-
BÀI VIẾT VỀ THẦY TUỆ SỸ
- [TƯ LIỆU] Phạm Công Thiện cảm nghĩ về thầy Tuệ Sỹ tại buổi ra mắt sách Huyền Thoại Duy Ma Cật – Hoa Kỳ
- Tuệ Sỹ, Tù đày và Quê nhà
- ĐỖ THÁI NHIÊN: “Tuệ Sỹ: Người tòng quyền”
- Tuệ Sỹ, Thái Độ của Nhà Sư Nhập Thế
- Đinh Trường Chinh: Pháp danh của Bố tôi
- Tôi viết về Thầy Tuệ Sỹ…
- Tuệ Hạnh: Ân tình Pháp Hội
- Nhân đọc “TỔNG QUAN VỀ NGHIỆP” của HT. Tuệ Sỹ
- Đặng Tiến: ÂM TRẦM TUỆ SỸ
- Rằm Trung Thu… Lại nhớ vài dịp trung thu bên Ôn Tuệ Sỹ
- THEO DẤU LẶNG NGHE ĐIỆP KHÚC DƯƠNG CẦM CỦA THẦY TUỆ SỸ (Huỳnh Kim Quang)
- Đọc thơ Tuệ Sỹ
- Vài kỷ niệm nhỏ với thầy Tuệ Sỹ
- Đặng Trần Quý: “Viếng Thị Ngạn Am”
- Tâm Nhãn: DỤ NGÔN CỦA THẦY
- Chùm ảnh: HT. Tuệ Sỹ viếng & thọ tang cố HT. Minh Châu
- Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn
-
"KỶ YẾU TRI ÂN HT. THÍCH TUỆ SỸ"
- Lời ngỏ
- Thích Nguyên Tạng: Ôn Tuệ Sỹ – Bậc Thạch Trụ Thiền Gia
- GIÁO DỤC VẪN LÀ NIỀM TIN SAU CÙNG CÒN SÓT LẠI
- Thầy Tuệ Sỹ và ngôn ngữ
- Trần Bảo Toàn: “CHIẾN BINH TUỆ SỸ”
- HT. Thích Thái Hoà: Nhân duyên tôi biết thầy Tuệ Sỹ (bài đầy đủ)
- Thích Minh Tâm: TỐI TRỜI, CÒN ĐÓ MỘT VÌ SAO
- THÍCH TỪ LỰC: BIẾT ƠN ÔN, VỚI TẤM LÒNG KÍNH CẨN
- HUỲNH KIM QUANG: Từ Việc Dịch Đại Tạng Kinh Tiếng Việt Tới Phục Hưng Văn Hóa Dân Tộc
- THẦY TUỆ SỸ: NHƯ MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG
- Thích Tuệ Sỹ, khuôn mặt tiêu biểu của văn hóa Việt Nam
- Nguyên Túc Nguyễn Sung: Thư gửi Thầy
- "HƯ KHÔNG HỮU TẬN - NGÃ NGUYỆN VÔ CÙNG"
- ĐIỆN THƯ PHÂN ƯU
- Tiểu Tường
Thời gian cứ lặng lẽ trôi; trôi như con nước qua cầu. Con nước qua cầu, nước hòa tan vào biển lớn. Một thoáng phù du; phù du thành thiên thu vĩnh tận.
Nhớ mới ngày nào, Thầy cùng anh em có mặt trên Zoom họp bàn về công trình dịch thuật Đại Tạng Kinh, Thầy nói: “Nền văn hóa giác ngộ của Phật giáo Việt Nam cũng là nền văn hóa giác ngộ của nhân loại trên thế giới. Một dân tộc Hùng Lực, Từ Bi và Trí Tuệ đã sản sinh ra bao nhiêu triều đại Phật giáo vàng son; đã nuôi lớn bao nhiêu Thiền sư, Tổ đức lỗi lạc trên tiến trình tu chứng. Vậy, chúng ta hôm nay không làm hổ thẹn, thất thố với cha ông, mà phải góp sức, góp phần công đức phiên dịch Đại Tạng Kinh, ước mong Đại Tạng Kinh này mang tính hàn lâm, một giá trị tốt, chất lượng cao như ước muốn.” Lời nói đó, đến hôm nay vẫn còn nghe rõ mồn một trong tâm tư mỗi người, dù Thầy đã về với Phật, về nơi chốn bình an, tĩnh lặng, như nhiên, hay đang đồng hành với chúng con trong mọi Phật sự, như tâm nguyện của Thầy: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.”
Hạnh nguyện làm Bồ Tát trong mọi thời, mọi xứ, nếu Thầy là hạt nắng, thì sẽ là hạt nắng to và rực rỡ nhất; nếu Thầy là hạt mưa, thì sẽ là hạt mưa lớn và tươi mát nhất; nếu Thầy là hạt bụi, thì sẽ là hạt bụi mềm mại nhất để lót chân người đi cho êm ả; và nếu là hạt sương, thì sẽ là hạt sương long lanh nhất của một sớm mai an lành trên đầu ngọn cỏ. Lời Thầy còn đó, còn như lời của bậc Xuất Trần Thượng Sĩ, bậc đi trên và đi trước, như ánh sáng tinh cầu trong đêm đen mờ mịt: “Xưa kia, khi vua chúa bắt sư tăng cúi đầu nhận tước lộc của triều đình để làm tôi tớ cho vương hầu, chư Tổ đã sẵn sàng đặt đầu mình trước gươm bén để giữ vững khí tiết của người xuất gia, bước theo dấu chân vô úy, vô cầu của các bậc Thánh đệ tử, được gói gọn trong thanh quy: Sa môn bất bái vương giả.”
Một thoáng phù du, như một gang tay dài thời gian mà chúng con đã đo từ thuở nọ cho đến hôm nay, thấy vẫn không dài hơn hay ngắn hơn, mà dường như từ thuở hôm nào, tất cả chúng con đều giữ tròn trách nhiệm, bổn phận của mỗi người; nhờ vậy mà lần ấn hành Thanh Văn Tạng đợt hai này sẽ kịp vào ngày Tiểu Tường của Thầy, để Thầy vui. Công sức của quý Thầy Cô trong Ủy Ban phiên dịch Đại Tạng, cũng như chư vị thức giả cư sĩ đã làm việc rất chân thành, tích cực trong tâm nguyện phụng sự không hề mỏi mệt. Không nói, chắc Thầy cũng đã biết, còn biết rõ hơn người hiện tiền. Sự biết rõ này chính là một thời Thầy đã tích tập, huân tu vô công dụng hạnh, hay trí vô quái ngại mà giờ này Thầy thể đạt được tự tánh an nhiên trong dòng chảy “viễn ly điên đảo, mộng tưởng cứu cánh Niết bàn.”
Ngày lễ Tiểu Tường của Thầy sẽ được tổ chức trang nghiêm bằng tất cả tấm lòng phụng hiến kính dâng. Một bát cơm Hương Tích, một chén trà Tào Khê của tất cả mọi người có mặt hôm đó. Một nén hương ngũ phần giải thoát, một cái lạy ngũ thể đầu địa, kính trọng đong đầy giá trị của chính nó. Của chính nó, như bài thơ “Bóng Cha Già” của Thầy:
“Mười lăm năm một bước đường
Đau lòng lữ thứ đoạn trường cha ơi
Đêm dài tưởng tượng cha ngồi
Gối cao tóc trắng rã rời thân con
…
Tàn canh mộng đổ vô thường
Bơ vơ quán trọ khói hương đọa đày.”
Mấy chục năm rồi, chứ không phải chỉ là mười lăm năm, Thầy-trò bao người cùng chung làm việc, khi thì ở trên đồi Trại Thủy, tháp sắt Phật học viện Hải Đức Nha Trang, lúc ở dưới tòa Kim Thân Phật Tổ hóng gió biển chiều về, lúc thì nơi lớp học Già Lam, ân tình khuya sớm Thầy-trò như dưa muối đìu hiu; khi thì nơi thư viện Vạn Hạnh—phân khoa khoa học ứng dụng, thức trắng đêm mà gõ, mà đọc… Kể cả từ nơi bệnh viện Nhật Bổn xa xôi, cũng điện đàm thăm hỏi, hay bây giờ đau yếu, Thầy nằm trên giường bệnh mà vẫn luôn nhắn nhủ, khuyến khích quý Thầy Cô, Phật tử hãy gắng làm việc phiên dịch Đại Tạng. Gắng làm để đền ơn chư Phật, để đóng góp cho nền văn hóa Việt nước nhà thêm giàu đẹp. Gắng làm để tiếp nối công trình còn dang dở của cha ông. Nếu không như vậy, thì một thoáng phù du như “Tàn canh mộng đổ vô thường.” Cuối cùng rồi cũng chỉ là “Bơ vơ quán trọ.” Nhưng khói hương của lễ Tiểu Tường hôm nay không là đọa đày mà kết thành một đóa tường vân để cúng dường “Bồ Tát bất vong bản thệ, bất thối nguyện lực.” Trong cõi hà sa này. Hình ảnh của buổi lễ Tiểu Tường của Thầy hôm nay, ai cũng nghĩ đến, từ các vị thân hữu thức giả, thi văn, cho đến các thế hệ người hậu học mà có thọ ân dạy dỗ của Thầy, thì đều hướng lòng về mà khuynh tâm đảnh lễ để sống lại trong ý vị thi ca viễn mộng; để sống lại trong ý vị thiền học cao siêu; để sống lại trong ý vị Phật Pháp mầu nhiệm, để sống lại trong ý thức minh tướng hạo nhiên của chính người.
Một thoáng phù du, như là một chập thời gian ngắn ngủi. Một cái thoáng qua rồi vụt tắt. Một cái mà con người không thể nắm bắt được, không thể lưu giữ được để khắc thành bia đá ngàn năm trên đỉnh núi Tuyết mà kỷ niệm. Nhưng có hay đâu rằng, một hạt bụi nhỏ rơi vào mắt thì xốn. Một đốm lửa nhỏ đốt cháy cả núi Tu Di. Một “Chú Sỹ” nhỏ giờ đây như là “Đại Sĩ,” như tiếng hồng chung ngân dài bất tận, vượt thời gian, không gian, vượt luôn ý niệm của lòng người đến cõi vô biên tế. Chỉ là một thoáng phù du mà ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
Một thoáng phù du chợt lóe lên trong tâm ý của Thầy; trong tâm hồn thi ca tuyệt tác, diệu vợi, phiêu diêu, phất phơ với ánh trăng ngàn, để thấy lại chính mình giờ như độc hành kỳ đạo; giờ như độc ảnh trong góc phòng rong rêu ẩm mốc; hay chỉ có riêng mình trong “Biệt Cấm Phòng.”
“Ngã cư không xứ nhất trùng thiên
Ngã giới hư vô chân cá thiền
Vô vật, vô nhơn, vô thậm sự
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên.”
Kỷ niệm ngày lễ Tiểu Tường của Thầy để ôn lại hành trạng, sự nghiệp của Thầy, một thời hy hiến hết mình cho nhân loại, cho dân tộc, quê hương. Hy hiến từng trang chữ nghĩa thâm trầm, kỳ tuyệt như lời tựa của Tô Đông Pha: “Những thảm họa lịch sử, vì những tham vọng cuồng dại si ngốc của con người, càng lúc càng đổ dồn lên cuộc lữ. Thi đã đổi cách điệu trở thành những âm vang thống thiết của Ly Tao Kinh. Cuộc lữ trở thành cuộc đày ải; thi cũng trở thành ẩn tình hoài vọng Quê hương; hoài vọng những phương trời viễn mộng của Quê hương.”
Như lời tựa Thắng Man Giảng Luận: “Bản kinh Thắng Man này được dịch và giải vào một thời điểm mà dấu ấn của nó mãi mãi không phai mờ trong tâm trí của những chứng nhân lịch sử… Từ đó cho đến nay, một, hoặc nhiều thế hệ đã ra đi, biến mất trong bóng tối của đêm dài sinh tử; nhiều thế hệ mới ra đời. Phôi bào trong Như Lai Tạng vẫn liên tục kết rồi rã, thành rồi hoại: Dòng tương tục vẫn tiếp nối không ngừng:
“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng.”
Nhất tâm đảnh lễ Giác Linh Thầy luôn sát cánh với chúng con, những người pháp lữ, học trò, thiện hữu tri thức, Phật tử… để hoàn thành mọi Phật sự như tâm nguyện Thầy để lại.
San Diego, California
ngày 06 tháng 10 năm 2024
Chùa Phật Đà
Khể thủ
Con,
Nguyên Siêu