơn (Tuệ Sỹ, Nxb C. Mindfulness LLC và Nhà xuất bản Bodhi Media, 2020); Tuệ Sỹ – Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng – The Most Venerable Thich Tue Sy An Essence of Vietnamese Buddhism A Master of the Fourfold Sangha (Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ, Nxb Lotus Media – C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher , 2019); Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nguyễn Hiền – Đức sưu tập, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 06/2020),…
Trên đây là những phân loại hết sức sơ lược về độc giả thơ văn Tuệ Sỹ hòng mong có thể thấy được từ đó đôi điều về tình hình tiếp nhận các sáng tác văn học của Thầy.
3.2. Một số đặc điểm của tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ từ góc độ độc giả.
Trong quá trình nghiên cứu tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ từ góc độ độc giả, người viết đã nhận thấy một số điểm sau đây:
Thứ nhất, thơ văn Tuệ Sỹ được tiếp nhận dưới ba hình thức là: Phê bình, Dịch thuật và Sáng tác. Các tuyển tập viết về con người thơ văn Tuệ Sỹ cũng bao gồm các bài viết dưới ba hình thức đó, thứ nhất là các bài viết phê bình văn học về thơ văn Tuệ Sỹ; thứ hai là các bài dịch thuật các tác phẩm thơ văn Tuệ Sỹ ra các ngôn ngữ khác; thứ ba là những sáng tác về Tuệ Sỹ được khơi mở cảm hứng từ việc tiếp nhận thơ văn của Thầy.
Thứ hai, dưới các góc độ phê bình, dịch thuật và sáng tác, mỗi hình thức tiếp nhận lại có những đặc điểm riêng của nó.
Dưới đây bài tiểu luận sẽ đi chi tiết vào các đặc điểm trong từng hình thức tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ.
3.2.1. Tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ dưới góc độ phê bình.
Dưới góc độ phê bình văn học, người viết nhận thấy việc tiếp nhận thơ ca Tuệ Sỹ có một số đặc điểm chính như sau:
– Thứ nhất, đọc thơ Tuệ Sỹ là sự lấp đầy những khoảng trống, khoảng trắng ở nhiều cấp độ (ngôn từ; hình tượng; tư tưởng và tình cảm; đặc tính và phong cách).
– Thứ hai, đọc thơ Tuệ Sỹ là quá trình phát triển thống nhất sự đồng hóa và thuận ứng đưa chúng từ trạng thái không cân bằng đến cân bằng ở người đọc.
– Thứ ba, tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ được gắn chặt trong mối tương quan với những tư cách trong chân dung tác giả (Thiền sư – Thi sĩ – Kẻ sĩ, Đạo nhân – Tù nhân).
– Thứ tư, trong hoạt động tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ, tiếp nhận khơi mở cho tiếp nhận.
Sau đây, bài tiểu luận sẽ đi cụ thể vào từng đặc điểm trong tình hình tiếp nhận thơ ca Tuệ Sỹ dưới góc độ phê bình.
3.2.1.1. Đọc thơ Tuệ Sỹ là sự lấp đầy những khoảng trống, khoảng trắng ở nhiều cấp độ.
Bất kì một tác phẩm văn học nào cũng đều có ít hoặc nhiều các khoảng trống, khoảng trắng, tức mang trong mình một kết cấu vẫy gọi ở nhiều tầng bậc khác nhau. Đây chính là một trong những đặc điểm thú vị nhất của tác phẩm văn học, nó là nơi chứa đựng khả năng khơi mở rộng lớn cho người đọc, nhờ có những khoảng trống, khoảng trắng này mà người đọc có thể mở ra vô tận sự tiếp nhận của mình, đương nhiên sự vô tận đó vẫn phải dựa trên những căn bản nhất định, trước hết là văn bản, thứ đến là phong cách tác giả và những vấn đề xung quanh liên quan đến văn bản như hoàn cảnh sáng tác,… bởi vốn dĩ hoạt động tiếp nhận văn học không chỉ là hoạt động của riêng người đọc và người đọc không thể chỉ dựa vào mỗi khả năng cảm nhận của mình mà có thể có những tiếp nhận có ý nghĩa và giá trị.
Các tác phẩm thơ văn của Tuệ Sỹ là những tác phẩm có rất nhiều khoảng trống, khoảng trắng ở nhiều cấp độ khác nhau, chính nhờ những chỗ có tính gợi mở lớn như vậy mà chúng ta có thể thấy được vô cùng sự phong phú trong việc tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ dưới góc độ tiếp nhận là sự lấp đầy các khoảng trắng của tác phẩm ở nhiều tầng bậc.
* Thứ nhất, tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ là sự lấp đầy các khoảng trống ở tầng ngôn từ.
Ngôn ngữ thơ Tuệ Sỹ không phải là ngôn ngữ thơ mà ta có thể dễ dàng đọc hiểu và cảm nhận sâu sắc, ngay ở tầng ngôn từ này cũng đã có rất nhiều gợi mở cho người đọc, nhà văn Viên Linh đã đọc được những điều sau trong ngôn từ Tuệ Sỹ “Vần điệu Tuệ Sỹ chứa chan tình cảm, mà lạ thay không phải tình cảm yêu đương. Câu văn Tuệ Sỹ nồng nàn tuổi trẻ, mà lạ thay không phải tuổi trẻ nam nữ. Thơ Văn ông là kết đọng của sương mai buổi sớm, nắng gió ban trưa, và tiếng thu không của chuông chùa khi chiều tối. Nó thanh nhã, êm đềm, trầm tư, tự tại, bao la, mênh mông. Và giữa những thứ ấy là bóng dáng của một trang kinh Phật nguyên thủy” (Viên Linh, Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 264).
Phạm Công Thiện đã thử lấp vào những khoảng trống về mặt ngữ âm và từ ngữ trong thơ Tuệ Sỹ như sau: “Này đêm rộng như khe rừng cửa biển/ Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa/ Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn/ Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ/ Một lần định như sao ngàn đã định/ Lại một lần nông nổi vết sa cơ. Cách hạ vần cuối rất rộng rãi (…ưa,…ồ,…ơ,…iễn,…ịnh) chữ “Này” bắt đầu câu thơ để gọi. Thơ là gọi: gọi tên, hay đúng hơn: gọi sự có mặt, gọi sự hiện diện. Thơ thường khi cũng gọi sự vắng mặt, làm cho sự vắng mặt được có mặt. Đêm là sự vắng mặt của ban ngày.” (Phạm Công Thiện, Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 295).
Còn thi sĩ thiên tài Bùi Giáng lại thử điền vào những khoảng trống trong tiết nhịp thơ Tuệ Sỹ, câu thơ của Thầy vốn được viết như vậy “Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ/Bụi đường dài gót mỏi đi quanh/ Giờ ngó lại bốn vách tường ủ/ Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn” vậy mà thi sĩ Bùi Giáng lại đọc được ở trong đó một “cao cách điệu” về tiết nhịp như sau: “Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi: Đếm tóc bạc/ Tuổi đời/ Chưa/ Đủ/ Bụi đường dài/ Gót/ Mỏi/ Đi/ Quanh. Tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi “đá” sớm từ giã mọi yêu thương? Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ/ Suối nguồn xa/ Ngược nước/ Xuôi ngàn.[A2] Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ ngục tù” (Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 289).
Nhà phê bình Đặng Tiến lại đọc được điều sau khi nhìn vào những khoảng trống trong ngữ nghĩa của ngôn ngữ thơ Tuệ Sỹ: “Thơ, thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính. Thơ Thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và lịch sử. Ví dụ bài cuối: Giăng mộ cổ/ Mưa chiều hoen ngấn lệ/ Bóng điêu tàn/ Huyền sử đứng trơ vơ/ Sương thấm lạnh/ Làn vai hờn nguyệt quế/ Ôm tượng đài/ Yêu suốt cõi hoang sơ. Ý nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta không nên giải thích chân phương. Nhưng từ ngữ thì rõ ràng là trầm tích đau thương của con người trong lịch sử… Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại giới, trầm tư và huyễn mộng” (Đặng Tiến, Âm Trầm Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 411, 417).
Còn sư cô Thích Nữ Huệ Trân lại đọc được trong hai từ “Mà hay” của Thầy cả Triết lý về Tánh Không: “Anh ôm chồng sách cũ/ Trầm mặc những đêm dài/ Xót xa đời lữ khách/ Mệnh yểu thế mà hay!” (**). A! Trong bốn câu thơ năm chữ này có đủ cả vui, buồn, thân phận, tử, sinh, nhưng chấm dứt với hai chữ “mà hay” đã biến dạng toàn bộ những chi phối của định luật vô thường. “Mà hay”, như cánh hạc vút lên cao, ra khỏi tầng mây xám để không cơn mưa nào làm ướt được đôi cánh, như Thiền-sư Thõng Tay Vào Chợ trong Thập Mục Ngưu đồ “Lưng trần, chân đất, chợ người. Cát lầm bụi vẩn, ta cười say sưa. Thần tiên bí quyết cũng thừa. Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng” (**). Cho nên, dù những gì Thầy đang nói, có vẻ như có sự hiện hữu của tự ngã, có tôi trầm mặc, xót xa, mệnh yểu nhưng tất cả những cái Có đó lại lồng vào cái Không trong hai chữ “Mà hay!” (Thích Nữ Huệ Trân, Bước Nhảy Của Chim Hồng, Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng, Tập III, Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher, 2013 tr.116).
Không chỉ có ngữ âm, tiết nhịp, ngữ nghĩa mà ta cũng có thể bắt gặp điểm trắng tu từ độc đáo trong ngôn ngữ thơ Tuệ Sỹ mà nhà phê bình Đặng Tiến đã đọc được từ đó ý nghĩa như này: “Đôi khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên dăm viên đá cuội trên lộ trình cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút đường về. Ngoại giới biết đâu là ảo giác: Bóng sao đêm dài vời vợi/ Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền (tr.10). Và thơ, tập thơ mình cầm trong tay, những nốt nhạc, những hàng chữ “đen trắng đuổi nhau thành ảo tượng”. Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo giác của ảo giác?” (Đặng Tiến, Âm Trầm Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 418).
* Thứ hai, tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ là sự lấp đầy các khoảng trống ở tầng hình ảnh, hình tượng.
Hình ảnh và hình tượng trong thơ Tuệ Sỹ cũng bát ngát những khoảng trống mở ra những tiếp nhận vô cùng phong phú và độc đáo trong sự lý giải của người đọc.
Nhìn hình ảnh “tóc xa xưa” trong thơ Tuệ Sỹ mà Phạm Công Thiện thấy được cái sợi tóc chẻ ra của tục đế và chân đế trong giáo lý nhà Phật: “Và xin đọc lại hai câu cuối của bài thơ: Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến/ Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa. Tất nhiên tôi phải ngạc nhiên và ngừng lại suy nghĩ: tôi không bao giờ thấy Tuệ Sỹ có tóc (chỉ sau ngày cộng sản nhốt tù thì tóc mới mọc lên). Thầy tu không có tóc lại làm thơ với hình ảnh trữ tình lặp đi lặp lại hai lần trong bài A (“vén lại tóc xa xưa”) và một lần trong bài B (“Treo gót hài trên mái tóc vào thu”). Tóc ở đây là tóc của ai? Của một thiếu nữ? Tầm thường quá và không hẳn là thế. Dù là thầy tu đi nữa thì đôi lúc cũng mơ mộng như mọi người cho vui nhẹ trong không khí khổ hạnh? Tóc của đàn ông? Cũng không hẳn thế? Thôi thì cứ gọi tóc của thơ, đủ rồi. Có thể tạm chẻ sợi tóc ra làm tư và gọi là “tóc của tục đế, thế đế” theo tinh thần của Long Thọ “Chân đế hay đệ nhất nghĩa đế thì phải cần đến Tục đế hay Thế đế, vì “Niết Bàn không khác mảy may nào cả với Luân Hồi”: tuyệt đỉnh cao siêu nhất của Phật Giáo)”. (Phạm Công Thiện, Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 297).
Tiếp đến, nhà triết gia lại đọc được ý nghĩa này trong hình ảnh “hai bàn tay” của thi nhân: : “Hai bàn tay” chớ không phải một bàn tay. Thiếu nữ vén tóc thường khi chỉ vén có một tay chỉ có tráng sĩ tóc dài theo điệu “thử địa biệt Yên Đan” mới vén tóc bằng cả hai tay nhất quyết: “nhất khứ bất phục hoàn”. Mấy chữ “xa xưa” cũng có thể hiểu ngược lại thời gian thông thường là “xa xưa của tương lai”, vì chính mấy chữ “ngày mai nhé” đã được mấy chữ “xa xưa” mở rộng chân trời như “cửa biển”, hay ẩn giấu chân trời và mở rộng thời gian như “khe rừng” hay “sao ngàn”: mỗi “một lần”, mỗi một bước chân của Thời gian là cô đọng lại Thời gian tinh túy “vĩnh viễn” (không phải “vĩnh viễn” theo điệu “cái hiện tại đứng ở lại” của thần học thánh Augustin “Nunc Stans” mà theo nghĩa “hiện tại thu phối vĩnh cửu” của thuật ngữ Heidegger: Augenblick-Augenblitz”: tia chớp xé rách thời gian của Héraclite và khi mở Vĩnh cửu, cái Một mở rộng và thu phố cái Tất cả (Hen Panta) theo nhịp Hoa Nghiêm Kinh “một lần” bao dung tất cả lần”).
Cùng hình ảnh mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ và cũng trong chính hai câu thơ Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến/ Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa mà nhà văn Viên Linh lại đọc được từ đó những “mái tóc” rất khác với “mái tóc” của Phạm Công Thiện, mặc dù Thầy Tuệ Sỹ vẫn chỉ viết có một câu thơ Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa đó thôi, và có lẽ sau này Thầy cũng không có chỉnh sửa gì đối với tứ thơ ấy: “Mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ phải chăng là bờ môi nhục cảm trong thơ Xuân Diệu, vì Xuân Diệu không sợ tiếp xúc; phải chăng là con mắt đắm đuối của Hàn Mặc Tử, vì Hàn Mặc Tử không thể đụng chạm; hay đó là bàn tay trong thơ Lưu Trọng Lư, vì Lưu Trọng Lư ngại chia phôi?
Mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ phải chăng là bờ vai của Huy Cận, vì Huy Cận muốn tựa đầu; là xiêm áo của Bích Khê, vì Bích Khê suốt đời mong một dáng tầm xuân, một tấm thân kiều diễm? Mái tóc của Tuệ Sỹ phải chăng là bàn chân của Ðinh Hùng, vì Ðinh Hùng luôn luôn quỳ dâng, sùng bái? Là lưng mềm của Vũ Hoàng Chương, bởi Vũ Hoàng Chương thích riết đôi tay, tiến đôi chân? Mái tóc ấy là gì? Một thục nữ? Một giai nhân? Những câu hỏi ấy đêm nay tôi chẳng thể trả lời, chỉ biết mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ chưa chắc là có thật, mà có thật; chưa hẳn là không, mà vẫn không. Mái tóc ấy, biết đâu chẳng phải là một phương trời viễn mộng, cái viễn mộng thanh cao của một thị giả thích ngắm nhìn đất đỏ, áo xanh, cỏ vàng, đêm đen, nụ hồng, và tóc? Mái tóc ấy nhất định là người, song là ai? Hay chẳng là ai cả, mà chỉ là những đổi thay trong Cuộc Lữ, từ lúc mưa xanh tới nắng hạ, từ hồng hoang tới tàn úa thiên đường?”(Viên Linh, Tuệ Sỹ, Tù Đày và Quê nhà, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 277).
Đọc hai hình ảnh “mái tóc” dưới góc nhìn của Phạm Công Thiện và Viên Linh, hẳn ta không khỏi hoảng hồn bởi không biết đâu là “mái tóc” thực sự trong câu thơ Tuệ Sỹ, bởi sao mà ta thấy dù là “mái tóc” của triết gia Phạm Công Thiện hay “mái tóc” của nhà văn Viên Linh ta cũng thấy dường như đó chính là “mái tóc” của Tuệ Sỹ. Rồi khi đọc lại câu thơ Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến/ Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa của Thầy ta lại thêm một lần nữa hoảng hồn, bởi hình như mái tóc mà trong cái thấy của mình chẳng hề giống “mái tóc” trong cái nhìn của Phạm Công Thiện hay Viên Linh, mà bản thân vẫn cảm thấy đó chính là mái “tóc xa xưa” của Thầy Tuệ Sỹ!
* Thứ ba, tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ là lấp đầy các khoảng trống ở sự liên kết các cấu tứ thơ.
Hình ảnh và hình tượng trong thơ Tuệ Sỹ đã không phải là dễ dàng mà đọc ra được, vậy mà sự liên kết và trật tự sắp xếp các hình ảnh đó cũng là một khoảng trắng tưởng chừng rất bé giữa các câu chữ mà có thể mở ra vô tận những tiếp nhận độc đáo.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã dùng đến thời gian, màu sắc và âm thanh là trục để hiểu được những liên kết cấu tứ trong bài Tôi vẫn đợi của Tuệ Sỹ, ta thử đọc cách điền vào khoảng trống trong liên kết ở đoạn một của bài thơ:
“Chẳng hạn thử tìm hiểu ý nghĩa của màu sắc và âm thanh. Nếu như vậy, mỗi đoạn thơ bốn câu tự nó đã mang đủ một sứ điệp trọn vẹn, không còn cần đến cả bài. Xin đọc lại đoạn thơ đầu: Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải/ Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng/ Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi/ Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.
Đúng là một tập hợp của những thi ảnh phức tạp (đôi khi mâu thuẫn nhau) với những nối kết lỏng lẻo, mờ nhạt, nhưng vẫn lập thành một khối thống nhất nhờ liên hệ văn phạm và vần điệu hợp nhất một cách bình thường. Câu thứ nhất nói đến màu xanh của đêm, câu thứ hai giải thích thêm một ẩn ngữ (màu xanh trong tiếng khóc ven rừng). Ẩn ngữ này tưởng lại được giải thích trong câu thứ ba (màu xanh trong tiếng khóc, trong bóng tối hận thù) nhưng không, đó chỉ là một liên hệ giả. Những thi ảnh của hai câu thơ đầu được lặp lại ở hai câu sau (khắc khoải ố tha thiết, tiếng khóc ố rưng rưng), thêm vào đó, chữ trong khiến chúng ta có cảm tưởng như hai câu sau là phụ ý chuyển của hai câu trước. Thật sự không phải vậy. Hai câu sau bay bổng lên một vũ trụ khác, cất cánh khỏi những hệ lụy nhân gian, những ti tiện của tranh chấp và thù hận, để đạt đến một cõi sáng láng hơn, cao cả hơn, mà biểu trưng là một ánh sao, một nụ cười. Bốn câu thơ di chuyển theo chiều cao, từ bậc thấp của những tranh chấp ti tiện đớn đau đến bậc cao của thức tỉnh giác ngộ.” (Nguyễn Mộng Giác, Đọc Lại Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 366, 367).
Còn nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, sau đã trở thành Tỳ – Kheo Thích Đăng Châu lại dùng tiết điệu nhiệm mầu Hạnh nguyện Bồ – tát và trí tuệ Bát Nhã để thấy được ý nghĩa của sự liên kết giữa các tứ thơ trong một bài tứ tuyệt chữ Hán mà Thầy làm hai câu đầu và được Bùi Giáng chắp bút hai câu sau:
“Sự hiện hữu trong giây phút này, trước mặt cuộc đời, là hiển lộ, là mầu nhiệm nhất, nằm trong đường rơi của lá, nét bay của hoa. Không trước cũng chẳng sau. Cái hiện tiền ấy gói trọn cả tam thiên đại thiên thế giới, cả đêm cả ngày, cả hằng sa nghiệp dĩ. Cái tức thời ấy, có khác chi “đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Mãn Giác hôm nào. Vượt ra ngoài thời gian, vượt ra ngoài không gian, mà tóm gọn cả bốn chiều ấy vào làm một. Bất sinh bất diệt. Ấy luôn là lúc:
Ðêm thẳm gió đùa trêu bóng nghiệp
Nên…
Nương về làm liễu lạc hoa bay…
Không trước cũng không sau, lại chẳng không trước cũng chẳng không sau. Nghe ra như hình bóng phất phới của một tiết điệu Bát Nhã. Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị. Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc chính thực là Không, Không chính thực là Sắc, bốn uẩn còn lại kia, Cảm thọ, Tư duy, Tâm hành, nhận Thức ấy cũng đều như vậy cả. Cho nên Nghiệp lực kia, trong sát na nhận thức trong suốt của tánh Không, đã dứt lìa mắt xích. Không còn chỗ bám víu, trầm mịch. Không còn chỗ đắc. Trí Huệ đã biến thành Từ Bi, Nghiệp Lực đã hóa ra Hạnh Nguyện của Bồ tát.
Bồ tát không mong dứt nghiệp mình, mà còn muốn đưa vai gánh vác lấy cộng nghiệp của chúng sinh. Cho nên Bùi Giáng làm Bồ Tát đọa, chịu đày xuống trần gian, lấy vui buồn, tỉnh mê của chốn gió bụi mà thị hiện:
Tang bồng tâm sự tân toan lệ,
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly
Bùi Giáng đã thế, mà Tuệ Sỹ cũng vậy. Xin nghiêm nghị đứng nép vào chỗ của Tuệ Sỹ mà tạm dịch:
Chí lớn trạnh lòng đau đáu lệ
Trúc loạn chưa lìa biển Giác ai
Lấy đau khổ của chúng sinh làm của mình.
Chí lớn trong thiên hạ ấy, sao nguôi được, lúc bao sinh linh còn chìm đắm trong tang tóc, đọa đầy?
Sao nguôi được mà chả đau đáu lệ, chạy ngược vào hồn u uẩn của quê hương?
Nhưng đằng sau dâu trúc khô héo, nghiêng ngả loạn ly kia, vẫn mang mang một biển Giác…” (Hoàng Quốc Bảo, Đêm Sâu Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 421, 422).
* Thứ tư, tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ là lấp đầy các khoảng trống ở tầng tư tưởng, tình cảm.
Đây có thể nói là một trong những tầng bậc chứa đựng những khoảng trắng rộng mở nhất đối với người đọc trong việc tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ, bởi đây là tầng mà người đọc không thể thấy được nếu chỉ dựa thuần túy vào bề mặt câu chữ của văn bản. Ở tầng bậc này, những gì mà độc giả có thể đọc ra được từ thơ Tuệ Sỹ là vô cùng phong phú nhưng chúng cũng có những điểm chung nhất định.
Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu bằng tấm lòng của người hậu học cùng mang những tâm tư khắc khoải cho vận mệnh quê hương đã đọc được những tình cảm của Thầy Tuệ Sỹ qua thơ ca như sau: “Ðọc thơ Thầy Tuệ Sỹ, ta thấy rạt rào tình tự dân tộc, ngập tràn chí nguyện cho quê hương và luôn giữ gìn kỷ cương giềng mối của Tổ tiên, làng nước… Qua một số bài thơ tiêu biểu được trích dẫn trong tập Giấc Mơ Trường Sơn của Thầy Tuệ Sỹ: chúng ta đã thấy được đôi phần nỗi niềm tâm sự của Thầy, của người dân đang sống giữa lòng quê hương, băn khoăn về vận mệnh đất nước”, nỗi niềm ấy được thể hiện ra sao qua lời thơ đã được Thầy Nguyên Siêu đọc giùm chúng ta:
“Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào”
(Tuệ Sỹ)
Trong cuộc tồn sinh này có nhiều ước hẹn, ước nguyện, ước mong, nhưng tất cả những nỗi niềm ước mơ đó dường như đã bị dập tắt trong Thầy, đã chôn vùi trong đau thương tang tóc. Chúng ta đã không biết Thầy đã có ước hẹn gì? Với ai? Trong trường hợp nào? Mà qua lời thơ Cánh Chim Trời thì ước hẹn đó “đã chôn vùi tang tóc”, gây xúc động cho người đọc: “một ước hẹn không thành”. Hãy thử lập lại: “Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc, Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu”. Từ đây gây cảm xúc cho người đọc là một ước hẹn lên đường dựng lại quê hương, mà chí nguyện không thành? Hay ước hẹn làm người con dân của một quê hương không được trọn vẹn trong sự thanh bình, tự do, hạnh phúc? Tất cả những tâm tư đó, chí nguyện đó đã chôn vùi trong tang tóc của một kẻ sĩ nung chí quật cường? Hay tấm lòng từ bi được trang trải đến những người dân cùng khốn nơi ven rừng hay phố thị?
Những chữ trong bài thơ: “… đã chôn vùi tang tóc… xa mãi giữa lòng sâu… hao mòn trong thoáng chốc… một vạn tiếng kêu gào…”. Tất cả những hình ảnh và âm thanh tan vỡ, sụp đổ, tuyệt vọng trong khốn cùng.
Hầu hết những bài thơ trong tập Giấc Mơ Trường Sơn của Thầy được sáng tác sau năm 75, do đó, những từ ngữ, biểu tượng được dựng nên nhằm mang nhiều ý nghĩa, ẩn hiện, hư thực cho một chặng đường lịch sử quê hương dân tộc lâm vào cảnh khốn cùng. Và cũng từ tâm trạng của một sỹ phu thời đại, của một người con dân nước Việt, chân tình của một bậc xuất gia thư thái đi trên con đường phụng hiến tâm nguyện cứu đời mà Thầy đã viết nên những lời thơ tâm thành khí phách đó, nhưng không thiếu phần xót xa, đoài đoạn như những lời thơ trên. Những lời thơ đã bật lên tiếng “thở hơi dài”. Vì sao Thầy phải “thở hơi dài” có lẽ “giấc chiêm bao” của Thầy đã không trọn, giấc chiêm bao đã bị cát bụi cuốn đi rồi. Giấc chiêm bao đó có thể là Thầy mong đem khả năng, trí tuệ của mình mà dựng xây, bồi đắp cho một quê hương dân tộc được thấm nhuần nền phong hóa thuần hậu của Tổ tiên mà suốt dòng lịch sử, tiền nhân đã hy sinh xương máu để gìn giữ giang sơn gấm vóc được phú cường, thịnh vượng? Và cũng có thể giấc chiêm bao là sự hy vọng phát huy đạo Phật Việt, nền văn hóa giác ngộ cho tất cả mọi người, cho khắp nhân loại mà Phật giáo Việt Nam là một biểu tượng cụ thể? Giấc chiêm bao bị cát bụi cuốn đi, nên Thầy thở dài cho một vận nghiệp quê hương và Ðạo pháp hôm nay?” (Thích Nguyên Siêu, Tuệ Sỹ Thơ và Tư Tưởng Triết Học, Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng, Tập III, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang, 2013, tr. 109, 110).
Hòa thượng còn đọc được nơi thơ Tuệ Sỹ một Đại Bi Tâm thiết tha, nồng hậu: “Thầy làm thơ theo cách điệu tục đế hay gửi gấm tâm tình theo dáng dấp chân như? Ngôn ngữ là tiếng nói của thế gian nhưng ẩn tàng đâu đó tình thương chúng sinh vô phân biệt. Một khi âm thanh đã được chuyển hóa bằng lời thánh ca cho sự trùng phùng thi thể chân tâm thì đâu là lời thơ và đâu là trái tim Bồ Tát? Từ đây, dòng máu của trái tim nhỏ xuống làm xanh tươi núi rừng thầm lặng qua bao tháng ngày hội tụ, làm sống lại như thủa ban sơ của trời đất hạo nhiên thanh thản. Dòng máu đó là ngôn ngữ của Bồ Tát cứu đời lầm than, để tồn tại cùng cái tánh tự nhiên thiên hà, chúng sinh, chủng loại mà hình ảnh Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền làm tươi thắm giang sơn cẩm tú…
Dù đời có nghiệt ngã, Bồ Tát vẫn mang Đại Bi Tâm lao vào nơi khó khăn, đói nghèo cứu khổ độ mê cho chúng sinh. Lòng từ bi không cho Bồ Tát rũ đời buông xuôi mặc cho muôn loài đắm chìm trong bão tố, nắng mưa: “Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát.”
Dẫu là phận cỏ hoa nhỏ nhắn nhưng vẫn mang chút tình với cát mà che chở đem bóng mát cho những hạt cát chung quanh, bởi vì “tình dữ vô tình giai cộng thành Phật đạo.”
Đại Bi Tâm là ngôi nhà Bồ Tát trú ngụ, Đại Bi Ngôn là lời thề độ tận chúng sinh, và Đại Bi Hạnh là thị hiện vào đời bằng đôi tay cứu độ, bằng việc làm lợi ích, để chuyển khổ thành lạc, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh” (Thích Nguyên Siêu, Tuệ Sỹ, Thơ Và Con Đường Trung Đạo, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập II, tr.44, 45).
Cùng chung cảm nhận về tâm tư của một bậc đạo nhân lấy tình yêu vô hạn đối với con người làm động lực cho chí nguyện cứu độ cuộc đời, tuy nhiên dưới cái nhìn của một nhà văn thì tâm tư ấy lại được diễn đạt mang một màu sắc khác, nhà văn Vĩnh Hảo đã viết như vậy về tình yêu con người và cuộc đời của một bậc đạo nhân thi sĩ trong câu thơ Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao: “Một khoảnh khắc đam mê, một khoảnh khắc lấp lánh long lanh của tình thơ lai láng, lâng lâng… bất giác biến thành chiêm bao. Tình yêu cũng chiêm bao. Cái đẹp cũng chiêm bao. Khoảnh khắc thơ mộng nhất, nên thơ nhất cũng chiêm bao…
Cho nên, đừng nói rằng đạo nhân sắt đá không có trái tim. Không có trái tim thì làm sao cứu độ con người, cứu độ cuộc đời? Họ yêu và phấn đấu thăng hoa tình yêu ấy. Họ cảm nhận được cái đẹp không phải chỉ qua những hình hài cụ thể mà còn cảm nhận được cái đẹp trường cửu trong từng hiện hữu chiêm bao. Không ai yêu mà thốt nên lời thơ tiếng ca tuyệt vời như những thi nhân, nhưng chẳng ai yêu mà cảm nhận sâu sắc tận bản thể đối tượng yêu thương như đạo nhân. Tình yêu ấy bập bềnh như chiêm bao nhưng lại bất tử, bởi vì nó được khơi dậy từ một khoảnh khắc và được cảm nhận một cách trọn vẹn trong chính khoảnh khắc ấy…” (Vĩnh Hảo, Đọc Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập I, tr. 83).
Liệu ta có thể đọc được những cao điệu tư tưởng tình cảm nào từ trong ngôn ngữ thơ của thi nhân? Tư tưởng, tình cảm trong thơ ca đôi khi nó không chỉ là những khoảng trắng, khoảng trống mà còn là những khoảng lặng sâu vô tận, chứa đựng trong nó mang mang những rung động diệu kì của tâm hồn thi sĩ và tâm hồn người đọc mà ta khó có thể đọc ra được một cách rành mạch rõ ràng như chuyện làm tính một với một là hai. Bởi vậy, những khoảng lặng của tư tưởng, tình cảm này đã tạo nên cho thơ ca những tiếp nhận vượt ra ngoài những biên tế của sự thông thường như có lần Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang đã thấy được nơi những dấu lặng trong “Những điệp khúc cho dương cầm của Thầy” một vô lượng yêu thương: “Nhưng, trong cõi chung đó, vẫn bừng sáng lên niềm riêng rất đáng quý rất cao đẹp, rất thương yêu. Đó là tấm lòng yêu thương vô lượng của Thầy đố với cuộc đời, đối với con người, và đối với chúng sinh. Ôm tượng đài/ yêu suốt cõi hoang sơ. Tấm lòng đó ắt hẳn đã nằm sâu trong dấu lặng của “Những Điệp Khú Cho Dương Cầm” mà Thầy vừa tấu lên.” (Huỳnh Kim Quang, Theo Dấu Lặng Nghe Điệp Khúc Dương Cầm Của Thầy Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập III, tr. 111).
Tư tưởng, tình cảm là những gì không được nói rõ ở trong thơ, nó là một cao kì cách điệu mà người đọc phải tìm ra cho mình những lối để có thể đi vào dựa vào những chỉ dấu nhất định, “chúng ta tự hỏi nhà thơ muốn nói gì? Đọc thơ mà thấy rằng tác giả muốn nói rõ cái gì thì chẳng còn là thơ nữa” (Phạm Công Thiện, Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 298).
* Thứ năm, tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ là tìm ra được những ẩn ngữ trong đặc tính, phong cách hồn thơ và nguồn thơ Tuệ Sỹ.
Đặc tính thơ, phong cách hồn thơ và nguồn thơ là những ẩn ngữ cao kì trong thơ ca. Bởi để đọc ra được ẩn ngữ đó, người đọc không thể chỉ đọc đôi ba bài thơ của một tác giả mà tìm ra được. Đó là cả một sự công phu khi độc giả phải thực sự đọc và lấp đầy hết các khoảng trống ở tầng bậc trước đối với phần lớn các sáng tác của một tác giả thì mới có thể tìm ra ẩn ngữ nơi miền lặng yên vô tận này của thi ca, tìm ra đặc tính và phong cách thơ. Một điều nữa ra không phải độc giả nào cũng có thể tìm ra được thứ ẩn ngữ này, phải là những độc giả thực sự nhiệt thành và tài năng thì mới có thể tìm ra những đặc tính và phong cách thơ độc đáo mà không bị lâm vào sự lạm bàn thái quá.
Phạm Công Thiện đã tìm ra được ba ẩn ngữ về đặc tính trong thơ Tuệ Sỹ, ông viết:
“Thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ không có nhan đề; hai bài thơ đều không có tựa. Một người đã từng quen biết Tuệ Sỹ nhiều chắc chắn phải ngạ nhiên: Tuệ Sỹ không để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì có liên hệ trực tiếp ha gián tiếp với đời sống cá nhân thường nhật của mình. Có lẽ đặc tính thứ nhất củ thơ Tuệ Sỹ là không có “cá tính”. Đi ngược lại với thói quen phê bình thơ văn củ phần đông (ai cũng muốn đi tìm “cá tính” của mỗi thi sĩ), tôi nghĩ rằng cái việc thể hiện cái “không có cá tính” trong thơ là điều khó khăn nhất cho một người làm thơ…
…Có lẽ đặc tính thứ hai trong thơ của Tuệ Sỹ là trừu tượng hóa bản thân cụ thể, trừu tượng hóa cá tính. Tôi dùng mấy chữ trừu tượng ở đây trong ý nghĩa đẹp nhất và thơ mộng nhất, như nhà thơ vĩ đại Paul Valéry đã “trừu tượng hóa” nhân vật tản văn thường mang tên là “Monsieur Teste”. Tuệ Sỹ không hề đọc Valéry mà thường đọc đi đọc lại một nhà thơ trái ngược hẳn với Valéry là Heine. Điệu thơ Đường Tống cũng đã được dấu kín lặng lẽ trong thơ Tuệ Sỹ, mặc dù Tuệ Sỹ đã từng thuộc nằm lòng cả thế giới Tống Đường… Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa “sống chết với điêu tàn vờ vĩnh” để cho chúng ta còn có được “một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng”. Đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương” (Phạm Công Thiện, Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 295, 299).
Còn thi sĩ Tâm Nhiên đã đọc được từ cõi thơ của Thầy như thế này: “Tuệ Sỹ nói về cõi thơ Tô Đông Pha mà vô hình chung cũng dường như nói về cõi thơ của chính mình. Thật vậy, cõi thơ Tuệ Sỹ bước đi bi tráng giữa dòng sử lịch kinh hoàng của thời hiện đại. Đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặng mà sấm sét,tĩnh toạ mà phiêu bồng, đó là cõi thơ trầm thống, khốc quỷ kinh thần của Tuệ Sỹ, một thi sĩ thượng thừa, một tài hoa đủ điệu, một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt với hồn thơ thâm viễn, uyên mặc u ẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư lãng đãng…” (Tâm Nhiên, Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập II, tr.77).
Thi sĩ còn đọc được từ thơ Tuệ Sỹ những tiết nhịp của cuộc lữ thi ca với người lữ khách phiêu bồng, tự tại nhưng vì hạnh nguyện độ sinh mà chấp nhận những trầm luân khổ đau trên cuộc lữ thế kỷ: “Thế thì, tuyệt cùng ẩn ngữ thi ca Tuệ Sỹ là gì? Làm sao chỉ ra được, khi ngôn ngữ cứ lấp lánh ẩn hiện trong ánh sáng phát ra từ tâm cảm thâm trầm? Có ai nắm giữ được những tiếng dương cầm âm thanh thánh thót, phiêu diêu, dịu dàng vang ngân bất tận từ giữa lòng bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa?…
Con người vô sự có tự do, có khả năng sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, không bị bất cứ một cái gì có thể kéo đi, kể cả lý tưởng độ sinh cứu đời. Bởi vì lý tưởng độ sinh cứu đời cũng có thể bắt mình chạy đi tìm cầu, bỏ mất giây phút hiện tại, bỏ mất cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang đang có mặt, vốn là nguồn gốc của tất cả chư Phật.” Lẫn vào cát bụi phù du “hòa kỳ quang đồng kỳ trần” Tuệ Sỹ giống như thiền sư thi sĩ Nhật Bản Basho xuống núi, phiêu bồng thõng tay vào chợ làm thơ và làm thơ giữa ngày tháng lưu linh cùng sương khói bồng bềnh…” (Tâm Nhiên, Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập II, tr.74, 75).
Thơ ca là những phương trời mở rộng đến vô cùng đối với người đọc, giữa những khoảng cách bé nhỏ của con chữ là những khoảng trống, khoảng trắng đang chờ đợi sự đọc của độc giả, đó là những “ngõ về im lặng” mà thi nhân hiến tặng cho thi ca và cho sự tiếp nhận của người đọc. Thơ Tuệ Sỹ là vô tận vô biên những khoảng trắng như vậy ở nhiều cấp độ khác nhau, mà người đọc thơ Tuệ Sỹ nếu muốn thực sự đi cõi thơ đó thì đầu tiên phải lấp đầy những khoảng trống bằng sự kiến giải dựa trên sự đọc và cảm nhận, hiểu, suy tư và chiêm nghiệm cùng với khả năng tương cảm của bản thân.
Trên đây là đặc điểm thứ nhất trong sự tiếp nhận thơ ca Tuệ Sỹ dưới góc độ phê bình văn học: Đọc thơ Tuệ Sỹ là sự lấp đầy những khoảng trống, khoảng trắng ở nhiều cấp độ.
3.2.1.2. Đọc thơ Tuệ Sỹ là quá trình phát triển thống nhất sự đồng hóa và thuận ứng đưa chúng từ trạng thái không cân bằng đến cân bằng ở người đọc.
Theo tâm lí học tiếp nhận thì quá trình tâm lí phát sinh và xây dựng nhận thức của người đọc khi tiếp nhận một tác phẩm văn học là quá một quá trình phát triển sự đồng hóa và thuận ứng, đưa chúng đến trạng thái cân bằng từ đó độc giả có thể nâng cao tầm nhận thức và đón nhận của bản thân. Đồng hóa là quá trình người đọc thâu nạp những gì tiếp nhận được từ văn bản vào những vùng quen thuộc của tầm đón nhận và nhận thức. Quá trình đồng hóa là quá trình người đọc dựa trên những kinh nghiệm thẩm mĩ vốn có để tiếp nhận tác phẩm. Khi đọc tác phẩm độc giả nhận thấy những tương đồng với kinh nghiệm thẩm mĩ của mình, nên tiến hành thâu nạp chúng vào vùng nhận thức làm tăng trưởng tầm đón nhận về mặt số lượng. Còn thuận ứng là quá trình người đọc từ việc tiếp nhận tác phẩm có thể phá vỡ và thay đổi những kinh nghiệm thẩm mĩ vốn có ở những vùng quen thuộc trong nhận thức để thâu nạp thêm những điều mới mẻ giúp phát triển tầm đón nhận. Cũng dựa trên những kinh nghiệm thẩm mĩ vốn có của bản thân, nhưng với quá trình thuận ứng, người đọc sẽ bắt gặp những điểm khác biệt so với vùng nhận thức và tiếp nhận của mình. Đặc điểm này yêu cầu người đọc phải có nhiều công phu hơn trong việc tiếp nhận tác phẩm, từ việc nhận thấy những khác biệt, người đọc phải cảm nhận và suy tư với những khác biệt đó để đi tới được sự thuận ứng trong nhận thức. Đây là một quá trình rất ý nghĩa trong tiếp nhận văn học, nó không chỉ đơn thuần là việc giúp người đọc làm mới và phát triển thêm nhận thức và tầm đón nhận của mình, mà còn là một hành trình phá chấp, phá bỏ những định kiến có trước để có một thái độ rộng mở trong việc tiếp nhận những điều mới mẻ. Không phải độc giả nào cũng có thể thực hiện được quá trình thuận ứng trong hoạt động tiếp nhận văn học, bởi như đã nói, quá trình này đòi hỏi rất nhiều công phu nơi người đọc khi phải chấp nhận phá vỡ những kinh nghiệm thẩm mĩ vốn có, phải từ bỏ kiêu mạn và mang một thái độ khiêm hạ nhất có thể để có thể thực sự “thuận ứng” được trong tiếp nhận văn học.
Đồng hóa và thuận ứng không phải là hai quá trình tách biệt và đối lập với nhau, ngược lại chúng biện chứng và nâng đỡ nhau trong hoạt động tiếp nhận. Nếu thiếu một trong hai thì sự tiếp nhận ở người đọc chưa thể thực sự có ý nghĩa và giá trị. Tiếp nhận là quá trình đi đến sự thống nhất và phát triển đồng hóa và thuận ứng đưa chúng từ trạng thái không cân bằng đến cân bằng. Và đây cũng là một đặc điểm nổi bật trong quá trình độc giả tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ dưới góc độc phê bình văn học.
Thứ nhất, tiếp nhận đồng hóa, là người đọc tìm thấy trong tác phẩm những song trùng với những kinh nghiệm và tư duy thẩm mĩ vốn có của mình. Khi đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ, Thầy Thích Phước An đã bắt gặp một song trùng như thế này giữa hồn thơ Tuệ Sỹ với những nguồn thơ mà Thầy Phước An đã bắt gặp trong truyền thống văn học phương Đông: “Tại sao trong truyền thống thi ca Viễn Đông, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, v.v… Thiền sư và thi nhân đi đôi với nhau như hình với bóng? Không thể biết được; ta chỉ có thể đoán cả hai đều như đứng đó để trông ngóng một mùa thu cô tịch đang đến chậm ở cuối chân trời xa kia chăng?” (Thích Phước An, Thơ Tuệ Sỹ Hay Là Tiếng Gọi Của Những Đêm Dài Heo Hút, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập I, tr.63). Để từ đó Thầy Phước An nhận thấy sự song trùng hình ảnh của “Thiền Sư và thi nhân hay là sự giằng co giữa hai con đường” trong hồn thơ Tuệ Sỹ.
Còn Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu từ những sở học về đạo Phật của mình và hiểu biết về những thăng trầm của số phận Thầy Tuệ Sỹ mà đã có thể bắt gặp trong thơ Tuệ Sỹ một “Đại Bi Tâm” rộng lớn như Tâm Đại Từ Đai Bi của các bậc Bồ – Tát: “Con trâu trắng thẫn thờ góc phố/ Nỗi hoài hương nhơi mãi nhúm trăng mòn/ Đám sẻ lạnh gật gù trên mái đỏ/ Sương chiều rơi có thấy lạnh nhiều hơn? Một chuỗi rắn rình mò trong hẻm nhỏ/ Không bụi đường đâu có chỗ đi hoang? (Tĩnh Thất – Mười Lăm – Tuệ Sỹ). Một ước mơ cõi nhân gian thành Tịnh Độ để thấy các vị Bồ Tát bất thối là bạn lữ, và cõi Tịnh Độ là thất bảo lưu ly. Đó là hạnh nguyện hay sức mạnh của chân tâm để tác thành thế giới Chơn Đế. Thầy đã trang trải tấm lòng với ước mong một ngày được thành tựu:“Người không vui ta đi về làm ruộng/ Gieo gió Xuân chờ đợi mưa hè/ Nghe cóc nhái gọi dồn khe suối/ Biết khi nào phố chợ chắn bờ đê.” (Tĩnh Thất – Hai Mươi Chín – Tuệ Sỹ)
Mang chân tâm đóng góp cho quê hương nhưng ước muốn không đạt, đành lui thân về ở ẩn. Chỉ mong một ngày đất nước được phát triển thực sự đem lại niềm vui cho đến tận xóm làng xa xôi hẻo lánh, cho người dân bớt lầm than. Nhìn đời qua những chấn song của nhà giam chế độ, nhưng tâm quán chiếu ba cõi không yên giống như nhà lửa, đang thiêu đốt thế gian và ướt lệ xót thương. Lệ rơi từ trái tim Bồ Tát. Lệ nhỏ từ đức tánh từ bi, nhìn chúng sinh quằn quại trong khổ đau. Thầy hai tay nâng chén cơm tù lên ngang trán,mắt nhắm lại, cúi đầu thành kính, quán niệm: “Thượng cúng Chư Phật chi pháp, hạ thí đàn việt chi thực.”
– Đây là chén cơm tù, trên con thành kính dâng lên cúng dường Chư Phật và dưới là bố thí món ăn cho pháp giới chúng sinh được no đủ.
Đại Bi Tâm tràn đầy pháp giới. Từng điệu nhạc trời chúc tụng, từng dãy hoa trời đâu miên tung lên tán thán Đại Bi Tâm rạng ngời khắp chốn:
Cúng Dường
“Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
Đây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Đức Phật đấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương.
(Cúng Dường – Ngục Trung Mị Ngữ)
Đó là những ẩn ngôn của Đại Bi Tâm, không phải là ngôn ngữ thế gian để ca tụng hạnh nguyện vào đời của Bồ Tát độ sinh”. (Thích Nguyên Siêu, Tuệ Sỹ, Thơ Và Con Đường Trung Đạo, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập II, tr.45, 46).
Nếu không có những kinh nghiệm thẩm mĩ và tư duy đã có từ trước về các lĩnh vực như thơ ca, Phật học,…thì có lẽ hai vị Hòa Thượng đã không có những cảm nhận và kiến giải như trên về thơ Thầy Tuệ Sỹ.
Thứ hai, tiếp nhận thuận ứng, đây là quá trình người đọc bắt gặp những điểm khác biệt nơi thơ ca Tuệ Sỹ so với những kinh nghiệm nhận thức của mình trước đó. Đó cũng chính nguyên do khiến nhà văn Nguyễn Mộng Giác “hoang mang” không ít khi đọc thơ tù của Thầy Tuệ Sỹ:
“Bài “Tôi Vẫn Đợi” dưới đây là bài Tuệ Sỹ mới làm sau này, có lẽ lúc đang bị giam chờ ngày ra tòa:
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha.
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
Người ở lại với bàn tay bạo Chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
Như sương mai, như bóng chớp, mây chiều.
Thú thật đọc xong bài thơ này, cảm tưởng ban đầu của tôi là hơi hụt hẫng, thất vọng. Thơ của một người tử tù đây ư? Không nói ra, nhưng lâu nay tôi vẫn giữ một định kiến hoặc một ước lệ về thể loại thơ tù. Ước lệ về khung cảnh thơ: song sắt, vách ngục, máu tra tấn, thân còm cõi…Ước lệ về không khí thơ: u uất, phẫn nộ, khinh mạn, oán hờn… Định kiến về nhân cách người thơ: cao ngạo, bất khuất, quắc mắt mà nhìn kẻ đưa mình ra pháp trường, uy vũ kềm kẹp không làm cho run sợ. Và định kiến về dự phóng cho tương lai: ngục tù không ngăn được diễn tiến tất yếu của lịch sử, thân tù đơn độc nhỏ nhoi dù bị hủy diệt cũng không ngăn được những con người bất khuất khác noi gương tiếp nối… Thơ người tử tù phải là một sứ điệp rõ ràng làm cương lĩnh cho hành động. Đem bao nhiêu cái khuôn thước có sẵn trên đây mà so với bài thơ Tuệ Sỹ, tôi bị hụt hẫng hoang mang là phải!” (Nguyễn Mộng Giác, Đọc Lại Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập I, tr.69).
Từ những hoang mang, hụt hẫng của giai đoạn đầu của quá trình thuận ứng, nhà văn đã phải tìm nhiều thi lộ khác nhau để thử đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ, như đi từ khuôn thước thời gian hay từ góc độ của màu sắc và âm thanh. Để đến cuối cùng nhà văn thông qua tiếp nhận thuận ứng, nhà văn đã bừng vỡ và hiểu ra được vì sao thơ tù của Thầy Tuệ Sỹ lại không giống với những định kiến về thơ tù của nhà văn trước đó:
“Bài thơ không hề là một lời tố cáo đầy phẫn nộ, lại không phải là một bài hịch. Không phải là một tiếng sấm. Ngược lại, như tôi đã so sánh ở trên, đây là những lời ru hiền hòa, lời vỗ về của mẹ lời thì thầm của lá, của hoa, của cây cỏ. Không phải là mũi nhọn công phá và vách khám mà là một làn hương tỏa lên trên, len qua kẽ ngục và tỏa rộng lê trời cao. Vì sao vậy?
Tôi cho rằng ngay từ cốt tủy của Phật pháp, khả năng hoàn thiện co người và cuộc sống không nằm ở sức mạnh của tổ chức mà nằm ở sức giá ngộ của cá nhân. Đạo Phật không chấp nhận Cái Duy Nhất, Cái Tuyệt Đối Cái Vĩnh Cửu, Cái Sáng Lòa soi đường cho hằng hà sa số đời sống trước sau. Ai cũng có thể trở thành Phật. Mỗi người tự đốt đuốc lên và chọn con đường sáng láng cho mình, khỏi cần cẩn thận rón rén đi theo dấu chân của người đi trước. Mỗi người chịu trách nhiệm lấy chính số phận mình. Mỗi người không cần phải khép nép sợ hãi trước bất cứ Thần lực thiêng liêng nào, vì nếu tỉnh thức, mỗi người chính là Thần lực thiêng liêng ấy.
Người còn vướng mắc vào những giới hạn, những chấn song của mê chấp thì thường núp vào đám đông, mong che chở của tập thể. Nhưng lúc đã thấy được chân tướng của những sương mai, bóng chớp, thì mỗi người đều có một thần lực riêng. Điều đó giải thích được tại sao vào những giai đoạn bi đát nhất của lịch sử dân tộc, Phật giáo không suy yếu theo mà ngược lại, trở thành chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ góp phần đưa dân tộc qua mọi gian truân thử thách” (Nguyễn Mộng Giác, Đọc Lại Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập I, tr.74, 75).
Tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ là quá trình phát triển đồng hóa và thuận ứng không ngừng từ trạng thái không cân bằng sang trạng thái cân bằng. Và không chỉ riêng Nguyễn Mộng Giác, với rất nhiều độc giả thơ Tuệ Sỹ khác cũng có sự phát triển này khi tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ, ngay như nhà thơ Bùi Giáng cũng có những điều “không thể ngờ” khi đọc thơ Tuệ Sỹ: “Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ…” (Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 290).
3.2.1.3. Tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ được gắn chặt trong mối tương quan với những tư cách trong chân dung tác giả.
Tuệ Sỹ không chỉ là một nhà thơ mà Thầy còn xuất hiện với tư cách một thiền sư, một tù nhân, một kẻ sĩ giữa lòng dân tộc, số phận thầy là số phận quê hương, thơ ca Tuệ Sỹ cũng chính là tiếng lời được cất lên từ Sử mệnh và Tính mệnh của quê hương. Chính bởi vậy, các độc giả luôn tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ trong mối tương quan không tách rời giữa thơ ca với chân dung con người Thầy.
Thầy Thích Phước An khi đọc thơ ca Tuệ Sỹ đã thấy ở hình ảnh của một lữ khách trên trong cuộc lữ tồn sinh đầy thao thức, một “nhà Phật học của hai truyền thống”, hình ảnh một “Thiền sư và thi nhân hay là sự giằng co giữa hai con đường”, và cuối cùng là hình ảnh của “Kẻ sĩ trong truyền thống Đông Phương”. (Thích Phước An, Thơ Tuệ Sỹ Hay Là Tiếng Gọi Của Những Đêm Dài Heo Hút, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập I).
Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu cũng nhận thấy từ thơ Tuệ Sỹ là “Thơ Người Tù Thế Kỷ” mang một “Nỗi Đau Giữa Lòng Quê Hương” với cả “Tuổi Trẻ Và Tâm Tình Của Một Người Thầy” rồi nữa là hình ảnh một “Người Tù Trong Mắt Thi Nhân”, Một “Chứng Nhân của Chặng Đường Lịch Sử Hiện Đại 1975 – Chế Độ Cộng Sản Việt Nam”, và cuối cùng là hình ảnh của một Thiền Sư như “Cội Thông Già Trên Núi Tuyết”. (Thích Nguyên Siêu, Tuệ Sỹ – Đạo Sư, Thơ, và Phương Trời Mộng tập II, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang, 2013).
Triết gia Phạm Công Thiện đã nhận thấy nơi thơ ca Tuệ Sỹ là nơi thể hiện chân phương nhất chân dung con người Thầy: “Tất cả hành động chính trị thường tình đều phiến diện; ý thức chính trị toàn diện chỉ được thể hiện nơi một con người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư đạo sĩ vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần “vô công dụng hạnh” của bậc Bồ Tát, hành động tích cực mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng[3]. Vì không tham vọng ích kỷ mù quáng cho nên mới nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham, sân và si của thế tục cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng. Làm chính trị mà biết mơ mộng và sống thơ mộng, biết viễn ly và viễn mộng, khó thấy lắm trong lòng thực tại bi đát của quê hương hiện nay.
Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí Huệ Bát Nhã cùng với lòng Đại Bi Thơ Mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của Ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng dẫn đường soi sáng Thế Mệnh của Sử tính quê hương.” (Phạm Công Thiện, Buổi Chiều Nắng Hạ Đọc Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập II, tr.83).
Trên đây là đặc điểm thứ ba trong sự tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ dưới góc độ phê bình, hoạt động tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ được gắn chặt trong mối tương quan với những tư cách trong chân dung tác giả.
3.2.1.4. Tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ: Tiếp nhận khơi mở cho tiếp nhận.
Một đặc điểm nữa trong hoạt động tiếp nhận Tuệ Sỹ từ góc độ phê bình là sự tiếp nhận của các độc giả thơ Tuệ Sỹ đôi khi được khơi mở từ một tiếp nhận khác. Có ba luồng tiếp chính có khả năng khơi mở cho sự tiếp nhận thơ ca Tuệ Sỹ ở độc giả: thứ nhất, là từ những tiếp nhận của chính Thầy Tuệ Sỹ về những tác phẩm văn học khác; thứ hai, là từ những tiếp nhận của các tác giả khác về Thầy Tuệ Sỹ; thứ ba, là từ sự tiếp nhận của chính bản thân độc giả ấy với những tác phẩm văn học khác.
Thứ nhất, là sự tiếp nhận của những độc giả thơ Tuệ Sỹ được khơi mở từ tiếp nhận của Thầy về các tác phẩm khác. Chính những tác phẩm phê bình văn học của Tuệ Sỹ lại là một nguồn khơi mở đề người đọc có thể tìm ra những đường hướng để đi vào khung trời thơ ca của Tuệ Sỹ.
Tác phẩm về Tô Đông Pha “Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng” của Thầy Tuệ Sỹ đã khơi mở cho Nguyễn Mạnh Trinh để nhà thơ “Một buổi tối, đọc lại tập thơ. Giấc Mơ Trường Sơn. Không dừng lại được, ngồi dậy bật máy, viết… Những tâm cảm đón nhận được từ những câu thơ. Như những làn sóng lan tỏa từ mặt nước yên tịnh. Ngoài trời chắc khuya lắm thì phải. Và những giọt mưa, mù mịt đất trời. Sắc không, còn mất, có lúc như hơi thở nhẹ. Lắng nghe từ vô thức, tôi đọc…” (Nguyễn Mạnh Trinh, Tuệ Sỹ Viễn Mộng Mấy Phương Trời, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập IV, tr. 26)
Vậy tiếp nhận của Thầy về Tô Đông Pha đã khơi mở như thế nào cho sự tiếp nhận của nhà thơ mà khiến cho nhà thơ phải “bật dậy” lúc đêm thâu để viết một bài ghi lại những “tâm cảm đón nhận được từ những câu thơ” khi đọc Giấc Mơ Trường Sơn (Tuệ Sỹ):
“Viết về Tô Đông Pha, mà nghe như viết cho chính mình. Tuệ Sỹ, trong cái quay cuồng của lịch sử, đã nhìn vào chặng lữ hành của lịch sử để tìm vào cõi sâu kín của vòng chuyển dịch. Ông, không phải trong vai trò thiền sư để đi tìm cái uyên áo mà, với thái độ mơ mộng lãng mạn đi tìm cho riêng mình một cõi thơ riêng.
Ông viết: “Thơ vẫn là một cuộc lịch nghiệm Riêng và Chung, của Thời Đại và Lịch Sử. Từ cuộc Riêng, Thơ nương theo cánh của Thi và Dịch để đi về nơi Hoằng Viễn, dẫn Lịch Sử Uyên Nguyên tụ hội với Thời Đại. Hình nh những sự này tôi nghe được từ nơi thơ của Tô Đông Pha, nhưng có nghe lộn hay không thì không biết …”
Kinh Thi và Kinh Dịch là những trầm lắng suy tư của người xưa, theo Tuệ Sỹ là hai cánh chim lớn của con thần nhạn chuyên chở định mạng của dân tộc Trung Hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn Đông. Thi và Dịch, là suy ngẫm để tìm đến đích đến rốt ráo của Chân Lý. Và, cũng là những phiến gương soi để tìm lại những bóng hình vẫn còn hiện hữu dù đã xa xôi những không gian, thời gian muôn trùng…
Có những câu thơ, của thấp thoáng tình Riêng trong Ý chung. Thấp thoáng nỗi niềm của Tuệ Sỹ trong ngôn ngữ một thuở Thịnh Đường. Dù thơ lục bát, của ngữ ngôn thuần túy Việt Nam, nhưng giấc mộng vẫn vút cao:
“Đồi mai ngơ ngác nụ cười
cánh hồng lả mộng của đời lưu ly
tồn sinh thấp thoáng nẻo về
dấu trơ bãi tuyết, ngoài tê cánh hồng
Sư già, tháp mới, hồn không
Tường rêu đổ xuống đâu đồng vọng Thơ
Gập ghềnh năm tháng, hay chưa?
Đường dài người mỏi, gót lừa kêu đau..”
Ôi, những phương trời viễn mộng, của những kiếp nhân sinh trôi nổi theo dòng thời thế, của nỗi niềm người tha hương lưu lạc ngay trong chính đất nước mình. Những canh trường mộng, những lời nỉ non nghe vẳng lại từ hai bờ tịnh không của cảm xúc. Vẫn, vần lục bát, lời của Tuệ Sỹ, làm vẳng nhớ đến Tô Đông Pha thuở nào xa xưa:
“Đá mòn phơi nẻo tà dương
nằm nghe bước lũ khóc chừng Cuộc Chơi
nghìn năm vang một nỗi đời
gió đưa cuộc lữ lên lời Viễn phương
đan sa rũ mộng phi thường
đào tiên trụi lá bên đường Tử Sinh
đồng hoang mục tử chung tình
Đăm chiêu dư ảnh nóc đình hạc khô.”
Viết về bài thơ, viết về cái tâm tình của bờ biển lớn, của cõi hoang vu mà thiên nhiên là đại dương bí ảo để, ở đó những dấu chân tỏ mờ trong ngã về hoang lộ.
Tuệ Sỹ viết: “… Người đã lãng phí trọn vẹn tinh thể của người, để cho thiên nhiên tỏ bày ân tình trơ trọi, như viên sỏi bên đường lây lất với nắng và gió. Nắng lên cùng với dấu hiệu của hao mòn và sụp đổ. Gió lên cùng với những ước nguyện thiên thu phảng phất ra ngoài khung trời Hoằng viễn và Tịch nhiên. Mộng Phi Thường được ký thác trong đan sa trong dấu hiệu của trường sinh bất tử, nhưng đường Sinh tử đi trong cõi Hoằng viễn Tịch nhiên, ấy thế mà không bao giờ dừng bước cho Lữ Khách một lần ngụ cư ở đó. Sống và Chết vẫn còn như một nỗi đời hư huyễn, vẫn rầm rộ như một cuộc chơi. Giữa khoảng đồng rộng, đồng trống, đồng không mông quạnh. Mục tử đăm chiêu tư lự những chuyện đường đời. Và Lịch sử qua bóng dáng con Hạc gầy, rồi tự hỏi: Đâu là Cõi Mộng Thiên Thu?..”
Đọc “Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng “ của Tuệ Sỹ để thấy từ một người hậu sinh sau những thế kỷ dài đã chia sẻ với Người Thơ những nỗi niềm của những người tri kỷ. Thời thế có khác, đất nước có khác, nhưng chất Thơ vô cùng bát ngát của những phương trời mở ra mênh mông những cánh vỗ để đi vào cái tận cùng của ngữ ngôn, để bay vào cái vô tận của ý tưởng. Viết về thơ đã khó, giải thích thơ lại khó hơn nhưng tái tạo lại không gian thơ, lại khó bội phần. Thơ ở trong thơ, không chỉ là cái khám phá hời hợt bên ngoài, mà, Thơ có tham vọng đi sâu vào cõi vô thủy vô chung của những nốt lặng của một bản trường ca chưa hoàn tất. Chinh cái dở dang ấy, là thái độ của người thơ, dù trong hoàn cảnh lao lung cấm cố, bốn bề là những bức tường đá lạnh lùng, mà, hồn vẫn thoát đi, bay bổng, không có gì ngăn chắn được. Thơ, là thái độ sống, là sự thản nhiên của người hiểu biết được cái vô cùng nhỏ nhoi nhưng cũng vô cùng lớn lao của tâm thức con người…” (Nguyễn Mạnh Trinh, Tuệ Sỹ Viễn Mộng Mấy Phương Trời, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập IV, tr. 24 – 26).
Như vậy có thể thấy quả là những trang viết của Thầy về Tô Đông Pha đã khơi mở ra một nguồn cảm hứng không nhỏ cho sự tiếp nhận thơ ca Tuệ Sỹ của Nguyễn Mạnh Trinh. Bên cạnh Nguyễn Mạnh Trinh cũng có nhiều độc giả nhận thấy những khai mở trong việc đọc thơ Tuệ Sỹ từ các tác phẩm của Thầy như thi sĩ Tâm Nhiên trong Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng, hay nhà văn Viên Linh trong Tuệ Sỹ, Tù Đày và Quê Nhà,…
Thứ hai, là sự tiếp nhận của những độc giả thơ Tuệ Sỹ được khơi mở từ những tiếp nhận của các độc giả khác về thơ Tuệ Sỹ. Những tiếp nhận khác nhau của những người đọc khác nhau đôi khi lại có tác dụng soi chiếu cho nhau một cách rất hữu hiệu như Triết gia Phạm Công Thiện đã khơi mở để thi sĩ Tâm Nhiên đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ trong cái nhìn Tuệ Sỹ là một Thiền sư thi sĩ:
“Trừ thi sĩ Bùi Giáng ra, khi nói về Tuệ Sỹ thì có lẽ không ai đủ tư cách, thẩm quyền bằng triết gia Phạm Công Thiện: “Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên, một cách vô công dụng hạnh từ đời sống thường nhật và tinh thần diệu nhập của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí.’
Như vậy, chúng ta có thể gọi Tuệ Sỹ là một thiền sư thi sĩ với ý nghĩa trọn vẹn, tốt đẹp nhất của danh từ…
Tuệ Sỹ bây giờ cũng là một thiền sư thi sĩ đích thực. Điều đó chứng tỏ qua những tác phẩm thâm viễn, uyên áo, nhất là thể hiện qua phong cách sống đạm bạc, đơn sơ giản dị mà rất nghệ sĩ phiêu bồng, thong dong phóng khoáng, khai mở thông lộ tự do cho con người, biết mỉm cười vô úy, “uy vũ bất năng khuất” trên tinh thần Đại bi tâm trầm hậu giữa muôn chiều diệu dụng với đời sống thực tại cái đang là”. (Tâm Nhiên, Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập II, tr.75)
Rồi cũng Phạm Công Thiện lại một lần nữa khơi mở cho thi sĩ về hình ảnh của bậc thiền sư thi nhân trên chặng đường lữ thứ tồn sinh:
“Hòa trong nhịp bước vân du, người viết chợt bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ: ‘Một con người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư, vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần vô công dụng hạnh của bậc Bồ tát. Hành động tích cực, mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng, vì không tham vọng, ích kỷ mù quáng, cho nên nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham sân si của thế tục, cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí tuệ Bát nhã cùng với lòng Đại bi thơ mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng, dẫn đường soi sáng Thể mệnh của Sử tính quê hương…
Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.’
Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa lạ thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi…”. (Tâm Nhiên, Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập II, tr.75).
Từ sự khai mở của những tiếp nhận khác nhau trong việc tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ cho thấy, tiếp nhận không chỉ là một hoạt động của cá nhân mà đó còn là hoạt động giao lưu giữa các độc giả.
Thứ ba, tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ được khơi mở từ sự tiếp nhận của chính bản thân độc giả với những tác phẩm văn học khác. Nét đặc điểm này thực chất là sự phát triển của quá trình tiếp nhận đồng hóa của người đọc, dựa trên những kinh nghiệm tiếp nhận các tác phẩm khác mà người đọc nhìn nhận thấy những tương đồng nhất định trong quá trình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ.
Cư sĩ Nguyên Đạo Văn Công Tuấn khi viết về Khung Trời Tuệ Sỹ – Những Phương Trời Viễn Mộng đã tìm thấy hình ảnh của cậu Hoàng Tử Bé trong con người và thơ ca Tuệ Sỹ, thật là một tiếp nhận vô cùng bất ngờ và độc đáo.
“Nhưng với riêng cá nhân tôi khi nghĩ về Thầy Tuệ Sỹ thì có một hình ảnh khác hẳn hiện ra trước mắt. Ấy là hình ảnh một con người ly kỳ mà Antoine de Saint Exupéry tả trong “Hoàng Tử Bé”, do Bùi Giáng dịch tài tình ra tiếng Việt. Vâng (xin lỗi Thầy, xin lỗi anh) với tôi Tuệ Sỹ chính là hình ảnh chú bé tuyệt diệu từ hành tinh lạ lạc bước vào thế giới điên đảo nhưng đầy thơ mộng này của chúng ta. Trung niên thi sĩ Bùi Giáng mượn lời Saint-Exupéry đã dẫn tôi, đã đặt trong tôi hình ảnh này từ mấy mươi năm trước…Tôi rấ thường chạy qua lại chuyện trò với cả hai vị Bùi Giáng và Tuệ Sỹ nên khi đọc chuyện của Saint-Exupéry thì cứ nghĩ hai người này, một chính là ông phi công rớt máy bay và một là chàng hoàng tử lưu lạc kia…” (Nguyên Đạo Văn Công Tuấn, Khung Trời Tuệ Sỹ – Những Phương Trời Viễn Mộng, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập I, tr.7).
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn đã thân thương gọi Thầy là Ông Hoàng Tử Bé, cư sĩ đã nhận thấy những tương trùng trong hành trình cuộc đời và cõi thơ của Tuệ Sỹ với hành trình của chú Hoàng Tử Bé, và một trong những tương đồng đó là cả hai đều có những cuộc lữ nơi chốn “sa mạc”: “Dường như cảm nhận điều này đã lâu, trong một bài viết tựa đề Tư Tưởng Là Gì? đăng ở Tạp chí Tư Tưởng tháng 10 năm 1969, lúc Thầy mới hai mươi sáu tuổi, Thầy Tuệ Sỹ đã trích dẫn ngay tại nhan đề phụ một câu nói của Nietzsche (lại do Heidegger trích dẫn – M. Heidegger Qu’appelle-t-on Penser): “Sa mạc lớn dần… khổ thay cho những ai ôm giữ sa mạc”.
Thì ra, sa mạc chính là nơi kỳ ngộ những khối óc và trái tim của nhân loại. Sa mạc mênh mông và nắng cháy nhưng “nó chôn dấu một cái giếng dạt dào đâu đó…”[4]
Cậu Hoàng Tử Bé của Saint-Exupéry qua lời Việt của Bùi Giáng đã đem đến cho Cư Sĩ Nguyên Đạo Văn Công Tuấn một khơi mở độc đáo trong việc tiếp nhận con người và thơ ca Tuệ Sỹ để chúng ta có cơ duyên được bắt gặp một hình ảnh rất đỗi thú vị hồn nhiên nhưng cũng đầy sâu sắc của Thầy thông qua sự tiếp nhận của Cư Sĩ Nguyên Đạo Văn Công Tuấn.
Từ đặc điểm tiếp nhận khơi mở cho tiếp nhận trong hoạt động tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ, ta có thể thấy tiếp nhận văn học là một hoạt động giao lưu xã hội rất phong phú, trong đó bao gồm hai chiều giao lưu chính: thứ nhất, là sự giao lưu kinh nghiệm thẩm mĩ giữa nhà văn – văn bản – người đọc; thứ hai, là sự giao lưu giữa các cá nhân độc giả và cộng đồng độc giả khác nhau.
Trên đây là một vài đặc điểm trong hoạt động tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ dưới góc độ phê bình văn học, đây cũng là hình thức chủ yếu tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ. Những đặc điểm trên chưa phải là tất cả các đặc điểm của hoạt động phê bình thơ văn Tuệ Sỹ, đó cũng chỉ là một cách nhìn của người viết về tình hình tiếp nhận thơ Thầy, nó vẫn còn rất nhiều thiếu sót và những trùng lặp mà người viết vẫn chưa thể khắc phục.
Từ những đặc điểm trên, chúng ta có thể thấy rằng hoạt động tiếp nhận Tuệ Sỹ trên lĩnh vực phê bình vô cùng phong phú và đa dạng. Mỗi tác giả lại đưa đến những tiếp nhận vừa có những nét chung nhất định và đồng thời với đó là những nét riêng vô cùng độc đáo trong việc tiếp nhận và phê bình thơ ca Thầy.
3.2.2. Tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ dưới góc độ dịch thuật.
Một hình thức khác trong tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ là dịch thuật. Các tác phẩm thơ của Tuệ Sỹ hầu hết đã được dịch sang các ngôn ngữ khác góp phần phổ biến rộng rãi và đưa thơ văn Tuệ Sỹ đến được với đông đảo độc giả thế giới.
Tiếp nhận qua dịch thuật là một hoạt động vừa tiếp nhận vừa sáng tạo, chúng có tính cách hỗ tương cho nhau trong mối tương quan hai chiều, nếu không có tiếp nhận thì không thể dịch đúng và hay, ngược lại qua quá trình dịch văn bản sang một ngôn ngữ khác có khả năng khơi mở trở lại cho hoạt động tiếp nhận. Như vậy, với dịch thuật tiếp nhận văn học cũng là một hoạt động giao lưu, trước hết đó là sự giao lưu thông qua những ngôn ngữ khác nhau mà đằng sau nó còn là sự giao lưu của các nền văn hóa, văn học, tư tưởng,…
Khi nhìn vào tình hình tiếp nhận và dịch thuật Tuệ Sỹ, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng trong việc dịch thuật tác phẩm văn học Tuệ Sỹ ra các ngôn ngữ khác, người viết còn nhận thấy được một đặc điểm nữa trong hoạt động tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ là chính dịch thuật lại quay trở lại khai mở cho tiếp nhận.
3.2.2.1. Các công trình dịch thuật thơ văn Tuệ Sỹ.
Ngôn ngữ dịch |
Tác phẩm được dịch |
Dịch giả |
Tuyển tập |
Việt Ngữ |
Ngục Trung Mị Ngữ (dịch các bài thơ tù chữ Hán của Tuệ Sỹ ra tiếng Việt) |
Huỳnh Kim Quang |
|
Nhật ngữ và Hán Nôm |
Thiên Lý Độc Hành |
Bùi Chí Trung |
Thiên lý độc hành (Nxb: Văn Học Press liên kết Culture Art Education Exchange Resoure, 12/2020) |
Anh ngữ |
Thiên Lý Độc Hành |
Nguyễn Phước Nguyên |
Thiên lý độc hành (Nxb: Văn Học Press liên kết Culture Art Education Exchange Resoure, 12/2020) |
Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ |
Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
||
Các bài thơ của Tuệ Sỹ trong tập Giấc Mơ Trường Sơn |
Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ |
Tuệ Sỹ – Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng – The Most Venerable Thich Tue Sy An Essence of Vietnamese Buddhism A Master of the Fourfold Sangha (Nxb Lotus Media – C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher , 2019) |
|
Piano Sonata 14 |
Đạo Sinh |
|
|
Tĩnh Thất (Hermitage and Meditation) |
Lương Dinh |
Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
|
Pháp Ngữ |
Tĩnh Thất (Voyage Dans Mon Univers Tranquille-Poème Vietnamiende Thiền sư Tuệ Sỹ) |
Lê Mộng Nguyên |
Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm (Refrains pour Piano) |
Dominique de Miscault |
Refrains pour Piano những điệp khúc Cho Dương Cầm, Nxb Phương Đông, 2009 |
|
Thiên Lý Độc Hành |
Thiên lý độc hành (Nxb: Văn Học Press liên kết Culture Art Education Exchange Resoure, 12/2020) |
Từ tình hình dịch thuật các tác phẩm của Tuệ Sỹ, ta có thể thấy đã có những chuyển biến biến rất tích cực trong tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ, mỗi công trình dịch thuật có thể được coi là một sự kiện văn học rất ý nghĩa đối với văn học Việt Nam, nhà phê bình Đặng Tiến đã không khỏi xúc động khi thi phẩm Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm của Tuệ Sỹ được dịch ra Pháp ngữ và phổ biến rộng rãi trên toàn cầu “Điều đáng mừng là độc giả Việt Nam và thế giới có dịp tiếp xúc với thơ Tuệ Sỹ, trong niềm đồng cảm nhân loại, qua thi ca và nghệ thuật…Một cơ duyên khác, là với kỹ thuật điện tử hiện đại, toàn bộ công trình của Tuệ Sỹ – Dominique de Miscault và nhà xuất bản Phương Đông được đưa lên mạng, để người đọc, Việt hay ngoại quốc, khắp năm châu bốn biển đều có thể thưởng lãm. Năm mươi trang giấy không phải là công trình to tát gì, nội dung cũng không phải chuyện khai sơn phá thạch, nhưng là một sự kiện văn học, như cơn gió bất ngờ đưa đóa lan rừng ra ánh sáng” (Đặng Tiến, Âm Trầm Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng, tập III, tr.47).
3.2.2.2. Tiếp nhận và dịch thuật
Một bộ phận độc giả đồng thời là các dịch giả, sau khi tiến hành dịch thơ Tuệ Sỹ sang một ngôn ngữ khác đã khai mở ra rất nhiều vấn đề trong sự tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ mà có thể trước kia khi đọc với ngôn ngữ gốc họ chưa thấy được. Bởi dịch là một quá trình vừa tiếp nhận vừa sáng tạo, và thông qua việc dịch thuật đó mà những tiếp nhận về thơ văn Tuệ Sỹ của các dịch giả được mở rộng ra rất nhiều.
Nữ họa sĩ và dịch giả người Pháp Dominique de Miscault đã đọc được những điều sau đây khi dịch thơ Tuệ Sỹ sang Pháp ngữ:
“Tôi xin lỗi vì không phải là một Phật tử, càng không phải là nhà tu; tôi không biết rành tiếng Việt, tuy nhiên những bài thơ của Tuệ Sỹ chúng tôi vẫn có thể hiểu ở cái châu Âu già cỗi của chúng tôi! Đó chẳng phải là biểu hiện của những trống không bàng bạc bởi những bí ẩn lớn nhất của chúng ta? Kinh nghiệm từ bóng đêm lang thang, từ sự im lặng lang thang, và cả sự tuyệt vọng của “tâm hồn” rã rời đi tìm trong vô bổ một lời đáp lại cho sự hiến dâng dù tự nguyện hay áp đặt.
Những bài thơ này của Tuệ Sỹ, chúng tôi đã dịch bằng sáu tay. Đầu tiên Philippe Langlet đã khai phá vùng đất, dịch từng từ Việt sang từ Pháp, sau đó Tuệ Sỹ trực tiếp góp ý, và đến lượt tôi cố gắng thử đi vào chiều sâu nhờ những hình ảnh và không gian nơi Tuệ Sỹ sống mà tôi biết, và điều đó đã giúp tôi rất nhiều. Tôi đã chọn những hình ảnh và những từ ngữ đơn giản nhất, giảm thiểu và hong khô tối đa những thi tứ để gợi lên cuộc phiêu lưu huyền bí của nhà sư mệt mỏi trong cuộc kiếm tìm vô vọng.
Vô vọng hay không vô vọng, đó là vấn đề
Những sự buông bỏ theo dòng thời gian và xứ sở…
Tiếng dương cầm hay sự lặng im như là môi giới giữa hai lục địa chúng ta…
Tôi rất sung sướng được tiếp tục chia xẻ trong dài lâu sự mong manh tuyệt cùng của cuộc sống” (Dominique de Miscault , Thay Lời Tựa “Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm” (Hạnh Viên dịch Việt), Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập IV, tr.36).
Còn Giáo Sư Nguyễn Văn Thái khi góp ý cho Cư Sĩ Tâm Thường Định dịch bài Thoáng chốc của Tuệ Sỹ ra tiếng Anh đã có những chia sẻ hết sức bất ngờ về cách hiểu ngôn từ và hình ảnh thơ Tuệ Sỹ qua việc dịch nó sang một ngôn ngữ khác:
“…(Hãy) diễn tả từ “biếc” qua từ “deep” vì trong văn hóa và chủng tộc Á đông không bao giờ có “blue” eyes, và trong văn chương tiếng Việt từ “mắt biếc” hàm ý đẹp và sâu thẳm, chứ không phải là màu xanh. Từ “white” là trắng, nhưng anh nghĩ từ “trắng” ở đây mang một ý nghĩa thâm thúy hơn là sắc trắng. “Cò trắng” ở đây chuyên chở cái ý (connotation) được mang theo từ câu giới thiệu “mắt biếc ngây thơ”, nghĩa là cái “trắng”trong hàm ý “untouched, unsullied”. Quan trọng trong thơ là cách chọn từ (diction) có thể tạo “imagery” (thi ảnh) chứ không bộc bạch, làm mất cái đẹp và ý nghĩa của thơ: mình không nói “trắng” (trong tiếng Anh) mà hiểu là trắng, cái trắng tinh tuyền không bị vẩn đục (virginal = unsullied, untouched), cũng như khi nói “trắng” (trong tiếng Việt) mà không hiểu là trắng mà hiểu là “trinh nguyên” (virginal). Và sau cùng hai vế của câu thơ cuối không thể là nguyên nhân (cause) và hậu quả (effect) được, mà vế nói về “yêu” phải là nội tại trong thời gian (temporally internal) của vế nói về “giấc mơ”, nên phải dùng từ “In” thay vì “because of” mặc dù con chữ tiếng Việt là “vì” (because).”[5] (Tâm Thường Định, Mắt Biếc Trong Thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập I, tr.77).
Dịch giả Lương Dinh và Lê Mộng Nguyên khi tiến hành dịch hai thi phẩm Tĩnh Tọa và Tĩnh Thất của Tuệ Sỹ sang tiếng Anh và tiếng Pháp cũng đã thấy trong thơ Thầy tinh thần hành động của một trí thức gắn liền số phận mình với vận mạng quê hương, đồng thời với đó hình ảnh của một thi nhân với một hồn thơ phiêu lãng:
“…Xem dưới góc cạnh này, Thiền Sư Tuệ Sỹ là một nhà thơ “lãng mạn” mà theo Victor Hugo (Tựa kịch bản Hernani) là một “chủ nghĩa tự do trong văn chương”, vừa thuộc vào hạng biểu hiện (expressionnisme) nghĩa là một hình thức nghệ thuật mà giá trị của miêu tả nằm toàn trong sự biểu lộ tâm tình cực điểm, và hạng ấn tượng (impressionnisme) với đôi nét chấm phá, nhưng lời thơ đượm tình cảm, thấm thía, làm độc giả rung động, bâng khuâng:
Chờ dứt cơn mưa ta vô rừng
Bồi hồi nghe khói lạnh rưng rung
Ngàn lau quét nắng lùa trên tóc
Ảo ảnh vô thường, một thoáng chưng?
J’attends que la pluie ait cessé pour entrer dans la forêt
Afin d’écouter avec émotion la fumée froide se réchauffer
Et les touffes de roseaux balayer le soleil qui pénètre dans tes cheveux;
Illusion extraordinaire,
Qui nous apparaît en l’espace d’un instant?
Còn với Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang đã có những xúc động cực độ khi dịch những bài thơ chữ Hán trong tù của Thầy ra Việt Ngữ, qua việc dịch từng câu thơ, hàm ý thơ của Thầy mà cư sĩ thấy mình càng hiểu rõ ràng hơn cái Tâm Đại Bi của một bậc Đại sĩ dầu có phải chịu những đọa đày cực khổ chốn lao ngục:
“Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
(Cúng Dường)
Tạm dịch:
Dâng chén cơm tù này
Cúng dường lên đức Thế Tôn Tối Thắng
Nghĩ đến thế gian máu lửa hận thù triền miên
Nên vừa bưng chén cơm mà nghẹn ngào đẫm lệ
(Cúng Dường)
Thương cho thế gian, thương cho dân tộc, thương cho đạo pháp đang trong cảnh lầm than, điêu linh và thống khổ mà bậc đại sỹ phải rơi lệ. Và cũng chính vì muốn giải trừ sự khổ đau và nghiệt ngã cho thế gian, cho dân tộc và đạo pháp mà bậc đại sỹ đã không ngần ngại hy sinh dù là lao tù hay tánh mạng. Đó chính là tâm nguyện đại từ bi. Với tâm đại từ bi thì hễ thấy chúng sanh đau khổ là thị hiện cứu khổ, không phải suy tính thiệt hơn, giống như bà mẹ thấy con lâm nạn thì xông tới cứu cấp dù là phải nhảy vào lò lửa, hay hang hùm miệng cọp. Tình thương của mẹ đối với con cái khởi phát không phải qua sự tính toán so đo, mà phát xuất một cách tự nhiên vô công dụng hạnh. Tâm đại từ bi của đại sỹ đối với chúng sanh cũng vậy, hiển phát một cách vô công dụng hạnh.
Tâm đại từ bi không nói rằng điều ấy có lợi hay không rồi mới làm vì, khi khởi niệm phân biệt lợi hại hơn thua là lúc đánh mất đại từ bi tâm của mình rồi vậy. Giải trừ sự khổ đau cho nhân quần xã hội giống như việc giải trừ khổ đau cho chính mình không phải thấy có lợi rồi mới làm, cũng không thể định hạn kỳ đạt đến thành công. Gốc của khổ đau là vô minh và phiền não. Trừ diệt vô minh và phiền não đừng nói đến chuyện hạn kỳ lâu mau hay thành đạt lợi ích trước mắt. Còn khởi niệm mong cầu thành đạt lợi ích là còn tạo cơ duyên cho vô minh và phiền não tiếp tục hiện hữu.
Qua bài thơ, chúng ta thấy được cái bi kịch thống thiết nhất của dân tộc đã phơi bày ra đó với những máu và nước mắt. Máu và nước mắt của đại khối dân nghèo hay của những bậc đại sỹ, những người trên tay không có tấc sắt, và trong tâm không một ý niệm hận thù, hay đấu tranh vì bất cứ quyền lợi tư kỷ nào!…
Bài thơ diễn tả một hình ảnh thật thiêng liêng và cảm động: một vị tu sĩ ở trong tù đến giờ ăn trưa vẫn cử hành nghi thức thọ trai một cách nghiêm cẩn. Hai tay nâng bát cơm lên để cúng dường đức Phật trước khi vị ấy thọ thực. Vừa nâng bát cơm lên vừa quán tưởng đến sự khổ đau của chúng sanh, của dân tộc mà bậc đại sỹ cảm nghe thương xót ngậm ngùi! Bậc đại sỹ đau xót vì chúng sanh đau khổ. Khi chúng sanh hết khổ đau thì bậc đại sỹ mới hết đau xót. Đó là tấm lòng từ bi của Bồ Tát vậy…” (Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Đọc Thơ Tù Chữ Hán Của Thầy Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập III, tr.88).
Như vậy, nhờ hoạt động dịch thuật mà các dịch giả đã có cơ hội mở rộng thêm những tiếp nhận của mình đối với những ẩn ngữ trong thơ Tuệ Sỹ.
3.2.3. Tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ: Từ tiếp nhận đến sáng tác
Đặc điểm thứ ba trong tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ từ góc độ độc giả đó là, chính từ hoạt động tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ đã gợi lên cảm hứng sáng tác đối với các độc giả, và họ đã hạ bút đề có những sáng tác tiếp nối thi phẩm còn dang dở của Tuệ Sỹ hoặc viết nên những câu thơ về Thầy hoặc thơ ca Thầy.
Dưới đây là thống kê những sáng tác về Tuệ Sỹ hoặc thơ ca Thầy của các tác giả trong các tuyển tập mà bài tiểu luận đã tiến hành nghiên cứu.
Tác giả |
Sáng tác |
Tuyển tập |
1. Đinh Cường (họa sĩ) |
Chiều Tà Ngồi Ở Starbucks Coffee Một Mình Nhớ Thầy Tuệ Sỹ (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I). |
2. Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ |
Thiên Nhãn (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III) |
3. Nguyên Giác Phan Tấn Hải |
Tuệ Sỹ – Phạm Công Thiện (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
4. Hoài Khanh (nhà thơ) |
Tương Tư Đất (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập IV). |
5. Huy Tưởng (nhà thơ) |
Bất Ngờ Gặp Lại (Thơ) Tuệ Sỹ (Thơ) |
– Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). |
6. Bùi Giáng |
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ Trí Hải đa tàm trúc loạn ty (Bùi Giáng làm tiếp hai câu sau, hai câu đầu của Thầy Tuệ Sỹ) |
– Tuệ Sỹ Một Nguồn Thơ Việt Phi Phàm, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập I) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
7. Nguyên Siêu |
Năm Người tù vào cuộc lữ con người vào cõi phù hư, quanh quẩn đâu đây như là cát bụi chiêm bao, thông già quán trọ? người tù hóa thân vào cát bụi như Bồ Tát hóa thân làm hạnh độ sinh hạnh nguyện tư lương độ đời kham nhẫn Bồ Tát bước chân vào cuồng lưu giòng đời sinh tử hành trang là lãng du cát bụi đá mòn là nỗi lạnh sương khuya là chiêm bao gió lốc là đỉnh đá tóc huyền sương mai là hương tóc cũ là một kiêu hùng trao thân cho cát bụi người yêu cát bụi chẳng chung tình gửi nguyện ước cho muôn trùng trùng dương dậy sóng chỉ còn là tự tình để yêu đốm lửa đêm thâu gửi thân tạo dựng quê hương với nỗi hờn thiên thu khổ lụy cho một khoảng trống vắng mông mênh sau lưng, bụi đường khỏa lấp chôn chân mục nát rêu phong từ đó, thì thầm nghe phương trời nào là gác trọ. |
Trích trong – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập III). – “Tuệ Sỹ Đạo Sư” và Các Phương Trời Viễn Mộng, Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập I) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
8. Tâm Nhiên |
Những phương trời viễn mộng đi Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua Đọa đày một thuở ta bà Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng Ôi! Giấc mơ Trường Sơn rung Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ Kinh thiên động địa sững sờ Đâu chân diện mục của thơ với thiền? Mặc như lôi ngồi tịch nhiên Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm Những điệp khúc cho dương cầm Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm |
Trích Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng – Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập II). – Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng (Tập III) (Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher). |
9. Nguyễn Mạnh Trinh |
“nghe từ thiên cồ lời ru mênh mang bước vào cuộc Lữ mấy chuyến đò ngang. Tà dương có khóc Nắng ngả ánh vàng Mưa bay thoảng chốc Thiên địa hoang tàn Một người đọc thơ Nhìn trăng vừa khuyết Sinh tử đâu chờ Vòng quay nhật nguyệt Đi vào đất trích Quanh quẩn nhân gian Cho tròn vai kịch Giây phút muộn màng Phương trời viễn mộng Sẵn lúc chào đời Bốn bề gió lộng Người ơi, Thơ ơi!!” |
Trích Tuệ Sỹ Viễn Mộng Mấy Phương Trời – Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher). – Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập IV) |
Viên Linh |
Nhà Lý Văn Lang Công Uẩn ôi! Bao nhiêu thế kỷ đã qua rồi? Thăng Long rồng hiện xem bờ cõi Cửa mở Già Lam thả phượng chơi. Mỏng mảnh như mây gió thổi về Vén tầm vô hạn xuống bờ mê Gác chuông Trí, Tuệ kinh vừa giảng Dưới đáy trần gian quỷ kéo đi. Vẫn tiếng sông sầu róc rách trôi Bến Vàng lớp lớp mộng lôi thôi Vung tay Sỹ hận hề, tung sách Chữ nghĩa nghìn trang, Trí vá trời. (Viên Linh, Văn Học, số 35.12.1988 – tr18) |
Trích Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý (Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher) |
Tiểu kết
Từ những đặc điểm của tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ dưới góc độ độc giả, bài tiểu luận rút ra được một số kết luận và lý giải như sau:
Thứ nhất, sự tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ dưới góc độ độc giả vô cùng phong phú và đa dạng, mỗi độc giả lại có cho mình những tiếp nhận và kiến giải riêng.
Thứ hai, mặc dù mỗi cá thể độc giả có một tiếp nhận riêng, nhưng ta vẫn có thể tìm thấy giữa những tiếp nhận đó những điểm chung nhất định.
Vậy đâu là nguyên nhân của những biểu hiện Riêng – Chung trong tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ? Theo Mĩ học tiếp nhận, thì hạt nhân của sự khác biệt và tương đồng giữa các độc giả trong hoạt động tiếp nhận văn học là tầm đón nhận của người đọc. Tầm đón nhận được xem như là “tiền kết cấu” của tiếp nhận có vai trò định hướng cho sự lý giải của người đọc về tác phẩm. Từ lý thuyết về tầm đón nhận trong Mĩ học tiếp nhận, chúng ta có thể nhận thấy nội hàm khái niệm tầm đón nhận bao gồm một số điểm chính:
1. Thế giới quan, nhân sinh quan.
2. Tầm văn hóa (trình độ văn hóa, trình độ nhận thức và các phương diện của tri thức)
3. Tu dưỡng văn hóa nghệ thuật.
4. Tri thức về văn học, kinh nghiệm đọc văn học như tri thức về lịch sử văn học, loại hình văn học, ngôn ngữ, chủ đề, hình thức,… Diễn đạt như Culer đó là những “năng lực văn học”.
Tầm đón nhận chi phối hoạt động tiếp nhận văn học của người đọc ở cấp độ cá thể tiếp nhận, mỗi một độc giả lại có những nhân sinh quan; những trình độ nhận thức và văn hóa, các phương diện tri thức; những tu dưỡng văn hóa nghệ thuật và “năng lực văn học” tức là có những “tích tụ của văn hóa và của kinh nghiệm cá nhân” khác nhau nên có thể cùng một tác phẩm nhưng mỗi người lại có những cách hiểu rất khác nhau. Chính sự cá biệt trong tiếp nhận đó đã đưa đến những phong phú và độc đáo trong tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ, vậy nên ta mới thấy cùng là hình ảnh “tóc xa xưa” trong thơ Tuệ Sỹ nhưng dưới cái nhìn của Phạm Công Thiện và Viên Linh lại là hai “mái tóc” khác hẳn nhau. Thầy Thích Nguyên Siêu cũng đã nhận thấy những độc đáo, đa dạng trong việc tiếp nhận hình ảnh người tù trong thơ Tuệ Sỹ:
“Người Tù qua nét bút của các nhà nghệ sĩ tạo dựng nên nhiều hình ảnh đa dạng, cuồng nộ, phóng thể, lập chân tùy theo từng trường phái. Qua cái nhì của một triết gia thì nét bút thẳng và đứng, hiên ngang và vững mạnh như những cội thông già ngàn năm trên núi tuyết, hứng sương mai, nắng chiều và gió rừng vi vu, rì rào hát với thông những bài tình ca dân tộc, những thiên tình sử quê hương để tô thắm núi rừng, đồng bằng cỏ cây thêm xanh biếc.
Người Tù qua cái nhìn của một nhà thơ, một đại thi hào thì nét bút phóng thể, hưng phấn, phiêu diêu thơ mộng như áng mây vương bồng bềnh trên bầu trời thu, lang thang qua những đồi phong nhuộm màu quan san. Qua những đỉnh núi cao, mặt biển rộng vang rền tiếng sóng. Áng mây trời khi tan khi hợp, linh động nhiệm mầu, hóa thân vào cát bụi để làm cát bụi. Hóa thân vào cỏ nội hoa ngàn để làm bông hoa điểm xuyết đồng cỏ hoang, làm nhựa cây để nuôi cây sống, làm ánh nắng để sưởi ấm muôn loài. Nét vẽ lung linh ảo diệu, khi thực khi hư với nghệ thuật pha màu tuyệt hảo.
Người Tù qua cái nhìn của một nhà văn với nét bút tả chân gãy gọn, bình dị. Nét bút hài hòa, đằm thắm và tươi tắn, tạo nên dáng vẻ dung dị một Người Tù, giữa lớp người kiêu sa hãnh tiến.
Người Tù qua cái nhìn của một học giả thì nét bút trân kỳ, sang cả hiển lộ sự quý phái hiếm hoi, mà những người quyền quý cao sang, vọng tộc, các bậc vương hầu bá tước mới có trong tay. Đó là viên ngọc Kha Nguyệt, viên ngọc Trị Thủy, viên Như Ý Bảo Châu. Là khối kim cương lóng lánh, chặt đứt các vật thể khác. Nhà học giả biết quý trọng các viên ngọc đó. Viên ngọc ẩn mình trong tảng đá ngàn năm trên núi tuyết. Viên ngọc được tồn sinh dưới lòng đại dương sâu thẳm. Người thợ chạm ngọc biết được giá trị của viên bảo ngọc.” (Thích Nguyên Siêu, Người Tù Trong Kí Ức Thi Nhân, Tuệ Sỹ – Đạo Sư, Thơ, và Phương Trời Mộng tập II, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang, 2013, tr.118)
Tầm đón nhận cũng chi phối hoạt động tiếp nhận và lý giải tác phẩm của người đọc ở cấp độ cộng đồng tiếp nhận. Hoạt động tiếp nhận văn học không đơn thuần chỉ là sự tiếp nhận của một cá thể độc giả mà còn là một hiện tượng văn hóa xã hội. Bởi bất kì một độc giả nào cũng thuộc về ít nhất là một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia dân tộc,…Bên cạnh đó bất kì hoạt động đọc, tiếp nhận nào cũng đều nằm trong và đồng thời là một nhân tố quan trọng của một môi trường văn hóa xã hội. Nó có khả năng cải thiện và nâng cao trình độ thẩm mĩ, tố chất văn hóa và tri thức của một cộng đồng xã hội nhất định. Tiếp nhận văn học có quan hệ chặt chẽ với chỉnh thể văn hóa xã hội trên hai trục quan hệ là đồng đại và lịch đại. Về quan hệ đồng đại, cá thể và cộng đồng tiếp nhận văn học chịu sự chế ước của chỉnh thể văn hóa thời đại, nhưng đồng thời ở chiều ngược lại, cá thể và cộng đồng tiếp nhận cũng góp phần làm phong phú và phát triển thêm cho chỉnh thể văn hóa thời đại. Về quan hệ lịch đại, chỉnh thể văn hóa với tư cách là truyền thống văn hóa luôn quyết định và chế ước hoạt động tiếp nhận của cá thể và cộng đồng độc giả trong mỗi thời thời đại ở một mức độ nào đó.
Đặc điểm này của hoạt động tiếp nhận văn học đã lý giải cho những điểm Chung nhất định trong hoạt động tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ. Ta có thể thấy điển hình như đối với bộ phận độc giả là Tu sĩ Phật giáo và Phật Tử thì một điểm chung nổi bật là các vị thường đọc được ở thơ Tuệ Sỹ những tư tưởng và triết lý của đạo Phật. Bởi vì họ là những con người tu tập hằng ngày chốn Thiền môn, tiếp xúc chủ yếu với thế giới văn học Phật giáo với Giáo lý Phật Đà, bởi vậy cái nhìn của họ không giống với các cộng đồng độc giả khác, họ nhìn đời bằng con mắt của Đạo, của Trí Tuệ và Từ Bi, của Dũng Mãnh, của những đại hạnh nguyện cứu độ chúng sinh,…Còn đối với những độc giả là học giả, trí thức với lý tưởng đấu tranh chống bạo quyền và bất công xã hội thì những gì mà họ bắt gặp nơi thơ Tuệ Sỹ là tinh thần của của một kẻ sĩ giữa thời tao loạn,… Hoặc ta cũng có thể thấy rằng chính vì những khác biệt về chính trị, xã hội và ý thức hệ giữa hai miền Nam, Bắc trước năm 1975, nên thật khó để các độc giả ở miền Bắc Việt Nam tiếp nhận được Tuệ Sỹ ở thời điểm trước 1975. Một mặt nữa ta cũng có thể thấy là do sự chi phối của truyền thống văn hóa nên sự tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ của độc giả Việt Nam và nước ngoài cũng có những sự khác biệt. Nếu dịch giả người Pháp Dominique de Miscault có thể nhìn thấy ở thơ Tuệ Sỹ hình ảnh của một Châu Âu già cỗi, thì những độc giả phương Đông lại thấy nơi thơ Tuệ Sỹ một “cao cách điệu của Liệp Hộ” (Phạm Công Thiện), một Tô Đông Pha (Thích Phước An), một Đường thi, hay như Bùi Giáng “Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương” (Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 2020, tr. 294),…
Tiếp nhận văn học còn là một hoạt động giao lưu xã hội bao gồm sự giao lưu kinh nghiệm thẩm mĩ giữa nhà văn và người đọc; và sự giao lưu giữa các cá nhân và cộng đồng độc giả khác nhau. Điều này cũng góp phần lý giải cho đặc điểm “Tiếp nhận khơi mở tiếp nhận” trong phần tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ dưới hình thức phê bình văn học. Cũng chính nhờ tính chất giao lưu này trong hoạt động tiếp nhận văn học, khi người đọc sẽ thông qua một trung gian xã hội để tiếp cận và đọc được tác phẩm, mà thơ văn Tuệ Sỹ đang ngày càng được phổ biến rộng rãi bởi đông đảo các cộng đồng độc giả ở cả hải ngoại và trong nước. Những độc giả tâm huyết của thơ ca Tuệ Sỹ luôn ý thức được tầm quan trọng và giá trị của việc phổ biến các tác phẩm của Thầy, đó cũng chính là một lý do khiến trong mười năm gần đây những sáng tác của Tuệ Sỹ và những tuyển tập bài viết về con người và thơ văn của Thầy liên tục được xuất bản và tái bản.
Các khía cạnh nữa của tiếp nhận văn học là vấn đề khuyên văn hóa và cộng đồng độc giả; đồng thời vấn đề về văn học tinh anh, đặc tuyển và văn học đại chúng, cũng có liên quan đến sự tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ. Khuyên văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng là chỉ những người giống nhau về sinh thái nhân văn, xã hội, hứng thú, giáo dục,…và được phân thành ba mức độ: cao, trung, thấp) là một tiêu chí để phân chia cộng đồng người đọc, dựa vào đó chúng ta có thể thấy độc giả thơ Tuệ Sỹ có thể chia thành ba loại hình chính: thứ nhất, nhóm độc giả là các tu sĩ Phật Giáo; thứ hai, nhóm độc giả là các học giả, trí thức, văn nghệ sĩ; thứ ba, nhóm độc giả là các Phật Tử cư sĩ. Họ đều là những cộng đồng có điểm chung nhất định về quê hương, dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa, nhận thức, lý tưởng, niềm tin, hạnh nguyện,… Như vậy, có thể thấy độc giả của thơ Tuệ Sỹ phần lớn đều thuộc các cộng đồng có khuyên văn hóa cao hoặc trung bình. Việc cộng đồng độc giả thơ Tuệ Sỹ đa phần là những cộng đồng có khuyên văn hóa cao, một phần cũng bởi những sáng tác của Tuệ Sỹ đều là những sáng tác tinh anh và đặc tuyển, buộc người đọc phải có một độ vững vàng nhất định trong tầm đón nhận thì mới có thể hiểu được ở mức cơ bản, còn để tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ một cách thực sự sâu sắc thì yêu cầu người đọc phải có một tầm đón nhận tương đối cao.
Trên đây, người viết đã sử dụng một số nét chính trong lý thuyết về người đọc và sự tiếp nhận để nhằm lý giải một số đặc điểm chính trong tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ từ góc độ độc giả. Qua đó, có thể thấy được rằng thơ văn Tuệ Sỹ có thể tồn tại đến ngày hôm nay mà không bị biến mất, một phần quan trọng là nhờ có những cộng đồng độc giả hết sức nhiệt thành và tâm huyết luôn ý thức được tầm quan trọng, giá trị và ý nghĩa của việc tiếp nhận, giữ gìn và phổ biến văn học Tuệ Sỹ. Chính sức sống bền bỉ trong lòng người đọc đã chứng tỏ những tác phẩm thơ văn của Tuệ Sỹ thực sự có giá trị và ý nghĩa đối với độc giả tiếp nhận, với cuộc lữ nhân sinh, với Sử mệnh và Tính mệnh của Quê hương và Dân tộc Việt Nam.
[3] Phần in đậm do người viết nhấn mạnh.
[4] Phần in nghiêng và in đậm theo đúng bản gôc của tác giả.
[5] In nghiêng theo đúng bản gốc của tác giả.
_______
Phần trước: Chương 2: Lịch sử tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ nhìn từ trục thời gian lịch sử
Phần tiếp theo: C. KẾT LUẬN