Thích Nữ Diệu Như: “Lớp học có Ôn”

Dòng thời gian lặng lẽ trôi, Người rời xa chúng con một thoáng chớp mắt đã liền qua một năm rồi. Nơi đây, chúng con xin mạo muội ôn lại những khoảch khắc tình Thầy trò với những ký ức huyền diệu, từng bài pháp vô giá, từng lời sách tấn vàng ngọc, từng lời động viên bằng tâm huyết… Mỗi biểu hiện của Người đều thắm đầy tình đạo vị, bằng trách nhiệm của nhà giáo dục Phật giáo; bằng tâm bi trí dũng của bậc Thầy lãnh đạo tinh thần, trọn cuộc đời Người luôn sống vì Đạo pháp – Dân tộc và đàn hậu học.

Ngẫm lại, một thời học Ni chúng con được cắp sách đến học dưới mái chùa mang tên Quảng Hương Già Lam, xung quanh bao phủ bởi nhiều thế lực, với những bộ đồng phục lẫn lộn lăm le, ngồi canh cửa trước cổng chùa, ai đến học với Ôn cũng đều bị ghi số xe.

Buổi học Luận Chỉ Quán vừa tan, chúng con được Ôn kêu cho cuốn sách, thoáng nhìn lên vách tường, trước bàn làm việc của Ôn, đoạn văn ghi trên mảnh giấy post-it note màu vàng, bằng tiếng Hàn Quốc với gần 9 ngôn ngữ, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Sanskrit… kèm theo dán một dọc. Ôi! Bạch Ôn, đúng là họ nói Ôn là thần đồng không sai! Người cười rồi nói: “Tui cũng học lắm chứ, thần đồng thần vàng chi. Mà đã học, thì học một lần cho luôn, khỏi mất thời gian, đỡ tốn giấy mực”.

Nhớ lại, chặng đường tờ báo “Tập San Pháp Luân – Trao Đổi Kiến Thức Cơ Bản Phật Học” Cố vấn – Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Tổng Biên Tập Thầy Viên Phương. Mỗi lần đến kỳ họp báo nếu ai đó có lỗi lầm gì, Người luôn cho vị đó thưa bạch trước. Người luôn im lặng, lắng nghe mỉm cười rồi sách tấn, nhắc 7 pháp Diệt Tránh để khuyến khích, động viên cho quý huynh đệ hoà giải, theo phương pháp Lục Hoà Kính. Rồi Người dạy: Nếu một tổ chức quần chúng, hoặc nhóm tập hợp có các quyền lợi, mục tiêu và trách nhiệm, cho đến trong các tự viện, nếu ứng dụng những pháp này thì tự khắc nơi đó sẽ được an yên.

Lần đó chúng con đến học lớp Thành Duy Thức Luận, khi tan học về bổn tự, thấy một lá thư ghi… “mai đúng 8 giờ sáng có mặt tại phòng …” Lúc tới làm việc với họ, xoay qua quay lại với nội dung ‘không được đến học các lớp Thầy Tuệ Sỹ dạy.’ Họ cứ quần tới quần lui chỉ một nội dung như vậy.

Ngày khác đến học Ôn dạy: “Nếu họ mời lại thì con cứ nói, muốn gì thì đến Thầy Tuệ Sỹ mà hỏi tui không biết.”

Chỉ vài lời ngắn gọn vậy thôi, như đã phủ kín sự che chở, xoá tan đi những nỗi thấp thỏm lo sợ bấy lâu nay, như gói trọn trách nhiệm của một bậc Thầy Đại Dũng; làm cho chúng con thêm nghị lực, bồi thêm dũng khí, như được tiếp thêm năng lượng bình yên. Gặp lúc mình đang bị khủng bố, hoảng sợ, trong lòng cứ hoang mang phập phồng bất an, rồi suy nghĩ bâng quơ, không biết nơi đâu là điểm tựa tinh thần cho mình bước vững trên đôi chân, để tiếp tục theo con đường lý tưởng của mình đang chọn đây?

Chính nhờ câu nói trấn an của Người, đã cứu chúng con thoát ra khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng khủng khiếp thời đó.

Ngày khác đến học lớp Luật Tứ Phần, chúng con dẫn ba sư cô bạn đến đảnh lễ Người trước, để được dự vào lớp học, Ôn dạy: “Thời này mà có người ham học Kinh Luật Luận là quý hoá quá, học để biết mà ứng dụng vào cuộc sống. Lại nếu ai có hỏi biết đường trả lời cho đúng, chứ tu sĩ mà Kinh Luật Luận của nhà Phật không hiểu, cứ mờ mờ ảo ảo thì không những uổng phí cho cả một đời Tu của mình, mà còn gây hậu quả và hệ lụy cho cả Phật Giáo”.

Nhớ lại một ký ức khó phai của thời học Ni, tại Thư Quán Hương Tích, môn Kinh Kim Cang Giảng Giải, Ôn dạy một bảng Kinh với 5 ngôn ngữ. Lúc đó Quý Thầy Cô nhìn tròn xoe đôi mắt, cứ thế ngước lên nhìn Ôn, lại có vị thốt lên rằng mình chỉ học một hoặc hai ngôn ngữ thôi cũng thấy xanh mặt đỏ cả mắt rồi. Sao Ôn dạy một bảng Kinh có tới 5 ngôn ngữ luôn! Ôi! Chỉ có những bậc Thánh tái sanh mới được vậy thôi. Lại có vị nói, hèn gì pháp hiệu Ôn là thượng Tuệ hạ Sỹ phải. Chứ mắt phàm, tính phàm không thể dạy một cách rốt ráo thông tuệ như vậy đâu. Tính Ôn rất kỷ cương và chỉn chu trong lúc giảng giải Kinh Luật Luận. Một chữ chưa thoát hết nghĩa lý và tư tưởng là Người cứ tra cứu, cho đến khi tác giả đó, chỉ trong câu kinh này thấy rõ ràng, mạch lạc nhiều người hiểu là Ôn mới ngừng tra cứu. Người giảng dạy mang tính hàn lâm với cấp độ cao nên nhiều vị theo học, mới đầu hơi khó hiểu, học một thời gian nắm được phương pháp của Người dạy rồi ai cũng hăng say học tập, có lúc hết giờ học rồi mà đại chúng cứ lắng nghe chăm chú.

Lớp học vừa tan, được Ôn kêu đem những bộ Luật Tứ Phần này về chùa cho quý cô đọc mà hành trì. Tính Người rất thích ủng hộ và nâng đỡ Tăng Ni về việc tu học, nếu ai có tính cầu học, Người luôn luôn động viên và tạo mọi điều kiện cho vị đó. Ôn dạy, tu học và hành trì tự mình có pháp lạc, mới giúp ích cho nhiều người được.

Lần nọ, con đến thỉnh ý Ôn, xin Ôn khai thị chỉ giáo hướng dẫn cách chọn đề tài để viết luận án tiến sĩ, cho năm học tốt nghiệp sắp tới.

Ôn dạy, “nên chọn đề tài nhỏ lại, như chúng ta định xây một căn nhà, khả năng tài chánh của mình xây xong ngôi nhà đó, vẫn còn dư lại.

Thì việc chọn đề tài cũng vậy, mình chọn đề tài nhỏ, nhưng tư liệu, tài liệu, sách báo… quá trình tích lũy thu thập lâu nay đã đủ, thì khi viết không bị lúng túng, tập trung sâu vào lãnh vực chuyên môn mình định viết mà nghiên cứu, để tìm tài liệu… phải nắm rõ lý do chọn đề tài, mục tiêu nghiên cứu.

Cứ thế mà viết thì sẽ có một luận án chuyên môn, phong phú xuất sắc sẽ sớm hoàn thành thôi.”

Trọn cuộc đời của Người tận tụy đến giây phút cuối cùng. Gần cuối tháng 10 năm ngoái, chúng con đến hầu thăm, nhìn tinh thần Ôn đầy năng lượng như một vị Bồ Tát. Lúc đó, Ôn đang thở oxy mà vẫn còn đọc sách, làm việc, ai nhìn vô thì nghĩ rằng như không có bệnh tật gì cả. Người dạy, trong vòng một tháng nữa Thầy sẽ ra đi, Thầy đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Các con dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải nhớ đi bằng đôi chân và nhìn bằng đôi mắt của chính mình. Người đã dự tri thời chí, nên ai đến hầu thăm, cũng đều được Ôn báo trước.

Lúc đó trên tay Ôn đang đọc cuốn sách với tựa đề “Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ”. Vỏn vẹn chỉ một cuốn của Hội Đồng Hoằng Pháp trình lên để Ôn xem qua thôi, mà Ôn cũng cho luôn. Thầy thị giả thưa, “Bạch Sư phụ! Dạ được một cuốn, sao Sư phụ cho đi hè?” Người mỉm cười, rồi lại hỏi, “con có bộ Thanh Văn Tạng chưa? nói quý Thầy cho đem về mà đọc, Thầy dịch và chú giải hết rồi, Hội Đồng Hoằng Pháp in ra, chắc gần cả 1000 cuốn đó. Xem lúc in ra, nhớ thỉnh cho trọn bộ, sợ in một đợt, lần sau không in nữa là không trọn bộ đó nghe.” Người nói, “xem giúp Thầy mấy giờ rồi”, minh chứng Người tranh thủ từng giây, đến phút cuối Người vẫn một lòng, không ngại mọi rào cản, dù thân đang lâm trọng bệnh, nhưng Người vẫn cố làm nốt cho xong công việc. Trái tim từ bi với lòng vị tha của Người trước sau như một, vẫn một lòng quyết tâm để bảo lưu Chánh pháp, gìn giữ Đạo mầu truyền lại cho hậu thế cho đến phút cuối chuyển sang thế giới mới. Lần đó cũng là lần cuối cùng, chúng con được đảnh lễ và hầu chuyện.

Nay về lại thăm quê, muốn ghé thăm Ôn chỉ còn lại án hương và di ảnh bất động mà thôi.

Lòng bi mẫn của Người đối với học trò không những động viên về việc tu học, hoằng pháp lợi sanh, cứu nhân độ thế, Người còn dạy, luôn bao dung những người chống phá mình nữa. Lời dạy của Người như dòng suối thanh lương rót vào từng tâm lượng của mỗi chúng sanh.

Một bậc Thầy khả kính, nghiêm khắc, nhưng thân thiện, mộc mạc, hiền hoà, giản dị, luôn nở nụ cười mỗi khi đến lớp, luôn đặt hết những tâm huyết vào bài giảng muốn trao gửi cho học trò mình bằng phương pháp tối giản nhất, dễ hiểu nhất. Từng bài giảng của Người chứa trọn của một bậc Thầy vĩ đại trên những bậc Thầy vĩ đại. Người luôn phối hợp pháp Tứ Tất Đàn, khế lý khế cơ để phù hợp từng quốc độ, hợp với hoàn cảnh, hợp với từng căn cơ trình độ tầng tầng lớp lớp học trò của Người.

Hơn thế nữa, Người luôn đưa ra những ví dụ cụ thể trong chốn Thiền môn cho đại chúng ứng dụng. Người luôn chỉ dạy những pháp học pháp hành để động viên, sách tấn, an ủi, khuyến tấn khi gặp hoàn cảnh thuận duyên hoặc nghịch cảnh đều biết mà ứng xử.

Một bậc Thầy đưa đường chỉ lối, như đấng Cha lành thương xót đàn con đang bơ vơ lạc lỏng, giữa dòng đời Xã hội đầy nhiễu nhương, mất phương hướng. Chúng con lại gặp được bậc Thầy, luôn đồng hành với tầng lớp học trò của Người, và nhờ sự đồng hành của Người, chúng con nhìn thấu cùng tận của sự thật: bậc Thầy luôn yêu thương Đạo Pháp và Dân Tộc; bậc Thầy tròn đầy phẩm chất Bi Trí Dũng. Thiết nghĩ in như Phẩm 23 trong kinh Pháp Hoa, “như con gặp mẹ, như qua sông gặp thuyền, như tối được đèn, như bệnh gặp được Thầy thuốc, như dân gặp vua.”

Với dòng chữ đơn sơ mộc mạc, với lối văn trần gian này, thì làm sao tả hết được Ân đức Công hạnh cao cả của Người đã dành cho chúng con và nhân loại.

Kính lạy Giác Linh Ôn. Dẫu rằng, Người dạy khi Thầy đi rồi có buồn thì buồn ít thôi. Sách của Thầy để lại nhiều lắm, hãy siêng đọc sách, học hỏi và nghiên cứu mà tu tập. Mỗi lần đọc sách, nghiên cứu… in như Thầy đang hiện hữu vậy đó. Đọc sách và tu tập cho mình, tức là giúp ích cho mọi người.” Hạnh nguyện độ sanh của Người, rung chuyển cả Tam Thiên. Đại dương sóng vỗ cũng thành tiếng khóc thầm. Người đi để lại hàng triệu triệu nỗi niềm kính tiếc hiu quạnh chơi vơi.

Đã rõ là cảnh vô thường

Mà sao lòng cứ nhói đau ngút ngàn

Chúng con hiểu, với Ôn sanh tử chỉ là giả hợp; với Người sanh tử chỉ là hoa đốm giữa hư không. Người khuất ở nơi này, rồi sẽ hiện ở nơi khác. Nhưng chúng con là kẻ phàm Ni, đứng trước cảnh biệt ly mất mát quá lớn này, làm sao chúng con ngăn được dòng lệ và làm sao vơi đi cảnh đau buồn. Tìm nơi đâu có được một vị Thầy như vậy nữa? Nếu có chăng, chỉ còn lại trong huyền thoại và trong ký ức mà thôi.

TV. Phước Huệ Quang

PL.2568. DL 2024 Mạnh đông

Con, học trò TN Diệu Như kính cẩn bút

——

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận