Trích Du Già Bồ Tát Giới, Chương III, Mục I.
Ở đây, có một người lạc lối trong rừng hoang đầy nguy hiểm; chợt cảm thấy an ổn. Do bởi đâu? Điều chắc chắn là khi nhận biết ra ta đang ở đâu, chung quanh này, gần đây và xa hơn, có những gì. Vậy thì, sự thực quá hiển nhiên, cái làm cho người ấy cảm thấy an toàn, và tất nhiên cùng lúc với cảm giác vui sướng, đó chính là sự hiểu biết. Nhận rõ được sự thực, nhận biết thực tế ta đang ở đâu, ta đang là gì, và nếu đó là nhận thức cứu cánh, nghĩa là biết rõ sự sống và sự chết, biết rõ sau đời này, sau khi thân thể này mục rã, ta sẽ là gì, ở đâu, biết một cách chắc chắn, tự mình biết, tự mình thấy, chứ không do ai khác; nhận thức ấy được gọi là giác ngộ, hay bồ-đề. Tuy vậy, nhận thức và giác ngộ là hai giai đoạn diễn ra trước sau như một quá trình nhân quả. Do nhận thức chính xác mà đạt được giác ngộ.
Nếu nói theo ngôn ngữ kinh điển, giác ngộ hay bồ-đề xuất hiện do bởi sự phát sinh của hai loại trí, tận trí và vô sinh trí. Tận trí, là nhận thức khởi lên, biết rằng ta đã dứt sạch các phiền não ô nhiễm; và cũng biết rõ rằng chúng vĩnh viễn không bao giờ sinh khởi trở lại, đây là vô sinh trí của A-la-hán. Bằng tận trí và vô sinh trí, A-la-hán tự tuyên bố: “Sự sinh của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, sau đời này không còn đời nào nữa.” Đó là cứu cánh của Thanh văn. Cứu cánh đó được gọi là Bồ-đề của Thanh văn.
Cứu cánh của Thanh văn, mục đích tối thượng của các Thánh đệ tử, là đạt đến mức trí tuệ trong sáng, không bị che mờ bởi các phiền não khuấy động, do đó nhìn rõ sự thực của sống và chết. Mục đích này được mô tả sinh động trong kinh Tiễn dụ. Một người bị trúng tên độc, việc cấp bách là nhổ mũi tên ra, và chữa trị vết thương, chứ không phải tìm hiểu mũi tên từ đâu bắn tới, làm bằng loại cây cỏ gì. Trong tình trạng như vậy, rõ ràng những vấn đề như thế giới này hữu hạn hay vô hạn, thường hằng hay không thường hằng, những vấn đề như vậy hãy gác qua một bên. Tất nhiên vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đó. Đức Phật đã từng nói, những điểu Ta biết nhiều như lá trong rừng cây mà những điều Ta giảng dạy cho các đệ tử chỉ như nắm lá trong lòng tay. Cho nên, nhu cầu giải thoát thực trạng khổ đau là một thực tế nhân sinh, nhưng nhu cầu hiểu biết tiền tế hậu tế, hiểu cái vô thủy và vô chung của vũ trụ, cũng là một thực tế không thể chối bỏ của nhân sinh. Có những chúng sinh chỉ mong nhanh chóng đạt được giải thoát, sạch hết phiền não, thân tâm trong sáng như hư không, để sau khi trút bỏ sắc thân bèo bọt này, không còn tiếp tục thọ thân nào khác nữa. Nhưng cũng có chúng sinh ước nguyện hơn thế dù phải kéo dài thêm nhiều đời nhiều kiếp nữa với những thọ thân đầy khổ lụy này, mà cứu cánh là thành Phật. Nếu khi ta nghe các Luận sư Ðại thừa nói rằng mỗi chúng sinh sinh ra đều được mã hóa với ba chủng tánh Bồ-đề: chủng tánh Bồ-đề Thanh văn, chủng tánh Bồ-đề Độc giác và chủng tánh Bồ-đề Phật Chánh giác, mà điều này lại không tìm thấy trong các kinh điển được cho là nguyên thủy, đừng vội kết luận là những thêm thắt ngụy tạo. Lý luận của các Luận sư này cũng chỉ đơn giản thôi: tất nhiên phải có chúng sinh ước nguyện thành Phật, nếu không, thế gian này làm sao có Phật xuất hiện? Vả lại, thế giới không chỉ tồn tại với một quả đất này là duy nhất, mà trong vô tận không gian, hiện hữu vô số đại thiên thế giới; trong những thế giới đó há không có Phật? Thế giới vô tận, chư Phật Như lai cũng vô lượng, và vì vậy chúng sinh phát nguyện thành Phật cũng vô số. Thêm nữa, trong các đệ tử của Phật, há không ai có ý tưởng mai sau sẽ đạt đến cứu cánh như vị Tôn Sư Chí Tôn của mình hiện tại, là Phật? Kinh điển nguyên thủy không bao giờ nói ngài Xá-lợi-phất muốn thành Phật; mà chỉ bằng lòng với sở đắc hiện tại, dù chính ngài cũng nhận thức rõ ràng rằng, như Kinh điển cho thấy, trí tuệ của mình còn cách bậc Đại giác rất xa, quá xa vô lượng thế giới. Những vị Bồ-tát kết tập kinh Pháp Hoa cho rằng, há những bậc đệ tử thượng tôn như Xá-lợi-phất mà không ước nguyện thành, thì ai là người đủ tầm vóc để ước nguyện thừa kế di sản của Như lai? Vì Phật cũng thường bảo các đệ tử: “Các ngươi hãy là người thừa kế trí tuệ của Ta, chứ đừng là những kẻ thừa kế tài vật của Ta.” Kế thừa trí tuệ của Như lai, tất nhiên là thành Phật. Trong một Hoàng triều mà các hoàng tử, những người có khả năng nhất, tài ba lỗi lạc nhất, lại không muốn kế thừa di sản, thì cơ nghiệp của Hoàng đế sẽ ra sao? Vì vậy, các vị kết tập Pháp Hoa khẳng định, ngài Xá-lợi-phất nhất định có ước nguyện thành Phật để kế thừa sự nghiệp Như lai, và nhất định sẽ thành Phật.
Thêm nữa, đức Phật cũng từng nói, Ta không phải là vị Tôn sư với bàn tay nắm chặt; nghĩa là không phải vị thầy ích kỷ, không truyền dạy cho đệ tử mình hết những điều mà mình sở đắc. Nhưng trong sơ kỳ, lời Phật nói này được giải thích rằng giáo lý của Phật không có gì là Hiển hay Mật, vì tất cả đều được phơi bày rõ ràng. Cách hiểu như vậy không phải là không có cơ sở nhận thức. Cơ sở quan trọng nhất là để trả lời các Luận sư Ðại thừa, vì các vị này thường đề cập đến điều gọi là “mật ý của Phật”. Những điều Phật nói đều có hai tầng sâu và cạn khác nhau. Những điều mà ý nghĩa sâu xa, trí tuệ phàm phu và cả với nhiều vị Thanh văn cũng không hiểu hết, những lời ấy được mô tả là những lời Phật hàm chứa mật ý. Các nhà Ðại thừa không cho rằng một lời Phật nói ra như vậy mà tất cả mọi người đều có thể hiểu như nhau. Sau trận mưa lớn, cây lớn và cây nhỏ hấp thu lượng nước khác nhau. Cây nhỏ mà hấp thu lượng nước như cây lớn thì ngộp mà chết. Vậy thì chớ ai nên tự hào rằng ta hiểu hết ý nghĩa trong những lời Phật dạy. Giáo lý của Phật không có phân biệt hiển hay mật, nhưng chắc chắn lời Phật dạy được hiểu theo mức sâu cạn khác nhau. Vậy thì, khi nghe Phật nói, “Ta không phải là vị Thầy với bàn tay nắm chặt”, trong số các đệ tử có thể có hai lớp hiểu khác nhau. Một phía hiểu rằng, Phật đã nói hết những chân lý mà Ngài đã chứng, và tôi cũng nghe hết rồi, và như vậy đã học hết rồi. Một phía các vị khác hiểu rằng, như vậy trong những lời mà tôi được nghe, có những ý nghĩa sâu thẳm mà hiện tại tôi chưa hiểu hết, vậy phải làm sao hiểu hết. Nhưng, một khi đã hiểu hết, tất nhiên khi ấy đã thành Chánh giác Phật. Vậy thì, đệ tử Phật phải ước nguyện thành Phật. Các vị kết tập Pháp Hoa diễn rộng ý Phật: Như một vị Chuyển luân sau khi thống lãnh binh tướng đánh bại kẻ thù lớn nhất, bấy giờ khi tưởng thưởng, vị vua rộng lượng sẽ không tiếc nuối hạt minh châu quý giá nhất để đem ra ban. Nói cách khác, Phật không phải là vị Thầy ích kỷ, tự tôn, cho nên luôn khuyến khích đệ tử của mình thành tựu trí tuệ như chính mình. Pháp Hoa kết luận: Người học Phật chỉ một mục đích duy nhất, là thành Phật.
Thế nhưng, như đã nói, không phải mọi chúng sinh đều có căn cơ nhất loạt như nhau. Có lần một số các tu sĩ dị học đề nghị Phật diễn giải giáo nghĩa tinh yếu của Phật cho họ nghe, Phật trả lời: “Thật khó hiểu cho các ông, với kiến giải dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, sở thích dị biệt, mục đích dị biệt; làm sao các ông có thể hiểu những điều Ta chỉ dạy các đệ tử?” Những tu sĩ này không phải là những người ngây ngô, thất học, kém trí, không bằng các đệ tử của Phật. Trong số họ, thời này và thời sau nói một cách tổng quát, đều có những người được liệt vào hạng thế trí biện thông, nhưng do xu hướng dị biệt họ không thể chấp nhận những điều Phật nói. Trong hàng đệ tử Phật cũng tùy theo căn cơ nên mỗi người theo đuổi mục đích khác nhau, tuy vẫn nói cứu cánh là giác ngộ; nhưng có người muốn giác ngộ như Phật, cũng có vị muốn giác ngộ như Phật nhưng không phát nguyện diễn thuyết Chánh pháp cho thế gian, và cũng có rất nhiều vị chỉ mong giải thoát trong đời này, không còn đời nào nữa. Trên cơ sở này mà lập chủng tánh của Ba thừa: Thanh văn, Độc giác và Phật Chánh giác. Điều này thì tất cả mọi tông phái Phật giáo, Ðại thừa hay nguyên thủy, hay bộ phái, thảy đều công nhận, hoặc công khai quảng bá, hoặc chỉ thừa nhận mặc nhiên.
Bởi vì, để thành A-la-hán, từ khi phát nguyện cho đến khi thành tựu, chỉ cần nỗ lực trong một đời, hoặc lâu xa thì cũng chỉ trong vài ba kiếp, nhưng để thành Phật thì phải trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp. Như các chuyện Bản sinh kể rõ, đức Thích Tôn trải qua nhiều đời nhiều kiếp hành Bồ-tát địa, viên mãn các ba-la-mật, làm những việc cực kỳ khó làm, mà với tâm tư yếu kém tất phải kinh sợ, chùn bước. Đây cũng là lý do để giải thích vì sao rất khó tìm thấy một vị phát tâm đại bồ-đề như Phật.
Nói một cách tổng quát, dù bồ-đề được phân thành ba loại chủng tánh, nhưng từ khởi điểm, từ địa vị phàm phu mông muội, việc trước tiên là cần phải nhận thức rõ hiện thực tồn tại của mình, hiểu rõ ý nghĩa sống, nguyên nhân nào đích thực dẫn đến quả khổ, hay Hạnh phúc.
Cho nên, khi trưởng giả Duy-ma-cật hiện thân bệnh, nhân đó mà thân thích tụ tập, và nhân cơ hội đó ông giảng địa cho họ. Địa lý được ông diễn giải ở đây là những hiện thực nhân sinh, thực trạng mà bất cứ con người nào chỉ cần biết phản tỉnh là có thể nhận thức được. Trưởng giả nói:
“Các Nhân giả, thân này là vô thường, không vững mạnh, yếu đuối, cũng chẳng bền lâu; là pháp chóng mục nát, không đáng tin cậy. Nó là sự khổ, là sự ưu não, là nơi tập hợp của các loại tật bệnh…
“Các Nhân giả, thân này đáng chán như vậy, ta nên tầm cầu thân Phật. Vì sao? Vì Phật thân tức Pháp thân, sinh từ vô lượng công đức và trí tuệ; sinh từ giới, định, huệ, giải thoát và tri kiến giải thoát … Từ vô lượng pháp thanh tịnh như vậy sinh ra thân Như lai.
“Các Nhân giả, nếu muốn được thân Phật hầu chấm dứt hết thảy tật bệnh của chúng sinh, các ngài nên phát tâm cầu giác ngộ tối thượng”.
Sau đó, khi được Văn-thù hỏi: “Nên quán sát chúng sinh như thế nào?” Ông giải thích:
“… Cũng như trí giả nhìn trăng nơi đáy nước; nhìn mặt mình trong gương; nhìn quáng nắng khi nhiệt bốc; như đồng vọng của tiếng gọi; như mây nổi trong bầu trời; như đống bọt nước; như bong bóng trên mặt nước; như lõi chuối rỗng; như ánh chớp kéo dài;…”
Những điều ông diễn đều là những giáo nghĩa mà Phật thường nhắc nhở các đệ tử tu tập quán sát. Và điều cũng thấy rõ, từ trên một cơ sở quán sát, một căn bản nhận thức, nhưng tầm nhìn về mục đích cứu cánh không giống nhau. Sự khác biệt về mục đích cứu cánh như vậy do bởi nhận thức khác biệt về thời gian, khác biệt về cảnh giới sở chứng; còn về giáo nghĩa tu tập, tự căn bản như nhau. Tất nhiên là do thể chất bẩm sinh bất đồng, nên cũng một căn bản pháp môn mà khi tu tập phát triển, không phải tất cả đều đồng loại như nhau. Nói cách khác, Bồ-tát hay Thanh văn đều tu tập và chuẩn bị thân tâm cần thiết để hiện quán Thánh đế, nhận thức bằng nhẫn và trí về các Thánh đế. Trí nhận thức về các Thánh đế một cách triệt để, gọi là Bồ-đề. Đây là nói về Bồ-đề cứu cánh.
Bồ-đề cứu cánh không phải là từ ngữ phiếm chỉ hay trừu tượng. Đó là từ ngữ hàm ngụ tính tổng quát, bao gồm các hoạt động sai biệt của tâm thức trong khi quán sát Thánh đế. Những hoạt động sai biệt, tức là các thành phần tạo thành bồ-đề, gọi là các chi phần của bồ-đề, hay giác chi. Như một người hoạt động được, nhờ có các chi thể như tay chân, bồ-đề có toại dụng thực tiễn là do bởi các chi phần.
Luận Du-già sư địa nói, vị tu tập sau giai đoạn gia hành, thực tập chỉ và quán nhắm đến đối tượng quán sát với các yếu tính vô thường, khổ, không, vô ngã, cho đến khi nhận thức trở nên nhạy bén như mũi tên cắm chặt vào mục tiêu, ngay khi ấy, nhận thức về Thánh đế bắt đầu phát sinh. Từ đây, trí tuệ thức tỉnh trước hiện thực thân, tâm và thế giới, được gọi là giác huệ tức bồ-đề. Giác huệ này gồm bảy chi phần, chia thành hai nhóm, trong đó các chi trạch pháp, tinh tấn và hỉ thuộc bản chất quán; nhóm thứ hai gồm ba chi: khinh an, định và xả, thuộc bản chất chỉ. Riêng niệm có mặt trong cả hai nhóm.
Kinh thường ví dụ bảy giác chi như bảy báu của Chuyển luân vương. Đối với vị Chuyển luân vương, bảy thứ bảo vật ấy là những biểu hiệu quyền lực chinh phục vô địch, vô song, và cũng là biểu hiệu cho sự giàu sang sung túc, những phương tiện để hưởng thụ tất cả ngũ dục cực điểm của thế gian. Cũng vậy, bảy chi phần bồ-đề là sức mạnh của Chánh pháp, là uy lực của Phật. Bảy báu xuất hiện, đưa một vị vua quán đỉnh, như các tiểu vương khác, lên địa vị Chuyển luân vương, đại hoàng đế thống lãnh cả bốn châu thiên hạ; cũng vậy, bảy giác chi đưa phàm phu đến chỗ giác ngộ. Bằng sự so sánh này, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa bồ-đề cứu cánh và các chi phần của cứu cánh ấy. Nói cách khác, để đạt được cứu cánh bồ-đề, không thể không tu tập bảy giác chi. Bảy giác chi là những hoạt động tâm lý, những hoạt động dựa trên chỉ và quán, trên khả năng tập trung và quán sát sự thực. Đó được nói là con đường độc nhất dẫn đến giác ngộ.
Kinh nói, “Các Như lai trong quá khứ do trụ tâm trên bốn niệm xứ, phát triển bảy giác chi mà đạt đến Vô thượng Chánh đẳng giác. Chư Như lai trong đời vị lai cũng vậy.”[1]
Do trình độ nhận thức mà có sự phân biệt Bồ-đề Thanh văn, Bồ-đề Độc Giác, và Bồ-đề Đẳng chánh giác; nhưng tất cả đều được tác thành bởi các chi phần giống nhau. Sự sai biệt do bởi một yếu tố quan trọng khác, đó là tâm đại bi. Điều này sẽ nói sau, trong phần tiếp theo nói về sự phát khởi bồ-đề tâm.
[1] Trung A-hàm 24 tr. 582b.
Bình luận mới