Lễ Tháng Bảy cho những Oan Hồn phiêu bạt

Tuệ Sỹ Văn Tuyển
Link sách:
Tập 1 l Tập 2 l Tập 3

Tục truyền tháng bảy mưa ngâu.

Trong các sinh hoạt nhân gian của truyền thống ta, tháng bảy là tháng đượm nhiều sắc thái văn chương nhất. Tháng bảy, mưa ngâu, nhịp cầu Ô Thước bắc qua giải Ngân Hà; hai tâm hồn lẻ loi cô độc, hằng đêm tư lự trong nỗi sầu ly biệt thiên thu giữa bầu trời cao rộng, chọn mùa mưa sụt sùi để gặp nhau, chỉ trong một thoáng chốc, rồi đời cũng như con nước trôi xuôi… Đây đó, giữa những cụm rừng khuya u tịch, vẫn còn có những Oan Hồn cô độc, lần mò tìm lại nẻo sống của một thời xa xưa. Kẻ chết và người sống, khéo hẹn nhau để chu tất những món nợ ân tình đã từng chôn sâu dưới lòng đất. Khi đêm càng về khuya, âm hưởng trầm buồn của người sống phảng phất trong lễ Cúng Thí Cô Hồn chen lẫn với tiếng trùng nỉ non, thì tình tự của kẻ sống và người chết càng nghe ra khúc điệu tha thiết vô cùng:

Dấu người thập loại biết là đâu
Hồn phách mơ màng trải mấy thu
Cồn biển nghinh ngang bầu thế giới
Những mồ vô chủ thấy mà đau![1]

Trong các lễ cúng thí cô hồn, Trai Đàn Chẩn Tế được tổ chức quy mô nhất. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật Giáo Đại Thừa Mật Tông được gói trọn vào đây.

I.

Về hình thức, trai đàn này dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo. Tức bố trí theo một hình thức đơn giản của mạn-đà-la (maṇḍala)[2]. Đó là một vòng tròn, được tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn, và vòng tròn này là căn bản vũ trụ luận của Mật giáo. Thông thường, có hai bộ mạn-đà-la. Kim Cang Giới Mạn-đà-la (vajradhātu-maṇḍala) biểu tượng cho trí tuệ sở chứng của Phật. Thai Tạng Giới Mạn-đà-la (garbhadhātu-maṇḍala) biểu tượng cho phương tiện độ sinh của Ngài[3]. Mỗi mạn-đà-la đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Đại Thừa giáo. Chủ điểm đáng ghi nhớ nhất, đại lược như sau.

Trước hết, chúng ta nên biết rằng theo quan điểm truyền thống của Phật Giáo, vũ trụ gồm hai thành phần. Một đằng là nhân cách, tức lấy con người hay các loài hữu tình làm bản vị, mà trên hết, lấy nhân cách của Phật làm biểu hiệu cho bản thể tuyệt đối. Đằng khác nữa, là thế giới của nhân cách, là những pháp sở chứng và thọ dụng bất khả tư nghị của Phật. Nhân cách có năm yếu tố, gọi là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng tập họp thành một bản ngã giả tưởng nên được gọi là uẩn. Thế giới của nhân cách được cấu tạo bởi năm yếu tố, gọi là năm đại[4]: địa, thủy, hỏa, phong và không.

Trên cơ sở giáo nghĩa này, trước hết mạn-đà-la của Kim Cang Giới được thiết lập để biểu hiện trí tuệ sở chứng của Phật. Kim cang là loại chất rắn không bị bất cứ gì hủy hoại được. Do đó kim cang được vận dụng như một khái niệm cụ thể hóa yếu tính tồn tại của Phật thân, gọi là Kim Cang Bất Hoại Thân (vajrasaṃhatanakāya). Thân ấy, cũng như thân của tất cả mọi loài chúng sinh, đều do năm uẩn, và năm đại cấu thành. Nhưng tồn tại của Phật thân không khác biệt với hoạt dụng của Phật trí. Do đó, năm đại tương ứng với năm trí (pañca jñānāni). Và nhân cách của Phật, như là chỉnh thể thống nhất của tồn tại và nhận thức, được biểu hiện thành năm đức Như Lai tương ứng, tức là Ngũ Trí Như Lai, hay năm vị Thiền Phật (pañca dhyānibuddhāḥ).

Kim Cang Giới Mạn-đà-la thuyết minh hoạt dụng của trí tuệ sai biệt trong lý tính không sai biệt, do đó Ngũ Trí Như Lai là trọng tâm của mạn-đà-la này. Hình dạng cơ bản là một hình tròn, gọi là nguyệt luân (candra-maṇḍala). Bên trong hình tròn này thiết lập các biểu tượng của năm vị Như Lai. Chính giữa là vị trí đức Đại Tỳ-lô-giá-na, hay Đại Nhật Như Lai (MahāVairocana-Tathāgata). Đó là Pháp Thân Phật (DharmakāyaBuddha), như mặt trời bủa rộng ánh sáng bình đẳng và bao dung cùng khắp cả vũ trụ. Trong năm đại, Ngài biểu tượng cho Không Đại (ākāśadhātu), và bản chất của hư không là bao dung. Trong năm uẩn, Ngài là biểu tượng của Thức Uẩn (vijñāna-skandha). Trong năm loại trí, Ngài biểu tượng cho Pháp Giới Thể Tánh Trí (dharma-dhātu-svabhāva-jñāna).

Bốn phương chung quanh Đại Nhật Như Lai là vị trí của bốn đức Như Lai, theo thứ tự từ Đông qua Nam cho đến Bắc như sau:

A-Súc-Bệ Phật (Akṣobhya), hay Bất Động Như Lai với các biểu tượng: Phong Đại (vāyu-dhātu), nhờ đó mà vũ trụ có vận động; Hành Uẩn (saṃskāra-skandha), động cơ tạo tác của các loại hữu tình; Đại Viên Cảnh Trí (ādarśa-jñāna), như tấm gương tròn bao la và ngời sáng phản chiếu mọi hiện tượng sinh thành và hủy diệt của thế giới.

Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava) với các biểu tượng: Hỏa Đại (tejo-dhātu), khả năng làm chín muồi để đưa đến chỗ thành tựu các vận động của chúng sinh và thế giới; Tưởng Uẩn (saưjñā-skandha), khả năng truy ức quá khứ và ước vọng tương lai để thúc đẩy sự tiến hành sinh hóa; Bình Đẳng Tánh Trí (samatā-jñāna), khả năng quan sát bình đẳng các pháp không bị ràng buộc ngã và pháp.

A-di-đà Phật (Amitabhā): Thủy Đại (ab-dhātu), khả năng kết hợp các pháp để tác thành duyên sinh hay duyên khởi; Thọ Uẩn (vedana-skandha), khả năng hưởng thụ thành quả của các vận động; Diệu Quán Sát Trí (pratyavekśaṇā-jñāna), nhìn thấy rõ chân tướng của vạn hữu của tác dụng sinh khởi, tồn tại và hủy diệt.

Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi): Địa Đại (pṛthivī-dhātu), khả năng duy trì sự tồn tại của vũ trụ; Sắc Uẩn (rūpa-skandha), tác thành thế giới hữu tình; Thành Sở Tác Trí (kṛtyānuṣṭhāna-jñāna), thể hiện các phương tiện giáo hóa chúng sinh.

Mỗi đức Như Lai đều có bốn Bồ-tát thân cận. Tất cả là mười sáu Đại Bồ-tát. Ngoài ra, nội đàn có bốn cúng và ngoại đàn bốn cúng; tất cả tám cúng dường Bồ-tát. Cùng với bốn Nhiếp Bồ-tát nữa. Cơ bản, Kim Cang Giới Mạn-đà-la có tất cả ba mươi bảy tôn vị.

Thai Tạng Giới biểu hiện Đại Bi Tâm của Phật, từ đó lưu xuất tất cả các phương tiện độ sinh. Từ Thai Tạng Giới, vạn pháp được thai nghén và dưỡng dục, cho đến thành tựu các phẩm chất siêu việt của Đại Trí và Đại Bi. Do đó, đàn tràng của Thai Tạng Giới được hình dung là một đóa sen có tám cánh. Đóa sen tám cánh này chính là hình ảnh trái tim bằng thịt của chúng sinh. Đại Bi Tâm không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là sự rung động của trái tim bằng thịt ấy. Hoa sen, theo ý nghĩa nhân quả đồng thời, nghĩa là khi chúng sinh vừa phát tâm Bồ-đề, ngay lúc ấy Phật quả đã được thành tựu. Bởi vì, trong thể tính tuyệt đối, ý niệm về thời gian và không gian không tồn tại. Từ ý nghĩa đó, tám cánh sen gồm bốn Đại Bồ-tát, và bốn đức Như Lai, biểu hiện nhân cách của nhân và quả; tất cả đều phát xuất từ thể tính của Đại Nhật Như Lai vốn là đài sen, ở trung tâm của mạn-đà-la.

Bốn đức Như Lai, theo thứ tự từ Đông qua Bắc như sau:

Phương Đông, Bảo Tràng Phật (Ratnaketu). Ngài là hình ảnh của Bồ-đề Tâm (bodhicitta). Bảo tràng làm tiêu xí cho sự phát Bồ-đề tâm. Dưới cội bồ-đề, Như Lai đã dương cao tiêu xí này mà đánh bại binh chúng Ma, thành tựu Vô Thượng Chánh Giác.

Phương Nam, Khai Phu Hoa Vương Như Lai (Kusumita-rāja), an trụ trong Ly Cấu Tam-muội (vimala-samādhi), bằng hạt giống Bồ-đề tâm mà vun trồng và phát triển thành vô số hành động của đại bi, như đóa hoa nở rộ.

Phương Tây, Vô Lượng Thọ Như Lai (Amitayus), biểu hiện Báo Thân hay Thọ Dụng Thân của Phật (Sambhoga-kāya), kết quả của vô số công đức tu tập, với hình ảnh hoa sen hàm tiếu.

Phương Bắc, Thiên Cổ Lôi Âm Phật (Divyadundubhi), biểu hiệu phẩm tính của Niết-bàn; được ví dụ như chiếc trống trời, vốn không hình tướng nhưng âm vang rền xa. Đó là pháp âm của Như Lai được công bố.

Ở bốn phương góc là bốn Đại Bồ-tát. Phương Đông Nam, Phổ Hiền Bồ-tát (Samantabhadra). Đông Bắc, Quán Tự Tại Bồ-tát (Avalokiteśvara). Tây Nam, Diệu Cát Tường Đồng Tử (Mañjuśrì-kumàra). Tây Bắc, Từ Thị Bồ-tát (Maitreya).

Chung quanh trung đài bát diệp viện gồm bốn lớp, mỗi lớp có bốn viện. Mỗi viện biểu thị một phương diện độ sinh của Phật.

Cả hai bộ mạn-đà-la cũng có thể tượng trưng như hai bàn tay. Bàn tay mặt là Kim Cang Giới. Từ ngón út cho tới ngón cái, theo thứ tự: Về năm uẩn, ngón út là sắc uẩn, và lần lượt là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Về năm đại, năm loại trí, và năm vị Như Lai cũng theo thứ tự tương xứng đó. Về các ba-la-mật, tính từ ngón út: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn cho đến ngón cái là thiền định ba-la-mật.

Bàn tay trái là Thai Tạng Giới; cũng tính từ ngón út cho đến ngón cái theo thứ tự, với năm đại, năm uẩn, v.v… như bàn tay mặt. Về các ba-la-mật: huệ, phương tiện, nguyện, lực và trí.

Như vậy, khi hai bàn tay hiệp lại, trọn vẹn cả Bi và Trí của Phật. Đàn tràng chẩn tế được bố trí dựa trên căn bản vũ trụ luận khái lược, với một ít thay đổi. Đơn giản mà nói, đàn tràng được bố trí như là thâu gọn thế giới vũ trụ thành một thực tế hiện hữu cụ thể trước mắt. Lời chú trong Du Già Tập Yếu của Bất Không Tam Tạng[5], dưới đoạn nói về kết ấn hiện đàn (ấn kết theo thế Kim Cang Quyền, mười ngón tay móc tréo vào) có ghi; “Đặt ấn này trước mình, tức khắc cả hư không giới đều trở thành đại mạn-đà-la.”[6]

Mục đích của sự bố trí này là cốt khai triển năng lực gia trì hổ trợ của Phật (adhiṣṭhānādhiṣṭhita). Mật giáo nói: Phật thể hiện phương tiện độ sinh của Ngài bằng vào uy lực gia trì. Gia trì về ba phương diện, mà thuật ngữ gọi là “Tam Mật Du-già”, tương xứng theo ba hành nghiệp của một chúng sinh: thân, miệng và ý. Sự gia trì, tức uy lực hỗ trợ của Phật, được thể hiện nơi thân của một chúng sinh qua các tư thế ngồi và các thủ ấn, nghĩa là các ngón tay của hai bàn tay giao nhau trong một tư thế nào đó đã quy định. Gia trì nơi miệng được thể hiện qua sự tụng niệm các chân ngôn. Ý mật gia trì nhờ sự quán tưởng về hình tướng Phật hay các văn tự theo lối viết Brahmī mà trong Phật Giáo gọi là tự mẫu Tất-đàm (siddhaṃ).

II.

Sau khi thiết trí đúng pháp Đàn Tràng Mạn-đà-la, và thể hiện đầy đủ Tam Mật Du-già, người chủ trì, gọi là Gia Trì Sư, được coi như hóa thân của Phật, thay Ngài thuyết giới cho chúng hữu tình. Bài thỉnh sư do sư thị giả hay người trợ lễ đọc trước khi đăng đàn chẩn tế, nói:

寶 座 高 高 無 礙  Bảo tọa cao cao vô ngại
上 有 天 垂 寶 蓋  Thượng hữu thiên thùy bảo cái
請 師 那 步 登 亶  Thỉnh sư na bộ đăng đàn
代 為 孤 魂 說 戒  Đại vị cô hồn thuyết giới.

(Bảo tọa cao vời không ngại, trên có trời giăng lọng báu. Thỉnh Sư dời bước lên đài, vì cô hồn mà thuyết giới).

Sư Gia Trì đứng dưới đàn đáp:

圓 明 一 點 本 非 空  Viên minh nhất điểm bổn phi không
了 證 無 為 向 上 宗  Liễu chứng vô vi hướng thượng tông
三 世 諸 佛 哪 一 步  Tam thế chư Phật na nhất bộ
權 留 寶 座 即 吾 登  Quyền lưu bảo tọa tức ngô đăng.

(Một điểm ngời sáng, tròn đầy, vốn không phải là không hư. Từ đó mà hoàn toàn chứng nhập vô vi, là tông chỉ siêu việt. Ba đời chư Phật không hề đến hay đi. Nhưng tôi sẽ bước lên bảo tọa được lưu lại nơi đây bằng phương tiện quyền xảo).

Đó là xác nhận bản thân và bản nguyện của Phật, rồi xác nhận sự tin tưởng về Tam Mật Gia Trì nơi mình. Sự xác nhận này là một phát biểu về tư tưởng triết lý của Đại Thừa, không phải riêng của Mật giáo. Bản tánh của các pháp là Tánh Không, vì do tương quan mà hiện khởi. Nhưng có hiện khởi tức không thuần là không hư. Cho nên hiệu là Như Lai, đúng như bản tánh của Pháp mà đến và cũng như các pháp mà đi. Trong tuyệt đối, Như Lai không đi cũng không đến. Vậy, bảo tòa cao vọi kia phía trên có chư thiên trương dù lọng ra che, là sự hóa hiện từ phương tiện đại bi tâm, Phật của Phật, cũng bằng vào đại bi tâm đó, Gia Trì Sư sẽ bước lên bảo tọa vốn thiết trí dành cho ngài.

Sau khi bước lên bảo tọa, phần nghi lể mở đầu có bài tán khởi, nói:

會 起 蒙 山 最 勝 緣  Hội khởi Mông Sơn tối thắng duyên
覺  皇  垂  範  利  人 Giác Hoàng thùy phạm lợi nhân thiên
經 宣 祕 典 超 塗 炭  Kinh tuyên bí điển siêu đồ thán
教 演 真 乘 救 倒 懸  Giáo diễn chân thừa cứu đảo huyền
難 陀 尊 者 因 習 定  Nan-đà Tôn Giả nhân tập định
救 苦 觀 音 示 面 燃  Cứu khổ Quan Âm thị Diện Nhiên
興 慈 濟 物 真 三 昧  Hưng từ tế vật chân tam muội
感 果 叨 恩 萬 古 傳  Cảm quả thao ân vạn cổ truyền.

(Do nhân duyên đặc biệt mà Hội Mông Sơn được tổ chức. Đức Giác hoàng đã chỉ dạy một nghi thức làm lợi ích cho cả chư thiên và loài người. Lời kinh nêu rõ pháp điển bí mật có khả năng siêu hóa từ chốn lầm than. Giáo thuyết diễn rộng ba thừa để cứu vớt khổ đau bị treo ngược. Tôn Giả Nan-đà nhân bởi lúc tập định; lúc đó Bồ-tát Quan Âm, vì để cứu khổ, nên hiện thân làm Quỷ Diện Nhiên (quỷ mặt lửa). Từ đó, nêu cao đức từ bi, cứu tế vật loại, là tam-muội chân thật. Quả được chiêu cảm, ân được ban cho, lưu truyền vạn cổ).

Hội khởi mông sơn chỉ cho khoa nghi chẩn tế được tập thành bởi ngài Mông Sơn. Nhưng khởi thủy vốn là do bi nguyện của đức Giác Hoàng, tức Phật. Ngài đã phương tiện thiết lập nghi thức này là làm lợi ích cho các cõi trời và người.

Khoa nghi thí thực này được truyền sang Trung Hoa từ đời Đường do Bất Không Tam Tạng, một truyền nhân của Mật giáo. Gọi đủ là Bất Không Kim Cang, tên dịch từ tiếng Phạn là Amoghavajra, người Bắc Ấn, thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Trong số những kinh điển và khoa nghi của Mật giáo do ngài dịch, các tác phẩm liên hệ khoa thí thực cô hồn gồm có: Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà-la-ni kinh[7], Thí ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp[8], Du-già tập yếu cứu A-nan đà-la-ni Diệm khẩu quỷ nghi kinh[9] và Du-già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi[10].

Trong hai tác phẩm, Diệm khẩu kinh nói về nguyên nhân Phật dạy phép thí thực cô hồn. Bởi vì, vào một lúc nọ, giữa đêm khuya, ngài A-nan trong khi đang ngồi tu tịnh tại chỗ vắng, bỗng thấy một con quỷ gọi là Diệm Khẩu, miệng đỏ rực như lửa, thân hình quái dị ghê gớm, bảo A-nan ba ngày nữa ngài sẽ chết. A-nan nghe nói hoảng hồn, sáng hôm sau chạy tìm Phật hỏi phương tiện. Phật mới dạy phương pháp thí ngạ quỷ. Trước hết, phải theo một bậc thầy, mà Mật giáo gọi là A-xà-lê (ācāriya), đã chứng đến chỗ Du-già Thậm Thâm Tam Muội mà thọ pháp, học pháp Vô Thượng Đại Bồ-đề Tâm, thọ Tam Muội Giới, nhập Đại Mạn-đà-la, chịu phép Quán Đảnh (tức phép truyền đạo bằng cách rưới nước lên đầu). Đàn tràng thì thiết trí theo Tam-muội-da Mạn-đa-la (samaya-maṇḍala). Ở đây, Đại Mạn-đa-la là tổng thể của các mạn-đà-la khác, an trí hình vẽ các Bổn Tôn Du-già với các biểu hiệu cầm tay và thủ ấn, mỗi vị theo một dấu hiệu riêng nói lên bản thệ độ sinh của Ngài; chữ tam-muội-da (samaya) nơi đây có nghĩa là bản thệ.

Về quyển Du già Tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, đoạn đầu có phần giới thiệu gốc tích, đại khái giống như Diệm khẩu kinh. Trong khoa nghi này, không nói cách bố trí đàn tràng nữa, mà chỉ trình bày các thủ ấn… các mật chú và các nghi thức tụng niệm. Đầu tiên là nghi thức sái tịnh đàn tràng, mặc niệm chú Đại luân minh vương và thủ ấn. Kế đó, thỉnh thập phương vô tận Tam bảo, Kim cang mật tích, Vệ pháp thần vương, vân vân, với thủ ấn “hiện đàn”. Mỗi phần về sau cũng đều có thủ ấn và mật chú như vậy. Phần cuối hết là văn tế thập loại cô hồn[11], phần này không có thủ ấn.

Trong một bài tựa cho Du già diệm khẩu thí thực yếu tập, Bảo Hoa viết dưới thời vua Khang Hy, có dẫn sự lưu hành của khoa nghi này, nói rằng, nghi quỹ mà A-xà-lê Bất Không truyền, ngài Hải Thượng cho là quá đơn giản, nên soạn thêm. Về sau, ngài Thiên Cơ lại bớt đi những chỗ rườm rà, cho đến ngài Vân Thê hiệu đính lại lần nữa. Như vậy, sở dĩ không để quá đơn giản là muốn cho sự thực hành có vẻ long trọng. Nhưng cũng không quá rườm rà, bởi vì thời gian cúng thí không được kéo dài quá giờ hợi; vào giờ này, quỷ thần không ăn uống gì được nữa.

Tại Việt Nam, không rõ khoa nghi này được truyền vào lúc nào và do ai[12]. Nhưng gần đây cũng có ít nhất ba diễn Nôm về phần văn thỉnh thập loại, dịch từ nguyên văn chữ Hán. Bản diễn Nôm được lưu hành nhất là của Hòa Thượng Bích Liên, suốt từ Nha Trang cho tới Bình Định, ai cũng coi bản Nôm này là hay nhất.

III.

Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọn đường đê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm
(Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh)

Vào những năm đầu thập niên 70, do chiến tranh gây ra nhiều cảnh chết chóc hãi hùng, khoa nghi chẩn tế được thực hiện rất nhiều, nhất là tại Huế. Hầu như tháng nào ở đây cũng có ít nhất một đàn.

Sống lưng chừng giữa cái sống và cái chết, người sống đã không thể nói được những uất hận chính mình, thì mượn ẩn tình tha thiết của người chết mà nói thay:

Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu.
(Nguyễn Du, sđd.)

Nếu gác qua tính chất tôn giáo, cùng nền tảng triết lý của nó, khoa nghi chẩn tế được đem ra thực hiện ở nhân gian, một cách nào đó, là những tiếng than ai oán, và uất ức, của những con người cô khổ, sống kiếp lưu linh đày đọa. Tác dụng văn chương của nó có thể thấy rõ qua kiệt tác Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du.

Nghi thức thực hành vẫn y nguyên chữ Hán[13], người không học chữ Hán tất nhiên không thưởng thức được khí vị văn chương trong đó. Tuy nhiên, khi đến đoạn thỉnh thập loại chúng sinh, bấy giờ thường gần khoảng giữa khuya tỉnh mịch, điệu thỉnh theo giọng ai của các kinh sư, mỗi người thay nhau đọc một đoạn, thì dù không hiểu lời văn, nhưng giọng văn vẫn có tác dụng truyền cảm đặc biệt. Cho nên, khi thiết lễ Chẩn Tế, không những người ta chỉ thỏa mãn một khía cạnh tín ngưỡng tôn giáo nào đó, mà còn là bị lôi cuốn bởi sức tác dụng văn chương và nghệ thuật qua giọng điệu thành khẩn thiết tha của nó.

Người nghe mà hiểu, thì có thể thấy cái đặc vị văn chương của nó là không lấy người sống làm đối tượng. Tình tự nồng nàn được phát tiết như là những tiếng ngậm hờn thiên cổ, sống không nói được, chết chôn vùi theo cát bụi. Văn chương điêu luyện và tao nhã[14], ý tứ thì thâm trầm mà nhiều ray rức. Người sống mà nghe được thì cũng có thể nghe ra một nỗi đời hư huyễn nào đó. Giấc mộng công hầu khanh tướng hay khát vọng trường sanh muốn đem sắc thân tứ đại giả hợp này mà vượt thoát ra ngoài cõi trần hoàn, tất cả rốt cuộc đều trở thành những nỗi oan khuất bị nhận chìm xuống đáy biển.

Dưới đây trích đoạn thỉnh:

Nào những kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những làm cất gánh non sông

(Nguyễn Du, sđd.)

Đó là lời thỉnh những oan hồn lúc sống lăm le giấc mộng bá vương. Văn thỉnh chữ Hán nói:

(Sư Gia Trì đọc, giọng ai):

Lụy triều đế chúa, lịch đại hầu vương; cửu trùng điện khuyết cao cư, vạn lý sơn hà độc cứ.

累 朝 帝 主 歷 代 侯 王 九 重 殿 闕 高 居 萬 里 山 河 獨 踞

(Một Kinh Sư bạch, cũng giọng ai):

Tây lai chiến hạm, thiên niên vượng khí nga thâu; bắc khứ loan dư, ngũ quốc oan thanh vị đoạn.

西 來 戰 艦 千 年 王 氣 俄 收 北 去 鸞 輿 五 國 冤 聲 未 斷

(Tất cả cùng xướng):

Ô hô!

(Vị Kinh Sư tiếp):

Đỗ quyên khiếu lạc đào hoa nguyệt
Huyết nhiễm chi đầu hận chánh trường

杜 鵑 嘯 落 桃 花 月
血 染 枝 頭 恨 正 長

Diễn Nôm của Hòa Thượng Bích Liên:

Trước thỉnh kẻ hoàng vương đế bá
Triều đại xưa trải quá biết bao
Đền đài chín lớp ở cao
Non sông muôn dặm chén vào một tay
Thuyền chiến phút đổi dời vượng khí
Xe loan còn rủ rỉ oan thanh

Hỡi ôi!
Đỗ quyên kêu suốt tàn canh
Máu hờn nhuộm mãi trên cành đào hoa.

Mộng tranh hùng tranh bá, làm chúa làm vua, nay chinh Nam mai tảo Bắc. Nhưng rồi từng đêm suốt những canh dài, từng tiếng quốc kêu rủ rỉ, màu sương trăng lạnh phủ trên cánh hoa đào, giòng máu oan thiên hận sự bất thành nhuộm đỏ đầu cây ngọn cỏ. Vậy thì, giang sơn như họa còn đó, mà anh hùng hào kiệt một thời ở đâu, và đâu là ảo vọng của đời người?

Nói chi đương thuở thị hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau
Bỗng phút đâu lò bay ngói lở
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rã rời
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Qủy không đầu van khóc đêm mưa
Đã hay thành bại là cơ
Mà u hồn biết bao giờ cho tan

(Nguyễn Du, sđd.)

Nhưng cũng có kẻ lúc sống đành cho thân và danh của mình cùng mục nát với cỏ cây, tìm những chỗ Đào Nguyên hay Lãng Uyển để tu chơn dưỡng tánh. Nhưng:

Tam hoa cửu luyện, thiên tào vị hứa tiêu danh,
Tứ đại vô thường, địa phủ nan dung chuyển hạn.

三 花 九 煉 天 曹 未 許 標 名
四 大 無 常 地 府 難 容 轉 限

Thuốc trường sinh đã mấy lần luyện, nhưng cung trời chưa ghi vào sổ trường sinh, mà cõi đời nông nỗi thì không khứng diên trì thời hạn:

Ô hô!
Lâm quán yên hàn đơn[15] táo lãnh
Tiếu đàn phong thảm hạnh hoa hi!

呜 呼 臨 觀 煙 寒 蟬 噪 冷
焦 壇 風 慘 杏 花 希

Lò đơn lâm quán[16] lạnh sương
Tiếu đàn[17] gió thảm thổi tàn hạnh hoa.

(HT. Bích Liên dịch)

Giấc mộng trường sinh bất tử, chẳng lẽ trong thoáng chốc chỉ còn ký thác cho ngọn gió gào thét hồn oan?

Chỗ khác là những bậc nuôi chí xuất trần, chống tích trượng phất phơ trên đỉnh núi cao vòi vọi. Nhưng rồi, “chuỗi hạt lần không mòn vách đá”, thì than ôi:

Hoàng hoa thúy trúc, không đàm bí mật chân thuyên,
Bạch cổ lê nô, đồ diễn khổ không diệu kệ.

Ô hô!
Kinh song lãnh tẩm tam canh nguyệt
Thiền thất hư minh bán dạ đăng

黃 花 翠 竹 空 談 祕 密 真 詮
白 牯 黎 奴 徒 演 苦 空 妙 偈

嗚 呼
經 窗 冷 寢 三 更 月
禪 厔 虛 冥 半 夜 燈

Làng hoa trúc nào câu mật đế
Nhà cổ nô[18] vấn kệ khổ không

Hỡi ôi!
Kinh song trăng thảm lạnh lùng
Nhà thiền leo lét đèn chong canh dài.

(HT. Bích Liên dịch)

Cuối cùng, người ta tự hỏi: ước mong muôn thuở của nhân sinh là gì? Mối hận mà lúc sống đã không xong, bấy giờ chôn vùi dưới đất nghìn năm, biết bao giờ mối hận mới đông thành một viên ngọc bích long lanh? Nhưng cũng có thể:

Nhờ phép Phật siêu sinh tĩnh thổ
Bóng hào quang cứu khổ độ u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch, oán thù rửa không.

(Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh)

Phụ chú về MANDALA

I. Ý NGHĨA

Tiếng Phạn, maṇḍala, Hán phiên âm thông dụng là mạn-đà-la 曼 陀 羅 Các phiên âm khác: mạn-tra-la 曼 吒 羅, mạn-đồ-la 曼 荼 羅, mạn-noa-la 曼 拏 羅, … chỉ đàn tràng tác pháp, hay hành trì bí pháp của Mật giáo. Đó là khu vực cấm chế các qủy thần xâm nhập. Bên trong thiết trí các hình tượng hay biểu tượng, hay các ký tự tượng trưng một ý nghĩa nào đó. Đàn tràng có thể là hình vuông hay hình tròn. Nhưng thông thường được vẽ bằng hình tròn, nên Hán dịch nghĩa là luân viên 輪 圓, hay luân viên cụ túc 輪 圓 具 足. Đại nhật kinh sớ, quyển 4 giải thích:

“Mạn-đồ-la, có nghĩa là phát sinh. Tức là điều mà ở đây Kinh gọi là Phát sinh Chư Phật mạn-đồ-la 發 生 諸 佛 曼 荼 羅 (Sarvabuddhasambhava-maṇḍala). Gieo hạt giống Bồ đề (bodhibīja) vào trong mảnh đất tâm của Nhất thiết trí(sarvajñāna-cittabhāmi), rồi tưới nhuần bằng nước đại bi (mahākaruịavāri), soi rọi bằng mặt trời đại tuệ (mahāprajñāsūrya), cổ động bằng ngọn gió đại phương tiện (mahopāyavāyu), che bằng bầu trời đại không (mahāśūnyākāsa) bao la vô ngại, nuôi lớn dần chồi non của pháp tánh bất tư nghị (acintyadharmatākura) cho đến khi thành cây Phật cao lớn che phủ cả Pháp giới. Vì vậy, nói là phát sinh. (…) Mạn-đồ-la còn có nghĩa là tô lạc 酥 酪, tức là chất béo tinh thuần của sữa đông lại và nổi lên mặt sữa. (…) Do đó, Kinh nói mạn-đồ-la là hương vị vi diệu tối thượng.(…) Bằng phương tiện của ba bí mật (trayāni guhyāni), khuấy đều sữa Phật tính của chúng sinh, cho đến trải qua năm vị mà thành chất đề hồ của diệu giác, hòa tan một cách thuần tịnh và vi diệu, nhưng không hề thêm bớt tự bản chất. Tập hội tất cả Kim cang trí ấn (Vajrajñānamudra) mà thành hương vị tối thượng đệ nhất trong cac vị cam lộ (amṛtarasa) chân tịnh bất biến.”

Tổng quát, theo giải thích trên, mạn-đà-la hay mạn-đồ-la có ba ý nghĩa: luân viên, hình tròn của bánh xe. Đây là từ dịch nghĩa tương đương chính xác với từ Phạn maṇḍala. Thứ hai, phát sinh, dịch nghĩa của từ Phạn udbhava haysambhava. Thứ ba, đề hồ, coi maṇḍala như là từ phái sinh của maṇḍa. Từ ý nghĩa thứ ba này, về sau được chuyển thành ý nghĩa tập hội. Theo nghĩa này, mạn-đà-la là chỗ tập hội của Phật, Bồ-tát và Thánh chúng.

Phân loại theo hình thức, có bốn loại mạn-đà-la: Đại mạn-đà la, Tam-muội-da mạn-đà-la, Pháp mạn-đà-la và Kiết-ma mạn-đà-la.

Đại mạn-đà-la? 大 曼 荼 羅 (Mahā-maṇḍala): đàn tràng trong đó an trí hình tượng các Bổn tôn.

Tam-muội-da mạn-đà-la 三昧耶曼荼羅 (Samayamaṇḍala); tam-muội-da, tiếng Phạn, dịch là bản thệ ? 本誓. Đây là đàn tràn bố trí các biểu tượng của các Bổn tôn. Các biểu tượng này tượng trưng cho bản thệ và phương tiện độ sinh của các Ngài.

Pháp mạn-đà-la 法 曼 荼 羅 (Dharmamaṇḍala) tức đàn tràng hay đồ hình trong đó bố trí các chủng tử tự (bījākṣara), tức các ký tự, hoặc nguyên âm hoặc mẫu âm. Mỗi ký tự ký hiệu tự tính của mỗi bổn tôn. Kiết-ma mạn-đà-la 羯 摩 曼 荼 羅 (Karmamaṇḍala), biểu tượng cho sự nghiệp độ sinh của các bổn tôn; thông thường, đây là đàn tràng an trí các hình tượng điêu khắc.

II. LƯỠNG BỘ MẠN-ĐÀ-LA, hay nói tắt là: KIM THAI LƯỠNG BỘ (金 胎 兩 部)

Hai bộ mạn-đà-la, gồm Kim cang giới (Vajradhātu) thuộc trí môn, và Thai tạng giới (Garbhadhātu) thuộc lý môn. Đó là từ trên một nhất tâm pháp giới (ekacitta-dharmadhātu) mà hiển thị thành hai môn: Lý (nyāya) và Trí (jñāna).

Lý, tức lý tính bình đẳng và phổ quát (samānatā); tất cả các pháp, hữu vi hay vô vi, thường nghiệm hay siêu nghiệm, duy là nhất thể vô phân biệt (aviśeṣatā). Khi trí tuệ nhận thức tồn tại từ lý tính, từ nhất thể vô phân biệt, thì tất cả tồn tại là chân không (śūnya). Nhận thức như thế là không nhận thức gì cả. Lý và trí là Tuyệt đối Bất nhị (advaitā). Nhưng tác dụng của trí là nhận thức, là khám phá ra tính đặc thù trong mỗi yếu tính tồn tại. Ở đây, trí tức là nhận thức sai biệt (viśeṣajñāna) về tính đặc thù hay sai biệt (viśeṣatā) của vạn hữu.

Để biểu thị ứng dụng vô cùng của lý tính bình đẳng và trí tuệ sai biệt như vậy, Mật giáo thiết lập hai bộ mạn-đà-la. Căn cứ trên giáo nghĩa củakinh Đại nhật, tức Đại-tỳ-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh 大 毘 盧 遮 那 成 佛 神 變 加 持 經 (Mahā-Vairocanābhisaṃbodhi-vikurvitādhiṣṭhāna-vaipulya-sūtrendrarāja-nāma-dharmaparyāya)[19], Mật giáo thiết lập Thai tạng bộ, biểu hiện đại bi phương tiện cứu thế, phát xuát từ lý tính bình đẳng. Mặt khác, căn cứ trên giáo nghĩa củakinh Kim-cang đỉnh, gọi đủ là Kim cang đỉnh nhất thiết Như lai chân thật nhiếp Đại thừa hiện chứng Đại giáo vương kinh 金 剛 頂 一 切 如 來 真 實 攝 大 乘 現 證 大 教 王 經 (Vajraśekhara-sarvatathāgata-satya-saṅgraha-mahāyāna-pratyutpannābhisambuddha-mahātantrarāja-sūtra)[20], thiết lập Kim cang đỉnh bộ, thuyết minh sai biệt trí.

Kim cang giới (Vajradhātu) biểu thị ý nghĩa tùng bản thùy tích 從 本 垂 跡, nghĩa là, thuyết minh lịch trình hiện tượng hóa của vạn hữu. Tức là, từ lý tính bình đẳng, từ nhất thể vô phân biệt, vạn hữu chuyển hiện thành thiên sai vạn biệt. Nhưng sai biệt tính vẫn không tách rời vô phân biệt; đó là thể Tuyệt đối bất nhị. Thai tạng giới (Garbhadhātu) thuyết minh quá trình tu tập và chứng ngộ, đi từ nhân là đại bi, với vô số phương tiện độ sinh sai biệt, cho đến khi chứng nhập lý tính bất nhị.

Nói tóm lại, do căn tính sai biệt của chúng sinh mà sự hành trì cũng có những sai biệt. Tuy vậy, con đường dẫn đến giác ngộ vẫn được kinh qua trên cỗ xe hai bánh là đại bi và đại trí.

TUỆ SỸ

Chú thích:

[1] Nghi thức cúng cô hồn bằng văn Nôm, HT Bích Liên, bản chép tay của Thich Nguyên Trạch, Bình định.

[2] Xem phụ chú I về Mạn-đà-la.

[3] Xem phụ chú II về Mạn-đà-la.

[4] Trong Hiển giáo, sắc pháp dược phân tích thành 4 yếu tố cơ bản gọi là 4 đại chủng (mahābhūta). Trong Mật giáo, một yếu tố thứ năm được thêm vào, là không đại (ākāsadhātu), do tương đối với ngũ trí.

[5] Du-già tập yếu cứu A-nan đà-la-ni Diệm khẩu quỹ nghi kinh, Đường Bất Không dịch; Đại XXI, No. 1318.

[6] Về đại mạn-đà-la, xem phụ chú I.

[7] Đại XXI. No. 1313. Tham chiếu, Phật thuyết cứu Diện nhiên ngạ quỷ đà-la-ni thần chú kinh, Đường Thật-xoa-nan-đà dịch; Đại XXI, No. 1314.

[8] Đại XXI, No. 1315. Tham chiếu, Phật thuyết cam lộ kinh đà-la-ni chú, vô danh dịch, Đại XXI, No.1316; Cam lộ đà-la-ni chú , Đường Thật-xoa-nan-đà dịch,Đại XXI, No. 1317.

[9] Đại XXI, No.1318. Tham chiếu, Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực khởi giáo A-nan-đà tự do, Đường Bất Không dịch, Đại XXI, No.1319.

[10] Vô danh dịch, Đại XXI, No.1320. Tham chiếu, Phật thuyết thí ngạ quỷ cam lộ vị đại đà-la-ni kinh, Đường Bạt-đà-mộc-a dịch, Đại XXI, No.1321.

[11] Về thập loại cô hồn, theo liệt kê của Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, Đại XXI, tr. 483b: 1. Thủ hộ quốc giới:những oan hồn “vị quốc vong than.” 2. Phụ tài khiếm mạng: chết vì oan gia trái chủ, nợ nần, trụy thai. 3. Khinh bạc Tam bảo: bất hiếu, bội nghịch vô đạo. 4. Giang hà thủy nịch: thương khách chết sông chết biển. 5. Biên địa tà kiến: những người sống tại biên ải hẻo lánh. 6. Ly hương khách địa: cô khổ phiêu bạt, chết đường chết xá. 7. Phó hỏa đầu nhai: tự tử, nhảy sông, nhảy núi, chết đâm, chết cháy. 8. Ngục tù trí mạng: chết trong ngục tù. 9. Nô tì kết sứ: nô lệ cùng khổ, chết vì đày đọa lao dịch. 10. Manh lung ám á: đui, què, câm, điếc, không người chiếu cố. Thập loại theo khoa nghi Mông sơn, và thập loại trong văn tế Nguyễn Du có vài chỗ không đồng nhất.

[12] Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4: triều Lý Anh tông, niên hiệu Đại định 11 (1150), Đỗ Anh Vũ bị tội. Để cứu tình nhân của mình, Lê Thái hậu tổ chức nhiều pháp hội, và vua ban hành lệnh đại xá thiên hạ. Nhờ vậy, Anh Vũ được hưởng lây, và lần lần phục chức. Không hiểu các pháp hội này có lập trai đàn hay không. Thiền uyển tập anh: Tăng thống Huệ Sinh, tịch năm Gia khánh thứ 6 (1064), đời vua Lý Thánh tông, có để lại tác phẩm Pháp sự trai nghi, rất có thể có nói đến nghi thức chẩn tế. Nhà Nguyễn, các Chúa thường hay tổ chức các pháp sự hay trai đàn tại chùa Linh mụ. Theo tiểu sử chùa, năm giáp ngọ, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, chùa được trùng tu, nhân đó, Chúa cho tổ chức đại trai đàn. Gia long năm thứ 2 (1803), Vua tổ chức trai đàn bạt độ cho các quan linh tử trận. Ngoài ra còn nhiều tư liệu khác để có thể viết được sự phát triển và phổ biến trai đàn chẩn tế. Nhưng việc ấy dành cho các nhà viết sử. Ở đây chỉ đề cập đại khái.

[13] Cũng có bản dịch nôm, như của HT Bích Liên. Nhưng các thầy vì sính chữ Hán nên ít ai chịu làm theo khoa nghi tiếng Việt.

[14] Thực tế thì văn thỉnh thập loại chữ Hán không phải là áng văn chương nổi tiếng của Trung hoa. Văn từ phần nhiều sáo rỗng, nhiều điển tích vô hồn. Nhưng được cho là hay, vì thói quen. Và cũng do trình độ thưởng thức văn chương của người nghe.

[15] Nguyên âm Hán là thiền (con ve), nhưng quen đọc là đơn.

[16] Đền hay miếu, nơi thờ tự của đạo sĩ.

[17] Chỉ đàn cúng tế của đạo sĩ.

[18] Bạch cổ lê nô: con bò trắng và nô lệ đen; chỉ chuông mõ nhà chùa.

[19] Tên tĩnh lược: Đại nhật kinh, hay Đại tì-lô-giá-na kinh; Skt. Mahāvairocanābhisambodhi. Đường Tam tạng Thiện Vô Úy dịch (Khai nguyên 13, AD.725), Đại XVIII, No. 848.

[20] Tên kinh gọi lược: Kim cang đỉnh, hay Nhiếp Đại thừa hiện chứng. Đường Bất Không dịch (Thiên bảo 3, AD.753), Đại XVIII, No.865.

In trong
Tuệ Sỹ Văn Tuyển – Tập I: Phật Học
Huongtich ấn hành, tái bản 2019

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận