Tâm Nhãn: DỤ NGÔN CỦA THẦY

Một đạo hữu nhờ tôi viết một bài về kỷ niệm những năm tháng thầy Tuệ Sỹ an cư ở Diên lâm, Diên Khánh, Khánh Hòa, để anh in trong tác phẩm của mình sắp xuất bản. Những kỷ niệm ấy, thỉnh thoảng tôi đã viết đăng rải rác trên Facebook. Kỷ niệm tình thầy trò thì bàng bạc, điều đáng kể là kho kiến thức của thầy: Phật điển, vật lý, khoa học, tâm lý học v.v… truyền dạy, nhưng chẳng học trò nào có thể lãnh hội hết. Tôi chỉ nhớ vài dụ ngôn trở thành lời thiêng bất hủ của thầy, giờ ghi lại ở đây kẻo quên:

1. Tiền thật, tiền giả:

Thầy nói, trong xã hội nhà chùa hiện tại, tiền giả đang lên ngôi, thì chúng ta có cầm tiền thật trong tay cũng vô nghĩa. Tức tu sĩ ngày nay, tu học thiển cận, mở tông lập phái, giảng dạy thiếu cơ sở giáo lý. Người nghe ngưỡng mộ chiếc y chiếc áo họ đang đắp, tin chắc sư này, cô kia nói đúng tin theo. Cứ thế loại “tiền giả” này phổ biến, nhân rộng và trở thành thịnh hành; chân lý là “tiền thật” không còn giá trị nữa. Số Tăng nhân giảng chân lý chỉ số ít, giáo nghĩa nói ra đi ngược với thứ truyền thống mà tiền giả đang thịnh hành, do đó khiến thiên hạ khó tin.

2. Cha con trong nhà khen nhau:

Ý của thầy, hiện trạng trình độ học tập và nghiên cứu của Tăng ni trong nước cứ tự hào về những “thành tựu đang có”, nhưng thực chất nhìn ra thế giới, mình thua thiệt người ta.

Tôi diễn giải lại. Hiện tại Phật giáo Việt Nam có ba cơ sở đào tạo lớn, là Phật học viện tại Sài Gòn, Huế, Hà Nội, nhưng những tấm bằng đạt được không được Bộ giáo dục nhà nước công nhận. Cử nhân, Tiến sĩ Phật giáo được đào tạo rất nhiều, song số người nghiên cứu Phật giáo chẳng là bao. Khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 những trường phái Phật giáo như Franco-Belgique dưới sự chỉ đạo của Vatican tập trung nghiên cứu, phiên dịch các tác phẩm Đại thừa như Trung quán và Duy thức, đơn cử Étienne Lamotte là Linh mục người Bỉ biên dịch ấn hành “Đại trí độ luận” (Le traité de la Grande Vertu de Sagesse de Nāgārjuna – Mahāprajñāpāramitaśastra) năm 1944. Vấn đề về nghiệp họ cũng nghiên cứu như “Đại thừa thành nghiệp luận” của Thế Thân (Karmasiddhiprakarana – The Treatise on Action by Vasubandhu), Étienne Lamotte biên dịch Pháp ngữ, Leo M. Pruden dịch sang tiếng Anh. Trường phái thứ hai là Leningrad của Nga, dẫn đầu bởi Stcherbatsky tập trung nghiên cứu luận lý học. Trường phái thứ ba là Anglo-saxon mà trung tâm là Tích Lan và London, tập trung phiên dịch Tam tạng Pāli, và nghiên cứu Abhidhamma theo hướng tâm lý học phương Tây. Chúng ta đều nghiên cứu lại của họ, những gì chúng ta đang “tự hào” chỉ là “cha con trong nhà khen nhau”.

Thật sự nếu mang niềm kiêu hãnh và tự hào chỉ “mót” lại chút quá khứ vàng son của Viện Đại học Vạn Hạnh trước 75. Ai từng học và làm việc nơi đây đủ thẩm quyền sánh vai với Phật giáo thế giới. Một mình Hòa thượng Minh Châu dịch Tạng kinh Nam truyền, Ôn Quảng Độ dịch bộ Từ điển Phật quang… Thầy Tuệ Sỹ làm tạng Thanh văn; Phạm Công Thiện một triết gia phương tây, không có người thứ hai; Lê Mạnh Thát một sử gia lỗi lạc, luôn thao thức trăn trở với tiền đồ Phật giáo.

3. Cái dơ của thằng ăn mày:

Thằng ăn mày dơ dáy, không có khái niệm tắm rửa, đụng đâu ngủ đó. Thân thể đã bẩn thì nằm chỗ sạch dơ như nhau. Ví cho người làm ác, hay tâm bất thiện tràn ngập, ăn chơi trụy lạc, xô bồ bừa bãi, đối với họ có một lương tâm trong sáng thánh thiện như thứ “trang sức” đắt giá khó mua, màng đến làm gì. Mỗi ngày trôi qua làm chút ác cũng thấy bình thường như thằng ăn mày la cà đầu đường xó chợ, chút bụi bặm bám thêm chẳng biết nhớp là gì.

4. Sống giả miết rồi cũng thành thật:

Ở đời lắm kẻ sống giả, họ khoác trên người chức vị, quyền thế, danh phận…, kết hợp cùng nhiều vòng hào quang giả tạm; đi ra ngoài, đứng trước công chúng như ông “thần”, ông “thánh”, đôi khi có chút kệch cỡm. Nhưng thế buộc bắt họ vào “vai diễn”, phải diễn cho thật, cho hay… ngày này qua ngày nọ dần nhập vai y như thật. Chẳng ai biết đằng sau “cánh gà” của cuộc đời họ như thế nào, miễn sao khi họ chết công chúng biết họ đã sống một đời “chuẩn mực”. Đó là sống giả miết rồi cũng thành thật.

Còn nhiều câu nói trở thành tâm điểm phục hưng cho nếp sống đời lẫn đạo. Chỉ có người trí ưu thời mẫn thế mới vướng bước trong suy tư, trầm mình trong lý trí, phát biểu thành tư tưởng dụ ngôn.

Giữ được đức mà không biết phát huy, tin phục đạo lý mà không kiên định làm theo. Có người ấy thì ích lợi gì? Không có người ấy thì hại gì?” (执德不弘,信道不笃,焉能为有?焉能为亡?[Chấp đức bất hoằng, tín đạo bất đốc, yên năng vi hữu? Yên năng vi vong?])

Tâm Nhãn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận