Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, và Trần Nhân Tông là ba nhân vật Phật Giáo sáng chói của triều đại nhà Trần. Mặc dù duy chỉ Trần Nhân Tông thực thụ là Tông sư của môn phái Thiền, nhưng tinh thần của môn phái này đã từng được thể hiện nơi cả Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đời sống của ba vị ấy, sở học cũng như sở hành và sở đắc của họ, đều không chỉ kết tinh yếu chỉ Phật học một thời. Nơi họ, chúng ta có thể tìm thấy những nét chính, những điểm sáng tạo và sáng giá nhất của Thiền học Trúc Lâm Yên Tử. Tiết này dành nói riêng những nét chính đó.
I. CƯ TRẦN LẠC ĐẠO
Cư trần lạc đạo nguyên là một bài phú của Trần Nhân Tông, gồm 10 hồi, được viết bằng chữ Nôm, và được ấn hành trong TTBH. Bài phú này cho ta biết nhân sinh quan của vị khai tổ Thiền Trúc Lâm. Cái nhân sinh quan đó cũng có thể tìm thấy nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Bài phú “Cư trần lạc đạo” được kết thúc bằng một bài thơ Hán nói về yếu chỉ của Thiền tông tuyệt cú như sau:
居塵樂道且隨緣 Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
饑則餐兮困則眠 Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
家中有寶休尋觅 Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
對境無心莫問禪 Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Giữa trời, vui đạo, cứ tùy duyên
Đói ăn, nhọc ngủ, có chi phiền?
Trong nhà của quý, tìm đâu nữa,
Đối cảnh, lòng không, lọ phải Thiền.
Cũng phong thái tương tợ, chúng ta thấy nơi Tuệ Trung Thượng Sĩ, với “Phóng cuồng ca”:
饑則餐兮和羅飯 Cơ tắc xan hề hòa-la phạn
困則眠兮何有鄉 Khốn tắc miên hề hà hữu hương.
Lúc đói thì xơi bát cơm hòa-la
Lúc nhọc thì ngủ ở chốn không đâu.
Yếu chỉ “Cư trần lạc đạo” muốn nói rằng, ngay giữa cõi đời náo nhiệt mà vẫn có thể hưởng được cái thú thanh tao của Thiền. Rõ ràng, đó là một nhân sinh quan phóng khoáng của những con người vô cầu, vô trước, mà vẫn “nặng tình non nước”. Vì vậy, hồi thứ nhất của bài phú cư trần lạc đạo đã mở đầu rằng:
𨉟𫮋城市 Mình ngồi thành thị,
湼用山林 Nết dụng sơn lâm
𨷈業𣼽安閑体性 Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tánh
姅𣈗耒自在身心 Nửa ngày rỗi, tự tại thân tâm.
Trong đạo lý của Thiền, một khi tâm và cảnh cùng tương giao tương ứng, không cốc truyền thanh, thì mọi hành vi đều là đạo. Mà cảnh của Thiền thì lúc nào cũng “Mù tỏa Lô Sơn khói Chiết giang” cho nên tâm của Thiền cũng luôn luôn tương ứng với “Mù tỏa Lô Sơn khói Chiết giang”, như nhà thơ Tô Đông Pha đã mô tả:
蘆山煙鎖浙江潮 Lô Sơn yên tỏa Chiết giang triều
未到生平恨不消 Vị đáo sinh bình hận bất tiêu
到得還來無別事 Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
蘆山煙鎖浙江潮 Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều.
Hoặc giả, cũng có thể nói ngược lại, rằng một khi tâm Thiền là biển cả trầm lặng bao la, thì cảnh Thiền cũng là cả một bầu trời trăng sao tương ứng. Như bài thơ tuyệt cú của Trần Nhân Tông, kết thúc cho bài ca “Đắc thú lâm thuyền thành đạo”:
境寂安居自在心 Cảnh tịch an cư tự tại tâm
涼風吹遞入松陰 Lương phong xuy đệ nhập tùng âm
禪床樹下一經卷 Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển
兩字清閑勝萬金 Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm (kim)
Cảnh tĩnh, khi tâm an nhiên tự tại, hay ngược lại, tâm an nhiên tự tại khi khám phá ra rằng cảnh luôn luôn vẫn tĩnh như thế. Rồi từ tâm ấy phát hiện ra, ứng với ngọn gió trong mát thổi vào hàng tùng. Và Thiền sư kết Thiền sàng ngồi dưới gốc cây, cùng với một quyển kinh. Đó là lúc hai chữ «thanh nhàn» đi về lồng lộng cao quý hơn cả mọi thứ sang trọng trần gian.
Nhưng chúng ta đừng tưởng với nhân sinh quan đó, Thiền sư là một kẻ theo chủ nghĩa hưởng lạc, phóng túng hình hài theo thú vui. Thiền luôn luôn vẫn có sự câu thúc. Một sự câu thúc tự nhiên nghĩa là:
转三毒買证三身 Chuyển tam độc mới chứng tam thân
断六根𢧚除六贼 Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
(Cư trần lạc đạo phú, hồi thứ 4)
Và như vậy, thú vui của Thiền chỉ có, một khi:
貪愛源停庄群𢖵珠腰玉貴
是非㗂朗特油𦖑燕说鶯吟
制渃碧隱𡽫撐人間固𡗉𠊛得意
別桃紅𫨩柳綠天下能某主知音
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý,
Thị phi tiếng lặng, được dù nghe én thuyết oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý,
Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mổ chủ tri âm
(Cư trần lạc đạo phú, hồi thứ nhất)
Nhân sinh quan Cư trần lạc đạo của Thiền Trúc Lâm được kết tinh nơi Huyền Quang Tôn giả, một nhà thơ lãng mạn của cửa Thiền, được chân truyền làm Tổ thứ ba của Trúc Lâm Yên Tử. Nơi Huyền Quang, chúng ta có thể thấy tình tự lãng mạn của Thiền được phát hiện trong cảnh chùa vắng, chuông khuya, lẫn trong tiếng quạ kêu và trăng lạnh:
上方秋夜一終闌 Thượng phương thu dạ nhất chung lan
月色如波風樹丹 Nguyệt sắc như ba phong thụ đan
鴟吻倒眠方鏡冷 Si vẫn đảo miên phương kính lãnh
塔光雙峙玉尖寒 Tháp quang song trỉ ngọc tiêm hàn
萬緣不擾城遮俗 Vạn duyên bất nhiễu thành già tục
半點無憂眼放寬 Bán điểm vô ưu nhãn phóng khoan
參透是非平等相 Tham thấu thị phi bình đẳng tướng
魔宮佛國好生觀 Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.
Trần Tuấn Khải dịch:
Đêm thu chùa đổ tiếng chuông khuya
Sóng tựa màu trăng, phong đỏ lòe
Chiếc quạ ngủ say gương lạnh ngắt
Đôi hàng tháp đứng ngọn tròn xoe
Bức thành ngăn tục duyên không vướng
Tầm mắt buông xa dạ chẳng hề
Bình đẳng thị phi đà thấu rõ
Cung ma nước Phật khác nhau chi?
Thiền đến chỗ đó là mất hết biên giới trần và đạo. Cả hai là một cuộc đời toàn diện. Khi làm vua, khi làm tướng hay khi làm Thiền sư, mọi hoạt động đều là sự phát động tự nhiên của đời sống toàn diện kia. (…)
Đinh Quang Mỹ (2017),
trích “TIẾT HAI: NHỮNG NÉT CHÍNH TRONG TƯ TƯỞNG TRÚC LÂM”, THIỀN TRÚC LÂM YÊN TỬ – TƯ TƯỞNG TRIẾT LÝ,
in trong Hương Tích – Phật Học Luận Tập 3/2017.