BỆNH TỬ BẤT KHỔ THÂN
Vào thế kỷ thứ V trước Tây lịch, khi đời sống Tăng đoàn ngày càng phát triển thì nền y học và phương thức chữa bệnh cũng được đức Phật dạy rõ cho Tăng ni áp dụng trong sinh hoạt thường nhật. Phương thức này được hàng đệ tử nhớ tụng bảo tồn bằng phương ngữ Trung Ấn-Aryan, Prakrit, về sau được chuyển ngữ qua Pāli, Sanskrit rồi tiếp tục dịch sang Tạng ngữ và tiếng Hán…
Trong phần Luật tạng, chương “Thuốc”, chúng ta thấy hầu như đức Phật dạy về cách trị bệnh cho thân vật lý là nhiều (xem tác phẩm “Khởi nguyên văn hiến Phật giáo và Luật tạng bộ phái” của Erich Frauwallner, chương IV bản Việt dịch, trang 140) và điều đáng kinh ngạc là thời kỳ này khoa phẫu thuật cũng đã xuất hiện nhưng kỹ năng chưa cao.
Về phần tâm lý trị liệu, khi thân vật lý đau đớn bệnh tật, đức Phật dạy dùng pháp tu tập quán chiếu để hướng đến giải thoát khỏi sự cảm thọ của thân tứ đại. Như kinh “Y thuật” trong Tăng-chi (AN 10.108, AN V 218), Phật dạy: Này các tỳ-kheo! Khi bác sĩ kê đơn cho thuốc xổ để chặn đứng bệnh khởi lên từ mật (pitta), để kháng cự khởi lên từ đàm (semha)… Loại thuốc này có thành công, có thất bại… Nhưng loại thuốc của bậc Thánh dùng sẽ không thất bại, như người có chánh kiến thì bệnh tà kiến, pháp bất thiện sẽ bị xổ ra… Người có chánh tư duy thì tà tư duy sẽ bị xổ ra v.v…
Đức Phật dạy, đây là thuốc xổ của bậc Thánh, nếu dùng sẽ thành công, nhờ thuốc “xổ” này mà giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, não và sinh, già, bệnh, chết. Ở đây, chúng ta thấy đức Phật vẫn đánh giá cao về kiến thức chuyên môn của các bác sĩ trong việc kê đơn thuốc, song lại dạy một phương pháp tẩy bệnh chắc chắn và ưu việt hơn đó là “Bát thánh đạo”, tức cách chữa lành thể chất nhờ điều trị y tế trở thành một ẩn dụ cho cách chữa trị tâm linh nhờ thực hành Pháp.
Kinh khác dẫn (Tạp A-hàm, T02n99, p. 267c7), có một tỳ-kheo trẻ, bệnh nặng “thập tử nhất sinh”. Đức Phật đến thăm và hỏi: “Thầy có gì hối tiếc nữa không?” – “Con có điều hối tiếc”. “Thầy có phạm giới không?” – “Dạ không”. “Không phạm giới thì có gì hối tiếc?” – “Con tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp thượng nhơn, và tri kiến thắng diệu chưa có sở đắc. Con tự nghĩ, lúc mạng chung, không biết tái sanh nơi đâu? Vì vậy con sanh ra hối tiếc.”
Phật dạy, do có nhãn xúc mới sinh nhãn thức, rồi phát sinh cảm thọ khổ, lạc… Nếu không có mắt thì không có nhãn thức. Không có nhãn thức thì không có nhãn xúc để làm duyên cho cảm thọ khổ, lạc… Cho nên, tỳ-kheo, hãy khéo tư duy pháp như vậy, thì lúc mạng chung được an lành, đời sau cũng an lành.”
Đại ý Phật muốn nói: sắc này là vô ngã, khi nó bệnh ta mong ước nó đừng bệnh là điều không thể. Các pháp cũng thế, cái này có cái kia có và hình thái sai biệt (vui buồn, giận ghét, khổ, vui, nhà cửa, tiền của…) của chúng cũng không thực hữu.
Chính đức Phật, Ngài có thân vật lý vẫn phải mắc bệnh như thường. Lúc Phật có bệnh, Jīvaka Komārabhacca là vị ngự y nổi tiếng của vua Bimbisāra xứ Magadha kê đơn thuốc chuyên môn cho Phật. Luật Tứ phần (40, T22n1428, p. 853b23) kể, đức Phật bị bệnh dư nước (hoạn thủy 患水, Pāli: kāyo dosābhisanno), là loại bệnh rối loạn dịch trong cơ thể. Kỳ-bà (Jīvaka) mới thưa với Phật phải uống thuốc xổ. Kỳ-bà đến thành Vương xá lấy hoa ưu-bát (優缽, hoa sen xanh. Pāli: uppala, Skt. utpala) đem về nhà xử lý xông với thuốc, chia thành 3 bó, đưa cho Phật ngửi. Đức Phật ngửi bó thứ thứ nhất, xổ 10 lần. Bó thứ hai cũng xổ 10 lần. Bó thứ ba, đức Phật ngửi, xổ 9 lần nữa, sau đó uống một bụm nước nóng (Nhất chưởng noãn thuỷ 一掌煖水), xổ lần cuối, chứng dư nước liền khỏi. Theo luật Pāli thêm chi tiết khi xổ xong lần thứ 29, Thế Tôn tắm (bhagavā viritto nahāyissati), sau đó xổ thêm một lần nữa là hết bệnh.
“Này các Nhân giả, thân này là do bốn đại chủng tập hợp mà thành, vốn không mạnh, không sức. Nó yếu ớt, dễ mục rã nhanh chóng, không đáng tin cậy. Nó là vật chất đựng các thứ bệnh tật thống khổ. Nó là pháp biến hoại, dẫy đầy tai hoạn… Này các Nhân giả, nếu muốn được thân Phật hầu chấm dứt hết thảy tật bệnh của chúng sinh, các ngài nên phát tâm cầu giác ngộ tối thượng…
A-nan, nên biết, thân Như Lai là Pháp thân, không phải do tâm tư dục vọng. Phật là đức Thế tôn, vượt ngoài ba cõi. Thân Phật là vô lậu, vì các lậu đã dứt sạch. Thân Phật là vô vi, không thể gọi tên. Thân như vậy làm sao có bệnh?” (Tuệ Sỹ – Huyền thoại Duy-ma-cật, tr. 75, 117).
Đó lời giảng của Duy-ma-cật lúc ông dùng phương tiện thiện xảo thị hiện bệnh tật nằm trên gường bệnh. Biết đâu trong cõi phàm-Thánh đồng cư, các vị chân tu đến nơi này mang bệnh đau phải chăng cũng là quyền xảo mà thôi. Có thân tất có bệnh và tứ đại giai không.
“Dòng đời in dấu chân chim, sinh diệt đầy vơi trong mắt tuệ”.
Ngày 24 tháng tám năm Quý mão
Tâm Nhãn